HÀNH TRANG SINH VIÊN

THỜI ÐẠI

Số 26 25.6.2001

 


HỘI NGHỊ GIÁO DÂN Á CHÂU LẦN II ( ALM2 ) TẠI BANGKOK

Hội Nghị Giáo Dân Châu Á lần thứ hai do Văn Phòng Giáo Dân của Liên Hiệp Hội Ðồng Giám Mục Á Châu ( FABC ) tổ chức tại Trung Tâm Huấn Luyện Mục Vụ Baan Phu Waan, Samphran, Giáo Phận Bangkok, Thailand ( từ 19 24.3.2001 ).

Thành phần đại biểu của đoàn Việt Nam đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Ban Tổ Chức ( 1 Giám mục đặc trách Giáo Dân, 1 Linh mục hay nữ tu làm việc với Giáo Dân, 3 4 Giáo Dân có nam nữ, lớn tuổi và giới trẻ ) gồm có: Ðức Cha F.X. Nguyễn Văn Sang, giám mục Giáo Phận Thái Bình, chủ tịch Ủy ban Giáo Dân Hội đồng giám mục Việt Nam, linh mục Phan Xuân Thanh, Giáo Phận Huế, thư ký HÐGM VN, 3 Giáo Dân là chú Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội, Giáo Phận Sài-gòn, chị Ma-ri-a Trần Thu Hằng, và tôi là Ma-ri-a Ngô Hương Giang, Giáo Phận Hà Nội. Mục tiêu của Hội Nghị là:

- Tạo cho tiềm năng của gia đình và Giáo Dân trở nên sống động, trở thành lực lượng thúc đẩy yêu thương và phục vụ, làm chứng cho các giá trị Tin Mừng.

- Khám phá các khả năng hợp tác với anh chị em khác tôn giáo để đáp trả trong yêu thương và phục vụ, những thách đố mà Châu Á đang phải đương đầu.

- Xây dựng tình liên đới với các tổ chức Giáo Hội, với Giáo Dân của các nước khác, và với các tổ chức phi chính phủ ( NGO ) nhằm phục vụ việc thăng tiến nhân loại.

Chương trình Hội Nghị tiến hành theo các bước: Ðịnh hướng Thực tế Suy tư Hành động.

Chiều 19.3 ( ngày họp đầu tiên ), Ban Tổ Chức hướng dẫn giúp các đại biểu định hướng về phương pháp và nội dung.

Ngày 20.3, các đại biểu tự chọn 1 trong 13 địa điểm đi thực tế ( exposure trip ) tại địa phương, như Trung tâm nuôi dưỡng các nạn nhân HIV / AIDS, trại cải tạo những người tị nạn, làng Phật giáo, bệnh viện cho người già cô đơn, trung tâm phục hồi nhân phẩm cho phụ nữ lầm lỡ Tôi chọn đi đến Non Khaem một trong số hàng ngàn khu nhà ổ chuột ở ngoại ô Bangkok. Nhóm có 3 người Thái, 2 người Việt Nam ( tôi và chú Nội ), thêm 1 bạn trẻ người Mỹ đến truyền giáo ở Chiangmai.

Buổi sáng, chúng tôi tiếp xúc với một cộng đồng cư dân ở khu vực đó, xem cách sống người dân địa phương, cơ quan chính quyền địa phương, cảnh sát, tăng lữ, linh mục cùng gắng hợp tác để cải thiện đời sống tinh thần cũng như vật chất trong điều kiện tối thiểu.

Buổi chiều, chúng tôi đến một khu cạnh đó, gần bãi rác hơn và cũng khốn khổ hơn rất nhiều, có thể coi như "xóm liều" của Việt Nam. Thu nhập của họ tính từng ngày từ việc lượm rác đem bán hoặc lên thành phố bán sức lao động. Họ không có quyền công dân và bị gạt ra khỏi xã hội. Ma tuý trở thành nỗi kinh hoàng và không cách nào ngăn chặn.

