Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày

(Những bài suy niệm hằng ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật II Mùa Chay (Lc 9,28b-36)

Chúa Kitô Biến Hình

 

Một mục sư phục vụ tại bệnh viện thuộc làng Bestell, miền Bắc Palestina. Ông là người rất đạo đức. Một hôm, vị y sĩ trưởng phòng giải phẫu cùng với người phụ tá đến báo tin cho ông biết tình trạng thất vọng của một bệnh nhân mà họ mới giải phẫu cách đó không lâu. Mục sư Boudelsting hỏi:

- Bác sĩ đã cầu nguyện cho bệnh nhân được tai qua nạn khỏi chưa?

Vị y sĩ trưởng phòng giải phẫu và người phụ tá mỉm cười cách kín đáo mà không trả lời.

Mục sư Boudelsting nhận ra điều đó và nói:

- Nghĩa là chưa. Thôi được rồi. Thế thì tôi muốn bàn chuyện này với Chúa vậy.

Trong một giờ liên tiếp, mục sư Boudelsting quì sụp xuống trong phòng và cầu nguyện với tất cả tâm hồn. Sau đó, ông đi thăm người bệnh nhân trầm trọng ấy. Vừa trông thấy ông, cô y tá trực liền hớn hở thưa:

- Thưa mục sư, đã từ nửa giờ trước đây bệnh nhân cảm thấy đỡ hơn.

Vài tuần sau đó thì bệnh nhân khỏi hẳn. Bác sĩ trưởng phòng giải phẫu đến gặp mục sư Boudelsting và nói:

- Thưa mục sư, tôi sẽ không bao giờ mỉm cười nghi ngờ gì nữa khi mục sư yêu cầu tôi cầu nguyện.

Anh chị em thân mến!

Thái độ trên đây của mục sư Boudelsting hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình yêu thương quan phòng ấp ủ của Thiên Chúa có thể giúp chúng ta hiểu sâu sứ điệp trong các bài đọc Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay. Ðó là "TIN", có nghĩa là hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, sẵn sàng nhắm mắt đưa chân bước vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm với Ngài. Các chương từ 12-25 sách Khởi Nguyên kể lại cuộc đời của tổ phụ Abraham, qua đó cho chúng ta thấy khúc rẽ mới trong lịch sử cứu độ.

Sau khi loài người phạm tội, con người đã bị chặt đứt mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, và như vậy là đã đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc của mình. Nhưng tình yêu thương của Thiên Chúa không nỡ để cho con người như vậy, nên Ngài lại tìm và tạo ra mối dây liên hệ mới với con cái loài người. Qua việc kêu gọi và tuyển chọn tổ phụ Abraham, khiến ông trở thành cha của một nhân loại mới.

Các trình thuật này của cuộc đời tổ phụ Abraham bao gồm hai loại truyền thống văn chương khác nhau, với cách diễn tả và quan điểm thần học riêng.

1. Truyền thống Yavit: biên soạn tại vương quốc miền nam vào giữa thế kỷ IX (sau biến cố), trong đó Giavê là tên gọi của Thiên Chúa. Truyền thống này luôn luôn coi Thiên Chúa như là người đối thoại thân tình với Abraham và với loài người. Soạn giả Yavit dùng lối hành văn nhân hình để miêu tả Thiên Chúa, nghĩa là ông cho thấy Thiên Chúa có kiểu cách nói năng và hành xử y như một người. Ngài nói chuyện, đối thoại, hoạch định chương trình, ngồi ăn uống với tổ phụ Abraham và chấp nhận sự tiếp đón của ông cách thân tình y như một người bạn.

Ngài sẵn sàng làm mọi sự cho Abraham, ban cho ông một người con mà ông hằng mong ước, ban cho ông một vùng đất màu mở làm gia nghiệp và một dân tộc. Ngài sẵn sàng làm cho ông trở thành danh tiếng, trở thành tổ phụ của một dòng dõi đông đúc, bằng cách đặt cho ông một tên gọi mới, vừa diễn tả một sự kiện mới, vừa nói lên mối liên hệ thân thiết đó của ông với Ngài. Do đó, khi đọc lại các văn bản Kinh Thánh, chúng ta cũng phải khám phá ra tình bằng hữu của Thiên Chúa và mối dây liên hệ thần linh của Ngài đối với chúng ta.

2. Truyền thống văn chương thứ hai được biên soạn tại vương quốc miền Bắc vào cuối thế kỷ VIII (sau biến cố), gọi là truyền thống Elôhit và trong văn bản này truyền thống gọi Thiên Chúa là Élohim. Truyền thống này muốn nêu bật lòng tin và thái độ sống niềm tin của tổ phụ Abraham hay cũng còn gọi được là "sự công chính của Abraham".

Lòng tin là một thực tại giàu ánh sáng và tương lai, nhưng con người lại thường hay nghi ngờ như Adam, hình ảnh diễn tả toàn thể nhân loại đã nghi ngờ. Abraham, trái lại, đã tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, tin vào các lời Ngài hứa và tương lai mà Chúa hoạch định ra cho ông. Ngay cả khi ông chưa có được gì cả. Chính thái độ tín thác hoàn toàn này khiến cho Abraham trở thành mẫu gương và là cha của những người có lòng tin thuộc mọi thời đại. Từ đó phát sinh ra tiếng "Amen" mà chúng ta thường dùng để kết thúc một lời nguyện, là động từ trong tiếng Do Thái. Nhưng nó có nghĩa là cậy dựa trên, dựa vào, tin như thế, có nghĩa là chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa và lời của Chúa mà thôi.

