HÀNH TRANG SINH VIÊN THỜI ÐẠI

Số 15 09.04.2001

 

 


Hôm qua, giới trẻ khắp nơi hát vang bài theo Chúa giữa một nhân loại đang muốn chạy theo lợi nhuận. Hôm nay, giới trẻ cùng với Giáo Hội bước vào tuần lễ Vượt Qua của Chúa,

mặc cho giòng đời vẫy gọi với những biểu ngữ và quyền lợi.

Vì hơn ai hết, người trẻ hôm nay biết mình đang cần gì.

"Chúng tôi cần một niềm tin, chúng tôi cần một con người để hy vọng.

Chúng tôi không cần những lời hứa suông và cũng chẳng cần sự tâng bốc".

Kỳ vọng của người trẻ hôm nay chỉ có thể được đáp ứng và làm tròn đầy

bằng vinh quang của Thập giá Ðức Ki-tô.

Ki-tô hỮu không tìm sỰ đau khỔ vì nó,

nhưng tìm tình yêu

"Vác thập giá mình hằng ngày mà theo". Như thập giá có thể được coi như một đồ trang sức, thì "vác thập giá mình" cũng có thể trở nên một cách nói. Trong huấn giáo của Chúa Giê-su, kiểu nói này không đưa sự hãm mình hay sự từ bỏ mình lên hàng đầu.

Trước tiên, kiểu nói đó không quy chiếu về nhiệm vụ nhẫn nại chịu đựng những cực nhọc nhỏ hay to hằng ngày; kiểu nói đó càng ít nhắm tới việc tán dương sự đau khổ như phương thế làm đẹp lòng Chúa. Người Ki-tô hữu không tìm sự đau khổ vì nó, nhưng tìm tình yêu. Thập giá được chấp nhận sẽ trở nên dấu chỉ tình yêu và hiến thân hoàn toàn. Vác thập giá theo Chúa Ki-tô có nghĩa làkết hợp với Người, cung cấp một bằng chứng lớn nhất của tình yêu. Người ta không thể nói tới thập giá mà không nghĩ tới tình yêu của Chúa đối với chúng ta, tới sự kiện Chúa muốn ban cho chúng ta dồi dào của cải của Người.

Qua lời mời này: "Hãy theo tôi" không những Chúa Giê-su nói với các môn đệ Người: Hãy lấy tôi làm gương mẫu, nhưng cũng nói: Hãy chia sẻ sự sống và những sự chọn lựa của tôi, hãy tiêu hao sự sống của bạn với tôi vì tình yêu Chúa và anh em của bạn. Như thế, Chúa Ki-tô mở ra trước chúng ta "con đường sự sống" con đường mà hỡi ôi thường bị đe dọa bởi" con đường sự chết". Tội lỗi là con đường phân ly con người với Thiên Chúa và với tha nhân, kích động sự chia rẽ và đục khoét xã hội từ bên trong. "Con đường sự sống", lấy lại và lặp lại những thái độ của Chúa Giê-su, trở nên con đường đức tin và hối cải. Chính xác đó là con đường thập giá.

Ðó là con đường dạy tín thác vào Người và vào mục đích cứu rỗi của Người, tin Người chết để chứng tỏ tình yêu của Chúa đối với mọi người; đó là con đường cứu rỗi trong lòng một xã hội luôn chia rẽ, hỗn tạp và trái nghịch; đó là con đường được phúc theo Chúa Giê-su đến cùng, trong những hoàn cảnh lắm khi bi đát của sự sống hằng ngày: đó là con đường không những sợ thất bại, những khó khăn, những loại trừ, những cô đơn, bởi vì nó làm đầy tim con người bằng sự hiện diện của Chúa Ki-tô; đó là con đường bình an, làm chủ lấy mình và đưa tới niềm vui sâu xa cõi lòng.

Ðức Giáo Hoàng GIO-AN PHAO-LÔ II

Sứ điệp gởi Ðại hội Giới trẻ Thế giới năm 2001, số 05.

