Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày

(Những bài suy niệm hằng ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật V Mùa Chay (Ga 8,1-11)

Ðàn Bà Ngoại Tình

 

Anh chị em thân mến!

Người ta kể lại rằng, dưới thời các hoàng đế trị vì, xưa kia cứ sau Mùa Chay, Phục Sinh, bên cạnh cây nến Phục Sinh cháy sáng, hoàng đế cho thắp thêm một cây nến lớn khác, gọi là cây nến "Ân Xá Phục Sinh" cho tới khi nào ánh nến còn cháy, thì tất cả những người có tội nặng đáng phải xử tử mà đến đặt tay trên cây nến ấy, xưng thú tội lỗi mình, thì được ân xá, không phải án phạt. Từ phía cửa hông nhà thờ, các tội nhân xếp hàng dài, nào là những kẻ cướp của giết người, ngoại tình, phá thai, gian dối, lừa đảo, làm tiền bạc giả... Sau khi đặt tay trên cây nến "Ân Xa Phục Sinh" xưng thú lỗi lầm công khai trước mặt hoàng đế và đông đảo tín hữu tò mò đứng xem. Họ sang chiếc bàn bên cạnh ghi tên tuồi và nhận chứng thư tha tội, trong đó có các lời khuyên phải "cải tà qui chánh". Người sau cùng tiến đến trước cây nến "Ân Xá Phục Sinh" là một phụ nữ trong sắc phục sám hối. Trong số các tín hữu tò mò đứng xem có cả ông chồng của người phụ nữ này, tay cầm tờ đơn tố cáo tội của vợ và xin hoàng đế đừng khoan hồng đối với bà.

Trong nhà thờ im lặng như tờ, người đàn bà giơ tay lên chạm đến cây nến "Ân Xá Phục Sinh" và lớn tiếng thú tội: "Tôi đã phạm tội ngoại tình với tất cả những người đàn ông nào tôi ưa thích, tôi không xứng đáng được khoan hồng". Nói xong, bà thổi cây nến "Ân Xá Phục Sinh" tắt ngấm. Rồi bà nhắm mắt nói về đứa con mà bà đã có với một sinh viên, sau cùng bà kết luận: "Tội tôi quá lớn, không đáng được tha thứ". Bà mở mắt ra thì ô kìa, cây nến "Ân Xá Phục Sinh" đã lại cháy sáng. Chồng bà đứng gần đó đã dùng tờ đơn tố cáo bà đốt trở lại cây nến "Ân Xá Phục Sinh" mà chính bà đã thổi tắt. Thấy thế, hoàng đế nghiêm nghị hỏi: "Ngươi là ai mà dám tự tiện thắp lại nến Phục Sinh". Ông ta thưa: "Tâu hoàng đế, hạ thần là chồng của phụ nữ này. Với tờ đơn cáo tội tự tay mình viết, hạ thần đốt bỏ nó trên ánh lửa của cây nến Phục Sinh và lấy lại ánh sáng cho cây nến "Ân Xá Phục Sinh" đã tắt. Nghe vậy, hoàng đế nghiêng mình trước người chồng và nói: "Ngươi đã hành động rất đúng theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô".

Anh chị em thân mến!

Không kết án, không vào hùa bắt tội người khác, đốt đơn tố cáo, bỏ đá xuống đất, mỗi người chúng ta hãy nhìn sâu vào trong tâm hồn mình để nhận ra các tội lỗi, lầm lẫn và thiếu sót của mình trong cuộc sống. Thống hối, ăn năn và cải thiện, đó là sứ điệp mà Mẹ Giáo Hội trao gởi chúng ta qua các bài đọc Chúa Nhật V Mùa Chay.

Trình thuật người đàn bà bị bắt quả tang đang lúc phạm tội ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ chứng minh cho chúng ta thấy cung cách hành xử và lòng nhân từ tha thứ của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi cũng như đối với tất cả mọi người chúng ta. Chiếu theo luật Do Thái như trong sách Lv 20,12 và Deut 22,22 thì phụ nữ có chồng bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình sẽ bị ném đá cho chết cùng với người đàn ông phạm tội ngoại tình ấy. Ðây là cách thức người xưa khử trừ tội lỗi gian dâm khỏi cộng đoàn.

