The Confessions of St. Augustine
Sách Tự Thú của Thánh Augustin

Rev. Ngô tường DZũng, Texas, USA

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương 4
Làm bạn với Alipius

Người bạn thân trong tuổi 20 của Augustin là Alipius một thanh niên trước là môn sinh ở Tagaste và Carthage sau đó lại đến Roma và Milan với ngài. Anh trẻ hơn Augustin rất nhiều nhưng ông bạn già lại kính phục sự thành thực, trí phán đoán và ngay thẳng của anh. Họ cùng tranh luận phải trái về những vấn đề nhân sinh. Và cùng với một nhóm mười người bạn họ cùng nhau tìm ra chân lý. Nhưng chính Alipius đã chia xẻ những kinh nghiệm quan trọng nhất của Augustin, gồm cả việc người trở lại.

Augustin thường nói về Alipius với lời ca tụng, đề cập đến bao nhiêu tài năng dấu ẩn hay xuất hiện nơi anh ta khi chàng trai này càng trở nên quan trọng vào cuối đời của ngài. Nghề của Alipius gần gũi với Augustin. Anh cũng được phong chức linh mục và được làm giám mục thành Tagaste.

16. Thích thể thao

Trong số những bạn sống với tôi người tôi thích nhất là chàng Alipius trẻ tuổi. Anh cùng quê với tôi và cha mẹ là bậc thế gia vọng tộc. Vì anh trẻ hơn tôi nên nhiều khi tôi là giáo sư của anh, trước ở quê sau lên Carthage. Anh tỏ ra thán phục điều anh thấy nơi tôi là sự học vấn và dễ thông cảm; và tôi cũng thán phục triển vọng của anh, trình độ luân lý cao và trí thức trổi vượt.

Khi anh đến Carthage nơi tôi dậy tu từ lúc đầu anh không học tôi vì sự bất đồng của cha anh và tôi. Ðáng buồn là anh thích thể thao.

Thể thao là hí trường, đua xe ngựa, đấu vật thu hút nhiều người. Ðiều này có vẻ hạ cấp và tàn ác nhưng tôi không tiện can thiệp khi Alipius đang thích. Tôi không là thầy dậy anh và không coi mình là bạn của anh và coi như anh cũng nghĩ về tôi như cha anh. Thực sự anh không như thế nhưng lúc đó tôi không để ý điều đó. Tuy nhiên có lần anh đến lớp tôi và vẫy tay chào tôi. Về phần tôi thì tôi không chịu nói về chuyện mê chơi của anh tuy nhiên trong cách thế lạ lùng tôi dùng (Sau này tôi tin là do Chúa) tôi xin anh xét lại việc mê chơi của anh.

Tôi đang nói về một bản văn và dùng vận động trường như thí dụ giải thích vài điểm. Không có ý nói tới Alipius, tôi lưu ý về những người mê thể thao. Thật lạ lùng anh cho là tôi nói về anh và anh nhớ mãi. Thay vì giận dữ, như người ta thường làm, anh coi điều tôi nói như là cảnh cáo thân tình và giúp cho anh. Kết quả anh không đến hí trường nữa và không nghĩ gì đến những chuyện liên quan đến hí trường.

Hơn nữa anh lại được phép cha anh đến học với tôi và bắt đầu chia xẻ sự sùng tín của tôi về những thuyết lý của phe Manichee. Chuyện này tiếp tục khi anh đi Roma để học luật trước khi tôi đến đó. Tại Roma đáng tiếc là anh lại gặp dịp thể thao. Những hí trường lớn như Coliseum thu hút đám đông quần chúng và người ta đến đó để cho phép mình say máu khi các tay giác đấu đánh nhau chí tử. Alipius vẫn giữ quyết định ở Carthage là không đến hí trường. Nhưng một buổi chiều sau khi ăn cơm bạn bè đến rủ anh và định dùng võ lực mang anh đến hí trường.

Thái độ anh dứt khoát: anh đã định không đi và anh đã nhất quyết như thế. Tuy thế họ thuyết phục và đùa cợt, muốn lôi anh ra khỏi nhà, nên cuối cùng anh quyết định ra đi nhưng anh bảo họ là anh vào hí trường nhưng nhắm mắt và tâm trí không nghĩ đến cảnh tàn bạo đang diễn ra nơi đó.

Anh nói: "Tụi bay có thể nghĩ rằng tao có mặt ở đó với tụi bay nhưng thực sự tao sẽ vắng mặt và điều này sẽ làm cho tụi bay thất bại trong việc muốn tao làm điều xấu xa". Ðây là những lời can đảm nhưng cũng là những lời tâm tình.

