Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày

(Những bài suy niệm hằng ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thứ Hai tuần I Mùa Chay (Mt 25,31-46)

Làm Cho Kẻ bé Mọn Là Làm Cho Cha

 

Chắc nhiều người trong chúng ta đã nghe nói về thánh Martin de Porres, Ngài xuất thân từ gia đình gia đen, thuộc giai cấp nô lệ trong xã hội bên Tây Ban Nha, xứ Panama vào cuối thế kỷ XVI. Thánh nhân đã được Ðức Gioan XXIII phong thánh năm 1962 và được đặt danh hiệu là: "Vị thánh tiền phong của công cuộc bác ái xã hội". Thánh nhân đã có lòng yêu thương người từ nhỏ. Lợi dụng những lần mẹ sai đi chợ mua đồ lặt vặt, Martin đã tằn tiện bớt tiền để còn dư đem biếu cho những người mà cậu nghĩ là cùng khổ hơn. Khi biết thế, mẹ cậu tỏ vẽ khó chịu và nhiều lần trách mắng, nhưng dần dần bà tỉnh ngộ đổi ác cảm thành thiện cảm.

Năm lên 22 tuổi, Martin xin vào làm việc như một gia nhân ở Dòng Ða Minh, nhưng Bề Trên nhà dòng thấy chàng có nhiều nhân đức, nên sau một thời gian đã chọn chàng làm trợ sĩ. Thầy Martin hết sức sống bác ái giữa cộng đoàn. Khi làm xong bổn phận đối với cộng đoàn, thầy thường hay sang thăm bệnh nhân, nhưng có khi lại đi lang thang ngoài đường để giúp những người nghèo khổ cô đơn.

Một hôm đang lúc đi đường, thầy gặp một người quần áo rách tả tơi, mình đầy ung nhọt hôi hám và mắc phải chứng bệnh đau nhức cùng cực. Thầy bèn cõng người ấy về phòng riêng của mình trong tu viện, đặt nằm thoải mái trên giường, ra sức tắm rửa, thay quần áo, cho ăn uống... Thầy chăm sóc bệnh nhân một cách tận tụy như chăm sóc Chúa Giêsu.

Thấy vậy, một tu sĩ tỏ dấu bất mãn và lên tiếng trách thầy: "Sao lại đưa đứa ăn mày ghê tởm về phòng và lo lắng quá sức đàng hoàng như vậy?" Thầy Martin ôn tồn đáp: "Thưa Thầy, tôi nghĩ việc thường người hoạn nạn còn quí gấp vạn lần sự sách sẽ. Thầy nghĩ xem, giường chiếu tôi có dơ bẩn thì chỉ mất chút xà bông là giặt sạch. Nhưng cả một suối nước mắt của nhân loại cũng không đủ để rửa sạch mọi vết thương do xã hội bất công và ích kỷ gây ra".

Mẫu gương bác ái và những lời nói của thầy Martin đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã giải bày nỗi suy tư của mình về đức bác ái như sau: "Ngày tận thế, Chúa không xét con về những thành công vĩ đại, những vẻ vang danh dự ở đời, Chúa Giêsu không dạy con người bằng tình cảm, mà Chúa dạy con yêu kẻ nghịch con. Yêu là thành thực muốn sự lành cho họ và làm tất cả để họ được diễm phúc. Ðiều đó đòi buộc con phải hoàn toàn quên mình. Nếu các công việc các con thực hiện cho mình mà không phải vì Chúa, thì chỉ là những việc làm vô ích, chẳng công ích gì".

Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói, mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt mà tay trái không biết. Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con. Có loại bác ái ồn ào, đó là bác ái kể công. Bác ái kể công là bác ái tìm cái vinh quang mau qua. Có loại bác ái yêu người, vì họ là hình ảnh của Chúa Kitô. Ðó là bác ái cao thượng và siêu nhiên. Có loại bác ái theo ý riêng, đó là bác ái độc tài, bác ái của nhãn hiệu, bác ái của giả hiệu.

Anh chị em thân mến!

Yêu mến anh chị em là dấu hiệu và là bằng chứng chúng ta sống tình yêu Chúa. Ai không yêu mến anh chị em mình, khi chúng ta nhìn thấy được, thì làm sao có thể yêu mến Chúa, Ðấng mà chúng ta không nhìn thấy. Thánh Gioan đã hỏi người con tinh thần của mình như thế.

Lời dạy của Chúa Giêsu được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp cho những ai chú ý lắng nghe và đem ra thực hành, thì chắc chắn sẽ được tăng thêm lòng mến mỗi ngày một hơn.

Thật thế, ngày tận thế Chúa phán xét về đức bác ái, chứ không phải về các thành công vĩ đại mà chúng ta làm được trước mặt người đời. Chúng ta đừng chờ đợi cho đến ngày tận thế, cho đến lúc cuối đời rồi nước rút mới chạy đến với Chúa. Chúng ta cũng đừng nói: "Tôi không làm việc bác ái được, vì tôi không có tiền". Chỉ có tiền mới sống bác ái hay sao? Còn có bác ái của nụ cười, bác ái của sự thông cảm, bác ái của viếng thăm, bác ái của cầu nguyện. Chúng ta cũng đừng để đến gần chết mới làm hòa với nhau, mới phân phối của cải. Ðây chính là bác ái chẳng đặng đừng, bác ái bất đắc dĩ, và chúng ta sẽ hối tiếc vì yêu thương quá muộn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con sống yêu Chúa và anh chị em một cách thiết thực hơn, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Xin thương giúp con nhìn thấy dung mạo của Chúa nơi anh chị em, và yêu thương phục vụ họ hết lòng, phục vụ vì Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page