ÐHY Phạm Minh Mẫn tìm hiểu về tình trạng

anh chị em lao động Việt Nam tại Thái Lan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Saigòn, tìm hiểu về tình trạng anh chị em di dân lao động Việt Nam tại Thái Lan.

Bangkok (24/01/2007) - Trưa ngày 23.1.2007 Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và phái đoàn gồm có Cha Nguyễn Ngọc Sơn, Cha Bảo Lộc và Cha Tuấn Anh đã tới phi trường Bangkok, Thái Lan, để tham dự cuộc họp Liên Hiệp Hội Ðồng Á Châu về "Lý thuyết xã hội của Giáo Hội".


Ông Trần Văn Trọng, đại diện của người Công giáo Việt Nam tại Bangkok, và một số các anh chị em đại diện các bạn trẻ đang làm lao công tại Thái Lan đón tiếp Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn.


Ra phi trường đón Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có ông Trần Văn Trọng là đại diện của người Công giáo Việt Nam tại Bangkok và một số các anh chị em đại diện các bạn trẻ đang làm lao công tại Thái Lan. Cha Trần Công Nghị và anh Phạm Hợp của VietCatholic cũng có mặt tại đây để đón tiếp và tháp tùng Ðức Hồng Y trong những ngày này.

Ông Trần văn Trọng đã đưa phái đoàn về Trường Redeemer International School, một trường trung tiểu học dậy bằng Anh ngữ do Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ điều hành với số học sinh trên 2000 em và số giáo chức cả mấy trăm vị đa số là người ngoại quốc. Ðiều ngạc nhiên nhất là khi tới ngôi trường này chúng tôi được 4 nữ tu Việt Nam ra tiếp đón, đó là các Sơ Mộng Huyền, Sơ Mỹ Linh, Sơ Linh Ân và Sơ Ðăng Trí. Ðây là những Sơ Việt Nam thuộc Dòng Mân Côi ở Hoa Kỳ được nhà trường mời sang để dạy học cho học sinh Thái lan.

Hiện cư ngụ tại trường này cũng có một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế từ Hà Nội sang du học đại học Thái Lan.

Vào lúc ban chiều một số anh chị em di dân lao động Việt Nam đã đến gặp Ðức hồng y và chào đón ngài. Ðức Hồng Y rất quan tâm về tình trạng của anh chị em Việt nam lao công nước ngoài, nên ngài đã hỏi cặn kẽ về tình trạng sinh sống, công ăn việc làm của anh chị em.

Khởi đầu, Bác Trọng trình bầy cho biết về sinh hoạt tôn giáo của Việt Kiều tại Thái Lan và đặc biệt ở Bangkok. Bác Trọng cho biết mỗi tháng Cha Chalern người Thái biết nói tiếng Việt thường có tổ chức thánh lễ bằng tiếng Việt Nam người Việt ở Bangkok, có khi có tháng 2 lần, và số người tham dự vào khoảng 500 cho đến 600 người. Mới đây có 2 linh mục từ Việt Nam sang du học, nên các Cha cũng tới đồng tế thánh lễ và giúp ban các phép bí tích cho anh chị em Công giáo.

Người Công giáo Việt Nam tại Thái tạm được chia làm 3 thành phần: những người Việt hoặc con cái họ đã ở đây lâu đời này chỉ còn một số ít nói được dăm ba câu tiếng Việt. Thành phần thứ hai là các người Việt sau năm 75 di cư sang đây hoặc những người mới đây được hợp thức hóa làm công dân Thái (và số này rất ít). Còn lại đa số là các anh chị em công nhân từ Việt Nam mới qua đây từ 4 năm và vài năm gần đây thôi.

Bác Trọng cho biết hiện có khó khăn về vấn đề kiếm được một nhà thờ ổn định để có thánh lễ thường xuyên mỗi tuần cho Việt Nam và xin với Ðức Hồng Y đệ trình mong ước của cộng đoàn Việt Nam lên Ðức Hồng Y Tổng giám mục Bangkok về nguyện vọng này.

