Thầy giảng An-rê
và tước hiệu
"Tử đạo tiên khởi Việt Nam"

Linh Mục Dương Hữu Nhân, O.M.I.

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Thầy giảng An-rê
và tước hiệu
"Tử đạo tiên khởi Việt Nam"

Linh Mục Dương Hữu Nhân, O.M.I.

 Sắc lệnh tôn vinh chân phước Thầy giảng An-rê Phú Yên gọi ngài với tước hiệu "Tử đạo tiên khởi Việt Nam". Có người thắc mắc về sự chính đáng của tước hiệu nầy. Chúng ta thử nghiên cứu vấn đề dựa theo một vài sự kiện được nêu lên về mặt lịch sử.

 Ngay từ lúc đầu người ta đã từng nhắc đến An-rê Phú Yên kèm theo tên gọi "vị tử đạo tiên khởi". Nhưng trong các bản văn vào thế kỷ 17, cách gọi như thế lại đi kèm với thành ngữ của Xứ Ðàng Trong (Cochinchine). Nếu phải đối chiếu với các thực tại địa lý chính trị hoặc xã-hội-học hiện nay , hẳn có thể dịch lại là "Vị tử đạo tiên khởi miền Trung Việt Nam".

 Tuy nhiên một lối xưng hô như vậy có điều bất tiện là nhấn mạnh đến những khác biệt của mỗi vùng, trong lúc đó người dân xưa nay luôn mạnh mẽ ý thức về sự thống nhất đất nước và thống nhất văn hóa; những giai đoạn đất nước bị phân chia và xâu xé nhau luôn được xem là những giai đoạn đen tối và bất hạnh của lịch sử.

 Ngày nay, người Việt Nam ai cũng khát vọng, mong mõi thống nhất; sự kiện đó thúc đẩy mọi người vượt qua mọi giới hạn để xét xem tước hiệu "vị tử đạo tiên khởi Việt Nam" có thể áp dụng được cho An-rê Phú Yên hay không. Kỳ thực năm 1820, khi đất nước được thống nhất (lúc ấy), linh mục văn sĩ Filipe do Rosário Bỉnh, gốc người Hải Dương, Bắc Việt Nam đã không ngại viết thế nầy: "Thầy giảng An-rê Phú Yên , là người đầu tiên chịu tử đạo trong nước An-nam, đúng vào ngày 26.7.1644". Chữ An-nam ở đây phải được hiểu là toàn bộ nước Việt Nam.

 Ngày nay, khi đọc kỹ lại các tài liệu lịch sử, một số người lại thắc mắc về danh hiệu nầy. Thật thế, An-rê không phải là người Việt Nam đầu tiên đã chịu chết vì đức tin. Tác giả Phạm Ðình Khiêm trong cuốn Người chứng thứ nhất đã đề cập đến vấn đề và kết luận rằng, dù có chứng cớ ngược lại, nhưng tước hiệu nầy vẫn xứng hợp với An-rê. Tuy thế, tác giả liên hệ cũng chỉ xét đến một phần của hồ sơ thôi.

 Sau đây là một số tài liệu có thể bổ túc thêm hồ sơ :
 
 

1- Truyện của Phan-xi-cô (Francisco) thành Thăng long (+ 1630)

Người Việt Nam đầu tiên chết cho đức tin mà người ta còn nhớ và còn nhắc là là một người tên Phan-xi-cô sống ở thủ đô miền Bắc, thành Thăng Long; cái chết của vị nầy được biết đến qua bút tích của linh mục Alexandre de Rhodes. Ðây là sự kiện được chép lại trong một bản văn đã được phát hành (Alexandre de Rhodes, Relazione de' felici successi della Santa Fede predicata da' Padri della Compagnia di Giesv nel Regno di Tvnchino. Alla Santità di N.S.PP. Innocenzio decimo. Di Alessandro de Rhodes Avignonese della medesima Compagnia e Missionario Apostolico della Sacra Congregatione de Propaganda Fide, Roma, 1650, p. 258-259):
 
