HÀNH TRANG

SINH VIÊN

THỜI ÐẠI

Số 21 21.05.2001

 

 

 


YÊU THƯƠNG, CÁCH LOAN BÁO TIN MỪNG TỐT NHẤT

Trong cuộc đời tôi, có những lúc chính hoàn cảnh thực tế đã giúp soi sáng tôi khi nghĩ tới nhiệm vụ lớn lao làm chứng tá Ki-tô.

Trong thời gian bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau luôn luôn có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ: "Cứ mỗi hai tuần chúng tôi sẽ thay thế các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị "tiêm nhiễm bởi ông Giám Mục nguy hiểm này". Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định: "Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì ông Giám Mục đó sẽ tiêm nhiễm tất cả công an chúng ta".

Ban đầu các công an canh gác không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời có hay là không. Thật là buồn. Tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Họ tránh nói chuyện với tôi.

Ðêm nọ, một tư tưởng đến với tôi: "Phan-xi-cô, con còn giàu lắm, con có tình yêu của Chúa Ki-tô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa Giê-su đã yêu thương con". Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu Chúa Giê-su nơi họ hơn nữa, bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi Luật Tân sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về kỹ thuật. Tôi đã kích thích tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh Và như thế các người canh tù trở thành học trò của tôi ! Một lần khác, trong trại tù Vinh Quang, trên núi Vĩnh Phú, vào một ngày mưa, tôi phải bổ củi. Tôi hỏi người canh tù:

- Tôi có thể xin anh một điều không ?

- Anh cứ nói, tôi sẽ giúp anh.

- Tôi muốn đẽo một hình thánh giá bằng gỗ.

- Anh không biết rằng ở đây cấm ngặt không được phép có bất cứ vật gì mang dấu chỉ tôn giáo hay sao ?

- Tôi biết chứ, nhưng chúng ta là bạn với nhau, và tôi hứa là sẽ giữ kín.

- Sẽ rất nguy hiểm cho cả hai chúng ta.

- Anh hãy nhắm mắt làm ngơ đi, tôi sẽ làm bây giờ và tôi sẽ rất cẩn thận.

Anh ta lỉnh ra xa và để tôi một mình. Tôi đã đẽo miếng gỗ hình thánh giá và đã giấu trong một mảnh xà phòng cho tới ngày được trả tự do. Rồi với một lớp kim loại mỏng bọc bên ngoài, thánh giá đó đã trở thành thánh giá giám mục của tôi.

Trong một trại tù khác, tôi đã xin với một người bạn canh tù khác một sợi dây điện. Anh ta hoảng hồn nói với tôi:

- Tôi đã học ở Ðại Học An Ninh rằng, nếu một người xin dây điện có nghĩa là họ muốn tự tử.

Tôi giải thích cho anh ta:

- Các linh mục Công Giáo không được tự tử.

- Nhưng anh làm gì với sợi dây điện đó ?

- Tôi muốn làm một dây xích nhỏ để đeo thánh giá.

- Làm sao mà có thể làm một dây đeo với sợi dây điện được ? Không thể làm được !

- Nếu anh đem cho tôi hai cái kìm nhỏ, tôi sẽ chỉ cho anh thấy.

- Nguy hiểm lắm !

- Nhưng mà mình là bạn với nhau mà !

Ba ngày sau anh ta nói với tôi: "Thật khó mà từ chối anh điều gì. tối mai khi tới phiên tôi gác, tôi sẽ đem cho anh một sợi dây điện. Phải làm xong trong vòng ba giờ đồng hồ" Chiều hôm sau từ 7 giờ cho tới 11 giờ, cẩn thận không để cho ai trông thấy, với hai cái kìm nhỏ chúng tôi đã cắt sợi dây điện thành từng đoạn ngắn khoảng một que diêm và chúng tôi uốn cong chúng để kết lại với nhau. Vài ba giờ sau, trước khi đổi phiên canh, sợi dây đeo đã thành hình.

Sợi dây và cây Thánh Giá này tôi luôn đeo mỗi ngày, không phải bởi vì chúng là kỷ niệm của thời gian ở tù, nhưng vì chúng giúp tôi thấy xác tín sâu xa lời luôn nhắn nhủ tôi: chỉ có tình yêu Ki-tô mới có thể thay đổi con tim, chứ không phải khí giới, các lời đe dọa và các phương tiện truyền thông. Chính tình yêu chuẩn bị con đường cho việc loan báo Tin Mừng.

