Ngài vào và đi tắt ngang qua Jêricô. Và này, có người tên gọi Giakêu, ông trưởng ty quan thuế, và là người giàu có. Ông tìm cách để coi cho biết Ðức Kitô là ai, nhưng bởi có đám đông nên không thể được, vì ông vóc dáng thì thấp bé. Vậy ông chạy đón đằng trước, trèo lên một cây sung để thấy được Ngài, vì Ngài sắp ngang qua đó. Khi Ngài vừa đến chỗ ấy, Ðức Yêsu ngẩng lên nhìn và nói cùng ông: Giakêu, xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi". Ông vội vàng xuống và mừng rỡ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy thì kêu trách rằng: "Ông ấy vào ngụ nhà một người tội lỗi!" Ðứng lại, Giakêu thưa cùng Chúa: "Này, nửa phần của cải tôi, thưa Ngài, tôi xin bố thí cho kẻ khó, và nếu tôi đã gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp bốn". Ðức Yêsu nói cùng ông: "Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi chưng người này cũng là con của Abraham, vì Con Người đến để tìm cứu sự hư đi" (Lc. 19: 1-10).
* * *
Cả đám đông tuôn đến, tại sao Ðức Kitô lại để ý có mình Giakêu? Làm gì mà Giakêu phải vất vả tìm Ðức Kitô? Sự kiện hai người muốn gặp nhau có thể gợi ý để ta đặt vấn đề và tìm hiểu về cuộc tìm nhau này.
— Luca nói một điểm quan trọng về thân thế của Giakêu. Ông ta không phải là người đi thu thuế mà là "thủ lãnh" những người thu thuế. Jêricô bấy giờ là hải cảng. Thu thuế ở nơi xuất nhập cảng phồn thịnh phải là một tay có thế lực. Chức vụ lớn này do người Roma bán đấu giá cho những tay có nhiều tiền, trả cao. Kẻ thu thuế phải nộp đủ thuế. Roma cho họ quyền tìm mọi phương tiện, dù là siêu cao thuế nặng trên cuộc sống của dân. Dựa vào quyền của ngoại xâm, lại được tự do đánh thuế, họ có thể làm giầu một cách vô lương tâm. Trước mặt người Do Thái, người ta ghê tởm và miệt thị hạng người thu thuế. Giakêu bị liệt vào "những người tội lỗi, và gái điếm" (Mt. 11:19; 21:31).
— Trong nghề nghiệp đó, bạn bè của ông chắc là những người thu thuế, các sĩ quan Roma. Vậy, tại sao ông lại vất vả chen lấn với đám đông để mong gặp một người tên là Yêsu kẻ hoàn toàn khác địa vị xã hội với ông. Ðộng lực nào thúc đẩy ông đi tìm Ðức Yêsu?
— Người Do Thái thời Chúa Yêsu quan niệm rằng tật nguyền là kết quả của tội lỗi. Thí dụ, kẻ mắc bệnh cùi bị loại xa khỏi cộng đoàn. Ai chạm vào những người này đều ra nhơ bẩn. Chúa Yêsu đã chuyện trò, giao tiếp với họ, nên đã ra nhơ bẩn. Chúa Yêsu đã tiếp xúc với ngay cả những người bị thần ô uế ám. Vậy, tại sao Giakêu lại dám đón Chúa vào nhà mà không sợ gia đình phê bình chỉ trích, không sợ sẽ ra nhơ bẩn khi tiếp xúc với Chúa?
— Thu thuế là người tội lỗi. Kẻ đạo đức không bao giờ chấp nhận ngồi chung bàn. Bị dân chúng thù ghét, điều đó có nghĩa ông có thể bị nguy hiểm đến tính mạng khi đối diện với quần chúng giữa đám đông. Ðiều ấy cho thấy ông đã phải liều, và bỏ ra ngoài mọi phê bình. Ðể gặp Ðức Kitô, người ta phải trả một giá nào đó. Gặp gỡ Ðức Kitô bao giờ cũng là một thách đố. Theo Ngài luôn luôn hàm ý một cuộc thay đổi đi ngược quan niệm đương thời.
