Sách Thiêng Liêng
Con Biết Con Cần Chúa

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ
Trung Tâm Truyền Hình Quang Khải, Ðài Loan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


BAO DUNG

Câu chuyện người con hoang đàng trong Tin Mừng Luca (Lc. 15: 11-32) nói đến trở về. Mùa chay là mùa xám hối. Ði tìm một khoảnh hồi tâm, ta hãy đọc lại đoạn Tin Mừng.

Người con hoang đàng

Từ xưa tôi vẫn nghĩ rằng hãy trở về như người con hoang đàng. Ðứa con hoang đàng như một mẫu mực trở về. Khi thấy con về, người cha vui mừng quá làm tôi thấy sự trở về của người con như một hành động anh hùng. Ðã bao năm tháng qua, tôi vẫn được nhắc nhở rằng hãy lên đường anh hùng, dứt khoát như người con ấy.

Ðọc kỹ đoạn Tin Mừng, tôi thấy man mác đó đây một mầu tím buồn. Một giải mây tím buồn rất xa. Ở một điểm nào đó, tôi thấy sự trở về của người con có làm cho cha vui, nhưng tôi vẫn không ra khỏi giải mây tím lặng lẽ. Trong sự trở về của người con hoang đàng tôi thấy có điều không ổn. Rồi chiều nay, mùa chay lại trở lại. Tôi muốn đọc lại đoạn Tin Mừng, chậm rãi hơn, lặng lẽ hơn để đi tìm cái không ổn của mầu tím đó.

Sau khi người con ra đi, thánh Luca viết về quãng đời của nó như sau:

Khi nó tiêu sạch cả rồi, thì khắp miền đó, lại sẩy ra nạn đói kém khủng khiếp và nó bắt đầu lâm phải túng thiếu. Nó đi sống bám một người dân trong vùng ấy; và người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó ước gì có thể lấy rau heo ăn mà thốn cho đầy bụng, mà cũng chẳng ai bố thí cho nó. Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy! tôi sẽ về cùng cha tôi, tôi sẽ nói với người: "Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha; con không còn đáng gọi là con cha nữa, xin cha xử với con như một người làm công của cha thôi".

Ðộng lực nào khiến nó trở về? Thánh Luca viết rõ: "Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy, tôi sẽ về cùng cha tôi." Như vậy động lực khiến nó trở về chỉ vì đói. Trước khi bị đói, không bao giờ thấy nó nhớ đến cha, không thấy xám hối vì bỏ cha đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về căn nhà cũ, nơi còn có cha chẳng biết già yếu ra sao, không thấy nuối tiếc vì phá tan cả sản nghiệp của cha. Sau khi bị đói nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái tự nhủ, băn khoăn của nó là làm sao để được ăn. Nó dự tính nói với cha nó là nó trót phạm tội nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như một người làm công. Trong tự nhủ này có một ngập ngừng không đơn giản. Tại sao nó muốn được đối xử như một người làm công? Người làm công có dư bánh ăn! Có phải, bây giờ muốn có bánh thì chỉ cần xin được làm người làm công? Tôi không muốn khắt khe xét đoán sự trở về của nó. Nhưng vẫn có một u uẩn trong lối hành văn của thánh sử Luca. Ban đầu, vì đói nó mới về. Khi hồi tâm nó nghĩ đến miếng bánh của người làm công được ăn. Những ý tưởng này cho tôi nghĩ lời nói "trót phạm tội nghịch đến Trời và trước mặt cha; con không còn đáng gọi là con cha nữa", mang một giá trị rất nhẹ của lòng xám hối.

Nếu nó được ăn rau của heo thì nó ngang hàng bằng heo. Nhưng trước mặt người ta, nó không được ăn rau của heo, nghĩa là nó không giá trị bằng heo. Cái hoang vu của mầu tím ở đây là nếu nó được ăn rau của heo thì liệu nó có trở về không? Cái dằn vặt của một mầu tím khó tìm được câu trả lời là tại sao phải đợi đến khi ngay cả rau cho heo cũng không có ăn lúc bấy giờ mới về. Ðó là cuộc lên đường về trọn vẹn sao? Ðấy là cuộc lên đường thúc đẩy từ lòng xám hối sao?

Mỗi mùa chay, nghĩ đến cuộc trở về trong Tin Mừng thánh Luca, tôi lại mơ ước một cuộc lên đường trọn vẹn. Tôi trở về trọn vẹn để xứng đáng lòng yêu thương của Chúa, hay chỉ có thể dựa vào lòng xót thương của Chúa mà tôi có thể trở về?

Thái độ của người cha

Khi nhớ thì mỗi chiều cách biệt là một quãng đời hoàng hôn xạm tím. Lần rở lại những trang đầu của câu chuyện. Ta thấy thánh sử Luca vẽ chân dung người cha bằng một sắc mầu rất đỗi chịu đựng.

Ngài còn nói: "Người kia có hai đứa con. Con thứ nói với cha: "Thưa cha, xin ban cho con phần gia sản thuộc về con!" Vậy người cha đã phân chia của cải cho chúng nó. Không mấy ngày sau, đứa con thứ thâu góp tất cả của cải mà trẩy đi phương xa. Và ở đó nó sống trác táng phá tan cả sản nghiệp".

Bắt đầu câu chuyện là đã thấy mầu tím u uẩn như những giây đàn han rỉ. Nó như những giọt mưa buồn của một từ giã nặng nề. Nó như những tiếng chuông trầm, cũng rất thong thả, rơi trong một chiều cô tịch, gõ vào lòng người cha, rất đìu hiu. Khi người con từ giã, đi xa rồi, lòng người cha ở lại nghe những tiếng chuông ấy vọng về: "Xin ban cho con phần gia sản thuộc về con!"

Tôi không thấy mầu tím buồn trong hồn người cha than vãn, nuối tiếc vì số sản nghiệp bị mang đi. Nhưng có một ray rứt không buông thả trái tim người cha già tội nghiệp. Cha mẹ chia của cải cho con cái khi biết mình sắp chết. Con cái chia nhau sản nghiệp khi bố mẹ đã qua đời. Tài sản của cha mẹ, nên chỉ khi cha mẹ gọi con cái đến chia, con cái mới được nhận, không khi nào con cái được quyền đến đòi cha mẹ phải chia cho mình. Nhưng ở đây, người con không đợi nổi đến ngày cha mình chết. Nó mong sao ngày đó chóng đến. Nhưng bao giờ? Thôi! cha cứ chia cho tôi trước đi, đợi cha chết lâu quá! Cha cứ chia đi rồi ngày nào cha chết tùy cha!

Người cha không nổi giận. Ðưa cho con gói bạc mà thực ra nó chẳng có quyền đòi. Người cha không tiếc gia nghiệp, nhưng tiếc một tình nghĩa đang mất. Tiếng nói của người con: "Xin ban cho con phần gia sản thuộc về con" như những tiếng chuông báo tử của một linh hồn sắp lìa đời đang gõ xuống lòng người cha một sự thật đau đớn không thể chối từ. Người cha nhìn về chân trời để thấy hồn mình là một nỗi sầu tím. Người cha già giữ nỗi sầu tím ấy trong im lặng.

* * *


Sách Thiêng Liêng "CON BIẾT CON CẦN CHÚA" của tác giả Nguyễn Tầm Thường.
Có bán tại các nhà sách, giá bán: USD $10.00

(C) Copyright 1997. Tác giả giữ bản quyền.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page