Sách Thiêng Liêng
Con Biết Con Cần Chúa

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ
Trung Tâm Truyền Hình Quang Khải, Ðài Loan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


THỜI GIAN

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Ngài là khởi nguyên và tận cùng (Kn. 22: 13). Ðiều ấy có thể diễn tả cách khác, Thiên Chúa là thời gian. Nhưng Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Thiên Chúa làm chủ thời gian chứ không phải thời gian là Thiên Chúa. Thời gian chỉ hiện hữu trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa hiện hữu trong thời gian. Hiểu như vậy, thì ai sống trong Thiên Chúa mới thật sự sống trong thời gian. Còn sống trong thời gian chưa phải là sống trong Thiên Chúa.

* * *

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Yoan còn định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Jn. 4: 16). Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Như thế, thời gian và tình yêu song hành là một. Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu. Và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ thành lạnh lùng nghĩa trang, là củi mục buồn nản. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó, kẻ đang yêu là người sống trong thời gian với đắp đầy niềm vui êm ả. Kẻ biết yêu là người biết nhìn thời gian như dòng ngọc bạc. Và kẻ sống trong Thiên Chúa là người phải biết quý thời gian.

* * *

Chúa dựng nên tôi bằng thời gian. Chúa cứu rỗi tôi bằng thời gian. Tôi sẽ gặp Chúa bằng thời gian. Thời gian là tất cả, bởi đó tôi nên dành cho thời gian một suy tư của tôi về cuộc sống.

Nói về thời gian thì sách Giảng Viên trong Kinh Thánh viết như sau:

Có thời quăng đi, có thời lượm lại. Có thời than van, có thời nhảy múa. Ðó là những lời hứa, thế nhưng khi nào được lượm lại, khi nào được nhảy múa. Thực tế trong cuộc sống có quá nhiều chịu đựng gian nan. Có những cơn bệnh kéo dài của thân xác, có những nặng nề năm tháng của tâm hồn. Nó là những đường hầm dài hun hút khổ đau. Tiếng thở dài của con người vẫn là: Khi nào tôi mới qua khỏi tháng ngày bất hạnh này.

Những lời nói về thời gian của sách Giảng Viên trong Cựu Ước có lẽ đã được Chúa Yêsu cắt nghĩa trong bài giảng trên núi. Tin Mừng thánh Luca ghi như sau: "Phúc cho các ngươi, khi thiên hạ oán ghét các ngươi, khi họ loại các ngươi đi cùng sỉ mạ, khi họ khử trừ tên các ngươi như đồ xấu xa vì cớ Con Người. Hãy vui sướng trong ngày ấy, hãy nhảy mừng, vì này: phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lao" (Lc. 6: 20-26).

Nếu tôi phải quăng đi vì đức tin, sẽ có ngày tôi được Ngài đưa về với triều thiên. Nếu có thời tôi bị xé rách vì đức tin, sẽ có thời tôi được Ngài khâu lành bằng ơn sủng. Nếu có ngày tôi bị khóc than vì đức tin, sẽ có ngày Ngài đưa tôi vào dự tiệc Nước Trời.

Nếu lấy thời gian để xây đắp cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi bị vứt sạch khi Nước Trời đến. Nếu lấy thời gian để kiếm tìm cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi bị lạc lõng khi Nước Trời đến. Nếu lấy thời gian để ôm ấp cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi phải xa nhau khi Nước Trời đến.

Mầu nhiệm của thời gian và biến cố trong cuộc sống

Ðêm Giáng Sinh nối kết với đêm tử nạn trong mộ đá sâu. Ðể rồi một thời trong mộ đá sâu dẫn tới một thời Phục Sinh bừng sống. Có ngày than van vì đức tin thì hãy trông ở đằng trước, sẽ có ngày ủi an. Và cũng để nhắc nhở, nếu có thời chỉ yêu riêng đời mình thì hãy thận trọng vì có ngày chua cay. Ðau thương của tháng ngày bị xé rách ẩn trong tháng ngày được khâu lành. Ðó là huyền nhiệm của thời gian.

Con người không làm chủ được thời gian. Tôi chẳng thể biết những gì sắp xẩy ra ở tương lai. Ðiều này ảnh hưởng đến niềm tin của tôi. Vì không nắm chắc nên có lo âu, nghi ngờ. Nhưng làm sao tôi hiểu được ý định của Thiên Chúa từ alpha đến omega, từ khi chưa có mặt trời đến vô cùng mờ mịt hư vô. Phải chăng vì thế, thánh Yoan đã củng cố niềm tin của tôi khi Ngài bảo tôi rằng hãy nhớ từ nguyên thuỷ đến tận cùng Thiên Chúa mãi mãi là yêu thương (1 Yn. 4: 16).

Tôi không biết được thời gian. Ðời là những biến cố. Có những biến cố hôm nay mới trả lời cho biến cố mà tôi đã chẳng hiểu trong quá khứ. Ðiều ấy cũng hàm ý, biến cố hôm nay có thể chỉ trọn nghĩa khi tôi chờ sống trọn biến cố ngày mai. Nếu biết được thời gian, tôi chẳng còn niềm tin nữa. Ðã biết rồi, còn gì để tin. Tâm sự của một người thao thức lo âu về tương lai, có lẽ cũng là tâm sự của một cây hồng.