Alipius và lũ bạn đến nơi trong lúc quần chúng đang say sưa và không tìm ra được chỗ ngồi. Như đã nói anh ta nhắm mắt lại và cũng cố gắng dẹp trí tưởng tượng do những tiếng động và kích thích chung quanh.

Mọi truyện êm xuôi được một lúc. Rồi khi một trận đấu kết thúc khi quần chúng đứng lên cổ võ đấu thủ giết chết người cùng tranh đấu, Alipius không thể không mở mắt để xem chuyện gì xảy ra "tuy đã quyết chống lại và khinh bỉ chuyện đó" như sau này anh kể lại. Nhưng điều anh trông thấy đã ảnh hưởng đến anh trong lòng như anh đang giết người võ sĩ giác đấu.

Lỗi lầm của anh như anh thổ lộ sau này là tin vào sức mạnh của mình để chiến thắng cám dỗ. Lúc này anh không thể chống lại khung cảnh đó. Anh cũng nhẩy cẫng lên như người khác, đòi đổ máu. Anh không còn là chàng trai xứng đáng có niềm tin luân lý cao thượng và khinh bỉ sự tồi bại cũng như sự tàn ác nơi hí trường. Ðúng hơn anh là con người hung dữ như mọi người khác nhìn, la hét và sung sướng vì cảnh tượng xấu xa. Ðiều tệ hại là anh đi đến nhiều lần lại còn rủ nhiều người khác cùng đi.

Lúc đó anh không biết có ngày Chúa sẽ gọi anh làm linh mục, để chủ tọa các phép bí tích và coi sóc đàn chiên Chúa. Anh cũng không biết được nhiều năm sau Chúa sẽ dùng tay nhân từ và mạnh mẽ kéo anh ra khỏi cảnh dại dột hiện tại và dạy anh đừng nên tin tưởng vào mình nhưng hãy dựa cậy vào Chúa.

17. Kinh nghiệm đau khổ khác

Kinh nghiệm của Alipius nơi hí trường cũng giống như chuyện xảy ra ở Carthage trong lúc tôi dậy học cho anh. Cả hai biến cố anh đều ghi nhớ và sau này sẽ có giá trị cho cuộc đời anh nhưng ngay lúc đó thật là những kinh nghiệm đau đớn.

Một hôm ở Carthage anh đi dạo phố vào lúc trưa đọc bài to tiếng và mang bút và bản viết. Một học sinh khác cũng ra chợ, anh không biết cậu này, nhưng lý do của cậu ta không nghiêm chỉnh như thế. Anh ta mang theo rìu và treo lên mái nhà một ông thợ bạc với ý định đánh cắp mấy món đồ treo trong nhà.

Không ngờ tiếng va chạm làm cho ông thợ dưới nhà nghe thấy nên chạy ra ngoài xem truyện gì xảy ra. Tên trộm thấy nguy hiểm nên lủi đi và để cái rìu trên mặt đất gần cửa tiệm.

Alipius nghe thấy xôn xao nên chạy đến coi. Anh thấy tên trộm đang lủi đi (dù không biết anh ta đã làm gì, và rồi anh thấy cái rìu thì cầm lên. Lúc đó ông thợ bạc xuất hiện thấy Alipius đứng đó có tang vật trong tay. Dù anh phản đối ông vẫn dẫn anh đến quan tòa vì thấy rõ ràng hai với hai, mang theo chiếc rìu làm tang vật.

Số phận của anh chắc chắn sẽ vô tù hay ít là bị đánh đòn ngoài chợ nếu không có một ông kiến trúc sư đi qua. Ông thợ bạc rất thích gặp ông ta kể cho ông nghe chuyện đã xảy ra và Alipius cũng kể, vì anh đã gặp ông nhiều lần tại nhà của một nghị sĩ bạn của cả hai người. Ông kiến trúc sư tách riêng Alipius ra và hỏi anh. Không giống mọi người ông biết chuyện gì đã xảy ra và ông dẫn họ cùng với Alipius đến nhà tên bị tình nghi. Tại cửa có một anh nô lệ còn rất trẻ nên ông kiến trúc gia nghĩ nó chưa có thể bịa chuyện. Ông hỏi: "Chiếc rìu này của ai ?"