Cuối buổi, ai nấy cũng thấm mệt sau một ngày đi bộ dưới cái nắng oi ả và mùi ô nhiễm từ bãi rác. Chúng tôi đã gặp một bà Soeur dòng Thánh Tâm Chúa đến sống cùng với những con người dưới đáy xã hội này từ 10 năm nay. Ngồi trong căn nhà mái dột, nước ngập đến bắp chân, chúng tôi nghe bà kể về ơn gọi sống phục vụ cho những con người ở đây, về niềm vui được chia sẻ với người nghèo. Tôi nghĩ tới hình ảnh Mẹ Teresa Calcutta và nói nhỏ với cô bạn người Mỹ, lúc này bạn ấy mới nói rằng lý do chọn đi khu ổ chuột là vì bạn ấy muốn sống lại kinh nghiệm một năm trước đó đã phục vụ cùng với các chị em trong nhà của Mẹ Teresa ở Ấn Ðộ.

Từ thực tế ấy, trong các ngày 21 22 23.3, các đại biểu suy nghĩ, học hỏi, trao đổi, lắng nghe các bài thuyết trình của các nhà lý thuyết, hay các giám mục, hoặc một số đại biểu chia sẻ đời sống dấn thân, tự do xác định trách nhiệm của người Giáo Dân dựa trên nền tảng Phúc âm và giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Việc xây dựng các công đoàn Giáo Hội cơ bản ( Small Christian Communities ) với sinh hoạt chính là học hỏi, chia sẻ lời Chúa theo phương pháp xem xét làm ( chương trình Amos ) được coi là nòng cốt.

Ngày 24 25.3, mỗi đoàn đề ra chương trình hành động của Giáo Hội mình, sau đó là của vùng và của toàn Châu Á. Dưới đây là những giải pháp mà các đại biểu đã thống nhất trong bản cam kết của Hội Nghị:

- Nhấn mạnh sự đào tạo Giáo Dân một cách hệ thống và xuyên suốt hơn giúp họ hiểu biết bản tính và vai trò của mình, và thông qua các giáo huấn xã hội xưa Giáo Hội với những hình thức đơn giản và đều đặn.

- Sử dụng tiến trình xâm nhập thực tế, suy tư và hành động mà chúng ta đã thấy rất hữu ích trong công việc đào tạo Giáo Dân.

- Dấn thân hoạt động với Giáo Hội địa phương để thực hiện kế hoạch hành động trong từng nước.

- Thành lập các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, tạo cơ hội cho Giáo Dân trở thành lực lượng thúc đẩy yêu thương và phục vụ.

- Xây dựng tính liên đới rộng lớn hơn giữa các Giáo Hội Á Châu với nhau và với những người tôn giáo khác, để tăng cường hoạt động của chúng ta nhân danh người nghèo.

- Khuyến khích và hỗ trợ gia đình thực hiện tích cực vai trò duy nhất của mình dựa trên nền tảng giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

Vào các buổi tối diễn ra giao lưu văn hóa văn nghệ với từng nét riêng biệt của các nước, chị Hằng và tôi trình bày hai bài hát quan họ, được khán giả cổ vũ nhiệt tình. Buổi bế mạc Hội Nghị cũng thật ấm cúng và lắng đọng. Các đại biểu đã dành những lời cảm ơn chân thành nhất tới đại biểu nước chủ nhà đã tiếp đón và phục vụ Hội Nghị hết sức chu đáo.

Ngày 25.3, sau đúng một tuần, tôi về Sài Gòn vài ngày, thăm một vài nhóm giới trẻ, tạ ơn Chúa vì chuyến đi thành công và mang nhiều hy vọng cho Giáo Hội Việt Nam. Cái tên "Baan Phu Waan" nghĩa là "Người gieo giống", thật sự gây ấn tượng đối với tôi. Ngay trong ngày đầu tiên của Hội Nghị, ông Chainarong, chủ tịch ủy ban điều hành, đã giải nghĩa từ "laity", theo chiều kích Ðức Tin là "con cái Thiên Chúa", bao gồm cả Ðức Giáo Hoàng, các Ðức Hồng Y, Ðức Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ và Giáo Dân.

Hai liên tưởng gợi cho tôi nghĩ đến sức mạnh của một Giáo Hội hiệp nhất, "yêu thương và phục vụ". Tôi cảm nhận rõ nét sức mạnh ấy ngay tại Hội Nghị này, ngay từ những Giám Mục "già cả" hết sức bình dị, gần gũi với mọi người, từ những Giáo Dân "bình thường" mà trình độ và sự hiểu biết sâu sắc, từ những bạn trẻ năng động, "nghịch ngợm" nhưng hăng say dấn thân phục vụ quên mình.