CẦU NGUYỆN NHƯ ÐI LÀM

"Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Ðền Thờ vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín" ( Cv 3,1 )

Cầu nguyện hay đi cầu nguyện cũng giống như đi làm. Tôi chắc chắn rằng có rất ít người thực sự muốn thức dậy vào buổi sáng đặc biệt là sáng thứ hai để đi làm; nhưng tất cả họ đều lôi mình ra khỏi giường để đi làm, vì đây là một việc bắt buộc phải làm. Và tôi nghĩ cầu nguyện cũng giống như vậy chúng ta cần có một thời gian biểu cố định cho cầu nguyện, có lẽ là trước bữa ăn sáng.

Chúng ta có thể dậy sớm hơn một chút và dành thời gian đó để cầu nguyện. Nhiều người đã làm như vậy; và thật sự rất tốt đẹp nếu ta dậy sớm hơn thường lệ 10 phút, nửa tiếng hay thậm chí là một tiếng và dành khoảng thời gian đó ở với Chúa. Sẽ có nhiều lúc chúng ta không muốn cầu nguyện, tuy nhiên cũng giống như việc đi làm đó là việc phải làm và chúng ta nên làm. Có thể chúng ta sẽ phải lôi bản thân mình đi cầu nguyện ( giống như việc kéo bản thân mình ra khỏi giường và đi làm ).

Tôi còn nhớ câu chuyện về một tu sĩ đúng là đã thật sự trói mình vào bục quỳ vì ông thấy mình quá lãnh đạm đến nỗi ông không có cái cảm giác rằng mình đang quỳ ở đó nữa không còn nghi ngờ gì nữa, ông đúng là một con người được Thiên Chúa thúc đẩy.

Chúng ta đã đọc đoạn Kinh Thánh nói rằng Thánh Phê-rô và Gio-an đến đền thờ lúc ba giờ chiều để cầu nguyện. Ðó là thời gian dành cho việc cầu nguyện ( Cv 3, 1 ). Như vậy, Phê-rô và Gio-an, cũng như những người Do-thái khác, đến đền thờ cầu nguyện vào những thời điểm cố định. Chúng ta hãy đọc Cv 6.

Những điều đó thực sự đã đánh động tôi. Các thánh tông đồ cảm thấy cần thiết phải gắn chặt hoàn toàn đời sống mình vào việc cầu nguyện và vào việc đem ra thi hành Lời Chúa. Tôi bảo đảm rằng họ không muốn xâm phạm vào khoảng thời gian đã được xác định cho việc cầu nguyện. Khi chúng ta sắp xếp thời gian của mình để cầu nguyện, chúng ta hãy cố trung thành đi theo thời khóa biểu đó. Sẽ có những lúc, cũng tự nhiên thôi, có người đến vào đúng lúc dành cho việc cầu nguyện, chúng ta không thể thực hiện đúng theo như thời khóa biểu được. Cho nên, đương nhiên là sẽ có những ngoại lệ, nhưng bình thường thì chúng ta nên cầu nguyện theo một thời gian biểu cố định.

Lm R. DEGRANDIS, SSJ.

( Trích sách: Cầu nguyện, tha thứ, chữa lành. ABBA-Cha ơi phát hành )

TẢN MẠN MÙA CHAY

Một trong những bản nhạc của chàng nhạc sĩ gầy gò họ Trịnh mà tôi ưa thích là bản "Cát Bụi", nó bắt đầu bằng một câu hỏi nhân sinh "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi ?" và trong bản nhạc đó, câu hát trầm lắng nhất với tôi là: " ...Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá uá trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày...".

Cho dù con người được đánh giá như thế nào đi nữa, họ cũng sẽ chỉ là con người, một thụ tạo cấu tạo gồm nước và những vật chất chẳng có gì giá trị. Bé nhỏ, yếu đuối, và lúc chết đi, chắc chắn sẽ chỉ còn là bụi đất sau ít thời gian phân hủy sinh học.

Ai đã từng qua đảo quốc Singapore, hẳn sẽ nhớ cái lần đầu tiên, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Changi Airport, nhìn qua cửa sổ thấy biển mênh mông ngay bên cạnh, và có ảo giác những con tàu hình như đang đi ngang ngay cửa sổ máy bay, cùng đường bình độ với máy bay. Nhìn những lớp container 20 feet, 40 feet chồng chất trên tàu, ta biết là con tàu đó rất lớn. Vậy mà với biển, chúng chỉ như những cái thuyền giấy đồ chơi của em bé. Con người thật bé nhỏ khi đứng trước thiên nhiên hùng vĩ. Thậm chí, chỉ "...một cơn gió thoảng cũng làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích...". Bé nhỏ hèn kém là thế, nhưng con người luôn đa đoan và khổ sở vì những thôi thúc bắt nguồn từ kiêu căng tự mãn.

