Tòa Thánh công bố
chính thức công nhận việc tử đạo
của Thầy Giảng Andre Phú Yên

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Vatican - Ngày thứ Năm 27/01/2000, Trước sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ðức Tổng Giám Mục Jose Saraiva Martins, bộ trưởng bộ Phong Thánh đã chính thức công bố công nhận một phép lạ đã được thực hiện do sự can thiệp của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan 23. Bộ Phong Thánh đã công bố 11 sắc lệnh mới về các vị sẽ được phong thánh và phong chân phước. Trong các sắc trình lên Ðức Thánh Cha do Bộ Phong Thánh thỉnh nguyện gồm 10 vụ như sau: 1 vụ xin Phong Thánh cho Chân Phước Caterina Maria Drexel của Hoa Kỳ - 6 vụ xin Phong Chân Phước - 3 vị được chính thức công bố là đã Tử vì Ðạo trong đó có Thầy Giảng Andrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam - và một vị khác được công nhận là có đời sống nhân đức phi thường. Sự công bố này đáp ứng điều kiện cuối cùng để được tôn vinh phong thánh. Lễ phong thánh được dự trù diễn ra ngày 3/9/2000.

 Thầy Giảng Anrê Phú Yên là ai?

 Người mà từ xưa người ta quen gọi là "Thầy giảng Anrê", sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị, do chính cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Lúc đó Anrê đã bắt đầu học chữ nho.

 Một năm sau, Anrê xin được thu nhận vào nhóm các thầy giảng giáo lý do cha Ðắc Lộ mới thành lập. Vì tuổi còn trẻ, cần phải được hoàn tất chương trình đào tạo, Anrê được gửi gắm cho vị quan thuộc nhóm thầy giảng tên là Inhaxiô, một người được vị thừa sai tin cậy và là trụ cột của cộng đồng công giáo còn non trẻ. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học các kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy.

 Nhóm nầy gồm khoảng mười hai người, có cả người lớn lẫn thanh thiếu niên, được cha Ðắc Lộ hướng dẫn. Nhóm đã đạt được những thành công đáng kể trong việc rao giảng Tin Mừng; điều nầy đã làm nảy sinh ra lòng đố kỵ và tình trạng căng thẳng trong triều đình Chúa Nguyễn, cũng như tại xứ Quảng Nam là nơi có trung tâm sinh hoạt truyền giáo chính của nhóm. Vị quan trách nhiệm chính quyền dinh Quảng Nam thề sẽ tiêu diệt Inhaxiô, và đã nhận được giấy phép cho bắt giam và kết án tử hình ngài. Theo kế hoạch của nhà cầm quyền thì "đạo của người Bồ đào nha" chỉ dành riêng cho người ngoại quốc, và mọi việc truyền đạo cho người Việt Nam phải bị cấm chỉ.

 Inhaxiô vắng mặt khi lính đến tìm bắt ngài; thầy Anrê trẻ tuổi lúc ấy đang ở nhà một mình, và thầy đã tình nguyện nạp mình thế chỗ cho người anh cả của mình. Trước tòa án của quan đầu tỉnh Quảng Nam, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: "Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài". Bị kết án, Anrê chờ đợi cái chết một cách rất bình thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho thầy, để thầy được "...giữ nghĩa cùng đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến blọn [trọn] đời". Anrê chết do nhiều nhát dáo đâm rồi bị chặt đầu, miệng không ngớt kêu tên Giêsu. Ngày ấy là ngày 26 tháng bảy năm 1644. Anrê vừa được 19 tuổi. Ðắc Lộ ở bên cạnh thầy. Ðứng vây quanh Anrê còn có nhiều tín hữu công giáo Việt Nam và ngoại quốc, cũng như đông đảo đồng bào ngoài công giáo; mọi người rất xúc động trước sự tuyên xưng đức tin của thầy. Gương tử đạo của thầy lập tức nổi danh, và qua những lời chứng và tường thuật, đã lan truyền ra đến nhiều nước tận Rôma. Toà Giám mục Áo Môn (Macao), nơi có rất nhiều nhân chứng sinh sống, đã đón nhận thi hài thầy hết sức trọng thể, và tổ chức ngay trong tháng 12 năm ấy hồ sơ xin phong chân phước cho Anrê. Chính hồ sơ nầy ngày nay đã cung cấp cơ sở lịch sử chủ yếu giúp Giáo Hội có thể căn cứ vào để phán quyết.
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page