Linh Ðạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


55. Làm Hòa với Cha

Wei-Rsin (Ðài Loan)

Tôi còn nhớ một nữ tu có lần nói với tôi: "Nếu chị có thể yêu được một người ở rất xa, khi ấy chị sẽ có thể yêu được hết mọi người trên trái đất này". Dĩ nhiên cái xa đây không phải là khoảng cách vật lý giữa tôi ở Á Châu với một người nào đó ở Phi Châu, mà đúng hơn đây chính là khoảng cách của sự thiếu vắng tình yêu, của sự phân biệt đối xử, của những xung đột và của những thứ mà tâm hồn không thể cảm thông được. Và khi nhận được món quà đức tin, tôi mới biết quan tâm hơn tới tương quan giữa tôi với người khác và tôi cũng khám phá ra sự ngăn cách giữa cha tôi và tôi quá lớn, lớn hơn bất kỳ sự ngăn cách nào.

Thực vậy trước khi nhận lãnh bí tích rửa tội, tôi đã có kinh nghiệm sâu xa về niềm vui trong tâm hồn. Tôi đã quên những cuộc tranh cãi nhỏ nhen giữa cha tôi và tôi về những việc riêng tư của mình. Rồi trong lúc phấn khởi như thế, tôi đã viết thư cho cha tôi, kể cho ông nghe vẻ đẹp của đức tin và quyết định xin lãnh bí tích rửa tội của tôi. Ðây là lần đầu tiên tôi khám phá ra giữa cha tôi và tôi có một sự cách biệt.

Ðứa em trai tôi, trước đây chưa hề bao giờ viết thư cho tôi, đã gửi cho tôi một bức thư báo động trước là cha tôi đang giận dữ và dặn tôi hãy chuẩn bị tinh thần. Không lâu sau đó, cha tôi đã viết thư và nội dung bức thư đó tôi chẳng bao giờ quên được. Ông nói rằng từ trước đến nay chưa hề có ai trong dòng họ nhà tôi là người đạo Kitô hết, và tôi không nên làm nhục gia đình.

Ngộ nếu tôi có lập gia đình, thì lúc đó tôi mới có toàn quyền để lựa chọn niềm tin của mình. Còn bây giờ tôi vẫn chỉ là con gái ông, tôi không nên có chọn lựa nào khác, nếu không, quan hệ cha con sẽ cắt đứt.

Lúc ấy hẳn trong tôi có Chúa Thánh Thần nên tôi không cảm thấy sợ hay giận dữ gì cả, chỉ có điều là tạm thời tôi sẽ không được rửa tội. Và cũng từ lúc ấy cha tôi tìm mọi cách ngăn cản không cho tôi theo đạo. Ông cũng tìm cách thuyết phục bà con và những người láng giềng tôi thúc tôi đổi ý. Tình trạng này đã khiến tôi trở nên bơ vơ lạc lõng. Lúc nào tôi có dịp trở lại Ðài Bắc, cha tôi đều canh chừng tôi rất nghiêm khắc. Tuy vậy, tôi cũng tìm được lý do để cáo lỗi đi ra ngoài, chẳng hạn để làm công tác xã hội, thực chất là để đi dự lễ. Dù không được rửa tội, nhưng cũng chẳng có gì có thể ngăn tôi khao khát tìm kiếm Thiên Chúa.

Một năm sau, dù người dự tính sẽ là mẹ đỡ đầu của tôi xuất ngoại, tôi quyết định vẫn giữ nguyên ý định rửa tội. Cũng trong thời gian này, cha mẹ tôi dọn đến sống chung với tôi tại Ðài Bắc, thế là đức tin của tôi trở nên "chơi vơi", và tôi rất lấy làm lo âu. Không để sự hiểu lầm của cha tôi làm cho tôi sợ hãi quá như vậy, tôi quyết định thu hết can đảm để đi lễ. Mỗi sáng tôi thức dậy sớm để đi. Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi sự can trường để chịu đựng và chia sẻ đức tin của tôi tại gia đình. Thấy vậy, cha tôi giận dữ lắm nhưng chỉ giận dữ chừng một tuần. Rốt cuộc ông cũng để tôi yên và cho tôi được thực hành đức tin của tôi.

Tôi cảm thấy có một khoảng cách cá nhân giữa cha tôi và tôi ngay cả khi ông đã về hưu và ở lại nhà. Từ khi còn thơ bé, chúng tôi có rất ít cơ hội gần gũi, bởi vì cha tôi mắc đi làm còn tôi thì mắc đi học. Dẫu cho chúng tôi có giáp mặt, bầu khí lúc nào cũng căng thẳng. Bao lâu cha tôi vắng nhà là bấy lâu tôi đỡ bị căng thẳng và đuọc thoải mái, tự do như chim sổ lồng vậy. Rất nhiều lần trong bửa cơm tối ông cũng tỏ ra thương tôi, gắp đồ ăn cho tôi, nhưng tôi vẫn có xu hướng khước từ những cử chỉ tử tế ấy. Tôi cảm thấy như muốn bung ra, muốn trốn chạy đi càng xa càng tốt, không muốn đến gần ông. Rất may cho tôi đã có dịp tham gia một nhóm chuyên làm cố vấn và đã theo học một khóa về cố vấn tâm lý. Vì thế tôi có nhiều cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm và trút được nhiều điều phiền muộn. Công tác chia sẻ này giúp tôi hiểu được bản thân và nỗi đau đớn sâu xa nơi mình. Những vết thương lòng này là do tôi cứ tìm cách né tránh những khó khăn cũng như cảnh nghèo túng của gia đình mình.