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, người biệt phái và giới luật sĩ chỉ dẫn đến cho Chúa Giêsu người đàn bà mà thôi. Trong thâm tâm, họ muốn kết tội hai người: người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và Chúa Giêsu mà họ đang tìm dịp để kết án Ngài. Tuy nhiên, cung cách hành xử của Chúa Giêsu theo lối logic của Thiên Chúa, chứ không theo tâm địa hẹp hòi gian ác và giả hình của con người. Chúa Giêsu chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa luôn mở ra cho người tội lỗi một lối thoát của cuộc đời hoán cải.

Nguyên tắc hành xử của Thiên Chúa đối với người tội lỗi là: "Còn nước còn tát", nghĩa là luôn luôn cống hiến ơn tha thứ và ơn cứu độ cho họ. Không ai biết Chúa Giêsu đã viết trên cát sứ điệp gì, hay Ngài đang tìm cho họ một lối thoát bằng sự cảm thông với Ngài. Một ai đó cần phải hiểu biết ở đời, cần phải qui chiếu theo một thứ luật lệ khác, luật lệ của tình yêu thương nhân từ.

Chúa Giêsu không chối bỏ cái nặng nề và những hệ lụy nghiêm trọng của tội ngoại tình trong cuộc sống con người. Nhưng Ngài muốn ném cho người phạm tội một sợi dây cứu thoát, giúp họ leo lên khỏi vực thẳm của tội lỗi và đam mê dục vọng. Ðó là sợi dây của lòng cậy trông. Bởi vì, đối với Thiên Chúa quá khứ tội lỗi của con người thì điều quan trọng là nỗ lực tìm lại sự trong trắng thơ ngây vô tội của tâm hồn từ giây phút này trở đi. Nói cách khác, trước mặt Thiên Chúa điều quan trọng duy nhất là ý chí hoán cải tâm hồn và làm lại cuộc sống của chúng ta.

Kiểu cách giải quyết vấn đề của Chúa Giêsu là một tiếng sét cách mạng quật ngã mọi người hiện diện. Theo sách Ðệ Nhị Luật (17,7) những ai đã bắt quả tang người phụ nữ ngoại tình, nghĩa là chứng kiến tận mắt thì phải ném viên đá đầu tiên khai mào cuộc xử tử kẻ có tội. Nhưng lòng nhân từ thứ tha của Chúa Giêsu đã đưa ra cho họ câu hỏi: "Nếu ai không có tội, hãy ném đá chị này trước đi". Mà có ai trong gia đình nhân loại là người vô tội đâu? Bởi vì ai trong chúng ta cũng phạm tội cả, và phạm tội mỗi ngày. Ðủ mọi thứ tội và đủ cỡ đủ cấp, tội lớn tội nhỏ, tội kín tội hở. Linh hồn và thân xác chúng ta rỗ chằng rỗ chịt, đầy mọi thứ vi trùng tội, lớp dưới đùm lớp trên, lớp trên đè lớp dưới.

Sau giây phút thinh lặng vì choáng váng mặt mày, mọi người tố cáo người đàn bà ngoại tình đều bỏ viên đá cầm tay xuống đất, và từ từ rút lui có trật tự, từ người lớn tuổi đến người ít tuổi. Ðược phép và cần phải sửa dạy tội lỗi người khác, nhưng mỗi người hãy bắt đầu với chính mình trước.

Nếu Chúa Giêsu đã mở ra cho người đàn bà ngoại tình con đường mới của cuộc sống hoán cải thánh: "Tôi cũng không kết án chị. Hãy về và đừng phạm tội nữa", thì Ngài cũng chỉ cho tất cả những người tố cáo và muốn ném đá xử tử chị một con đường mới, con đường của lòng khiêm tốn, đó là từ nay hãy biết nhận mình là người có tội.

Hãy đứng trước tấm gương của lương tâm mình để nhìn thấy cái lọ lem của mình, để nhìn thấy tâm hồn đen đủi xấu xa của mình. Hãy cầm lấy viên đá không phải để ném người khác, mà là để vạch lên ngực, lên tim của mình cho chảy máu và ăn năn sám hối rồi hãy bỏ nó xuống đất. Hãy làm điều đó một cách công khai trước mắt mọi người.