Ðứa nhỏ nói ngay: "Của nhà tôi mà", và ông dẫn họ đến với người chủ tình tờ cũng thú nhận làm cho Alipius thấy nhẹ cả mình. Anh về nhà trở thành người khôn ngoan hơn. Anh cũng học được một điều làm cho anh luôn ngay thẳng trong bao nhiêu năm cho đến khi Chúa gọi anh làm thẩm phán và làm người xét đoán nhiều vụ trong giáo hội. Sự việc nhiều khi không như mình tưởng.

18. Cuộc tìm kiếm của trí thức

Alipius là một người trong nhóm bạn khoảng 10 người, cùng đến Milan học luật. Tôi gặp anh tại Roma và anh theo tôi lên Milan. Tôi kính phục nhiều đức tính của anh nhưng nhất là tôi cảm phục sự lương thiện ngay thẳng. Lúc đó trong triều đình hay có chuyện hối lộ khi anh làm lục sự cho một thẩm phán và áp lực thật mãnh liệt. Tuy nhiên anh luôn không nhận hối lộ. Và ngay tại Roma anh còn làm cho một ông nghị tức giận điên người muốn cho anh tiền trong một vụ rắc rối pháp luật. Khi Alipius từ chối, ông muốn điên lên. Ông đe dọa nhưng anh vẫn chống đối. Rồi ông tìm cách cho ông chánh án trong phiên tòa anh là luật sư. Nhưng Alipius đe dọa sẽ bỏ phiên tòa và nói lý do tại sao, nếu ông chánh án xử cho ông nghị được kiện. Ông chánh án phải xử cho ông ta thua theo như luật pháp đòi hỏi nhưng ông đổ tội cho Alipius, nhưng anh vẫn hề bối rối dù bị tai hại cho nghề nghiệp.

Tuy nhiên để cho có uy tín anh phải theo cám dỗ không lương thiện trong một vụ án lớn hơn. Anh thích sách vở và sự học hỏi và khi anh có dịp mua những bản văn ăn cắp với giá rẻ, lúc đầu anh muốn chấp nhận. Lúc đó ai cũng thế.

Nhưng khi nghĩ lại, như thói quen, anh quyết định không nhượng bộ những nguyên tắc đã đặt ra về vấn đề như thế. Ðây chỉ là gương mẫu theo lời nói của Chúa Giêsu "ai trung thành trong việc nhỏ thì cũng trung thành trong việc lớn lao" Thực ra không có sự vô lương nào lớn cả và Alipius biế điều ấy hơn bất cứ người nào trong chúng ta. Tuy thế anh thẳng thắn trong những vấn đề luân lý thì lại do dự trong vấn đề quan trọng nhất. Ðâu là nguyên lý hướng dẫn cuộc đời anh? Về vấn đề này anh cũng ở trong tình trạng như tôi và cả nhóm bạn nhỏ bé đó. Chúng tôi nói mình luôn tìm kiếm không mệt mỏi chân lý và sự khôn ngoan nhưng hình như không bao giờ chúng tôi tìm thấy.

Ba chúng tôi, nhân vật thứ ba là Nebridius, tôi phải nói là làm ra vẻ tìm kiếm. Chúng tôi thở dài, hỏi lòng mình, luôn hỏi nhau, tranh luận cho đến khuya, luôn chờ đợi lúc nào đó có tia sáng nào làm cho mọi chuyện được sáng suốt.

Cuộc sống xã hội và thế tục của chúng tôi vẫn tiếp tục. Dù sao chúng tôi là người thế tục. Tôi có người yêu và họ cũng có những khoái lạc. Tuy nhiên những điều đó không làm cho chúng tôi thích thú gì. Chúng tôi chỉ được những chua cay và những gì chúng tôi thấy chỉ là bóng tối dầy đặc.

Chúng tôi thất vọng hỏi nhau: "Cuộc sống cứ như thế này mãi sao?" Không bao giờ chúng tôi thôi làm những chuyện mâu thuẫn với việc tìm kiếm chân lý hay có liên hệ giữa nếp sống hiện tại và sự kiện là cuộc sống đích thực mà chúng tôi nói mình ao ước không bao giờ thực sự xảy ra.