  Trong thực tế, truyện nầy là một chứng ta nổi bật về đức tin của những người đạo mới ở Ðàng ngoài nước Việt Nam. Hiện không tìm được những chứng nhân tại chỗ, để có thể chân nhận cái chết của Phan-xi-cô là do người ta ghét bỏ đức tin, bổ sung cho bản văn của Alexandre de Rhodes . Vào lúc xảy ra sự việc, không có vị thừa sai nào hiện diện trong xứ. Sau đó, đúng ra phải có sự đối chất với các chứng nhân trực tiếp, nhưng công việc nầy đã không được thực hiện. Ngoài ra, có thể những lúc quan trọng nhất lại là cuộc đối đầu giữa nạn nhân và người bắt hại ông mà thôi. Nên ngày nay khó mà trưng dẫn chứng cớ về cuộc tử đạo của Francisco, và truy tặng cho ông tước hiệu "Tử đạo tiên khởi".
 
 

2- Truyện thầy giảng Gio-an (João) Bố Chính (khoảng +1638)

Trường hợp của thầy giảng Gio-an ít được biết đến so với trường hợp của thầy Phan-xi-cô. Tuy thế, cũng cần nêu lên ở đây. Ðây là bản văn của Alexandre de Rhodes (Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin (đã nêu ở trên), tr., 295-296):
 
  Dường như không cần phải bàn cãi thêm về những nguyên nhân gây nên cái chết của thầy giảng Gio-an, vì chúng đã được Alexandre de Rhodes phân tích rồi. Thật thế Alexandre de Rhodes vừa cho ta thấy nét cao cả và giới hạn của việc hy sinh đời mình mà thầy giảng nầy đã thực hiện. Ngoài ra, ở đây cũng vậy, không tìm được chứng nhân trực tiếp, không có một bản cung khai nào chứng thực các sự kiện hoặc trình bày nguyên cớ của các sự kiện liên quan. Cũng như trường hợp của Phan-xi-cô, ở đây không thể nêu lên được chứng cớ về việc tử đạo của thầy giảng Gio-an.

 Ngoài hai chứng nhân Kitô giáo nầy tại Xứ Ðàng Ngoài, không có một người Việt nam nào khác được nêu lên trong các tài liệu, đã hiến cuộc sống mình về đức tin trước tháng bảy năm 1644; như thế nghĩa là trước thầy giảng An-rê Phú yên.
 
 

3- Những vị thừa sai đầu tiên của Việt Nam đã chết vì đức tin

Về thời kỳ lịch sử trước ngày An-rê qua đời, cũng cần nghiên cứu trường hợp của một số nhà truyền giáo của Việt Nam chết vi đức tin, hẳn có quyền mang tước hiệu là tử đạo tiên khởi của giáo hội nầy; chúng tôi cố sức trình bày sự việc dựa vào những tài liệu qui chuẩn hơn cả.
 
 

a- Trường hợp của Pedro Ortiz Cabezas, O.F.M., và Luís da Fonseca, Jorge da Mota, Juan Bautista Maldonado và Pedro Labastida, O.P. (+ 1598)

