Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày
(Những bài suy niệm hằng ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật II Mùa Vọng (Lc 3,1-6)
Hãy Dọn Ðường Chúa
Thomas Newton là một tiểu thuyết gia nổi tiếng trong làng văn thế giới dạo thập niên 1960. Chàng theo Anh Giáo, nhưng sống như người vô thần. Một ngày nọ, khi tình cờ đi ngang qua một nhà thờ Công giáo, chàng được ơn Chúa thúc đẩy ghé vào nhà thờ trong chốc lát. Từ trước tới nay, Thomas Newton cũng có đôi lần đi nhà thờ, nhưng vì tò mò và vui chung, vui bạn nhiều hơn là vì lòng tin. Mặc dù chàng cũng đã được cha mẹ cho Rửa Tội từ ngày còn bé.
Sau này, khi Thomas Newton đã theo đạo Công giáo và gia nhập dòng Sitô khổ tu, Thomas Newton đã kể lại biến cố ấy như sau:
Khi bước vào trong nhà thờ, điều đầu tiên lôi kéo sự chú ý của tôi, đó là tôi trông thấy một cô gái duyên dáng tuổi chừng 15-16 đang quì cầu nguyện một cách vô cùng sốt sắng, không hề để ý đến chuyện gì xảy ra xung quanh, kể cả việc tôi bước vào nhà thờ. Tôi rất đỗi ngạc nhiên trước sự kiện một thiếu nữ từng ấy tuổi lại quì cầu nguyện trong ngôi thánh đường vắng lặng này một cách hết sức tự nhiên và say đắm trong lời cầu như thể bị mất hút trong tâm hồn.
Dĩ nhiên cô gái nọ vào nhà thờ không phải là để cho người ta ngắm nghía, mà là để cầu nguyện và chỉ để cầu nguyện mà thôi. Và nàng đã cầu nguyện chăm chú sốt sắng như các thánh trong một ngôi thánh đường trống rỗng.
Cuộc gặp gỡ và đối thoại thân tình ấy của thiếu nữ nọ với Thiên Chúa trong khung cảnh hoàn toàn vắng lặng của ngôi thánh đường hôm đó là một trong các nhân tố dẫn đưa Thomas Newton đến chỗ gặp gỡ Chúa và theo đạo Công giáo sau này. Ngôi thánh đường Công giáo vắng lặng nọ đã là một mãnh đất sa mạc nơi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa giữa lòng xã hội loài người nhiều bôn chôn giao động này.
Qua bài đọc Chúa Nhật II Mùa Vọng hôm nay, Mẹ Giáo Hội cũng kêu gọi chúng ta hãy biết tạo ra sa mạc trong tâm lòng mình, và đi vào để gặp gỡ Thiên Chúa (Br 5,1-9) là một số lời sấm ngôn liên quan đến ơn cứu độ. Theo truyền thống Kinh Thánh, Baruc đã là bạn, kiêm thư ký của ngôn sứ Giêrêmia. Nhưng thật ra sách Baruc là một tổng hợp của các văn bản thần học góp nhặt đó đây, và được soạn chung lại bằng tiếng Hy-lạp vào thế kỷ II (trước tây lịch).
Sách Baruc được truyền thống Công giáo công nhận là có linh ứng và được xếp vào các tác phẩm có linh ứng. Ngôn sứ Baruc muốn khẳng định với dân Do thái rằng: "Cuộc sống và niềm hạnh phúc là những điều còn có thể hiện thực được sau những năm tháng họ đã phải sống trong đắng cay, tủi nhục tăm tối của kiếp sống lưu đày".
Ðể diễn tả sứ điệp hy vọng và tin tưởng ấy, ngôn sứ dùng một số hình ảnh biểu tượng như chiếc áo, tên gọi và các kỳ công vĩ đại Thiên Chúa làm. Trong Kinh Thánh, chiếc áo ám chỉ phẩm giá của con người, khi giới thiệu thành thánh Jérusalem là biểu tượng của toàn dân Chúa trong chiếc áo mới rực rỡ của mừng vui, chứ không phải chiếc áo tang sô của buồn sầu, như ngôn sứ Baruc cố ý loan báo cho dân Do thái biết việc Thiên Chúa sẽ trao ban trở lại cho họ phẩm giá là dân riêng Ngài chọn, và chấm dứt cách sống khổ nhục họ phải chịu trong thời lưu đầy. Chiếc áo tang sô của sầu thương diễn tả thời gian và khung cảnh sống lưu đầy và khổ nhục. Hình ảnh chiếc áo mới mừng vui trên đây hé mở cho chúng ta thấy ý nghĩa việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại khi cho Ðức Kitô Nhập Thể làm người.