Về phần tôi, tôi bắt đầu thất vọng vì không bao giờ tìm ra câu giải đáp. Tôi tìm kiếm từ năm 19 tuổi và bây giờ gần 30 vẫn chưa tới gần chân lý. Tôi lại còn lý luận về tình trạng đó với mình. Tôi muốn nói: "Ngày mai chân lý sẽ tỏ hiện và tôi sẽ chấp nhận". Hay "Faustus lãnh tụ phái Manichee sẽ đến Milan và ông sẽ giải đáp thắc mắc cho tôi". Hay theo kiểu thất vọng hơn, "Có phải không có gì chắc chắn như nhiều nhà trí thức lý luận trong vấn đề này và việc tìm kiếm là vô ích chăng?" Hay có vẻ hi vọng hơn tôi lý luận: "Tôi biết tôi sẽ làm gì. Tôi đã thấy kinh thánh dạy là không vô lý. Tôi đã dấn thân học đạo. Chắc chắn tôi sẽ đi trên con đường cha mẹ tôi đi khi nào chân lý sáng tỏ cho tôi".

Nhưng tôi hành động trái ngược lại cả những thiện ý đó. Như nhiều người tôi thích hỏi, và đặt mình vào tư thế của người tìm kiếm, nhưng tôi lại không dành cho công việc đó thời gian và sự cố gắng cần thiết. Chẳng hạn tôi định dành ban sáng cho việc dậy học và ban chiều dành cho việc tìm hiểu chân lý siêu nhiên. Tốt lắm. Nhưng tôi lại bắt đầu hỏi mình "khi nào tôi có giờ cho bạn tôi" hay "khi nào tôi soạn bài?" hay "khi nào tôi giải trí?"

Trong những lúc thức tỉnh tôi biết những chuyện ấy đưa tôi đến đâu nhưng tôi bất lực không thể thay đổi. Tôi biết giờ chết không biết đến lúc nào đối với tôi cũng như cho mọi người và biết trễ nải hay trì hoãn việc tìm kiếm chân lý bằng những lý do vô lý như hội họp, giải trí hay cả việc dọn bài học cũng là ngu dại. Khoa luận lý thôi cũng nói cho tôi hay rằng ưu tiên số một phải dành cho việc tìm Chúa và cuộc sống vĩnh cửu trước khi làm những công việc phụ thuộc khác.

Nhưng khoa luận lại không làm như thế. Nó cho tôi hay là tham vọng là đáng tôn trọng. Chẳng hạn làm tổng đốc sẽ mang lại khoái lạc và thoả mãn. Lấy vợ giàu sẽ giải quyết hai vấn đề trong cuộc đời là khoái lạc và tiền bạc. Tôi nghĩ tôi chỉ ao ước thế thôi. Khi đạt tới rồi tôi sẽ tìm kiếm sự thực.

Trong lúc tôi lý luận này nọ với chính mình và bạn bè, thời gian lặng lẽ trôi qua. Bây giờ tôi có thể thấy rằng dù tôi rất muốn hạnh phúc và đầy đủ, tôi sợ đi kiếm cuộc sống hạnh phúc trong một nơi có thể tìm thấy và tận đáy lòng tôi tôi cũng biết. Như thế tôi trốn tránh sự thực dù cho tôi cho rằng đang tìm nó. Tôi chỉ không thấy rằng vấn đề trí thức chỉ là vấn đề luân lý trá hình.

19. Khi thân xác làm chủ tinh thần: theo đuổi hôn nhân

Chính Alipius chống đối việc tôi lấy vợ nhất. Tôi đã sống với một người phụ nữ trong nhiều năm và cảm thấy thà bỏ sự vô luân bước vào hơn nhân để có thể giữ tư thế người tìm kiếm chân lý, không phải với cô ta, như Chúa biết, nhưng với một cô nào có địa vị hơn. Anh lý luận rằng anh cũng thử tình dục trong quá khứ và không thấy hạnh phúc gì, và trong bất cứ trường hợp nào thì người vợ cũng ngăn cản ta tìm chân lý. Anh đã sống cuộc sống rất trong sạch.

Tuy nhiên tôi cãi lại anh và cho rằng nhiều người khôn ngoan nhất cũng đã lập gia đình. Hình như điều ấy không ngăn cản họ tìm chân lý cũng không cách ly họ xa Chúa. Không những thế mà vấn đề khoái lạc tình dục không thể chỉ kinh nghiệm cách hời hợt trong những liên hệ mau qua hời hợt như anh đã có, nhưng sẽ có giá trị khi là liên hệ lâu bền như tôi đã có và còn hơn nữa nếu có tình trạng hôn nhân (như tôi định có). Trước những lý luận đó ngay cả Alipius cũng gần xiêu lòng.

Thế là việc tìm vợ cho tôi bắt đầu và mẹ tôi hoàn toàn giúp đỡ khuyến khích. Bà lo lôi kếo tôi ra khỏi cuộc sống tội lỗi mà bà cho là tôi đang có, và bà cũng hi vọng khi tôi lấy vợ tôi sẽ lãnh bí tích rửa tội.

