Linh Ðạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Nhập Ðề

Một người vợ viết cho tôi: "Từ khi hiểu biết Ðức Giêsu nhiều hơn và tình yêu của Người bắt đầu thấm sâu vào đời con, đã có một sự thay đổi rất lớn trong quan hệ của con với chồng mình. Có thể nói con như yêu anh ấy một lần nữa sau 15 năm kết bạn với nhau. Mọi ước mơ trong lòng và mọi khát vọng thiêng liêng của con đã đơm bông kết trái".

Ðó là một trong nhiều kinh nghiệm sống Ðức Tin mà bạn sẽ gặp trong những bài tiếp theo. Một loạt các bài do Giáo Dân viết cho Giáo Dân. Tôi chỉ là một dụng cụ xâu những viên ngọc quý ấy thành một vương miện tuyệt đẹp để đội lên hàng ngũ giáo dân đang thức tỉnh ngày hôm nay. Giờ của người giáo dân đã điểm:

Xuất xứ của những bài viết này

Một ngày nọ có một giáo viên đến hỏi tôi: "Cha làm ơn chỉ cho con biết chỗ mua một bản sách nguyện tiếng Hoa vừa mới dịch?" Con muốn cầu nguyện theo sách ấy. Tôi đáp lại: "Anh có nghĩ là sách nguyện ấy hợp với cuộc sống của anh không?" (Anh ta có ba con; mỗi sáng phải dậy sớm và đi mất một giờ rưỡi đồng hồ để học thần học. Sau đó và mãi tới chiều tối anh đứng lớp ở một trường trung học). Thế nhưng sau đó, tôi lại nghĩ nếu không giao cho anh cuốn sách nguyện thì có thể đưa anh cuốn sách nào thích hợp với giáo dân? Số sách vê linh đạo cho thành phần giáo dân chiếm 98% dân Chúa thật nghèo nàn đến lo sợ với vô vàn sách vở, khảo luận về linh đạo cho giáo sĩ và tu sĩ, chỉ chiếm 2% dân Chúa. Khi tính chuyện viết sách linh đạo giáo dân cho họ, tôi cũng suýt rơi vào sai lầm như nhiều giáo sĩ đã làm, đó là dạy linh đạo cho những giáo dân đã kết hôn và sống giữa đời. May mắn tôi đã gặp được Cha Tony de Mello, SJ. (thật là mất mát lớn khi Ngài vừa qua đời bất ngờ cách đây không lâu!); Ngài nói thẳng với tôi: "Nếu cha muốn giáo dân có một cuốn sách tốt về Linh đạo cho họ, cha nên chấm dứt ý nghĩ ấy đi, vì cha không phải là giáo dân. Hãy để họ viết lấy!" Câu nói ấy đánh thẳng vào mặt tôi (và vào tự ái tôi) như tiếng sét đánh. Thế là tôi quyết định bảo các giáo dân tự làm việc đó. Tôi sẽ đứng ra xuất bản cho họ. Hơn ba năm qua tôi trò chuyện và viết thư cho hàng trăm (có lẽ trên 1000) giáo dân, nam và nữ, xin họ viết lại kinh nghiệm sống của mình, cho biết họ cầu nguyện thế nào, cái gì đã nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn, họ nuôi sống linh đạo của mình thế nào khi lao động, họ nghĩ gì về một nền linh đạo cho người giáo dân.

Những bài viết mà bạn đang đọc đây là kết quả của "bản giao hưởng còn dang dở" đó. Nhiều người không đáp ứng lời thỉnh cầu của tôi, họ rất thích ý kiến đó, nhưng họ cho rằng mình "chẳng là gì cả" nên không thể viết về những "chuyện quan trọng" đó, hoặc cảm thấy e thẹn không muốn chia sẻ cho người khác những kinh nghiệm sống đức tin đẹp đẽ và phong phú của mình. Nhưng có người đã ghi lại "để giúp người khác vì danh Chúa". Tôi hy vọng đây chỉ là tập đầu tiên trong "các tập tiểu sử các thánh giáo dân hiện nay". Ðộc giả đã gửi về cho tôi bản tự thuật về đời sống tâm linh của mình và do đó thúc bách tôi cho ra tập sách thứ hai nói về kho tàng phong phú đang bị chôn dấu trong Hội Thánh. Chất liệu cho kho tàng ấy thật dồi dào, thu lượm không phải từ sách vở nhưng từ cuộc đời thật.

Các bạn hẳn sẽ thích thú đọc lại một vài phản ứng đầu tiên khi nhận được yêu cầu của tôi.

a. Ngạc nhiên và khéo léo từ chối

Ða số các Kitô hữu, giáo dân của chúng ta nghĩ rằng họ không thể nói gì nổi bật trong cuộc đời đáng để ghi lại. Họ cũng không quen viết lại kinh nghiệm Ðức Tin của mình. Hoặc thường thường họ không biết viết làm sao. Như một phụ nữ Ấn Ðộ đã trả lời:

"Khi con đưa thư yêu cầu của cha cho chồng con, cha có biết anh ấy phản ứng thế nào không. Anh ấy là một nông dân điển hình: khỏe mạnh, ít nói, Anh chỉ mĩm cười. Anh ấy cũng là hiện thân của sự công bình theo Kitô giáo: Mỗi khi có cãi cọ, người ta thường nhờ Anh làm trung gian hòa giải. Tuy là một Kitô hữu rất mẫu mực, nhưng anh ấy không muốn viết. Cám ơn cha đã mời chúng con chia sẻ kinh nghiệm với người khác".

b. Do dự

Có người đã để khá lâu suy nghĩ về vấn đề này. Họ phải nhắc lại nhiều tình cảm đạo đức mà trước đây họ đã thấm thía. Không ai muốn khơi lại vết thương và càng không muốn khơi lại, những vết thương đã lành. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, cuối cùng họ đã viết và hết lòng cám ơn việc nầy.