Chương (15,5-12.17) của sách Khởi Nguyên bao gồm cả hai truyền thống kể trên. Trình thuật kết thúc với nghi thức cổ xưa của giao ước mà Thiên Chúa ký kết vối tổ phụ Abraham. Hai bên ký kết giao ước, đi giữa song song là các thú vật được chặt đôi để hai bên, như ngầm khẳng định: bên nào không tuân giữ giao ước thì sẽ chịu cùng số phận như thế.

Tin như tổ phụ Abraham, có nghĩa là tín thác bước đi theo chương trình mà Thiên Chúa đề nghị với chúng ta. Một chương trình bí nhiệm khác với những gì chúng ta tưởng nghĩ và mong ước. Tin có nghĩa là luôn luôn sẵn sàng ra khỏi môi trường sống có bảo đảm, ra khỏi những thói quen và những kiểu cách sống quy ước của loài người. Tin có nghĩa là đưa tay ra nắm chặt lấy bàn tay của Chúa, để cho Ngài hướng dẫn và bước đi theo Ngài.

Ðó cũng là những ý nghĩa của trình thuật Chúa Giêsu biến hình trên núi (Lc 9,28-36). Ðối với dân Do Thái, Môisê và Êlia là những mẫu mực diễn tả tất cả Kinh Thánh, diễn tả tất cả Lời Chúa mà tín hữu cần phải biết lắng nghe và đem ra thực hành mỗi ngày. Qua biến cố biến hình, Thiên Chúa không chỉ mời gọi chúng ta biết lắng nghe và sống lời Ngài, nghĩa là tuân hành giáo huấn Tin Mừng của Chúa Giêsu, mà còn phải biết thoát ly khỏi tất cả những gì ràng buộc, ngăn cản không cho chúng ta bước vào sống kinh nghiệm cuộc sống Phục Sinh thiêng liêng sáng láng với Ngài.

Qua biến cố biến hình, Chúa Giêsu muốn cho ba môn đệ thâm tín rằng: con đường tiến về Giêrusalem dẫn Ngài đến cuộc tử nạn và cái chết trên Thập Giá, nhưng sau đó là ánh sáng rạng ngời của cuộc sống Phục Sinh. Trong Kinh Thánh hình ảnh cái lều diễn tả cuộc sống vô định nay đây mai đó của dân du mục. Do đó, thái độ của Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi Tabor, là Phêrô muốn biến cái tạm bợ trở thành vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với con đường Thập Giá và khổ đau. Thái độ đó là thái độ thiếu lòng tin. Bởi vì nó là một kiểu cách tránh né chương trình và con đường Thập Giá và khổ đau. Thái độ đó là thái độ thiếu lòng tin. Bởi vì nó là một kiểu cách tránh né chương trình và con đường của Thiên Chúa. Thái độ này sau bị thánh Phaolô coi là kiểu cách hành xử đặc thù của những kẻ thù nghịch với Thập Giá Chúa Kitô.

Trong thư gời tín hữu Philipphê (3,17;4,1), thánh nhân khuyến khích mỗi người nên bắt chước Ngài và theo gương các anh chị em có lòng tin sáng ngời vững mạnh trong cộng đoàn sống tin vào giáo huấn của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô không tự cho mình là người toàn thiện, vì Ngài cũng đang phải chiến đấu với thân xác yếu hèn của chính mình, với mọi đam mê và các chước cám dỗ như mọi tín hữu khác. Cũng như mọi người, Ngài đang chạy đua với hết sức lực của mình để đạt đến đích. Thánh nhân cũng không khuyên nhủ tín hữu tôn thờ thần tượng, để dành con tim mình cho một ai đó trong cộng đoàn.

Bởi vì, những người này cũng đang chạy đua và phải cố gắng như mọi người khác, chiến đấu với những thiếu sót, bất toàn và tội lỗi của họ, để tôn thờ một vị Thầy duy nhất, một Chúa duy nhất chính là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là mẫu gương duy nhất cần phải theo. Và Tin Mừng của Ngài là kim chỉ nam duy nhất bảo đảm cho con thuyền cuộc đời của tín hữu tới bến bình an.

Khi khuyến khích cộng đoàn tín hữu Philipphê bắt chước mình, thánh Phaolô mời gọi họ cố gắng chạy, cố gắng chiến đấu như Ngài, luôn hướng tâm hồn và cuộc đời về đích là chính Thiên Chúa, là cuộc sống hạnh phúc mai sau. Ðừng để cho họ quên đi mục đích tối hậu của cuộc sống và ơn gọi Kitô hữu.

Nói cách khác, thánh nhân nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng, cuộc sống trần gian này là một cuộc lữ hành tiến về quê hương vĩnh cửu. Do đó, phải luôn biết ý thức và tỉnh thức, đừng để cho các thú vui và của cải vật chất hay bất cứ sự gì trên đời này trói buộc và cầm chân chúng ta. Ngoài ra, thánh nhân cũng khuyến khích các tín hữu hãy noi gương Ngài, không chạy theo chủ trương các điều luật, các cấm đoán tỉ mỉ và các hình thức lễ nghi bề ngoài, mà chỉ lấy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh làm điểm qui chiếu duy nhất, và làm bánh lái hướng dẫn cuộc sống lòng tin mà thôi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page