Tiếp đến, Ðức Hồng Y Tổng giám mục Saigòn xin các anh chị em trình bầy cho biết về hoàn cảnh di dân của mình ra sao? Các em cho biết là hiện tại các em đã được giấy cho phép làm việc tại Thái, nhưng rất nhiều anh chị em Việt Nam sang Thái trong khoảng 4 hay 5 năm trở lại đây đều không có giấy tờ chính thức được ở lại làm việc nên nếu bị cảnh sát bắt sẽ bị đuổi về bất cứ lúc nào. Các em được các chủ người Thái hoặc các người dẫn độ lo dàn xếp để sang Thái làm việc và có thể nói đa phần là bất hợp pháp và không có giấy tờ.

Ða số các em làm nghề may hoặc các thủ công khác. Cuộc sống vất vã nhưng đồng lương khá hơn tại Việt Nam. Theo sự phỏng đoán của nhiều người, số người lao công Việt Nam tại Thái Lan có thể là từ 3,000 cho tới 5,000 người.


Ông Trần Văn Trọng, đại diện của người Công giáo Việt Nam tại Bangkok, và một số các anh chị em đại diện các bạn trẻ đang làm lao công tại Thái Lan đón tiếp Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn.


Cha Ðức hiện đang du học tại Thái và trong vài năm gần đây cũng giúp cho một số anh chị em lao công, ngài cho Ðức hồng y biết những nhận xét sau đây: hiện nay cuộc sống của các anh em lao công ở đây chỉ lo làm ăn cật lực, lại thiếu phương tiện về mọi mặt, như giấy tờ, di chuyển, và ngôn ngữ nên có những khó khăn không những là về phương diện vật chất mà nhất là về tinh thần: 1/ Các em như mất hướng vì không có người hướng dẫn, nhất là về vấn đề tâm linh; 2/ Ðời sống xã hội và nhu cầu giao tiếp, nhu cầu tình cảm thật thiếu thốn, không có cơ hội để sinh hoạt và tìm hiểu nhau; 3/ Cần tạo phương tiện và hoàn cảnh để cuộc sống tôn giáo và cộc sống xã hội cho các em được ổn định; 4/ Giúp can thiệp để cho tình trạng di trú của các em được hợp pháp và tình trạng sinh sống được bảo đảm.

Ðức Hồng Y lắng nghe các nguyện vọng và hứa sẽ nói truyện với Ðức Hồng Y Tổng giám mục Bangkok về những nhu cầu nêu trên, đồng thời Ngài cũng chia sẻ kinh nghiệm của các lao công Việt Nam tại Malaysia. Ngài khuyên các bạn trẻ là phải qui tụ lại với nhau thành từng nhóm, từng tổ để có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ, nâng đỡ nhau, cầu nguyện với nhau, nếu không nhiều thì ít là mỗi tuần 1 lần.

Thêm vào đó Ngài cũng khuyên là Cộng đồng Công giáo Việt Nam phải hợp nhất lại với nhau, cử ra các người làm đại diện cho Nhóm, cho Cộng đoàn, hầu có thể dễ dàng liên kết, điều hành và tạo nên tiếng nói đại diện có thế giá. Như vậy tiếng nói của mình sẽ có phần ảnh hưởng hơn.

Buổi tối, Sơ Tổng Quyền Dòng Nữ La Salle ở Thái Lan và cũng là Tổng Quyền cho Nữ La Salle Việt Nam cùng với Linh Mục Chalern đã tới mời phái đoàn và anh chị em đại diện lao động Việt Nam đi dùng bữa cơm tối.

Ðược biết Sơ Bề trên Tổng Quyền và Cha Chalern là người Thái nhưng nói tiếng Việt rất giỏi và là những người rất hăng say và tha thiết trong việc lo mục vụ cho người Việt tại Thái Lan trong nhiều năm qua. Hai vị cũng đã cho Phái đoàn biết về những khó khăn và những quan tâm mà Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Thái cần được đáp ứng trong tương lai.

 

(VietCatholicNews 24/01/2007)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Homepage