Một hôm các môn đệ đến phân bì với Chúa là Yoan dậy môn đệ của ông ta cầu nguyện, còn Thày, xin Thày cũng dạy chúng con cầu nguyện đi. Từ ngày đó kinh Lạy Cha đã ra đời. Ðó là kinh mà chính Chúa đã dạy các môn đệ (Lc. 11:1-3). Chẳng biết lúc đó các môn đệ có hiểu lời kinh ấy không mà chẳng thấy các môn đệ thắc mắc gì cả. Rồi từ đó dọc theo lịch sử hai nghìn năm, người ta cứ đọc kinh ấy mãi cho đến hôm nay. Vì tính cách quan trọng nên kinh ấy được đưa vào thánh lễ. Mỗi lần dâng lễ, tôi lại trịnh trọng giang tay nói với toàn thể cộng đồng: "Theo lời Người dạy chúng ta hãy nguyện rằng." Rồi cả nhà thờ vang lên lời kinh đó. Trong lời kinh có một câu thế này: "Xin Cha tha nợ cho chúng con cũng như chúng con tha kẻ có nợ chúng con" (Mt. 6: 12).
Thế là chết tôi rồi! Tôi ký với Chúa một giao kèo hay sao. Tại sao tôi không xin Chúa tha cho tôi theo lòng thương xót của Chúa chứ đừng giống như sự hẹp hòi của tôi. Rõ ràng tôi bảo Chúa cứ tha cho tôi giống như là tôi tha cho người khác. Chúa cứ việc nhìn vào tôi như mẫu mực mà thi hành.
* * *
Ðâu là mẫu mực của tôi? Thánh Matthêu kể:
Nước Trời giống như một vua kia tính sổ với bầy tôi. Nhà vua vừa khởi sự tính sổ thì người ta điệu đến một người nợ một ngàn nén vàng. Y không có gì để trả nợ nên nhà vua ra chỉ thị bán y và vợ con sản nghiệp thay thảy để trả nợ. Vậy người bầy tôi phục xuống bái lạy mà rằng: "Xin Ngài nán lại cho tôi với, thần sẽ trả hết." Nhưng tôn chủ của bầy tôi ấy chạnh lòng thương, đã thả y về và tha bổng cả món nợ. Ði ra, người bầy tôi ấy gặp một người bạn đồng nghiệp mắc nợ y một trăm đồng bạc. Y liền bóp cổ chận họng mà rằng: "Nợ đâu, trả đây." Người bạn đồng nghiệp phục xuống nài van y rằng: "Xin ông nán lại cho tôi với, tôi sẽ trả!" Nhưng y không chịu, lại đi bỏ tù, cho đến khi nào nó trả nợ xong. Vậy các bạn đồng nghiệp thấy sự xảy ra thì rất đỗi buồn phiền mà đi phân trần đầu đuôi mọi sự xảy ra với tôn chủ họ. Bấy giờ, tôn chủ cho điệu y đến bảo rằng: "Tôi tớ bất lương, ta đã tha bổng cho người tất cả món nợ ấy, chỉ vì ngươi đã nài xin ta! Há ngươi không phải thương xót bạn đồng nghiệp ngươi sao, như chính ta đã thương xót ngươi?" Thịnh nộ, tôn chủ của y đã trao y cho lý hình cho đến khi nào y trả xong tất cả những gì mắc nợ với ông. Cha Ta, Ðấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi như thế, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha cho anh em mình" (Mt. 18: 23-35).
Nếu mẫu mực của tôi như thế thì chết tôi rồi. Tôi chỉ xin Chúa tha cho tôi giống như tôi tha cho người khác.
* * *
Sau kinh Lạy Cha. Phúc Âm Matthêu kết luận như sau: "Vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những điều họ sai lỗi, thì Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, cũng sẽ tha cho các ngươi; nhược bằng các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ điều các ngươi sai lỗi" (Mt. 6: 14-15).
