Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày

(Những bài suy niệm hằng ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh (Ga 14,23-29)

Thánh Linh Dạy Dỗ

 

Anh chị em thân mến!

Nếu không có Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ xa vời, Chúa Giêsu sẽ là một nhân vật của quá khứ, Phúc Âm sẽ chỉ là một bản văn chết, Giáo Hội sẽ chỉ là một tổ chức trần gian, Giáo quyền sẽ giống như bất cứ một thứ quyền bính nào khác, việc truyền giáo sẽ chỉ là một công tác tuyên truyền, phụng vụ sẽ chỉ là một mớ nghi thức cổ xưa lỗi thời và cuộc sống theo luân lý đạo đức sẽ chỉ là kiểu cách hành động của nô lệ. Nhưng trong Chúa Thánh Thần, vũ trụ trở thành cao quí vì nước Chúa khai sinh, Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện, Phúc Âm trao ban sứ mạng và sự sống. Giáo Hội thể hiện sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo quyền trở thành dụng cụ phục vụ, Phụng Vụ trở thành lễ nghi tưởng niệm diễn tả trước cuộc sống mai sau và hành động của con người trở thành thần thánh.

Tư tưởng trên đây của Ðức cố Thượng Phụ Albertô, thuộc Giáo Hội Chính Thống có thể giúp chúng ta hiểu được sứ điệp thần học của các bài đọc trong Chúa Nhật VI Phục Sinh hôm nay. Ðó là Chúa Thánh Thần là Ðấng trợ lực và hướng dẫn cuộc sống Giáo Hội. Tông Ðồ Công Vụ chương 15 là một trang sử đáng ghi nhớ của Giáo Hội tiên khởi, bởi vì nó cho chúng ta thấy một số vấn đề quan trọng của cộng đoàn và kiểu cách Giáo Hội đã giải quyết các vấn đề đó.

Trước hết là vấn đề liên quan đến chiều kích đại đồng trong khác biệt của cộng đồng dân Chúa. Các tín hữu thuộc cộng đoàn tiên khởi gồm những người gốc Do Thái cũng như không Do Thái thuộc các dân tộc khác. Trong đó, có người Hy Lạp, họ làm công tác rao truyền Tin Mừng của thánh Phaolô và Barnaba và họ đã trung thành với sứ mệnh và Tin Mừng Nước Trời cho mọi dân tôc khác.

Vấn đề hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa Hy Lạp đã được thánh Phaolô và thánh Barnaba thực thi ngay từ đầu tại Antiokia để nhận sự trợ giúp của các tín hữu Antiokia cho giáo đoàn mẹ. Họ đã rao giảng một nguyên tắc trái với tinh thần của Tin Mừng, bởi vì họ chủ trương bắt buộc những người không Do Thái, khi trở thành Kitô hữu cũng phải tuân giữ các luật lệ của Môisê và tập tục của người Do Thái như phép cắt bì chẳng hạn.

Vấn đề đã gây tranh luận sôi nổi đến độ cộng đoàn Antiokia đã yêu cầu Phaolô và Barnaba hướng dẫn phái đoàn gồm các tín hữu cộng đoàn Antiokia tuyển chọn về Giêrusalem tham khảo ý kiến với giới lãnh đạo và tín hữu của toàn giáo đoàn mẹ. Và thế là cộng đồng chung đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội được triệu tập tại Giêrusalem.

Sau khi nghe phái đoàn Antiokia trình bày và cùng với họ duyệt xét, thảo luận vấn đề trong bầu khí cầu nguyện dưới ánh sáng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã lấy quyết định, viết thư trả lời và gởi phái đoàn đem thư tới cho các vùng Tiểu Á.

Công đồng quyết định rằng, trong giáo huấn của Chúa Giêsu đã có tất cả mọi nhân tố nòng cốt diễn tả bản chất cuộc sống và lòng tin của Kitô hữu. Ðó là hoán cải tâm hồn và trung thành với giáo huấn Tin Mừng của Chúa Giêsu. Cộng đồng chung thì khuyên các tín hữu giữ ba điều sau đây:

1. Không ăn thịt ô uế, cúng bái cho các thần linh ngoại giáo.

2. Kiếng máu các súc vật chết ngạt.

3. Không sống dâm loạn.

Ðây là ba luật đã có trong sách Lêvi (chương 17-18). Theo quan niệm của Do Thái giáo, niềm tin tượng trưng cho nguyên lý sự sống. Chỉ có Thiên Chúa là người có quyền trên sự sống thôi.

Kiểu cách giải quyết vấn đề trên đây của Giáo Hội Kitô tiên khởi phản ánh tinh thần cộng đoàn trong Giáo Hội. Giáo đoàn Antiokia cũng như giáo đoàn Giêrusalem không ủy thác cho một nhóm chuyên viên giải quyết vấn đề mà đã hội họp với nhau và trực tiếp lắng nghe trình bày vấn đề, các ý kiến thuận nghịch rồi bàn luận dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Sau cùng mới đưa ra quyết định chung, nghĩa là Chúa Thánh Thần trở thành trợ lực giới hữu trách, trợ lực Giáo Hội và các vị có nhiệm vụ giải quyết, nhưng Chúa Thánh Thần không thông tin cho các vị. Bổn phận thông báo tin tức và đầy đủ và trình bày vấn đề tường tận đến từng cộng đoàn thuộc mọi thành phần trong Giáo Hội.

