Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày

(Những bài suy niệm hằng ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thứ Tư tuần II Mùa Chay (Mt 20,17-28)

Họ Ðã Lên Án Tử Cho Ngài

 

Tác phẩm nổi tiếng: "Quo vadis? - Thầy đi đâu?" của văn hào Henryk Sienkiewicz, người Công giáo nước Balan. Tác phẩm này đã được giải thưởng văn chương Nobel năm 1905, và đã được chọn để đóng thành bộ phim có cùng tựa đề: "Quo vadis? - Thầy đi đâu?" Câu chuyện được kể lại như sau:

Theo truyền khẩu giáo dân thời Giáo hội sơ khai, dưới thời hoàng đế Néron bách hại đạo Chúa dữ dội, thì thánh tông đồ Phêrô, thủ lãnh của Giáo hội quyết định bỏ trốn ra khỏi thành Rôma. Trong đêm tối, Phêrô bỗng khựng lại vì ông nhìn thấy từ xa một người có vẻ quen thuộc đang tiến ngược chiều về phía mình. Phêrô dụi mắt nhìn cho kỹ hơn và khi người đến gần thì ông hết sức vui mừng và ngạc nhiên hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Vậy người đang tiến lại ngược chiều với Phêrô là Chúa Giêsu, Ðấng đã chịu đóng đinh trên Thập Giá mấy mươi năm về trước. Chúa Giêsu ôn tồn trả lời cho Phêrô như sau: "Phêrô, vì con sợ gian khổ nên con chạy trốn, nên Thầy phải vào thành Rôma để chết thay con". Nói xong Chúa Giêsu biến mất. Phêrô hiểu ý bèn quay gót trở lại thành Rôma, chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin các tín hữu cho đến năm 67 thì bị bắt. Sau đó thánh Phêrô được diễm phúc đi lại trên con đường Thập Giá của Thầy mình. Không phải đường lên núi sọ ở Giêrusalem, nhưng là đường đến hí trường Calipoula trên đồi Vatican. Khi đến nơi, Phêrô cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy, nên đã xin phép cho được đóng đinh ngược đầu chúi xuống đất.

Anh chị em thân mến!

Tác phẩm và bộ phim cùng tên "Quo vadis? - Thầy đi đâu?" bộc lộ phản ứng tự nhiên của người đồ đệ Chúa Giêsu là tránh né đau khổ, mong được địa vị quyền hành, được ngồi bên hữu Chúa. Khi còn sống, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các đồ đệ con đường Thập Giá: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác Thập giá hằng ngày mà theo Ta". Thế nhưng lúc đó các ông không hiểu và tranh nhau, ganh tị với nhau.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những phản ứng ngược chiều của các tông đồ trước biến cố Thập giá của Chúa. Chúa Giêsu đã trình bày lý tưởng của con đường Thập giá cho các môn đệ biết: "Này, Ta lên Giêrusalem, Con Người sẽ bị rơi vào tay các trưởng tế và các luật sĩ, họ sẽ luận xử tử Ngài. Rồi họ sẽ phó Ngài cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh, song ngày thứ Ba Ngài sẽ sống lại" (Mt 20,17-19). Nhưng các tông đồ thì nghĩ ngược lại: kẻ thì xin được ngồi bên tả, bên hữu Ngài. Kẻ thì ghen tị bất bình, vì muốn có phần vinh quang và quyền hành khi theo Chúa.

Chuyện đã xảy ra cho các tông đồ vào thời Chúa Giêsu cũng có thể xảy ra cho những kẻ tin Chúa ngày hôm nay. Có người muốn chọn con đường theo Chúa Giêsu với điều kiện không có Thập giá, nhưng cũng có kẻ lại chọn lấy Thập giá mà không có Chúa Giêsu Kitô. Sự đau khổ mà không có Chúa Kitô là một đau khổ không ý nghĩa cứu rỗi. Một sự đau khổ đè bẹp con người, một sự điên dại mà ai nấy đều muốn tránh xa.

Người đồ đệ đích thực không thể và cũng không nên tách rời Thập giá ra khỏi Chúa Giêsu Kitô. Những đau khổ và những hy sinh chỉ có ý nghĩa, nếu biết liên kết với Chúa Giêsu Kitô, được lãnh nhận vì Chúa và với Chúa Kitô mà thôi.

Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" giải thích thêm kinh nghiệm thiêng liêng này như sau: Ai cũng kính trọng những người được in năm dấu thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in năm dấu thánh trên mình bằng hy sinh. Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa bỏ mình vác Thánh giá thì chưa kể là theo Thầy được. Ðó là điều kiện tiên quyết để đi theo Thầy. Con nghĩ rằng: con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa thấy con bỏ qua nhiều dịp như: tươi cười với người nói móc họng con; thinh lặng trước một vụ vu cáo bất công; yêu thương một người phản bội; không nói một lời hóc búa, không trả đũa.

Mọi giây phút đều có dịp hy sinh. Con có uống nổi chén đắng của Thầy không? Con hãy thưa: con tình nguyện uống chén đắng đến giọt cuối cùng và là chén đắng của Thầy, vì Thầy đã uống trước con. Chén càng đắng, càng đầy thì chứng tích tình yêu của con càng rõ ràng. Ðó là chứng tích tình thương của Chúa muốn cho con chia sẻ với Ngài và cũng là dấu Chúa tín nhiệm con càng thắm thiết say nồng.

Chúa mời gọi tất cả và từng người đồ đệ hãy theo Ngài trên con đường Thập giá, nhưng không dừng lại ở đây. Vì ngày thứ ba Ngài đã sống lại trong vinh quang. Như vậy, đau khổ sẽ biến thành niềm vui và hy vọng. Chỉ có ai chấp nhận đi trọn con đường Thập giá với Chúa, vì Chúa, thì mới hưởng được niềm vui và bình an của Chúa Kitô Phục Sinh.

Lạy Chúa, xin thương nâng đỡ con trên con đường theo Chúa và tha thứ cho những lần con đã làm mất lòng Ngài, tha thứ cho con những lần con đã làm cớ vấp phạm cho những người xung quanh xúc phạm đến Chúa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page