"Có lẽ cha không ngờ rằng cha đã gây cho con những gì khi bảo con ghi lại. Con không biết mà cũng chẳng quan tâm cha có sử dụng những gì con ghi lại hay không. Con chỉ cần biết là khi viết như thế con được nâng đỡ rất nhiều. Cha linh hướng vẫn khuyến khích con ghi lại nhiều hơn nữa khi con bắt đầu sống hạnh phúc, khi sự việc bắt đầu diễn biến tốt đẹp, chứ không chỉ viết lúc buồn bã thất vọng như bây giờ

Con không biết là cha đã hình dung được là đối với con có được một chỗ để bày tỏ tâm trạng mình quan trọng đến thế nào. Vì thế con hết lòng cảm ơn cha. Chắc chắn sẽ có ngày con viết cho cha nhiều hơn. Còn bây giờ tâm hồn con còn rối rắm và buồn bã lắm.

Con cũng xin thú thật với cha rằng khi ghi chép nhật ký, con đã từng do dự không muốn một đôi điều về đời tư của mình được in ra. Dầu sao con cũng phải nói lời cảm ơn cha nhiều nhân dịp này. Cha có dùng những trang giấy này hay không, điều đó không thành vấn đề. Riêng con đã cảm nhận biết bao lợi ích khi được dịp ngồi xuống, cô đọng các ý nghĩ về mình".

c. Ao ước được giúp đỡ người khác

Hầu hết những người quyết định góp phần hoàn thành những bài viết này đều bị thúc đẩy bởi ước muốn sâu xa là được dịp giúp đỡ những ai sống trong những hoàn cảnh tương tự:

"Lý do thực sự khiến con không ngần ngại gửi thư nầy cho cha là vì con muốn giúp các bà mẹ khác cũng cảm thấy khao khát chia phần như con. Xưa nay con vẫn thấy thời giờ ở nhà với con cái là thời giờ cô độc, nhưng đó cũng có thể trở thành giờ thánh đối với mọi bà mẹ.

Thật đau lòng khi nhớ lại những giờ phút bi đát và bi thảm trong quá khứ của con. Như cha yêu cầu, con xin ghi lại những điều đó để làm ích cho người khác, những người có thể cũng phải sống những giờ phút tương tự như thế. Nếu những điều con viết đây có giúp đỡ và gợi ý được cho người khác, thì hãy cảm ơn Chúa, chứ đừng cảm ơn con, một tạo vật của Người".

d. Hồ hởi tham gia

Có người yêu cầu giữ kín tên mình, nhưng cũng có người:

"tất cả các kinh nghiệm của con đều là tài sản chung của mọi người. Con không thể giấu giếm bằng những cái tên giả. Vì thế, nếu muốn, xin cha cứ in đầy đủ tên con.

Vì kinh nghiệm linh đạo giáo dân được khai sinh từ kinh nghiệm hôn nhân, nên vợ chồng chúng con quyết định sẽ chia sẻ theo hướng đó. Chúng con muốn nói nhiều lắm. Vì thế cái khổ nhất của chúng con là phải giới hạn lại trong vài trang hay chỉ trình bày một khía cạnh thôi.

Con đã đọc nhiều sách, đã nghe nhiều bài giảng hay, nhưng con vẫn nghĩ rằng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm của bản thân là quan trọng hơn.

Con sẵn sàng chấp nhận hơi khác người một chút khi viết thư nầy để bộc bạch cho cha. Con không biết tại sao. Con chỉ muốn có người để chia sẻ".

Rồi đây các bạn sẽ thấy, những lời quả quyết, những lời giải thích của nam nữ giáo dân ấy, ghi trong những bài tiếp theo, liên quan đến thần học. Hội Thánh, và linh đạo có giá trị nhiều hay ít tùy theo trình độ, cả trí thức lẫn thiêng liêng của họ. Chúng tôi tin rằng độc giả sẽ lượng tình thông cảm. Chính vì thế, chúng tôi không ngần ngại ghi lại trong những loạt bài nầy cả những câu nói có thể gây hiểu lầm nếu đặt ngoài mạch văn hay có thể bị "đánh" là không chính xác về mặt thần học. Mục đích của những bài viết nầy không phải là đưa ra một khảo luận thần học về linh đạo giáo dân, nhưng là giúp mọi người (cả giáo sĩ lẫn giáo dân) hiểu rõ hơn người giáo dân bình thường hiểu thế nào về đời sống thiêng liêng của họ trong những hoàn cảnh thường tình. Bổn phận của những người "có học" hơn là hướng dẫn, làm sáng tỏ và luôn khích lệ các giáo dân đang chân thành và nghiêm túc tìm cách xác định vị trí, ơn gọi và sự dấn thân riêng của họ với Chúa trong Hội Thánh và trong thế giới hôm nay.

Còn theo thiển ý của tôi, được nghe chia sẻ những câu chuyện đẹp về đời sống giáo dân quả là một niềm vui lớn, một đóng góp làm cho đời linh mục và tu sĩ của tôi được thêm phong phú. Tôi thành thật cảm ơn tất cả anh chị em góp phần làm nên những bài chia sẻ nầy đã giúp tôi tìm lại được chân tướng và niềm vui của đời linh mục.

Ðài Bắc, Chúa Nhật Phục Sinh 3-4-1989
Jess S. Brena, SJ.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page