Theo linh mục Bùi Ðức Sinh (Xem Dòng Ða-minh trên Ðất Việt - 2 tập, Sài gòn, Thủ Ðức, 1971-1976, tái bản Sài-gòn, Calgary, 1993-1995; Giáo-hội Công-giáo Việt Nam, tập I (thế kỷ XVI - 1820), Calgary, nhà in Chân Lý, 1996), tác giả của nhiều tác phẩm rất hữu ích về Giáo-hội Viêt Nam (được nhiều nhà nghiên cứu sử khác của giáo-hội nầy lặp lại về điểm nầy), thì các vị tử đạo tiên khởi hẳn nên tìm nơi phía các vị thừa sai dòng Ða-minh đến trong vùng vào thế kỷ 16; theo tác giả thì lịch sử của các vị nầy có thể chưa được truy cứu rõ. Trong các vị được gợi ý mang tước hiệu tử đạo tiên khởi, Linh mục Bùi Ðức Sinh nêu lên cái chết khốc liệt của Louis de Fonseca và "Grégore de la Motte", Juan Bautista Maldonado và Pedro Labastida; địa điểm "tử đạo" của các vị có thể là Quảng nam. Nhưng rất tiếc là trước đó tác giả đã không truy cứu được các bản văn rất chuẩn xác hay nói đến các thời kỳ nầy của phái đoàn truyền giáo Ða-minh tại Viễn-đông, của sử gia dòng Ða-minh Benno Biermann. Tác giả Benno Birmann đã truy cứu kỹ lưỡng các tài liệu để trình bày rõ rệt những vấn đề nầy một cách hầu như dứt khoát.

 Năm 1583, Pedro Ortis Cabezas là một tu sĩ dòng Phanxicô người Tây-ban-nha, ngài là một trong tám vị tu sĩ Phan-xi-cô đã phiêu lưu mở một cuộc truyền giáo vào Việt Nam. Phái đoàn nầy do Diego de Oropesa làm trưởng đoàn hướng dẫn đến bờ biển Việt Nam, nằm trong vịnh Ðà Nẵng, phía Bắc của hải cảng nầy hiện nay. Nổ lực nầy hoàn toàn thất bại; các đương sự không được lưu trú trên đất liền và sau mười ngày đành phải ra khơi trở lại. Họ có thể xem như là những nhà truyền giáo của Việt Nam theo nghĩa rất xa. Pedro Ortiz sau nầy hướng đến nước Cao-Miên. Ở đây người ta dễ chấp nhận hơn và ngài có thể lưu lại nhiều năm tại thủ đô Lovek, phía trên thành phố Phnom Penh hiện nay.

 Luís da Fonseca và Jorge da Mota là hai tu sĩ Ða-minh người Bồ-đào-nha đến tăng viện cho phái đoàn truyền giáo Ða-minh ở Cao-Miên năm 1589. Dường như họ sống nhiều năm ở Angkor. Trong cuộc đột nhập của quân đội Xiêm vào Cao-Miên từ 1593-1594, họ bị bắt làm tù nhân và bị dẫn về Xiêm, nhưng sau đó họ được trả tự do, và còn nhận những vinh dự ở Hoàng-cung Ayuthia. Luís da Fonseca đã rửa tội cho một phụ nữ Nhật-bản làm cho chồng bà ấy tức giận để rồi giết ông ngay trên bàn thờ tại Ayuthia, có lẽ vào năm 1598, sau vụ ấy người Bồ-đào-nha và người Nhật xung đột. Jorge da Mota cảm thấy sinh mạng bị đe dọa nên tìm cách thoát chạy đến một chiếc tàu Tây-ban-nha để ra khỏi xứ trong năm ấy; nhưng trên đường chạy trốn ngài bị thương và chết trên thuyền giữa biển.

 Juan Bautista Maldonado và Pedro Labastida là hai tu sĩ dòng Ða-minh người Tây-ban-nha: Lịch sử của họ gắn liền với chuyến viễn chinh thứ hai của những người Tây-ban-nha ở Phi-luật-tân, năm 1598, vừa nhằm chiếm Cao-Miên bằng quân sự, vừa nhằm lý do tôn giáo. Cuộc xâm chiếm ấy gặp nạn, người Tây-ban-nha bị đạo quân người Mã-lai đánh thuê cho Cao-Miên phục kích. Sự việc xảy ra tại thủ đô Lovek. Pedro Labastida bỏ mạng đồng thời với tu sĩ Phanxicô Pedro Ortiz Cabezas đã nói đến trên đây. Còn Juan Maldonado chạy trốn được với nhiều người đồng hương khác thoát nạn. Tàu của họ là chiếc tàu đã đón Jorge da Mota ở Xiêm trong lúc chạy trốn. Nhưng Maldonado cũng bị thương như Jorge da Mota: tay ngài bị một viên đạn thần công cắt đứt, ngài từ trần ngày 22.12.1598 khi tàu đi gần kề các bờ biển Xứ Ðàng-Trong.