Dự Hội Nghị với tư cách là đại diện giới trẻ, tôi thật sự cảm phục các bạn trẻ trong Hội Nghị. Họ giỏi quá! có lẽ hơn nữa. Họ thánh thiện quá ! Tôi rất vui vì tiếng nói của giới trẻ tại Hội Nghị rất được ưu ái và quan tâm. Có bạn Mỹ cứ thì thầm bên tai tôi: "Mình rất mong các bạn trẻ Việt Nam sẽ trở thành những đứa con trong gia đình của chúng mình". Cô gái mảnh mai ấy là một "lay missioner" chính hiệu của "Home Mission", đã từng đi dấn thân phục vụ khắp các nước nghèo ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ sau khi tốt nghiệp thạc sĩ thần học ở Mỹ. Ðể chia sẻ lại về giới trẻ Việt Nam, tôi chỉ khiêm tốn nói rằng chúng mình cũng không chịu "thua kém" đâu. Có rất nhiều bạn trẻ vẫn đang âm thầm sống chứng tá Tin Mừng ngay trong môi trường học đường, cơ quan và Giáo Xứ của mình.

Có điều trong hoàn cảnh Việt Nam còn nhiều hạn chế, các bạn trẻ chưa có điều kiện học hỏi, trao đổi và hợp tác với bạn trẻ các nước khác. Ðó cũng là mong muốn được các tổ chức quốc tế giúp đỡ giới trẻ Việt Nam có sự hội nhập, bắt kịp với đà tiến của giới trẻ thế giới, trước nhất là trong khu vực. Phần tôi, đã cố gắng hết sức, với những kinh nghiệm và vốn tiếng Anh ít ỏi sau một vài chuyến đi huấn luyện, để bắt kịp với nhịp độ làm việc của Hội Nghị.

Một cha người Indonesia rất trẻ và vui tính đã động viên tôi và chị Hằng: "Hay lắm ! Ðóng góp và chia sẻ của các bạn Việt Nam đơn sơ nhưng chân thành, làm cho các cụ Giám Mục cũng phải gỡ kính lau nước mắt. FABC chắc chắn sẽ có cái nhìn thiện chí hơn nữa khi thấy sự nỗ lực và tự tin từ phía Giáo Hội Việt Nam".

Nhân đây, con xin cám ơn Ðức Cha Nguyễn Văn Sang, Cha Phan Xuân Thanh đã cố vấn và tạo điều kiện rất nhiều cho con được đóng góp phần nào nhỏ bé của mình vào công việc Giáo Hội. Hy vọng gặp lại nhau tại Hội Nghị Giáo Dân khu vực Ðông Nam Á 2004 tại Việt Nam. Hiệp nhất trong lời cầu nguyện.

NGÔ HƯƠNG GIANG, Hà Nội

GIỚI TRẺ TIN YÊU

Thánh Lễ Tuyên Xưng Ðức Tin cùng nghi thức Sai Ði tối ngày 16.6.2001, đã kết thúc kỳ cầu nguyện xóa bỏ tệ nạn Ma Túy của các bạn trẻ. Kỳ cầu nguyện này kéo dài ba ngày tại Gx. Vườn Xoài.Trong hai ngày 14 và 15.6, các bạn trẻ đã cùng ngồi lại trao đổi, thảo luận về vấn nạn Ma Túy trong xã hội ngày nay. Họ đã cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa qua đời sống cầu nguyện. Ðiều tuyệt vời nhất là tất cả các bạn trẻ kỳ cầu nguyện đều đưa ra phương thức để loại trừ Ma Túy ra khỏi thế giới này là "Hãy cầu nguyện để Chúa Giêsu giải thoát chúng ta".

"Chúa Giê-su ơi, xin Ngài cùng đi với chúng con trên bước đường dấn thân ra đi xóa bỏ Ma Túy khỏi đời sống chúng con !"

Ter Ngô Thùy Trang

 

Qúy độc giả ABBA muốn nhận thêm các Báo Ðiện Tử ( E-Magazines ) mang tên Ephata Gospelnet xin gửi địa chỉ về cho uy1959@yahoo.com. Rất biết ơn !

 

Thư từ, và bài cộng tác xin gởi về địa chỉ: abba_chaoi@yahoo.com.

Những thắc mắc về tin học, bạn có thể gởi về: nhịpcau_tinhọc@yahoo.com.