Nhưng có một điều kỳ lạ trong thái độ của mẹ tôi về vấn đề này. Bà thường cầu xin Chúa soi sáng cho bà theo ý Chúa trong những thị kiến phải làm điều này hay điều kia (và bà thường được như ý cách này hay cách khác) Nhưng trong cuộc hôn nhân của tôi dù cho bà cầu nguyện cho việc ấy ngày cũng như đêm, Chúa không soi sáng gì cho bà cả. Bà cũng có đôi chút tưởng tượng về cô vợ tương lai của tôi nhưng trống rỗng và phỉnh gạt mình, nhưng bà biết đó không phải là thị kiến Chúa ban.

Công việc tiến triển. Hỏi một cô và cô ta chịu. Cô ta rất thích hợp trong mọi sự và tôi cũng thích cô ta lắm nhưng còn hai năm nữa cô mới đến tuổi cập kê. Tôi không còn cách nào khác đành chờ đợi thôi. Nhưng tôi đã không làm gì, Nhóm bạn của tôi đã hoạch định chương trình sống chung như một cộng đồng, để có thể tìm chân lý. Nhưng vấn đề vợ con, nhiều người đã có vợ, và tôi dĩ nhiên sắp cưới vợ, đã làm sứt mẻ tình huynh đệ và chương trình đổ vỡ.

khi chuyện đó xảy ra thì tôi trải qua một kinh nghiệm đau đớn. Nếu tôi lấy vợ danh giá thì tôi phải bỏ người tình. Khi giải thích điều đó cho nàng thì nàng rất khó chịu. Nàng không thể tin rằng tôi nhẫn tâm để nàng ra đi. Nàng cản thấy tôi đã xử tệ với nàng (như tôi đã làm) và thề sẽ không bao giờ biết đến đàn ông nữa Nàng trở về Phi châu để lại thằng con nhỏ tuổi ở lại với tôi ở Milan.

Tôi cũng cảm thấy bị thương tổn sâu xa nhưng phản ứng của tôi hoàn toàn trái ngược. Thấy còn những hai năm nữa mới lấy vợ và không thể tưởng tượng có thể giữ mình trong hai năm đó nên tôi kiếm cô bồ khác. Ðây là một kinh nghiệm đớn đau như những cố gắng khác trong thời gian đó, đi tìm khoái lạc xa cách Thiên Chúa. Nỗi đau xa cách người tình cũ mà tôi còn yêu càng ngày càng mãnh liệt chứ không yếu đi. Ðây là nỗi đau đớn tái tê chó má làm cho hỏng mất mọi mưu toan muốn thay thế nàng bằng những liên hệ khác.

20. Vấn đề sự dữ

Cũng vào thời gian này tôi trải qua một thời kỳ tăm tối khi tôi tìm hiểu vấn đề nguồn gốc sự dữ.Tôi không hiểu rằng chìa khóa của tất cả những vấn đề ấy là sự tự do của ý chí con người. Tôi biết và luôn tin là Thiên Chúa không bị thay đổi hay hư nát và Thiên Chúa không thể và không tạo nên bất cứ cái gì xấu xa.

Như thế tôi không biết nguồn gốc sự dữ như thế nào. Nếu quỉ tạo nên thì ai ngoài Chúa tạo nên ma quỉ? Và nếu chính tôi do Chúa tạo nên (chính là sự Thiện) tại sao tôi lại hay muốn làm điều ác? Ai đã mang yếu tố xấu đó vào đời tôi? Chắc chắn không phải là Chúa. Và trong mọi trường hợp tai sao Chúa không thể với quyền phép vô cùng, biến đổi hay chuyển mọi sự dữ thành sự lành? Tại sao có sự dữ trong thế giới của Chúa và nghịch lại ý Chúa?

Những vấn đề như thế xáo trộn đầu óc tôi. Tôi thiếu chất keo sống là Chúa tạo nên chúng ta hoàn hảo, nhưng cho ta tự do ý chí; và ta đã đem những nguyên lý xấu vào cuộc sống của ta khi sử dụng tự do đó. Dù tôi không thấy vấn đề trọn vẹn tôi càng xác tín về hai điều: thứ nhất phái Manichee sai, thứ hai là khi tôi tìm ra vấn đề thì vấn đề nằm trong Kinh Thánh và phần nào đặt trung tâm nơi Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa và Chúa chúng ta.