— "Này nửa phần của cải tôi, thưa Ngài, tôi xin bố thí cho kẻ khó, và nếu tôi đã gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp bốn" (19: 8). Trong các sách Lêvi (5: 20-26), Xuất Hành (21: 37), Dân Số (5: 6f.) đều nói đến phải trả lại, đền bù cho người nghèo, người bị thiệt hại một số của cải. Ðó là luật trong Cựu Ước. Khi gặp Chúa, ông trình bày ngay. Việc ông trình bày ngay vấn đề cho thấy ông đã nghiên cứu Kinh Thánh, biết các lề luật đó. Như vậy, có phải hồn ông đã có một thao thức?
— Giakêu đã trình bày lòng sám hối với Chúa Kitô ngay dưới gốc cây chứ không phải ở nhà riêng của ông. Làm vậy, nhiều người nghe thấy. Tại sao không để về nhà, nói chuyện kín đáo, đây đâu có phải là chuyện tốt của đời ông để nói giữa đám đông?
— Phúc Âm kể tiếp: "Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Yêsu là người như thế nào, nhưng không thể được vì người ta đông quá" (Lc. 19: 3). Ðám đông đã là nguyên nhân nghẽn trở. Trong cuộc sống Kitô hữu, nhiều bước đời đã chìm vào bóng đêm, lạc lối ánh sáng vì cuộc sống trần tục của đám đông đã cản họ đường về với chính lộ. Ðám đông này đã kết án Chúa khi biết Ngài lưu nghỉ ở nhà của Giakêu. Mọi người kêu trách rằng: "Ông ấy vào ngụ nhờ một người tội lỗi" (Lc. 19: 7). Như thế, đám đông chẳng những cản đường Giakêu gặp Chúa mà còn cản lối Chúa gặp Giakêu. Ðó là sức mạnh của dư luận, của trào lưu.
— Biết mình nhỏ bé không chen vào đám đông được. "Vậy ông chạy đón đằng trước, trèo lên một cây sung để thấy được Ngài, vì biết Ngài sắp đi ngang đó" (Lc. 19: 4). Sự thôi thúc đến từ một ước vọng bao giờ cũng có sáng kiến. Có những sáng kiến nhẹ nhàng, êm ái. Nhưng cũng không thiếu những sáng kiến phải chấp nhận nặng nề đau đớn như sáng kiến yêu bằng tình thập giá.
* * *
Phải chăng trong cuộc sống dư giả vật chất, bận rộn với công việc làm ăn, ông vẫn thấy lòng trĩu nặng ưu tư. Một mảnh đời lẻ loi nào đó vẫn lạc lõng. Rồi trong đêm thinh lặng, lần rở vài trang Cựu Ước, tiếng lòng hồi sinh, gọi ông trả lại của cải thế trần cho trần thế. Trả lại ngay thẳng cho lương tâm. Hồn ông như có một thao thức thầm kín, có băn khoăn và chờ đợi, đã mong. Ðiểm mang nhiều ý nghĩa là cuộc gặp gỡ này xẩy ra ngay trước khi Ðức Kitô vào Jêrusalem. Ngài sắp chết. Ðiều ấy có nghĩa rằng nếu không gặp được lần này, có lẽ Giakêu sẽ chẳng bao giờ gặp được Ðức Kitô nữa. Vì thế, ông nhất định đi tìm Ngài.
Vì sự kiện Giakêu gặp Chúa xẩy ra ngay sau khi Chúa chữa người mù, trước khi vào thành Jêrusalem chịu tử nạn. Ðể tìm hiểu con người Ðức Kitô trong thái độ đi tìm nhân loại, mà điển hình là Giakêu, ta hãy liên kết hai câu chuyện trong một cái nhìn so sánh để thấy cả hai khung cảnh đều có những liên quan ý nghĩa mật thiết. Những tương quan giống nhau thật thú vị của những cuộc tìm nhau.
