Kitô Giáo

Dưới Mắt Một Phật Tử

Ðại Sư Buddhadàsa (Thái Lan)

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ðôi Nét về Ðại Sư Buddhadàsa

 

Buddhadàsa sinh ngày 27/05/1906 trong một gia đình tiểu thương, tại Bumrieng, quận Chaiya, tỉnh Surat Thani, Thái Lan. Mẹ là người gốc Thái và cha mang hai dòng máu: Cha Trung Hoa, mẹ Thái. Tôn Giáo Thái Lan đóng vai trò quyết định trong cuộc đời của ngài từ thuở thiếu thời, cho dù được sinh ra và lớn lên trong môi trường thương nghiệp của giới Hoa Kiều ở Thái Lan.

Có hai sự kiện ảnh hưởng đến suy nghĩ của ngài về tôn giáo: Một mặt ngài có một số bạn bè thời thơ ấu ở làng lân cận là tín đồ Hồi giáo; qua những bằng hữu này, ngài khám phá ra rằng thì ra ngoài Phật giáo cũng có những người sống cuộc đời thực sự đạo hạnh. Mặt khác, trong nhiều trường hợp ngài nhận thấy không phải chỉ tự xưng mình là phật tử thì tự nhiên có phẩm chất tôn giáo; trong hàng ngũ của những người tự coi mình là con Phật thiếu gì những hiện tượng bè phái, mê tín và ngay cả trụy lạc!

Với một căn bản tri thức vững chắc, kinh nghiệm nghề nghiệp trong cơ sở thương mại của gia đình, nhất là khi thân phụ đã qua đời, cũng như những cuộc tiếp xúc với các chuyên gia Tây phương làm việc tại Thái Lan, đã cho ngài một cái nhìn mở rộng ra thế giới bên ngoài vốn không phải là Phật giáo, tuy nhiên ngài vẫn không xao lãng chuyên tâm nghiên cứu phật học. trước tiên qua việc đọc kinh sách trong những lúc nhàn rỗi, và sau đó là việc quy y cửa Phật - không phải chỉ ba hay bốn tháng như hầu hết các thanh niên Thái, nhưng là một sự lựa chọn vĩnh viễn.

Thất vọng về cuộc sống ở thủ đô Bangkok, nơi ngài đến để theo đuổi việc học, Buddhadàsa không ngần ngại phê phán những lối hành xử của các sư sãi đã gặp, ngài quyết định gởi thân cửa Phật để tìm về nguồn gốc sâu xa của Phật Giáo. Trở về sứ điệp uyên nguyên của Ðức Phật; nghiên cứu thẳng Tam Tạng mà không vịn vào các lối giải thích xưa nay; không cần theo sát chương trình học để lấy bằng cấp cũng như các sách giáo khoa: tất cả thái độ đó nhằm đưa đến quyết định "tìm về một nơi yên tịnh, xa cách những phiền nhiễu nội tâm cũng như ngoại cảnh, để xác minh và đào sâu Giáo Thuyết mà tôi đã học cũng như để bổ túc thêm"; quyết định "sống một đời trong sáng, thực sự độc lập, để từ đó kiếm tìm sự thuần khiết và chân lý (...): Từ nay chúng ta không còn đeo đuổi theo người đời nữa (...) Chúng ta thuộc thế gian này về mặt vật chất, nhưng về mặt tâm linh, chúng ta cố gắng không lệ thuộc thế gian này, để có thể đạt đến sự thuần khiết (...) Chúng ta sẽ hành xử theo gương Ðức Phật."