Trên căn bản đó, thật rõ ràng đối với tôi là mọi sự Chúa dựng lên đều tốt, ngay cả những sự hư nát, như bản tính con người. Vì nếu lúc đầu nó không tốt thì nó đã không bị hư nát: không thể làm hư hỏng cái gì đã xấu. Như thế tôi thấy có sự phân biệt. Nếu vật thụ tạo là sự thiện tối cao như Thiên Chúa, thì sẽ không hư hỏng như Ngài. Ðàng khác nếu chúng không tốt tí nào, thì sẽ không có gì trong chúng bị hư hỏng. Như thế chúng cũng không hư hỏng. Nhưng con người lại ở trong hai trường hợp: chúng ta hư hỏng cách ghê gớm. Như thế bây giờ tôi thấy như một lý chứng mạnh mẽ là từ đầu nhân chi sơ tính bổn thiện như Kinh Thánh dậy. Chúng ta không phải là sự thiện tối cao: chính là Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng không hoàn toàn xấu: như thế chúng ta có thể bị hư hỏng. Nhưng chúng ta ở giữa trong cái bế tắc luân lý, nhưng không thể cứu mình được. Chúng ta là những con người luân lý, được dựng lên tốt lành theo hình ảnh Chúa; nhưng chúng ta có thể bị hư hỏng, khi ta lạm dụng hồng ân tự do lựa chọn và như thế chúng ta bị hư hỏng không thể tránh được.

Dần dà và ngày qua ngày, tôi ý thức bản tính của tôi vì bây giờ Chúa giúp tôi thấy. Ngài bắt đầu chiếu ánh sáng chân lý ngài trong cuộc sống của tôi, một ánh sáng khác hẳn ánh sáng tôi biết được trên thế gian. Ánh sáng không quá cao hơn sự hiểu biết trí thức hay tâm linh của tôi.

Ánh sáng trên tôi vì dựng nên tôi, và tôi ở dưới vì tôi được tạo nên do ánh sáng đó. Ai biết chân lý sẽ biết ánh sáng đó; và ai biết ánh sáng đó sẽ hiểu được ý nghĩa của vĩnh cửu. Tình yêu sẽ biết điều ấy.

21. Ánh sáng bắt đầu buổi bình minh

Tôi đã tìm chân lý nơi các nhà trí thức và triết lý thời đại. Tôi đã say mê thiên văn và theo phái Manichee. Nhưng sau cùng tôi không nhìn con người mà nhìn về Chúa , và tôi thấy ngài đang giúp đỡ tôi làm điều ấy dù cho tôi chưa thích hợp cho việc ngay cả đến gần ngài.

Chính lúc đó Chúa phán với tôi qua những nhận thức nội tâm. Chẳng hạn có lần tôi sợ vinh quang và sự thánh thiện của Chúa nên tôi run rẩy sung sướng và sợ hãi. Hình như có tiếng từ trời cao nói với tôi: "Ta là của ăn cho kẻ mạnh. Hãy mau lớn lên và ngươi sẽ được ta nuôi sống. Nhưng không như của ăn khác ta sẽ không là thành phần của ngươi. Ngươi sẽ thành phần tử của ta".

Ðiều này giúp tôi vì tôi còn ngại do ý nghĩ Chúa là hay trở nên vật chất. Ðối với tôi ngài hoàn toàn linh thiêng hay không là gì cả. Một hôm tôi nghĩ về điều đó và tự hỏi "có phải chân lý thực sự không hiện hữu, khi nó không ở trong không gian giới hạn hay vô cùng?" Và Chúa lại nói với tôi như từ một cõi bao la nào đó: "Phải có chân lý: Ta là Ðấng tự hữu." Tôi nghe điều ấy không phải nơi tai mà như người ta nói trong tâm hồn tôi. Ðiều này làm cho tôi xác tín đến nỗi tôi không bao giờ hồ nghi nữa là chân lý hiện hữu có thể thấy rõ, và hiểu được qua những gì Chúa tạo thành, gồm cả con người.

Kinh nghiệm này đưa tôi đến việc suy nghĩ về tất cả những thụ tạo của Chúa. Tôi thấy không có vật nài có sự hữu tuyệt đối (vì nơi sự bị ảnh hưởng thời gian, sự hư hỏng, sự chết hay bị phá hủy) nhưng chúng cũng không phải là không tự hữu. Chúng hiện hữu nhưng không theo quyền của chúng. Chúng đều tùy thuộc vào Chúa. Chúng hiện hữu chỉ vì Ngài hiện hữu. Nhưng sự hiện hữu của chúng không tuyệt đối vì chúng không vĩnh cửu như một mình Chúa. Như thế mọi thụ tạo hiện hữu vì do Chúa dựng nên nhưng không thụ tạo nào hiện hữu cách tuyệt đối, vì chúng không phải là Thiên Chúa.

