Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày
(Những bài suy niệm hằng ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Năm tuần III Mùa Chay (Lc 11,14-23)
Tin Nhận Hay Từ Chối
Giáo hội Nhật Bản rất anh dũng can trường, vì có nhiều vị tử đạo rất oanh liệt. Cuộc bách hại kéo dài từ năm 1613 cho đến năm 1638, là năm mà hoàng đế Nhật Bản đang trị vì lúc đó cho rằng: "Công giáo đã bị hủy diệt hoàn toàn". Không một nhà truyền giáo nào được đặt chân lên trên đất nước Nhật Bản. Kể từ đó, 300 năm sau, khoảng giữa thế kỷ XIX, thời Minh Trị Thiên Hoàng, khi các nhà truyền giáo được đặt chân lên nước Nhật lần II. Một biến cố đầy ý nghĩa đã được một linh mục thừa sai kể lại như sau:
Tôi đang giảng đạo Chúa cho một nhóm người tại Nagasaki, nghĩ rằng tất cả những người hiện diện đều là những người không Công Giáo, nên sau bài giảng, tôi chân thành hỏi: Có ai thắc mắc gì không?
Một người giơ tay chất vấn: Chúng tôi xin được hỏi ông ba điều:
1. Ông có tin Ðức Mẹ Ðồng Trinh hay không?
2. Ông có vâng lời và hiệp thông với Ðức Thánh Cha hay không?
3. Là linh mục, ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân hay không?
Sau khi tôi trả lời chấp nhận cả ba câu hỏi trên thì người chất vấn cảm động thưa:
- Thưa cha, tất cả chúng con đây đều là những người đồng đạo với cha. Chúng con đều là những người Công Giáo cả.
Tôi không cầm được nước mắt. Sau một lúc, tôi cố nén lòng lại và làm chủ được cảm xúc và hỏi: Tại sao anh chị em lại đặt ra ba câu hỏi vừa rồi?
Người đại diện trong nhóm trả lời:
- Thưa cha, vì ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ chúng con rằng: Sau này có ai đến giảng đạo, chúng con phải cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà đánh giá xem họ có phải là các nhà thừa sai chân chính hay không? Nay chúng con quá đỗi vui mừng vì cha đích thực là người được Hội Thánh sai đến. Chúng con sẽ nghe lời cha và giữ vững đức tin tổ tiên chúng con đã truyền lại.
Anh chị em thân mến!
Những giáo dân Nhật Bản bị bỏ rơi trong một thời gian dài hằng mấy trăm năm đã muốn dùng ba tiêu chuẩn của tổ tiên để lại, như ba dấu chỉ cụ thể để thẩm định nhà truyền giáo đầu tiên đến với họ xem có phải là vị truyền giáo mà tổ tiên của họ đã truyền lại cho họ hay không?
Ngược dòng thời gian, trở lại thời Chúa Giêsu, Ngài được rao giảng sứ điệp cứu rỗi, chúng ta được chứng kiến biến cố tương tự, các tiên tri đã loan báo trước cho dân chúng là khi Ðấng Cứu Thế đến, thì Ngài sẽ thực hiện những dấu lạ: Cho kẻ câm nói được, kẻ què được đi, người bị quỉ ám được chữa lành và Chúa Giêsu đã thực sự làm các phép lạ trên trước mặt dân chúng, trước mặt các môn đệ và trước mặt cả những vị lãnh đạo các tôn giáo như các biệt phái, những người Pharisiêu, để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Ðấng Thiên Sai được mong đợi từ lâu. Tuy nhiên, có những người không nhìn nhận sự hiện diện và tác động của Ngài. Họ cố tình giải thích lệch lạc để khỏi phải tin và làm cho kẻ khác đừng tin.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, mọi người đều phải có thái độ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô là: "Tin nhận hay từ chối". Cả trong thời đại hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải có một thái độ rõ ràng đối với Chúa Giêsu Kitô. Ngài đến với con người qua Giáo hội, qua những sứ giả được tuyển chọn, sai đi làm chứng cho Người. Liệu chúng ta có đủ thành tâm và can đảm để cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để tin nhận Chúa hay không?
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau: Chúa là người, không phải là lý thuyết. Chúa là Cha ở bên con với tất cả quyền năng và tình thương. Cha năn nỉ, Cha khuyên bảo, mời gọi, trách móc, tha thứ và luôn luôn yêu thương. Chúa Giêsu là tất cả của con, là cùng đích của ý hướng, là lý do các quyết định, là định luật của tình cảm, là mẫu gương các hành động của con. Hãy sống bên Chúa, con sẽ trở nên thánh.
Chúng ta hãy cố gắng nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang tác động trong biến cố lịch sử của nhân loại. Với Chúa cùng tiến bước, chúng ta sẽ vượt được các thử thách và về đến đích điểm cách an bình.
Lạy Chúa, xin giữ gìn con trong đức tin, cho con sống kết hiệp mật thiết với Chúa để con luôn luôn trung thành thực thi thánh ý Ngài. Amen.