Chúa Giêsu Kitô mặc lấy chiếc áo yếu hèn của thân phận con người, mặc lấy chiếc áo rách nát tả tơi, hôi thối của tội lỗi từng làm biến dạng con người, khiến cho nó không còn giống Thiên Chúa nữa. Vì đã đánh mất đi phẩm giá của con người là được làm con Thiên Chúa và là thụ tạo tuyệt diệu nhất trong mọi loài thụ tạo. Chúa Giêsu mặc lấy nó để đánh đổi cho loài người chiếc áo mới, chiếc áo mừng vui lại được làm con Thiên Chúa và giống hình ảnh Ngài. Với phẩm giá mới ấy, thành thánh Jérusalem đại diện cho dân Chúa cũng mang một tên gọi mới.
Trong ngôn ngữ của Kinh Thánh thì việc đặt tên cho một người hay cho một vật, có nghĩa là tuyên bố người đó hay vật đó quyền sở hữu của mình. Nó cũng có nghĩa là người đó hay vật đó được che chở, yêu thương và săn sóc. Jérusalem từ nay sẽ được Thiên Chúa đặt tên cho là "Hòa Bình của công chính và vinh quang của lòng thương xót". Dân riêng của Thiên Chúa từ nay sẽ là một dân tộc diễn tả sự an bình công chính, nhân từ, lòng thương xót và vinh quang mà Thiên Chúa thực hiện thiên quốc thiên linh của Ngài. Vương quốc mà Thiên Chúa cống hiến cho nhân loại ngay từ bây giờ trên trần gian này bằng biến cố Ðấng Thiên Sai Nhập Thể làm người.
Trong tên gọi mới này cũng tiềm ẩn tên gọi Jérusalem mà Thiên Chúa sẽ dành riêng cho Ðấng Cứu Thế. Giêsu trong tiếng Do thái có nghĩa là Ðấng Cứu thế, ơn cứu rỗi. Công trình cứu độ và giải phóng ấy được Thiên Chúa ra tay thực hiện và trao ban cho dân Ngài với sự cộng tác của mọi loài mọi vật, y như trong biến cố Xuất Hành khỏi Ai cập thời xa xưa. Thiên Chúa sẽ ra tay gạt bỏ tất cả mọi chướng ngại, khó khăn trên đường vào sa mạc, để dẫn đưa dân Ngài về miền đất hứa thẳng băng không còn gồ ghề, sa mạc khô cằn nóng cháy sẽ nở hoa sinh tươi râm mát. Ngày đi đày tủi nhục đau buồn bao nhiêu, thì ngày hồi hương cứu độ tươi vui và vinh quang rạng rỡ bấy nhiêu. Tin vui cứu độ ấy cũng được Thiên Chúa tỏ lộ cho thánh Gioan Tẩy Giả trong sa mạc, và thánh nhân rong ruổi khắp các nẻo đường vùng sông Jordan để lớn tiếng rao truyền phép rửa thống hối tha tội.
Trong chương II Phúc Âm của thánh sử Luca ghi lại các biến cố cứu độ ấy trong khung cảnh lịch sử của thế giới về chính trị và tôn giáo thời bấy giờ. Ơn gọi và hoạt động loan báo Tin Mừng của thánh Gioan Tẩy Giả xảy ra vào năm thứ XV dưới thời hoàng đế lên ngôi năm thứ XIV và quan toàn quyền Judéa lúc đó là Pontio Philatô. Quan Philatô bắt đầu nhiệm vụ của mình tại Palestina từ năm 26-36 (sau tây lịch).