Omnia vincit amor, tình yêu thắng được mọi sự !

Khi có tình yêu chân thật, nó khơi dậy lời đáp trả tình yêu. Khi đó người ta yêu và được yêu. Khi đó người ta hiện thực được trên trái đất điều răn mới của Ðức Giê-su: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" ( Ga 15,12 ). Yêu thương nhau là chu toàn nghệ thuật yêu thương.

Ðức Hồng y FX. NGUYỄN VĂN THUẬN

( Trích Chứng Nhân Hy Vọng, La Vang 2000 )

CHÚA ÐANG NGỰ ÐẾN NHÀ TÔI

"Thánh Thần, khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài. Suối nguồn Thánh ân"

- Thôi, thôi ! Ði ra khỏi nhà tao hát. Muốn hát Chúa thì ra ngoài đường mà hát.

Hai bạn trẻ vội cất đàn rồi chuồn. Ðó là một trong những kỷ niệm "đang lo" cho nàng dâu Công giáo tương lai của một gia đình hết lòng thờ Phật.

Cô Trân, bán vé máy bay cho một đại lý của Hãng không tư nhân Pacific, trong dịp tình cờ đã quen với anh Giàu. Rồi sau nhiều lần gặp gỡ, họ bắt đầu yêu nhau. Khi bắt đầu dấn thân trong đường tình, Trân bắt đầu cảm nhận một cản trở lớn có thể cô và Giàu khó vượt qua được. Gia đình Giàu là gia đình Phật Giáo "toàn tòng". Anh một của Giàu là Thượng tọa Thích Nhật Bình, chủ trì chùa Giác Ngộ. Ngay Giàu cũng đã quy y, có pháp danh. Còn mẹ Giàu thì khỏi bàn, nhà bà thì sắp xếp như một điện thờ, và bà tụng niệm ngày nhiều lần.

Giàu kể: "Tôi theo đạo chẳng phải tin Chúa, mà chỉ đơn giản là muốn được vợ". Chính vì hoàn cảnh đặc biệt này khiến Trân phải e ngại, nhưng lý trí có thể điều khiển được không mạnh bằng sức sống yêu mến của con tim muốn dấn thân. Trân biết mình khó có thể chọn lựa cách khác, nên cô bắt đầu dành nhiều thời gian để cầu nguyện. Trân tự đưa ra những kế hoạch cụ thể để làm sao vừa giữ đạo giữ chồng, vừa không làm cho gia đình chồng khó chịu. Trân kể: "Em cố gắng đối phó với những khó khăn cách hoàn hảo, nhưng xem ra không kết quả lắm".

Một cơ hội đến với Trân và Giàu. Một người bạn học giáo lý dự tòng chung với Giàu mời hai vợ chồng cùng tham gia một nhóm cầu nguyện và chăm sóc bệnh nhân AIDS. Ðiều làm cho Trân ngạc nhiên không phải là mình đã dám dấn thân cho người bệnh AIDS, mà nhận ra chính mình đang được biến đổi. Nhưng biến đổi như thế nào ? Giàu, chồng của Trân kể: "Một hôm đi làm về bực bội, tôi cằn nhằn mẹ rồi bỏ lên lầu nằm. Lúc đó tôi nghe mẹ tôi nói với vợ tôi: Con đi lễ hằng ngày nhớ cầu xin cho chồng con thay đổi tính nết, sự giận dỗi trong tôi tan biến mất. Tôi cám ơn Chúa, vì Người đã cho tôi một người vợ tuyệt vời".

Từ ngày đó, đời sống tôn giáo của vợ chồng Giàu Trân trở nên đời sống tôn giáo của gia đình. Giàu kể: "Bây giờ, cứ mỗi thứ sáu, tự mẹ tôi mua cá làm cơm để cả nhà ăn thay vì mua thịt như những ngày khác". Trân cảm tạ Chúa vì biết Chúa đang ngự đến gia đình mình.

NGUYỄN LÊ PHAN ANH