Từ ý thức đó tôi đi đến kết luận rõ ràng. Tôi phải khôn ngoan bám lấy Chúa vì xa ngài tôi sẽ không có sự hiện hữu tuyệt đối. Trong ngài tôi có thể như ngài, như ngài đã nói cho tôi trước đây. Rồi có dấu hiệu khác dựa trên một kinh nghiệm chung trong cuộc sống hằng ngày, nhưng rất mạc khải cho tôi trong lúc đó. Cũng cái bánh làm cho người khỏe thích thú và mát mẻ thì làm cho người đau yếu muốn ói mửa; ánh sáng mặt trời vẻ vang cho con người có đôi mắt tốt thì lại làm đau đớn cho con mắt yếu đau. Thế là tôi hiểu rõ sự công thẳng của Chúa làm cho người yêu thích đường lối ngài mát mẻ và thích thú thì lại xấu xa xúc phạm đến người từ chối ngài. Hiểu được như thế hình như soi sáng cho tôi trong cuộc chiến trường kỳ với vấn đề sự dữ. Chắc chắn sự dữ có nguồn gốc không phải trong điều căn bản, nhưng trong một thứ xấu xa tách rời Thiên Chúa, một thứ ý chí hướng về những sự thấp hèn, đến nỗi sự tốt lành của Chúa cuối cùng có vẻ xấu xa và sự xấu xa thành tốt lành.

Sự xáo trộn là những tư tưởng đó tôi tin thật là do Chúa, lôi kéo tôi đến với Ngài, nhưng thân xác và dục vọng luôn đẩy tôi xa ngài. Tôi không bao giờ hồ nghi là Chính Chúa là Ðấng tôi phải gắn bó, nhưng tôi lại không thể làm điều đó, chỉ đơn giản thế thôi. Tâm trí tôi luôn đặt ra những câu hỏi và những câu hỏi đó Chúa trong lòng từ bi luôn kiên nhẫn trả lời. Thân xác tôi cũng đặt câu hỏi và hình như lúc đó nó mạnh hơn tinh thần. Hơn nữa chính qua thân xác và cảm giác mà ta nhận ra sự vật. Vấn đề của tôi là cảm giác không cho tôi nhận ra chân lý.

Và tôi tìm con đường khác. Tôi cảm thấy khả năng suy luận tôi bị cảm giác của thân xác làm hư hỏng chẳng hạn khi tâm trí tôi muốn hướng về những sự linh thiêng thần thánh thì cả một chuỗi những tưởng tượng hình ảnh nhục dục lại đi qua.

Nhưng tâm trí tôi biết và kêu la lên rằng nó thích cái không thay đổi chứ không phải cái thay đổi. Có lần trong chốc lát nó vượt lên cảm quan thường lệ mở đường cho ánh sáng. Trong một dấu hiệu sáng chói lòa vừa kỳ diệu vừa làm sợ hãi, tâm trí tôi đã thấy cái thực tại bên trong của hiện hữu như thế nào. Những sự vô hình của Chúa được hiểu nhờ những cái hữu hình được tạo dựng. Ðó chính là bản thể sự vật ta hi vọng thấy cái hiển nhiên của sự vật ta không thấy được.

Tuy nhiên tôi không thể giương mất nhìn ra khung cảnh. Trong một hai lúc, tôi lại nhìn vào những đối tượng tầm thường chung quanh. Kinh nghiệm kỳ diệu của tôi chỉ còn là ký ức quí giá, hương vị xa xôi của một bữa tiệc tôi thấy từ xa nhưng không thể dự tiệc.

22. Quan niệm sai lạc về Chúa Giêsu

Quan điểm của tôi về Chúa Giêsu là ngài là người rất khôn ngoan hơn nhiều người khác nhưng chính ngài chỉ là một con người. Tôi cho ngài uy tín tối cao của bậc thầy và rất bị xúc động về ý nghĩ ngài sinh ra đồng trinh nhưng làm cho tôi thắc mắc vì đây là thí dụ cho thấy tinh thần ở trên vật chất. Nhưng tôi không thấy được hậu quả tự nhiên của việc "Ngôi Lời nhập thể".