Suốt cuộc đời, Buddhadàsa thực sự đã cố gắng sống theo con đường vạch ra qua bức thư gởi cho người anh của ngài lúc lên 25 tuổi. Vào năm 1932, ngài sáng lập một nhóm nhỏ có tên gọi là "Tặng Phẩm của Dhamma": nhóm này có ra một tờ báo nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo qua việc truyền bá một cách minh bạch và đầy đủ học thuyết của nhóm, và qua việc khuyến khích thực hành Pháp: "Nhóm chúng tôi (...) không có ý định phân biệt những tu sĩ hành đạo đúng đắn với những tu sĩ làm sai quấy - việc đó sẽ phân chia người ta ra thành từng bè từng cánh - nhưng ước vọng của nhóm là làm thế nào để mọi người sẽ thực hành Giáo Pháp tốt hơn trình độ hiện tại, không lấy ai làm tiêu chuẩn đo lường cả."

Hơn 50 năm qua (tính đến 1987), Buddhadàsa sống lý tưởng của mình cùng với một nhóm nhỏ tăng chúng, trong một tăng đoàn hầu như là ẩn dật "nơi rừng vắng" có danh hiệu đầy ý nghĩa: "Vườn Giải Thoát". Chính phần lớn nhờ vào tờ báo, nhờ vào tiếng tăm đồn thổi cũng như những buổi du thuyết, Buddhadàsa không những chỉ được biết đến và tôn vinh bởi một số đệ tử, nhưng ảnh hưởng của ngài đã lớn mạnh không những trong toàn cõi Thái Lan mà còn vượt xa hơn nữa.

 

Nguồn gốc tác phẩm "Kitô giáo dưới mắt một Phật Tử"

Ðại sư Buddhadàsa đã từng là tác giả của một số tác phẩm quan trọng về Phật Giáo bằng tiếng Thái và được dịch ra Anh ngữ; tuy nhiên hoạt động chính và nổi bật của ngài là "nói những buổi thuyết pháp, đàm đạo, được đăng trên các tuần báo và, đôi lúc, cả nhật báo, theo yêu cầu của nhiều nhóm, thường là giới trí thức của thủ đô Bangkok từng đến tịnh tâm một thời gian ngắn ở chốn tùng lâm của ngài.

Trong các buổi thuyết pháp như thế, đại sư thường nói thật dài, thoải mái, không có bài dọn sẵn. Có thể ngài đã suy tư chín chắn về đề tài sắp trình bày, và diễn giải một cách khúc chiết, với những câu hỏi khôi hài. Việc lặp đi lặp lại là phương pháp cốt yếu của diễn trình giáo huấn cũng như thực tập được ngài áp dụng triệt để trong các buổi thuyết pháp này. Những buổi thuyết pháp đó thường được các đệ tử thu băng lại và in thành những tập nhỏ.

Tác phẩm được tạm mang tựa đề "Kitô giáo dưới mắt một phật tử", lần đầu tiên được in thành sách vào năm 1984, gồm 12 bài thuyết pháp vào 12 ngày thứ bảy đầu năm 1979, theo gợi ý của một giáo sư đại học quốc gia Bangkok, từng du học tại Rome và Ðức quốc: giáo sư Séri Phongphit. Ðại sư Buddhadàsa đã thuận cho phép xuất bản tác phẩm với điều kiện là giáo sư Séri phải thêm vào những lời giải thích tiên dẫn. Sau khi tham khảo bằng hữu phật tử và kitô hữu, giáo sư Séri đã đưa vào phần cuối tác phẩm 7 điểm giải thích về 7 điểm được coi là quan trọng liên hệ đến lối nhìn về Kitô giáo (thực ra, đó là những chú giải về từ ngữ kitô giáo, và không có trong bản dịch Pháp ngữ - và Việt ngữ nầy). Ðại sư Buddhadàsa cũng yêu cầu tác phẩm phải được kitô hữu đọc lại và cho ý kiến trước khi ấn hành. Ðộc giả cũng cần lưu ý đến bầu khí ngột ngạt và căng thẳng trong mối liên hệ giữa phật giáo đồ và kitô hữu tại Thái Lan trong những năm đầu của thập niên 80 để hiểu rõ hơn về sự cần thiết của tác phẩm và sứ vụ hòa bình mà đại sư Buddhadàsa đã cố gắng thể hiện.  

 


Back to Home Page