Nhìn những cảnh đời lố lăng dị hơm đang diễn ra hàng ngày, ta bỗng thấy mình không giống, thấy mình chững chạc và có tâm thế cao hơn. Chính lúc đó, ta đang có một chút kiêu căng rồi. Cái anh chàng A.Q điên điên trong truyện cùng tên của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn hay anh Chí Phèo, đứa con khốn khổ của văn sĩ hiện thực Nam Cao thế mà vẫn có sự kiêu ngạo riêng, và họ dùng cái tính kiêu hãnh vốn có đó của mình để chống lại những bất công khốn khổ đến với họ. Dù chỉ là hoang tưởng. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ về cái mà ta cảm nhận, suy niệm về sự chết và những gì sau đó, sẽ thấy rằng hình như chúng ta luôn sống hoang tưởng. Ðôi khi, chúng ta kiêu căng với cả những gì ta không có, không phải của ta. Chúng ta lăn lộn, thủ đoạn, mê cuồng để đạt được những danh lợi hư vô. Tận sâu thẳm trong tâm hồn, ta vẫn có thể nghe, nếu ta lắng nghe, thấy có câu hỏi rằng "danh lợi đó để làm gì ?" Mẹ của Forest Gum ( phim Forest Gum ) là một bà mẹ tuyệt vời, bà có khuyên Forest một câu: "thực ra, người ta thường chỉ dùng khoảng 30% tiền bạc để nuôi sống mình, 70% còn lại là để lòe nhau" Ðúng không ? Lòe, nổ, khoe khoang, making believe là cái tật của đa số người ( chỉ khác là kín đáo hay không mà thôi ).

Tôi có biết một cô gái, cô ta có thể mua tất cả mười bộ bông tai thời trang trong một cửa hiệu chỉ vì không muốn ai có một đôi giống như cô. Thật hết biết.

Tôi muốn xin Chúa một câu trả lời:

Lạy Chúa, có phải Chúa luôn muốn con nhìn lại mình trong mùa chay, để biết mình hơn, nghĩa là hiểu rằng con người chẳng là gì để mà kiêu căng. Tổng thống Clinton trong Nhà trắng người có quyền lực nhất thế giới - và gã ăn mày lang thang sống trong thùng carton dưới hầm cống Washington khi chết đi có gì khác nhau không ? Cô gái điếm ở khu xì-ke Lê Lai làm tất cả mọi điều có thể cho đứa con của cô có một cuộc sống tốt hơn và cô người mẫu đẹp mê hồn nhưng óc bã đậu cứ mãi lẩn quẩn trong mấy cái vòng tròn tình tiền với mấy gã ngoại quốc trong cái bar kia, phá thai, không muốn có con vì sợ hư bộ ngực, ai cao trọng hơn ai ? ai đàng điếm hơn ai ?

Lạy Chúa, xin hãy luôn soi sáng giúp con nhìn thấy được các hạn chế của mình, chế ngự được kiêu căng và tự mãn, biết sống khiêm nhường và thứ tha. Mặc dù đó thực sự luôn là điều hiếm hoi đối với một con người.

Và xin cho con luôn ý thức được con sinh ra từ hạt bụi, với hơi thở truyền sinh của Chúa, lúc chết rồi thân xác con sẽ lại trở về với bụi tro.

Nguyễn Thái Vũ

 

 

Khi có thắc mắc về mạng và tin học nói chung, quý vị có thể hỏi ở địa chỉ: nhipcau_tinhoc@yahoo.com để được giải đáp. Bài tham gia cộng tác xin gởi về: abba_chaoi@yahoo.com Khi bạn có nhu cầu tham khảo các số ABBA đã phát hành, xin vào hộp thư mở của chúng tôi: abba_suutap@yahoo.com với passwords: abba