Như tôi thấy cuộc sống của Chúa Giêsu là cuộc sống trong đó Ngôi Lời nhập thể hiện diện hoàn toàn, linh hồn và tâm trí cùng làm việc hòa điệu. Mọi điều tôi đọc về ngài trong Thánh Kinh, niềm vui buồn hành động và lời rao giảng, đưa tôi đến nhận biết Chúa Kitô là người hoàn toàn và hoàn hảo. Tôi chưa quan niệm được ngài là chân lý của Chúa hiện hình, nhưng tôi tin rằng hơn mọi người khác ngài chuyên chở chân lý.

Bạn tôi là Alipius lại có khó khăn khác. Anh nghĩ là người Kitô hữu tin rằng, trong việc nhập thể, Chúa đã làm người theo phương cách không còn linh hồn và tâm trí con người trong Chúa Giêsu. Mọi sự Ngài có là Thiên Chúa và xác thịt. Khó khăn mà niềm tin ấy gây ra cho Alipius là điều hiển nhiên. Làm sao Chúa Giêsu có thể làm những điều trong Phúc âm trừ khi ngài là một con người sống động suy nghĩ, một con người có hồn và tâm trí?

Vì Alipius nghĩ người Kitô hữu nghĩ như thế nên anh tìm ra chân lý chậm hơn tôi. Sau này chúng tôi mới thấy chúng tôi đã hiểu sai về chân lý liên quan đến Chúa Giêsu. Thật tình cờ, Alipius nhận ra chuyện đó trước tôi. Phải qua một thời gian rất lâu tôi mới hiểu được giáo lý Kitô giáo về "Ngôi Lời Nhập Thể".

Ðiều làm tôi bối rối căn bản là bị ám ảnh vì là trí thức hay có vẻ như thế lại được khen vì sự tài giỏi. Tôi chờ đợi Thiên Chúa thưởng công cho sự khôn ngoan của tôi. Nhưng sự khiêm nhu của tôi ở đâu? Ðâu là tình yêu của tôi đối với Chúa không nợ nần tôi điều gì? Hình như tôi là hai con người, một đàng thích thẳng thắn với Chúa, người khác chỉ muốn thẳng thắn thôi.

Lúc đó Thánh Phaolô đến giúp tôi. Tôi quyết định đọc hết những sách của Ngài và thấy ngài nói rất thích hợp với vị thế của tôi. Chẳng hạn trong thư Roma ngài phải đối diện với vấn đề phái Plato hay những triết gia khác chưa hề đặt ra. Nhưng đây là những vấn đề làm cho tôi phải lo âu. Khi tôi đọc những câu này hình như là những câu vọng lại những tiếng kêu thất vọng của tôi: "Tâm trí tôi sung sướng trong luật Chúa, nhưng tôi thấy cũng có luật khác trong con người tôi, đang chống lại luật Chúa, và đưa tôi làm nô lệ cho luật tội lỗi vẫn ẩn tàng trong người tôi. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này?" Và rồi có câu trả lời "Tôi cảm tạ Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta."

Những sách của các triết gia không bao giờ nói tới xung đột nội tâm đó. Họ không nói đến những tinh thần lo âu hay con tim vỡ nát thống hối." Không có ông nào lên tiếng trong tác phẩm của mình để ca ngợi "Linh hồn tôi đợi trông Chúa vì sự cứu độ tôi do Ngài..Ngài là Chúa và là Ðấng Cứu độ tôi, Ðấng binh vực tôi. Tôi sẽ không bao giờ lung lay." Trong sách của họ bạn không bao giờ nghe tiếng nói "Hãy đến cùng ta, hỡi những ai gồng gánh nặng nề" vì họ khinh bỉ những ai như Chúa Giêsu nói "hiền lành và khiêm nhường trong lòng." Tại sao những điều như thế không có trong tác phẩm của họ. Vì Chúa "đã dấu ẩn những điều đó không cho những người khôn ngoan thông thái biết, nhưng lại mạc khải cho người chưa biết nói."

Khi tôi đọc những lời của thánh Phaolô và những lời Thánh kinh khác, tôi nhận ra rõ ràng vị trí của tôi. Tôi đang ngồi trên đỉnh núi rậm rạp nhìn xuống mảnh đất an bình ở xa, không biết con đường đến đó hay có thể vượt qua chướng ngại do lỗi lầm và tội lỗi. Có một điều khác hoàn toàn tốt hơn, là rời khỏi đỉnh núi an ninh nhưng chỉ là bề ngoài, và tin vào Thiên Chúa dẫn đường, an toàn đi vào mảnh đất an bình. Sau cùng, sau cùng, tôi cảm thấy mình đang đi trên con đường đó.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page