Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày
(Những bài suy niệm hằng ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh (Ga 13,31-35)
Giới Răn Yêu Thương
Ngày nay, nếu có ai ghé thăm Tientina Alba, một làng nằm ở phía bắc Rumani, đều trông thấy bên ngoài làng có một gò đất lớn, bên trên cắm một cây Thánh Giá thật to. Ðó là nấm mồ tập thể của 5,000 tín hữu Công giáo thuộc Giáo hội Ðông phương nước Rumani đã bị quân xâm lược sát hại vào buổi sáng ngày lễ Phục Sinh ngày 1/04/1941.
Tientina Alba trong tiếng Rumani có nghĩa là "Suối trắng". Nhưng vào một buổi sáng cách đây hơn nửa thế kỷ nó đã trở thành một con suối máu của 5,000 người Công giáo chết vì Chúa Kitô. Quân xâm lược đã triệt để thi hành chính sách tiêu diệt tôn giáo. Người dân Rumani sống tại vùng này đều thuộc Giáo hội Công giáo Ðông phương, nên đó là một chướng ngại lớn đối với đường lối xâm lăng diệt chủng này.
Anh chị em thân mến!
Biến cố thương đau trên đây trong lịch sử Giáo hội Rumani giúp chúng ta hiểu được phần nào sứ điệp của Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh hôm nay. Ðó là điều giúp chúng ta có thể bước vào cuộc sống Phục Sinh vinh quang trên thành thánh Giêrusalem thiên quốc. Người Kitô hữu cũng phải đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô bước đi trên con đường tăm tối của bắt bớ, khổ đau và cái chết.
Thành thánh Giêrusalem thiên quốc như đã diễn tả trong chương 21 của sách Khải Huyền là một kinh thành kỳ lạ, nó là điểm thành toàn của lịch sử cứu độ cứu độ sau khi vượt thắng tất cả mọi lực lượng lịch sử xã hội tiêu cực và chiến thắng kinh thành thế tục gian ác tội lỗi của trần gian này. Sau khi chiến thắng kinh thành Babylon hiện thân của mọi quyền lực chính trị, ý thức hệ và kinh tế trần gian bắt bớ chống đối Giáo hội, sau khi đánh tan mọi lực lượng sự dữ do ma quỉ chỉ huy, cộng đoàn Kitô hữu hân hoan khải hoàn bước vào kinh thành thiên quốc. Họ bước vào trời mới đất mới, nơi không còn khóc than, khổ đau, chết chóc, buồn thương và mệt nhọc nữa.
Bởi vì, thế giới cũ đã qua rồi và mọi sự đã được đổi mới. Giờ đây, họ được sự hiện diện rạng ngời của Thiên Chúa, Ðấng ở cùng chúng tôi. Nhưng trước đó, con đường của Giáo Hội lữ hành là con đường khổ nạn của Chúa Giêsu.
Trong khung cảnh thân tình của bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ lời tâm huyết. Sau khi Giuđa, kẻ phản bội Ngài rời khỏi nhà Tiệc Ly để đi vào đêm tối mịt mù. Ðêm tối của tâm hồn và cuộc đời Giuđa và đêm tối của thế giới.
Qua đó, Chúa Giêsu mới thổ lộ cho các tông đồ biết rõ hơn con đường dẫn Ngài tới chỗ vinh quang, đó là con đường của Thập Giá. Chính khi bị treo khổ nhục trên Thập Giá, cũng là chính lúc Chúa Giêsu được tôn vinh và thành toàn chương trình cứu độ trần gian của Ngài.
Như vậy, những khổ hình Thập Giá thay vì dấu chỉ của hình phạt, thì nó lại trở thành dấu tích yêu thương cao vời nhất mà Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã dành cho con người. Do đó, chỉ những ai sống yêu thương mới hiểu được cái logic ngược đời ấy của Thập Giá. Ðồng thời đây cũng là kiểu cách hành động của Thiên Chúa.
Giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu trăn trối lại cho các tông đồ và cho cộng đoàn Giáo hội thật mới mẻ, vì nó diễn tả thái độ dấn thân tuyệt đối và trọn vẹn mà Chúa Giêsu đã ký kết với loài người bằng chính máu của Ngài. Tình yêu thương ấy là tình yêu thương hai chiều bình đẳng giữa các tín hữu. Bởi vì trong cộng đoàn ai cũng cần yêu thương và được yêu thương. Nhưng từ nay không còn chuyện yêu người như yêu mình nữa, mà yêu người như chính Thầy đã yêu chúng con, nghĩa là Kitô hữu phải yêu thương nhau với cùng cường độ trong cùng tâm tình và kiểu cách của Chúa Giêsu là tận hiến vô biên và trọn vẹn. Tình yêu thương của Chúa Giêsu là suối nguồn, mẫu mực và linh hồn tình yêu thương của Kitô hữu. Và sau cùng, tình yêu ấy là căn cước, là chứng tích sống động giúp nhận ra ai là thành viên thực sự thuộc cộng đoàn Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô.
