HÀNH TRANG

SINH VIÊN

THỜI ÐẠI

Số 12 19.03.2001

 
 


Hôm nay Hội Thánh Công Giáo nói chung và Hội Thánh Việt Nam nói riêng hân hoan mừng vị bổn mạng của mình: Thánh cả Giu-se. Con đường nên thánh của Ngài là tin và đón nhận mọi điều Chúa gởi đến. Con đường ấy tưởng dễ, nhưng lại quá gập ghềnh với con người chỉ muốn làm chủ chính mình hiện này. Nói làm chủ chính mình là nói một cách nể vì nhau, còn nếu phải nói đúng thì là những con người muốn làm chủ người khác. Biểu hiện rõ nhất mà chúng ta thấy nơi chính mình là thường thấy người chung quanh phạm lỗi và không chịu nghe lời ta.

Những ngày cao điểm của Mùa Chay này, vị Cha chung mời gọi chúng ta tiến đến hoà bình bằng con đường tha thứ, mà tha thứ trước tiên chẳng phải là chấp nhận tha nhân cách vô điều kiện đó sao. Kinh nghiệm của chị Nguyệt cho ta thấy, người ta không dễ tha thứ cho đến khi được ở lại trong tình yêu của Chúa. Nên sám hối đích thực không phải là từ bỏ mình như thể dồn né chịu đựng, mà là trở về với miền yêu thương do chính CHA và CON thêu dệt nên là Thánh Khí.

CON ÐƯỜNG THA THỨ

Con đường duy nhất dẫn đến hòa bình là sự tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người và người, ngăn chặn vòng xoáy trôn ốc của thù hận và trả thù, trả oán, và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau. Ðối với các nước đang tìm kiếm sự hòa giải và đối với những ai hy vọng có sự chung sống hòa bình giữa các cá nhân và các dân tộc, không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha. Phong phú biết bao lợi ích từ những giáo huấn vang vọng Lời Chúa "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em. Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương"(Mt 5, 44-45). Ðể yêu kẻ làm phật ý ta, hãy giải giới sự đánh trả và biến chiến trường thành nơi đồng tâm hợp tác.

Ðây là một thách đố không những cho các cá nhân mà còn cho các cộng đồng, các dân tộc và toàn nhân loại. Các gia đình phải quan tâm điều này một cách đặc biệt hơn. Không dễ gì hoán cải mình thành người biết thứ tha và hòa giải đâu. Hòa giải cho dù mình có lỗi đã là khó. Hòa giải ngay cả khi người ta lỗi đến mình xem ra là điều nhục nhã, vô lý. Ðể làm được điều này, cần trải qua việc hoán cải nội tâm, lòng can đảm khiêm nhường vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là cần thiết. Lời Ngài rất rõ ràng : không chỉ kẻ sinh sự mà cả người bị sinh sự cũng phải tìm sự hòa giải (x. Mt, 23-24). Người Ki-tô hữu cần tạo ra hòa bình ngay cả khi cảm thấy mình là nạn nhân của người sinh sự vô lý. Chúa đã hành xử như thế, Ngài chờ đợi các môn đệ theo Ngài, cùng hợp tác trong cách thức này trong sự giải thoát lẫn nhau.

Trong thời đại chúng ta, sự tha thứ dường như ngày càng trở nên một chiều kích cần thiết cho sự canh tân xã hội thật sự và cho sự củng cố nền hòa bình thế giới. Giáo hội, trong khi loan báo sự tha thứ và yêu thương kẻ thù, ý thức được phải linh hứng trong gia sản của nhân loại một cách thế mới trong quan hệ với nhau, một cách thế có thể là khó khăn nhưng đầy hy vọng. Trong chiều hướng này, Giáo hội phải biết cậy nhờ vào sự trợ giúp của Chúa, Ðấng không bao giờ ngoảnh mặt đi khỏi kẻ đang tìm đến Ngài trong lúc khó khăn.

ÐGH GIO-AN PHAO-LÔ II ( Trích thông điệp Mùa Chay 2001, số 4 )

TÔI ÐÃ XÉ ÐƠN LY HÔN

Chúa nói với tôi: "Con chưa ở lại trong tình thương của Thầy !" Tôi rùng mình nhận ra mình giữ đạo mà không giữ Chúa, nên cuộc đời tôi đã khổ nhường ấy". Ðó là lời chị Nguyệt, hơn 40 tuổi ở Gò vấp, chia sẻ giữa nhà thờ hôm 22.12.2000 vừa qua.