Như vậy là rõ lắm, Chúa tha thứ cho tôi theo mức độ tôi tha thứ cho người khác. Như thế lời kinh Lạy Cha có thể là lời tôi kết án cho tôi. Tôi xin với Chúa rằng chỉ tha cho tôi giống như tôi tha cho người ta thôi. Hằng ngày tôi đọc kinh ấy, đã mấy mươi năm trong đời rồi. Ðã bao nhiêu ngàn lần tôi khắc sâu vào tâm trí Chúa để Chúa nhớ là: Xin tha nợ cho tôi giống như tôi tha nợ kẻ khác, đừng tha nhiều hơn! Nếu tôi không tha cho người khác được là tôi xin Chúa cũng đừng tha cho tôi. Ôi! lời kinh nguy hiểm biết bao nhiêu!
* * *
Ở đây, giữa tôi và Chúa có phải là ký với nhau một giao kèo không? Nếu là giao kèo thì hợp lý trong lối lý luận, nhưng thiếu tự do trong thái độ tha thứ. Bấy giờ, tha thứ trở nên như một mặc cả đôi bên. Có khi tôi không muốn tha cho người ta, nhưng để Chúa tha cho mình thì thôi cũng đành cố tha cho người khác vậy. Còn phía của Chúa thì lấy sự tha thứ cho tôi như một áp lực để tôi phải tha cho người khác. Tôi thấy có điều không ổn theo lối đặt điều kiện như thế này. Tha thứ đến từ những điều kiện là trả nợ theo luật pháp chứ không phải là rung động bằng con tim. Tha thứ áp lực là tiếc nuối của một đổi chác. Chúa không thể hành xử như thế. Vậy tôi phải hiểu tha thứ như thế nào?
* * *
Trong thân thể Ðức Kitô mà tôi là chi thể thì dòng máu luân hoán chỉ có một màu đỏ, nghĩa là tôi đến với Chúa rồi qua tha nhân, hay qua tha nhân rồi đến với Chúa, ngả nào cũng là một thái độ. Tôi không thể có hai thái độ, đến với Chúa là dòng máu đỏ, ngả qua tha nhân là dòng máu đen. Bánh xe luân chuyển tương quan giữa ba chủ thể; Tôi - Tha nhân - Chúa là thông cảm của một thứ tình. Bởi đó khi một bánh xe bị gẫy sẽ làm con đường nối kết ba chủ thể ấy gián đoạn. Tôi và tha nhân bị cách đoạn thì tôi và Chúa cũng không thể nối kết. Không nối kết với tha nhân thì nối kết với Chúa là ảo tưởng, lúc đó Chúa chỉ là ngẫu tượng: "Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ trước bàn thờ, rồi đi làm hoà với anh em ngươi đã, rồi hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi" (Mt. 5: 23-24).
* * *
Tha thứ không phải là tri thức để hiểu mà là cảm nghiệm rung động. Khi tôi không tha thứ được cho người là lúc con tim tôi đã khô cứng. Nếu sự khô cứng làm tôi không rung cảm trước xót thương của người khác thì cũng chính sự khô cứng ấy làm tôi không cảm nghiệm được sự tha thứ của Chúa cho tôi. Sự tha thứ của Chúa luôn luôn vô điều kiện, nhưng điều kiện cảm nghiệm được sự tha thứ ấy lại hệ tại khả năng mềm mại nơi trái tim tôi để tôi có thể rung động mà tha thứ cho người. Chỉ khi trái tim mềm mại tha thứ thì khả năng mềm mại của nó mới có thể lãnh nhận được thứ tha của Chúa.
Có cảm nghiệm được Chúa tha thứ thì mới có thể thứ tha cho người. Bởi đó, khi tôi không tha thứ là vì có thể tôi chưa cảm nghiệm được sự tha thứ của Chúa. Như thế, khi tôi khó tha thứ cho người đấy là dấu chỉ cho tôi biết tôi chưa thực sự xin Chúa thứ tha cho tôi.
Sách Thiêng Liêng "CON
BIẾT CON CẦN CHÚA" của tác
giả Nguyễn Tầm Thường.
Có bán tại các nhà sách,
giá bán: USD $10.00
Ðịa chỉ liên lạc
mua sách:
Mr & Mrs Nguyễn Văn Nhuệ
22277 Modina
Laguna Hills, CA 92653
Tel: (714) 830-0208
(C) Copyright 1997. Tác giả giữ bản quyền.