Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày
(Những bài suy niệm hằng ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Sáu tuần II Mùa Phục Sinh (Mt 13,54-57)
Nazareth Cứng Lòng
Anh chị em thân mến!
Nhắc đến hai chữ "lao động" hẳn ai trong chúng ta cũng có cảm giác ê chề, nếu không nói là sợ hãi. Từ buổi ban đầu lịch sử, lao động đã trở thành bản án phủ chụp lấy đời sống con người. Con người phải làm lụng vất vả mới có miếng ăn, và hôm nay, chúng ta vẫn đối diện với thực tế của cuộc sống, phải chạy gạo từng bữa, phải kiếm đủ tiền chi tiêu hằng ngày. Bên cạnh đó là những hình ảnh méo mó của lao động: lao động cải tạo, lao động công ích, lao động chiến trường. Tất cả dồn ép lại biến lao động thành một sức ép khổng lồ muốn đè bẹp nghiền nát con người.
Lịch sử loài người ở mọi thời đại đều có thành phần lao động và luôn luôn giới lao động là đối tượng cho các đàn áp, bất công, khinh khi. Dân lao động dù cho có vùng vẫy cũng khó mà thoát được cảnh "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa".
Vậy mà khi nhập thể làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đứng vào hàng ngũ của người lao động. Thế nên, những kẻ đồng hương cũng chẳng ngại ngùng khoác cho Ngài chiếc áo thành kiến sẵn có như tường thuật của thánh Matthêu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Vào năm 1984, nữ văn sĩ Sarlope Chalte cho xuất bản cuốn sách có nhan đề xin tạm dịch là "Niềm Say Mê Tối Hậu". Cuốn sách đưa ra một vài suy tư về lao động dựa trên thái độ đối với công việc của những nhân vật danh tiếng. Nếu có dịp đọc cuốn sách ấy, và khi hạ sách xuống chắc chắn người đọc sẽ có cùng nhận xét như tác giả.
Những danh nhân lịch sử đều đã cật lực làm việc không ngừng, và mục đích họ theo đuổi khi làm việc chẳng phải là tiền bạc nhưng là muốn biến giấc mơ thành hiện thực, muốn biến cuộc sống hiện tại được nên hoàn hảo với họ. Công việc không còn là một gánh nặng nhưng là một sự say mê. Một sự say mê mãnh liệt đầy sức sống có thể biến đổi cuộc sống của chính họ và của thế giới.
Tác phẩm của Sarlope Chalte là một nhắc nhở cho chúng ta về ý nghĩa và giá trị nguyên thủy của lao động. Qua công việc sáng tạo, Thiên Chúa đã bộc lộ tình yêu của Ngài cho các tạo vật. Và qua lao động, Ngài chuyển giao quyền sáng tạo cho con người. Khi con người góp phần xây dựng thế giới, Thiên Chúa cũng muốn con người bắt chước Ngài là dùng công việc để bộc lộ tình yêu thương.
Thế nhưng, tội lỗi đã đến phá đổ tất cả. Lao động trở nên gánh nặng, công việc biến thành đầu mối cho mọi hận thù, chia rẽ. Vì thế, con người chỉ còn biết đến mình mà không cần biết đến ai nữa. Cain đã ra tay giết Aben, người em ruột của mình, vì Aben đã dâng lên Thiên Chúa những kết quả tốt đẹp hơn ông.
Càng thu góp nhiều về cho bản thân, con người càng nghèo tình yêu thương. Xuất thân từ một gia đình lao động, chắc chắn Chúa Giêsu không cần học hỏi về lao động: "Cha Ta làm việc không ngừng; Ta cũng làm việc liên lỉ". Ngài xuất thân từ giới lao động để trở nên mẫu gương cho mọi người ở mọi thời đại.
Con người có thể cho đi, có thể ban phát dù trong tay không có gì. Ðó là cho đi tình thương, cho đi chính mình. Bằng cách này hay cách khác, mọi kết quả lao động của con người đều liên quan đến kẻ khác. Ðành rằng con người làm việc để kiếm cho mình miếng cơm manh áo, nhưng con người vẫn có thể gửi vào công việc chút tình thương, chút quan tâm đến người khác.
Nhờ đến người khác khi bắt tay vào công việc: đây sẽ là một động lực thúc đẩy lòng nhiệt thành của con người với công việc. Ðồng thời nó mặc cho con người một ý nghĩa thực sự. Tuy sống âm thầm trong xóm nghèo ở Nazareth, nhưng thánh Giuse đã gửi đến cho toàn thể nhân loại nguồn ơn cứu rỗi.
Lạy thánh Giuse, xin giúp con khám phá ra ý nghĩa của mỗi công việc con đang làm. Bản thân con sẽ thêm giá trị và thế giới sẽ tốt đẹp hơn, nếu kết quả của công việc con đang làm là tiếng nói của tình yêu thương.