Trong chương 14 sách Tông đồ Công vụ, thánh Phaolô cũng chỉ cho chúng ta con đường chắc chắn giúp tiến về kinh thành Giêrusalem. Ðó là noi gương Chúa Giêsu can đảm tiến bước trên con đường Thập Giá của lòng tin.
Phần thứ hai của sách Tông đồ Công vụ, các chương 13-28 nêu bật sự truyền giáo của thánh Phaolô. Các trình thuật cho chúng ta thấy ba nhân tố thần học song song quan trọng sau đây:
1. Gương mặt của Saolô lòng đầy hận thù, hăng hái tìm cách bắt hại và bỏ tù tất cả những ai tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu và gương mặt của một Phaolô không ngừng thôi thúc Kitô hữu vững vàng trong lòng tin và kiên trì chịu đựng mọi bắt bớ gian lao thử thách vì Chúa Giêsu Kitô.
Kinh nghiệm cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô Phục Sinh đã khiến cho Phaolô xác tín rằng con đường duy nhất giúp hiện thực ơn gọi làm người toàn vẹn là bước theo Chúa Giêsu Kitô và sống Tin Mừng của Ngài, cho dù có phải trả giá đắt đỏ bằng chính sự sống của mình đi nữa.
2. Nhân tố thần học song song thứ hai là kinh nghiệm đau khổ mà thánh Phaolô phải chịu vì Thập Giá Chúa Kitô và kinh nghiệm bách hại mà cộng đoàn Kitô phải sống. Phaolô đã lâm cảnh lao đao lận đận, ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng của Ngài. Và Kitô hữu trong cộng đoàn tiên khởi thời đó cũng như trong các thế hệ sau này khắp nơi trên thế giới đều phải sống kinh nghiệm Thập Giá như thầy mình là Chúa Giêsu Kitô.
Chỉ khi biết phám phá ra cái logic lạ lùng ngược đời ấy, con người và thế giới mới tìm được thế quân bình hạnh phúc trọn vẹn thời khai nguyên vũ trụ và mới thực hiện được chương trình sống mà Thiên Chúa muốn.
Nói cách khác, con đường dẫn đến cuộc sống giờ đây là con đường dẫn tới Thập Giá và khổ đau mà Kitô hữu cần phải chấp nhận mỗi ngày trong tâm tình của Chúa Giêsu Kitô, để sinh vào cuộc sống và thế giới này, để mở mắt nhìn thấy cha mẹ, người thân, mặt trời, trăng sao, thú vật và hoa cỏ xinh tươi. Ðứa bé nào cũng phải xé lòng mẹ và khóc tiếng chào đời. Nó chào đời và đời chào đón nó bằng tiếng khóc pha trộn nỗi vui mừng và niềm hy vọng.
3. Mấu điểm thần học song song thứ ba được nêu bật trong phần 2 của sách Tông Ðồ Công Vụ là cái song song giữa kiểu cách mà Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của thánh Phaolô với kiểu cách Thiên Chúa hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu, Giáo hội và thân mình mầu nhiệm của Ngài.
Trên con đường cuộc sống lòng tin, chúng ta tất cả đều cần đến người hướng đạo có nhiều kinh nghiệm chỉ bảo, khuyên nhủ và khuyến khích. Thánh Phaolô đã được Annania chỉ bảo, giảng giải và hướng dẫn trên con đường cuộc sống mới do Chúa Kitô Phục Sinh chỉ vẽ cho ông. Giờ đây thánh nhân chọn lựa các linh mục, các vị hữu trách có nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu. Ðó là những vị bô lão. Bô lão ở đây không ám chỉ sự già dặn của tuổi tác cho bằng sự già dặn kinh nghiệm trong cuộc sống lòng tin, lòng tin cậy trông và lòng mến.
Vị linh mục, người lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn già dặn về tuổi tác là một phần thứ yếu, nhưng phải già dặn về kinh nghiệm sống thân tình với Thiên Chúa và thông hiểu giáo huấn Tin Mừng của Chúa cũng như giáo huấn của Giáo hội, đó là điều thiết yếu mà linh mục cần phải có. Chúng ta hiểu tại sao trước khi trao cho Phêrô trọng trách hướng dẫn Giáo Hội, Chúa Giêsu đã ba lần hỏi xem ông có yêu mến Ngài hơn những người này không? Chính tình yêu là linh hồn của công tác rao giảng nước Chúa và là hộ chiếu giúp tín hữu được bước vào kinh thành hạnh phúc. Nó là một tình yêu trọn vẹn trong mọi chiều kích thần học cũng như xã hội ở đời này cũng như trong cuộc đời mai sau. Amen.