Cầu Nguyện Và Suy Niệm
Chúng ta luôn tìm thấy giữa những con đường khác biệt nhưng đồng quy của chúng ta hai khía cạnh sau đây: khác biệt như đồng quy.
Ðối với một Phra Chao = Thiên Chúa Thượng Ðế, được hiểu như là "một kẻ nào đó", người ta có thể tâm sự như là với "một kẻ nào đó", khấn nguyện với người, như người hiện diện đâu đó. Tuy nhiên người ta cũng có thể đứng đó, sẵn sàng, thinh lặng, ra đi và hành động theo Luật của Thượng Ðế.
Kitô hữu gọi Athitthan là những lời cầu xin, đối với chúng ta Athitthan lại mang những ý nghĩa khác biệt. Phải chăng kitô hữu có thể tin rằng những phật tử đang đọc "lời nguyện" như họ, khi họ thấy những phật tử tập trung tư tưởng giây lát, hoặc chấp tay đối diện tượng Phật trước khi dâng một lễ vật nào đó, hoặc trong bất kỳ trường hợp nào khác?
Athitthan có nghĩa là "xác chứng" một quyết định, một quyết tâm "thú nhận" một ý hướng trước khi làm một hành vi "đáng khen", một cử chỉ bác ái nào chẳng hạn. Một cách lý tưởng điều đó bao gồm việc cải lương ý định, điều chỉnh cho phù hợp với Pháp Tối Hậu của Dharma.
Chúng ta bỏ qua một bên những lối nhìn của Phật giáo "cổ xưa" thường cậy trông vào một "Quyền năng" hay cứu vớt nào đó để cầu xin giúp đỡ hay ân huệ. Ðối với Pháp Tối Hậu, Dharma, điều duy nhất mà chúng ta phải đáp ứng lại chính là thái độ thích ứng và chuyên tâm sống phù hợp theo. Ðối với Ðức Phật, người phật tử không có ý niệm coi Ngài thực sự sống, hiện hữu đó để cầu xin Ngài. Mối tương quan thực sự với Ðức Phật thuộc bình diện "tưởng niệm", tri ân đối với điều mà Ngài đã làm ngày trước cũng như đối với Pháp Tối Hậu Dharma mà Ngài đã chân nhận ra và truyền lại cho chúng ta như là Con Ðường để sống, để chúng ta tự thực hiện cho chính mình vì sự giải thoát của chúng ta. Ðức Phật đã nói rõ điều nầy: Ngài "tịch diệt", "nhập niết bàn" với tư cách là một cá thể, "không phải là nguồn gốc cứu độ nào cả"; chỉ có Dharma thực sự là "cứu độ" - "chốn quy ẩn" (Sarana) - Dharma, mà chúng sinh phải tuân theo. Ðức Phật chỉ là "chốn quy ẩn" xét trên bình diện "tưởng niệm", trong phạm vi những Pháp tắc mà Ngài đã xây dựng trước đây khi còn tại thế trong thân phận một cá thể phù du.
Một phật tử muốn khấn vái điều gì đặc biệt thì có thể cầu xin những Devas (Thiên nhơn), những thần thánh thuộc Bà La Môn giáo, họ là những kẻ còn sống và hiện hữu trong những cá thể hữu hạn như chúng ta. Một phật tử "chân chính" sẽ chối từ việc cầu xin ủi an nầy và đảm đương tình cảnh cá biệt của họ, tình cảnh đó cho dù thực sự là "tùy thuộc" nhưng tuyệt đối không bao giờ là "tất định", không bao giờ thất vọng, luôn luôn còn lối thoát cho tự do nội tâm, cho ý hướng tính của mình.
Ðối với kẻ đã quen thuộc với lối nhìn hữu thần, những Ðạo theo Bhakti, tin vào một Thượng Ðế được coi như là "một kẻ nào đó", "sống thực, "hiện diện", nhân từ và thương yêu thì Ðạo Phật xem ra quá khắc khổ, lạnh lùng và ngột ngạt. Thực ra nhiều người sống theo Phật Pháp với tâm hồn minh mẫn, thoải mái... không hề khinh chê những ai cần sự dung hòa tạm thời cần thiết, trong khi chờ đợi...
Chúng ta không phải không biết rằng nhiều phái phật giáo khác đã du nhập những yếu tố "Tin-Cậy-Mến" đối với những Bồ Tát (Bodhisattva), những Ðức Phật vị lai nhiều lòng từ bi mà một trong những vị đó là Phật Di Lặc (Phra-Sri-Àrya-Mettrai) được coi là "Người bạn thần thánh" hay giúp đỡ, rất phổ biến ở Thái Lan và Ai Lao. Hơn nữa Tịnh Ðộ Tông được xem như là một hình thức phật giáo theo Bhakti.
Có nhiều hình thái khác nhau trong Phật giáo nói chung, tuy nhiên chúng ta phải phân biệt rõ đặc tính của Phật giáo Theravàda - của những bậc trưởng lão - được nhiều người theo ở Thái Lan cũng như những xứ lân bang. Phật giáo Theravàda đi theo Con Ðường nguyên thủy của Anattà, "Vô Ngã".