Ðiều này cho thấy những đúng đắn giúp giải quyết các xung khắc, các bất đồng ý kiến trong cộng đoàn Giáo Hội không phải là dùng thái độ "cả vú lấp miệng em", hà hiếp anh chị em, dùng quyền bính mà ra lệnh hay hô hào hiệp nhất. Nhưng trước hết là dẹp bỏ tất cả mọi sợ hãi, mọi ích kỷ, mọi chủ trương cá nhân hay bè phái, mọi thái độ cuồng tín, áp đặt không nhân nhượng và chống đối nhau để ngồi lại đối thoại, bàn thảo khách quan duyệt xét vấn đề trong tinh thần cầu nguyện với tấm lòng rộng mở do ơn Chúa Thánh Thần soi sáng trong tinh thần huynh đệ chân thành, trong sáng, vô vị lợi và trong thái độ khiêm tốn thẳm sâu.

Trong Phúc Âm thánh Gioan (Ga 14,23-29), Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta bí quyết sống lòng tin trọn vẹn để nên thánh và xây dựng cộng đoàn Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Ngài trên trần gian này. Ðó là luôn biết sống yêu thương kết hiệp với Chúa Giêsu và qua Ngài yêu thương kết hợp với Thiên Chúa Cha cũng như thực hành Tin Mừng của Ngài.

Tin Mừng thánh Gioan, tuân giữ lời Chúa Giêsu là kiểu nói diễn tả con đường tu đức của Kitô hữu. Qua lời nói và con người của Chúa Giêsu, Kitô hữu biết đạt đến sự mạc khải của Thiên Chúa trên con đường tu đức ấy, họ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn chỉ bảo, dạy dỗ. Con đường tu đức của thánh Gioan không phải là một lời kêu gọi khô khan hay đạo đức luân lý hình thức tôn giáo của Chúa Giêsu một cách máy móc, mà là lời kêu mời chúng ta mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa là Ðấng hiện diện trên trần gian này qua lời nói và con người của Chúa Giêsu.

Mở rộng tâm hồn cho Chúa là một nỗ lực đòi hỏi nhiều khiêm tốn, can đảm, từ bỏ và chiến đấu với chính con người của chúng ta, chiến đấu với các tội lỗi, các đam mê và khuynh hướng chạy theo sự dữ mà nó đã ăn sâu vào trong tâm hồn chúng ta.

Con đường tu đức tuân giữ lời Chúa Giêsu là con dốc rất cao, nhưng trên đỉnh con dốc đó là niềm bình an Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu. Trong ngôn ngữ của Kinh Thánh thì "an bình" ám chỉ toàn vẹn của mọi ơn mà Ðấng Cứu Thế đem đến trần gian, và Ngài trao ban cho con người trong mọi chiều kích của chúng.

Và trong truyền thống Kinh Thánh, người Do Thái quan niệm những ơn ấy trong chiều kích vật chất như được đất đai, thành thị, mùa màng, chiến thắng quân sự, an ninh và che chở khỏi quân thù... Nhưng trong Tin Mừng, niềm an bình mà Thiên Chúa diễn tả trọn vẹn sự mạc khải của Thiên Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần, ơn Tin Mừng với các mối phúc và chính con người của Chúa Giêsu là thể hiện một sự trao ban trọn vẹn sự sống cho thế giới.

Niềm an bình ấy không trùng hợp với các giá trị của thế giới này, một thế giới tội lỗi, khép kín, khước từ Thiên Chúa. Niềm an bình của Thiên Chúa không giống như an bình bề ngoài giả tạo của các chế độ ý thức hệ trần gian. Các chính quyền trần gian ngưng chiến và ký thỏa hiệp vì không còn sức để chém giết nhau, chứ không phải vì muốn cho dân nước được an sinh thái bình thực sự.

Niềm an bình Thiên Chúa ban khác hẳn, loại trừ khỏi tâm hồn con người mọi thái độ hung hăng, hiếu chiến, mọi thèm khát bất chính, để làm nảy sinh ra tình yêu thương, tình bằng hữu chân thành, vô vị lợi, lòng nhân từ tha thứ và sự công chính.

Niềm an bình của Thiên Chúa là hạt giống làm phát sinh ra trời mới đất mới như được diễn tả trong chương 21 sách Khải Huyền: thành thánh Giêrusalem thiên quốc, hình ảnh Nước Trời, hình ảnh của Giáo Hội vẹn toàn được thánh hóa biến đổi trong thời cánh chung như là đích tới của ơn cứu độ. Trong đó, tín hữu không còn cần một môi giới nào, kể các đền thánh và ánh sáng mặt trời, mặt trăng, bởi vì vinh quang Thiên Chúa sẽ làm ánh sáng chiếu soi họ. Nhưng trước khi đạt tới điểm thành công ấy, Giáo Hội lữ hành trần thế cần được mọi thành phần của Thiên Chúa góp sức xây dựng, vun trồng và đổi mới. Và chúng ta chỉ có thể chu toàn sứ mệnh đó, nếu biết mở rộng cánh cửa tâm hồn cho ơn bình an của Chúa giãi tỏa, Tin Mừng của Chúa Giêsu mỗi ngày trong cuộc sống để cho Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, hoạt động như Ngài muốn. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page