Nói cách khác, lời nói và kiểu cách giải quyết vấn đề của Chúa Giêsu đã khiến mọi thứ mặt nạ che giấu tâm hồn bệnh hoạn phong cùi của mọi người hiện diện rơi xuống đất cùng với viên đá trong tay họ. Qua đó, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết rằng: chỉ khi nào chúng ta ý thức được những tội lỗi, yếu hèn của chính mình, thì chúng ta mới có thể bắt đầu sống trong sạch. Vì không còn phải đeo mặt nạ để đóng kịch, để bênh vực vai trò của chúng ta, để khỏi mất mạng nữa.

Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta là hãy có một cái nhìn mới để hiểu rằng, tâm hồn dù có tội lỗi xấu xa đến đâu đi nữa cũng vẫn còn có một góc nhỏ xíu tinh tuyền để mở rộng tâm hồn cho những người biết thương mến họ. Và con đường duy nhất giúp tiến bước vào, đó là con đường biết kính trọng, cảm thông, chấp nhận và yêu thương. Ðó là phương thế duy nhất giúp con người biến đổi từ bên trong, để bắt đầu một cuộc xuất hành mới, ra khỏi tình trạng cuộc sống tội lỗi và tiến bước trên con đường công chính thánh thiện.

Cuộc xuất hành mới ấy cũng được ngôn sứ Isaia nói đến trong chương 43. Tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel là tình yêu thương giải thoát họ khỏi cảnh sống nô lệ, tôi đòi, đầy buồn thương. Trong lịch sử cứu độ, nước và sa mạc có ý nghĩa đặc biệt: Nước biểu tượng cho chướng ngại cản bước xuất hành của dân Do Thái. Còn sa mạc khô cằn, không cây cối, không nước uống, biểu tượng cho sự chết. Nhưng cũng như xưa kia, trong lần xuất hành thứ nhất khỏi Ai cập, Thiên Chúa dùng bàn tay uy quyền của Ngài dẹp nước biển đỏ thế nào, thì giờ đây trong lần xuất hành thứ hai khỏi Babylon, Ngài cũng giơ tay dũng mạnh loại bỏ sa mạc chết chóc như vậy.

Nói cách khác, ngôn sứ Isaia muốn khẳng định với dân tộc Israel rằng, các biến cố lịch sử  cho thấy Thiên Chúa chiến thắng mọi chướng ngại, mọi bề sâu, mọi sa mạc mà loài người đã tạo ra với cuộc sống tội lỗi của mình. Nhưng trong lịch sử cứu rỗi, tình yêu nhân từ và chương trình mà Thiên Chúa đã có đối với con người khi tạo dựng nên loài người sẽ chiến thắng sự dữ và tội lỗi. Chương trình cứu độ đó Thiên Chúa tìm hiện thực trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như thánh Phaolô cho thấy trong thư gởi tín hữu Philipphê chương 3 nhắc lại ơn đổi đời mà Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã trao ban cho thánh nhân trong cuộc gặp gỡ trên đường Damas. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: "Lòng tin mà Thiên Chúa đổi đời cho chúng ta phải giúp chúng ta sống theo một tâm thức mới với một cái nhìn mới".

Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài phải trở thành trung tâm điểm và là điểm qui chiếu duy nhất, hướng dẫn những qui cách sống và hành xử của chúng ta. Tâm thức mới ấy phát xuất từ cuộc cách mạng và lòng tin mà Chúa Giêsu khơi dậy trong tâm hồn chúng ta. Nó giúp chúng ta đảo lộn bậc thang giá trị cuộc sống và biết đánh giá mọi sự dưới ánh sáng Tin Mừng. Và thánh Phaolô khuyên chúng ta noi gương Ngài cố gắng chạy, nghĩa là sống tâm thức mới ấy trong tươi vui, không nghi ngờ tình yêu của Chúa Giêsu và lời Ngài. Không hối hận vì đã phải từ bỏ cuộc sống và kiểu cách suy tư cũ, không chấp nhận dàn xếp lắt léo với sự dữ và đi ngược lại giáo huấn Tin Mừng của Chúa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page