 Nếu nhìn theo quan điểm địa lý, thì không ai trong bốn vị tu sĩ Ða-minh nêu lên đây có thể thuộc về lịch sử Giáo-hội Việt Nam được hết. Giả thiết có một hình thức sinh hoạt ở Quảng Nam do một vài tác giả nêu lên không dựa trên một căn cứ tài liệu nào cả và không ăn khớp với các dữ kiện của lịch sử. Cũng như, tuyệt đối không thể nào cứ xác quyết là họ có thể chết vì đạo (nghĩa là vì người ta ghét đạo) trong vùng nầy. Cái chết của Maldonado "hướng nhìn bờ biển Việt Nam" có thể được xem như báo hiệu một điềm tốt cho các công cuộc truyền giáo tương lai của Dòng Ða-minh tại nước nầy.

 Ở phần xa hơn nữa, chúng tôi đã nói về vai trò hoàn toàn tượng trưng của tu sĩ Phanxicô Pedro Ortiz trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Nhưng cái chết khốc liệt của ngài ở nơi xa, không nằm trong khuôn khổ truyền giáo tại đây.

 Hơn nữa, có thể trừ trường hợp của Luís da Fonseca, các hoàn cảnh và nguyên cớ về cái chết của các nhà truyền giáo nêu lên đây, khó lòng áp dụng cho tước hiệu "tử đạo".
 
 

b- Rafael da Madre de Deus, O.S.A. (+ 1606)

Các tu sĩ "Ẩn sĩ của Thánh Augustinô" thuộc tỉnh dòng Bồ-đào-nha đúng là những vị tiên phong đích thực trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, trước khi các tu sĩ Dòng Tên đến Việt Nam vào năm 1615 (Phái bộ truyền giáo của các tu sĩ Dòng Augustinô ở Quảng Nam đến đúng vào chỗ mà phái bộ truyền giáo của tu sĩ Phanxicô người Tây-ban-nha Bartolomé Ruiz (1584-1586) trước đây đã đến; rồi sau đó là phái bộ của hai vị tu sĩ Phanxicô Bồ-đào-nha; các vị nầy chỉ ở lại được vài tháng trong năm 1586). Vậy mà công việc của họ bị tất cả các nhà viết sử của Giáo-hội Việt Nam quên lãng hoặc bị giảm thiểu đến mức tối đa (Sự kiện nầy đáng tiếc hơn nữa, vì một số các tài liệu liên can đã phát hành. Xem Memórias da Congregação Agostiniana na Índia Oriental e Missões dos Religiosos Agostinhos, tập 12 của bộ Documentação para a história das Missões do Padroado Português do Oriente, éd. par António DA SIVA REGO, Lisbonne, Agência Geral das Colónias, 1962; A. hartmann, The Augustinians in Golden Goa, according to a manuscript by Felix de jesus, OSA, trong Analecta Augustiniana 30, 1967, tr.. 5-174; ...v.v.. Ở đây chúng ta dựa vào công trình tổng hợp của Teófilo Aparicio López, O.S.A., "La Orden de San Agustín en la India (15721622)", trích riêng trong Studia (Lisbonne, Centro de Estudos Históricos Ultramarinos) số 40, 6.1974-12.1978, Tr. 322-327..)

 Lịch sử của An-rê Phú Yên nói đến một Kitô hữu "An-rê Anh cả", lúc ấy 73 tuổi, là người Kitô hữu xa xưa nhất của Quảng Nam. Dường như ông đã được các tu sĩ dòng Augustinô giúp gia nhập đạo.