Ðất Palestina hồi ấy cũng gồm ba châu quận, do ba quận Chúa cai trị là Hérôđê Antipa, Philipphê và Alexandria. Hai thượng tế trị vì thời này là thượng tế Anna quản nhiệm năm 14-16 (sau tây lịch). Nhưng ảnh hưởng của ông vẫn tiếp tục, sau đó ông trối cho người con rể là thượng tế Caipha trị vì năm 18-36 (sau tây lịch).
Tuy nhiên, điểm thánh sử Luca nêu bật ở đây không phải là các biến cố lịch sử, chính trị và xã hội, mà là ý nghĩa thần học của lịch sử. Thánh Luca muốn khẳng định rằng: "Chính Lời của Thiên Chúa tạo ra lịch sử". Tất cả mọi biến cố, mọi nhân vật, mọi thời đại cách tiếp nối các quyền bính và giới lãnh đạo của trần gian. Trong đó Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người để cống hiến ơn cứu độ cho nhân loại. Lời thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng diễn tả trước sứ điệp được Ðức Giêsu Kitô loan báo sau này. Muốn được ơn cứu rỗi, con người phải lãnh nhận bí tích thanh tẩy thống hối, phải hoán cải tâm hồn, thay đổi lối sống, canh cải tư tưởng và cung cách hành xử của mình. Bởi vì Ðấng Thiên Sai đã hiện diện giữa lòng trần gian.
Sa mạc nơi thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng phép rửa thống hối là một điểm thần học nổi bật khác của truyền thống Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, sa mạc là nơi con người chịu thử thách, nhưng cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Sa mạc khô cằn nóng cháy ban ngày và giá lạnh ban đêm là hình ảnh cuộc sống con người không có bóng dáng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Giữa cảnh hoang vu của đá cát, con người đói khát và lạc hướng, nhưng chính tình trạng đó giúp con người ý thức được cái bé bỏng, hư không, vô nghĩa của đời mình. Bởi vì nó chỉ là gì? Nếu không phải là cát bụi hư vô. Nhận thức ấy khiến cho con người từ bỏ mọi ý nghĩ kiêu căng, ngạo mạn của mình, coi mình là thần thánh và có thể tự giải thoát lấy mình. Thái độ và tâm tình ấy khiến cho con người rộng mở tâm hồn mình để cho hành động và ơn thánh Chúa hoạt động và hướng dẫn. Ðường vào sa mạc như thế là con đường dẫn đưa con người đến gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài. Trong cuộc sống thiêng liêng, càng năng biết vào sa mạc, chúng ta càng được sống kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa sâu đậm hơn.
Sông Jordan cũng là hình ảnh thần học nổi bật khác trong trình thuật Phúc Âm thánh Luca; Jordan là con sông của hai thời giao ước. Nó là chứng tích của các biến cố lịch sử tràn đầy ý nghĩa của dân tộc Do thái. Nước sông Jordan là nước thanh tẩy của cuộc sống phục sinh và của bí tích rửa tội.
Hình ảnh nổi bật sau cùng trong trình thuật Phúc Âm thánh Luca là hình ảnh thánh Gioan Tẩy Giả, vị nguyên sứ của hai thời giao ước. Người đã nhận được Lời Chúa trong sa mạc, thánh nhân loan báo rằng: "Chính Ngôi Lời Thiên Chúa là động lực hướng dẫn dòng lịch sử nhân loại, chứ không phải con người là các chương trình do loài người đưa ra". Do đó, càng biết san bằng các chướng ngại ngăn cách, chúng ta càng nhìn thấy Thiên Chúa, chúng ta càng dễ nhận ra sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu trong đời ta và giữa lòng thế giới.
Trong chương I thư gởi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một con đường, một cách thế giúp chuẩn bị hữu hiệu cho ngày Chúa trở lại. Ðó là luôn kiên trì sống tình yêu thương bác ái, biết vun trồng lòng tin, cậy, mến và khả năng bén nhạy để giúp nhận ra đâu là thánh ý Chúa và điều đẹp lòng Ngài. Sống được như thế là tín hữu sinh hoa trái thiêng liêng phong phú và thực hiện được bổn phận làm con cái Chúa, làm thành phần dân riêng mới của Ngài.