Cha tôi là một thầy thuốc nhưng không thể hành nghề, vì những sự cố bất ngờ và bởi đó đâm ra cay cú. Ông trở nên nôn nóng, dễ cáu gắt và hay trút cơn giận lên đầu chúng tôi. Ông cũng bị thua lỗ tiền bạc nhiều do quản lý công việc làm ăn kém. Những gánh nặng ấy, cộng thêm những trách nhiệm trong gia đình khiến cho qun hệ giữa tôi và ông càng cách biệt và căng thẳng hơn.

Tôi muốn đổ mọi trách nhiệm sai sót cho cha tôi. Nghĩ lại tôi thật xấu hổ. Khi nhìn kỹ lại cái tôi sâu xa của mình, tôi chỉ còn biết phó dâng cả cuộc đời cho Chúa Giêsu Kitô xin Người cứu vớt tôi. Con tim lạnh lùng chai đá của tôi bắt đầu mềm ra và tôi khóc thổn thức như một đứa trẻ. Dần dà tôi cảm thấy bình an. Ở gia đình tôi tiếp tục sống thân mật với Chúa hơn. Cứ mỗi lần tìm đến Người, tôi lại được an ủi. Chính cảm nghiệm về tình yêu của Chúa Giêsu đã giúp tôi có thể đối thoại với cha tôi dễ dàng hơn. Bây giờ khi ông gọi, nghe tên tôi, tôi không còn tìm cách cáo lỗi hay lảng đi chỗ khác. Ðàng khác Thiên Chúa muốn những kẻ theo Người trưởng thành lên trong thử thách và gian khổ. Cha tôi bị liệt và không thể hồi phục lại được như trước. Ông đi nạng được vài năm rồi cuối cùng ngồi xe lăn và cần có người chăm sóc. Khi tôi đi làm, bà mẹ già của tôi phải cáng đáng hết mọi sự. Tôi thất vọng vô cùng và thấy hết sức khó khăn khi phải đón nhận gánh nặng này, song tôi cũng hiểu ra là tôi phải cố gắng hết mình phục vụ như một cơ hội để báo hiếu cha mẹ.

Tôi cố gắng một thời gian dài để săn sóc cha tôi, và cải thiện quan hệ giữa chúng tôi. Song tôi vẫn cảm thấy con đường từ đây tới đó còn dài lắm. Ðôi khi tôi tự hỏi: "Tại sao tôi vẫn cảm thấy căng thẳng và xa lạ dầu ông là cha tôi? Tại sao tôi không thể yêu thương ông được?"

Tôi bắt đầu tự an ủi mình la tôi đã cố gắng rồi. Tôi không thích ông vì ông không lôi cuốn nữa. Thực ra, đây chỉ là vấn đề của cái đẹp chứ không phải là vấn đề tình yêu. Cha tôi trông như một cái xác không hồn và tôi chỉ chăm sóc ông vì bổn phận chứ không phải vì lòng mến.

Trong một dịp nghỉ đặc biệt no, tôi tranh thủ lợi dụng ít thời gian để thử một phương thức chữa bệnh nội tâm. Tôi nhắm mắt và trầm tư suy nghĩ quang cảnh của cha tôi. Tôi cảm thấy đau đớn kinh khủng trong lòng và không tìm được cách nào để giải tỏa điều đó. Thình lình một người bạn đến chia sẻ với tôi về bệnh bại liệt của cha cô ấy, cách cô ấy và người anh cô ấy săn sóc cha. Tôi khám phá ra hoàn cảnh hai chúng tôi tương tự như nhau, và tôi cũng chia sẻ với cô ấy hoàn cảnh của bản thân tôi. Hai chúng tôi đều rớt nước mắt khi nghe nhau kể.

Tôi cảm thấy nhẹ hẳn người đi khi trở về nhà và mối quan hệ giữa tôi và cha tôi trở nên bớt xa cách. Tôi đã hiểu ra Chúa đã nhân từ và tế nhị khi dùng người bạn tôi để làm thay đổi tôi. Từ kinh nghiệm được chữa lành nội tâm này, tôi đón lấy mọi cơ hội để giúp cha tôi nhiều hơn. Lòng tôi cảm thấy vui vô cùng.

Giờ đây tôi hiểu ra tình yêu phải có tính sáng tạo. Chúa Kitô đã phán: "Nếu ai tát má bên phải con, hãy đưa má bên trái cho họ; và nếu có ai kiện con ra tòa đòi bồi thường một cái áo, hãy cho họ luôn cái áo khoác ngoài; và nếu ai bắt con làm phu đi một dặm, hãy vác cho nó luôn hai dặm" (Mt 5,39-41). Ðây chính là mầu nhiệm của tình yêu sáng tạo.

Cảm tạ Chúa! Dù bề bộn công việc nhà, tôi vẫn phải tập luyện và làm sao cho chính mình quen với bài học tình yêu vô hạn ấy. Mặt khác tôi vẫn tiếp tục bước ra khỏi bóng tối tội lỗi để đi vào con đường ánh sáng. Tôi phải dâng muôn lời cảm tạ lên Người.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page