Câu chuyện bắt đầu thế này:

Có một cây hồng được trồng trong thửa vườn, tôi tạm gọi đó là khu vườn cuộc đời. Ngày ngày người làm vườn vun sới. Ông nhổ cỏ, chăm sóc từng cánh lá. Cây hồng dần dần vươn lên trong dáng thèm muốn của khóm cúc, buồn tủi của đám lau sậy.

Chẳng bao lâu, cây hồng trổ bông. Hôm nay, mảnh vườn rực sắc vì cái thẫm đỏ của một loại hồng quý. Khách qua đường ai cũng trầm trồ khen ngợi. Cây hồng hãnh diện làm sao.

Năm tháng đong đưa chảy theo đời. Rồi đến một ngày, ngày mà lời Kinh Thánh nói: Có thời để khoe sắc, cũng có thời để tang thương. Người làm vườn đã từ lâu lắm rồi suy nghĩ. Ông biết nhân gian sẽ tiếc mầu thẫm đỏ. Ông biết nhân gian sẽ nhớ những giọt sương sáng long lanh trên cánh hồng. Nhưng ông đã quyết định chặt gốc hồng!

Sau cùng, những nhát dao định mệnh đã bổ xuống. Chỉ ngày hôm sau thôi, khách qua đường không còn thấy dập dờn trong gió một loài hồng qúy nữa. Một con nắng mùa hạ trôi qua. Những cánh hồng, hôm qua rực rỡ, hôm nay còn đâu. Nhân gian thương tiếc dáng hồng thủa xưa, và có lời than trách: Hỡi người làm vườn kia ơi, sao lại chặt một loài hồng quý?

Riêng người làm vườn hiểu rằng có một thời để xanh, thì cũng có một thời để khô héo. Có một thời để giết chết, cũng có thời để chữa lành.

Trước nhát dìu, cây hồng chẳng hiểu được đời mình.

Ông làm vườn đoan hứa rằng tất cả vì quý mến mà ông ta săn sóc cây hồng, tại sao ông lại chặt nó? Cây hồng nằm khô như những khúc củi khác. Giống như cái vinh quang rực rỡ của Chúa Kitô trong ngày biến hình trên núi đã hết rồi. Bây giờ là cây khổ giá buồn hiu. Và kẻ qua đường không muốn ngó nhìn.

Người làm vườn đem khúc gỗ hồng về treo trên gác bếp. Từ đó, khúc gỗ nằm lặng lẽ lãng quên trong gác bếp tối tăm. Bụi khói bám vào làm nghẹt thở đời nó. Nhớ về mảnh đời đã qua, còn đâu những buổi sáng long lanh. Khúc gỗ hồng lặng im thương nhớ đời mình.

Không biết bao lâu trong cái lặng lẽ ấy. Vẫn cái huyền nhiệm của thời gian là thế. Rồi đến một ngày. Lửa nóng đã làm hong khô, người nghệ sĩ đem khúc gỗ hồng khô ra đẽo gọt. Khúc gỗ đau đớn oán than. Ðã chết rồi thân xác cũng chẳng được nghỉ yên.

Có lẽ đau đớn hơn cả là khi người làm vườn hì hục nung đỏ mũi khoan rồi dùi thủng từng chiếc lỗ trên thân khúc gỗ. Mỗi lần mũi khoan đỏ cắm vào sớ thịt, khói xẹt bay lên cay mắt. Ðúng như có ngày bình yên thì cũng có ngày tan tác.

Rồi cũng đến một ngày. Vẫn cái huyền nhiệm của thời gian là thế. Những lát dao đã xong, khúc gỗ khô biến hình dần dần thành cây sáo trong tay người nghệ sĩ.

Và rồi cũng lại đến một ngày, lại một ngày nữa huyền nhiệm trong đời. Một ngày vô cùng trang trọng của người nghệ sĩ. Ngày đó, người nghệ sĩ đứng giữa trời đất bao la, nâng cây sáo hồng lên môi hôn. Cây sáo run lên xúc cảm, nó thấy đôi môi bát ngát của người nghệ sĩ đưa nó vào một thế giới vô cùng mênh mông. Với cả hồn người nghệ sĩ, một hơi ấm từ đôi môi người nghệ sĩ ấy kề bên khúc sáo hồng, để rồi một bài ca huyền diệu nhè nhẹ đẩy gió vươn vào thinh không.

Bấy giờ cây hồng mới hiểu vì sao nó đã bị chặt gẫy. Nó mất đi cái dáng hoa tuy có lời khen của khách qua đường nhưng sớm nở tối tàn. Giờ đây nó luôn luôn trong bàn tay người nghệ sĩ đi khắp vũ trụ. Từ nó, hôm qua, hôm nay, rồi mãi mãi ngàn sau, cứ đẩy gió đi vào thinh không để ru đời bằng ngàn bài ca vô tận.

* * *


Sách Thiêng Liêng "CON BIẾT CON CẦN CHÚA" của tác giả Nguyễn Tầm Thường.
Có bán tại các nhà sách, giá bán: USD $10.00

(C) Copyright 1997. Tác giả giữ bản quyền.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page