 Trong các vị ấy, Rafael da Madre de Deus phải được xem là nhân vật nổi bật nhất. Ngài truyền giáo tại Việt Nam từ năm 1595 đến 1602 hoặc 1603, và bị người Hòa-lan chận bắt ở giữa biển và bị giữ làm con tin trong nhiều năm tại Johore (ở Mã-lai, đối diện với Singapour). Ngài là vị truyền giáo giảng Phúc-âm kiên trì cho người Hồi-giáo, đã bị dân chúng Mã-lai sát hại tại Johore ngày 03.10.1606.

 Có thể xem Rafael như vị truyền giáo đầu tiên của Việt Nam đã hiến mình để rao giảng Phúc-âm; nhưng không thể nói ngài là "tử đạo của Việt Nam" nên tước hiệu mà truyền thống trao cho An-rê như tử đạo tiên khởi của Việt Nam không thể bị ảnh hưởng gì.
 
 

c- Chân-phước Diogo de Carvalho, SJ (1624)

Những nhận định tương tự có thể áp dụng cho một nhà truyền giáo Dòng Tên, đã từng đi qua Việt Nam, và chết tử đạo ở Nhật-bản; và cái chết tử đạo ấy đã được Giáo-hội nhìn nhận. Ðó là linh mục Bồ-đào-nha Diogo de Carvalho ("Diego" là tên viết theo chữ viết Tây-ban-nha, thường được các tác giả Tây-ban-nha dùng. Cần viết theo tên thật "Diogo"), từ năm 1615 đến 1616, thuộc đoàn truyên giáo đầu tiên được Hội-dòng Áo-Môn gửi đến Faifô (Hội An, Quảng Nam), cùng với Phan-xi-cô Buzomi. Nhưng kỳ thực Diogo đã được chỉ định từ trước để hướng đến Nhật-bản và tìm cách nhập với đoàn truyền giáo nầy khi có dịp thuận lợi nhất. Ngài làm tông đồ cho đảo Yêso (Hokkaido) và chịu tử đạo tại đây vào năm 1624. Ngài được phong Chân-phước vào ngày 07.7.1867.

 Chân-phước Diogo de Carvalho là tên được nhắc đến đầu tiên trong tử-đạo-lục riêng của Giáo-hội Việt Nam. Nhưng ngài không thể được xem như vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam được.
 
 

4- Kết Luận

Trong các danh sách các "vị tử-đạo" của Việt Nam được xuất bản, lúc đầu bằng Pháp ngữ qua tác phẩm của Montézon và Estève (Xem (Fortuné-M. de Monntézon et Édouard Esteve, SJ, éd.) Mission de la Cochinchine et du Tonkin (Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus publiés par des Pères de la même Compagnie pour servir de complément aux Lettres édifiantes II), Paris, Charles Douniol, 1858) sau đó bằng tiếng Việt trong các bài viết của tu-sĩ Benoit (Xem Fr. Benoit, "Martyrologium Annamiticum. Sử những đấng đã chết vì đạo thánh Chúa trong nước Annam, từ năm 1630 đến 1886 ' (Liste des personnes mortes pour la sainte Loi du Seigneur en Annam (Việt-nam) de 1630 à 1886), trong Sacerdos Indosinensis (Qui Nhơn), tập I, 1927, tr. 56-58 và 124-128), An-rê được xếp vào chỗ thứ hai sau Phan-xi-cô Thành Thăng Long. Hai tác giả nầy, trước hết là những nhà nghiên cứu kỹ các bản văn của Alexandre de Rhodes, nên đã lấy các dữ kiện được viết ra vào thời kỳ liên hệ.

 Dựa vào những gì đã trình bày trên đây, và không hề muốn thất kính hay giảm lòng ngưỡng mộ đối với Phan-xi-cô và Gio-an cũng như các vị truyền giáo mà chúng ta nêu tên trong bài nầy, thì dường như tước hiệu "tử đạo tiên khởi của Việt Nam" thuộc về thầy giảng An-rê Phú Yên một cách chính đáng, không thể nào chối cãi được.
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page