Người mù (Lc. 18: 35-43) — — — — Giakêu (Lc. 19: 1-10)
Ngài đến gần
Yêricô — — — — — — Ngài đi tắt ngang
Yêricô
Có người mù ăn xin ở
vệ đường — — — Có người
thu thuế tên Giakêu
Hắn hỏi xem có chuyện gì thế
— — — Ông tìm cách để biết
Ðức Yêsu là ai
Ðám đông quát bảo hắn
im đi — — — Vì đám đông, ông
không tới được
Hỡi con vua Ðavit, thương xót tôi
— — Leo lên một cây chờ Chúa
đi qua
Ðức Kitô dừng lại — — — —
—— — — Ðức Kitô nhìn lên
Ngài truyền cho dẫn hắn lại — — —
— Ngài truyền cho ông xuống
Lòng tin của ngươi đã cứu
ngươi — — — Ơn cứu độ đã
đến cho nhà này
Hắn thấy được và đi
theo Ngài — — — Nửa phần của cải,
tôi xin bố thí cho người nghèo.
Nếu tôi gian lận, tôi xin đền
gấp bốn.
Người mù gặp Ðức Kitô trước. Tiếp liền là Giakêu. Cả hai trường hợp đều xẩy ra ở cổng thành Yêricô. Nghĩa là Chúa sắp tới Jêrusalem để nhận thánh giá. Hai biến cố đều là những cơ hội sau cùng.
Cả hai trường hợp đều có đám đông. Nhưng đặc biệt, hai người nhận được ơn cứu rỗi là người đến từ đám đông, chứ không thuộc về đám đông.
Trong cái đám đông rừng người ấy, Ðức Kitô như vẫn lạc lõng. Cung đàn chưa bắt được độ rung. Trong cái đám đông rừng người ấy, có hai vì sao lạc: Người mù ngồi bên vệ đường, và kẻ thu thuế náu trên cây.
Cả hai trường hợp, đám đông đều là nguyên nhân cản trở. Người mù bị đám đông quát bảo: Im đi! Giakêu bị đám đông thù ghét.
Cả hai can đảm như nhau, người mù cứ la lên: Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi. Còn Giakêu thì liều mạng đi gặp Ngài. Với hai cái liều mạng ấy, xẩy cái liều mạng thứ ba: Liều mạng của Ðức Kitô.
Mọi người kêu trách: "Ông ấy vào ngụ tại nhà một người tội lỗi" (Lc. 19: 7). Một thân phận mù lòa, một kẻ thu thuế, một người bị kết án giao tiếp với hạng tội lỗi. Cả ba tâm hồn, họ bỏ lại đám đông, thản nhiên đi tìm nhau. Ðấy là hình ảnh của Nước Trời. Nước Trời như một cơn bão lốc, xoáy lên, làm ngơ ngác con người vì đi ngược lại dòng đời. Nét đẹp của Ðức Kitô là bất chấp cuộc đời dị nghị. Ngài trung thành với ơn gọi từ thủa ban đầu: "Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom chúng. Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày nó ở giữa phiêu bạt thế nào, cũng vậy, Ta sẽ chăm nom chiên Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi chỗ chúng tán loạn, và ngày mây mù đen tối" (Ezek. 34: 11-12).
* * *
Lạy Chúa,
Lời nguyện của con hôm nay là
xin nhìn rõ cái liều mạng của
Chúa dám đi ngược lại lời
kết án của đám đông.
Ðối với Chúa, không có
gì cản được lòng xót
thương của Chúa. Chỉ có lòng
ước ao gặp Chúa thôi, mà
Chúa dám bỏ tất cả để
tìm gặp con. Con muốn hiểu lời
diễn tả về Chúa trong thư thánh
Phaolô gởi cho Timôthê:
"Ðức Kitô đã đến trong thế gian để cứu các kẻ tội lỗi, mà trong số đó, tôi là người thứ nhất" (1 Tim. 1: 15).
Sách Thiêng Liêng "CON
BIẾT CON CẦN CHÚA" của tác
giả Nguyễn Tầm Thường.
Có bán tại các nhà sách,
giá bán: USD $10.00
Ðịa chỉ liên lạc
mua sách:
Mr & Mrs Nguyễn Văn Nhuệ
22277 Modina
Laguna Hills, CA 92653
Tel: (714) 830-0208
(C) Copyright 1997. Tác giả giữ bản quyền.