Chị Nguyệt và chồng đã sống với nhau được 11 năm, có với nhau hai mặt con. Mọi người nhận thấy chị là người đạo đức, thường xuyên đi lễ, lại còn tham dự các lớp học Chí Tâm, gia đình đầm ấm. Nhưng thực ra những chuỗi ngày sống của chị là những ngày dài chịu đựng. Từ một ngưới có của do gia đình cho lúc đi lấy chồng và có khả năng tạo nghiệp, chị đã trở nên trắng tay, nợ nần và phải buôn thúng bán bưng kiếm sống qua ngày. Những giờ phút hạnh phúc hôn nhân quá hiếm hoi, còn những lời chửi mắng đánh đập thì nhiều hơn cơm bữa. Không những thế, anh chồng còn dùng tiền của gia đình tiêu pha đến nổi vợ chồng con cái không con chỗ nương thân.

Một lần sau khi bị đòn, chị đã cố viết đơn ly dị với mục đích để cảnh tỉnh chồng, nhưng người chồng đã làm chị thay đổi thái độ hẳn khi anh hiên ngang cầm bút ký ưng thuận mà không cần suy nghĩ. Chị bắt đầu dứt nghĩa với anh và bất chấp luật Hội Thánh để đem đơn ra tòa. Hai lần được tòa mời đến hòa giải, chị vẫn giữ lập trường, mặc dù có lúc anh đã biết nói lời phải trái. Ðối với chị, lúc ấy, anh không đáng để chị tha thứ nữa.

Cũng vào thời điểm ấy, ở lớp Chí Tâm, chị tham gia chọn chương 15 trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an để cầu nguyện. Một ngày áp thứ sáu đầu tháng 12 năm 2000, chị mở Kinh Thánh ra đọc, để ngày họp mặt chị có thể hiệp thông và chia sẻ với cộng đoàn. Khi đọc đến câu: "Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy" ( Ga 15, 9b ), chị nói: "Tôi tự hỏi. Tại sao Chúa lại bảo tôi ở lại trong tình thương của Ngài ? Tôi đã là người Công giáo đang ở trong Giáo Hội, chẳng lẽ không đang ở trong Chúa sao ?"

Con người khô khốc của chị Nguyệt suốt mấy tháng đã bắt đầu thổn thức trở lại. Chị nói: "Tôi không biết rõ Chúa muốn tôi phải làm gì khi mời gọi tôi như vậy. Tôi nhớ, chỉ vài ngày sau, tòa án gửi lá thư mời chúng tôi lên để hòa giải lần cuối. Nếu lần này một trong hai người vẫn cương quyết chia tay, thì tòa sẽ tuyên bố tình trạng ly hôn của chúng tôi. Tôi đã chủ động xé nát đơn xin ly dị và đến xin lỗi chồng tôi. Anh ấy im lặng và xiết chặt tôi trong vòng tay của anh ấy".

Từ ngày ấy, tương quan vợ chồng của hai anh chị đã thay đổi hẳn. Một chút đau khổ của ngày nào chị tưởng mình không chịu nổi nay chẳng còn nữa. Chị Nguyệt nói: "Tôi cảm nghiệm, anh ấy cũng được Chúa mời gọi sống trong Tình Thương của Thiên Chúa, nên cả hai chúng tôi bắt đầu nối kết trở lại với nhau không chỉ bằng tình yêu con người, nhưng thực sự bằng Tình Yêu của Chúa".

NGUYẼN LÊ PHAN ANH

TRỞ VỀ MIỀN YÊU THƯƠNG

Quan sát con người dù ở tuổi ấu nhi hay đã lão niên, người ta dễ dàng thấy cuộc sống con người đang tìm kiếm và tích luỹ không ngừng. Nhìn những cái chưa có, người ta thầm ước nếu có nó sẽ hạnh phúc lắm, nhưng khi bằng mọi cách có nó rồi, người ta lại ngộ ra nó chưa phải là hạnh phúc mình tìm, có đôi trường hợp nó lại là tai họa.

KT thấy mình sống không có ý nghĩa nếu không có anh ấy, nếu không được nói "I love you" với anh ấy, nên cô bất chấp mọi sự để có anh. Nhưng chỉ vài ngày sau khi toại nguyện, KT đã uống thuốc tự tử, vì con người ấy mang họ "Sở".

Lục soát lại tất cả những gì đã tích lũy được trong túi hành trang, tôi chẳng thấy có gì đáng giá lắm, chỉ toàn là những đồ bể và mảnh vụn. Ấy vậy mà khi mẹ tôi dọn dẹp và bỏ nó đi cho sạch phòng, gọn tủ, tôi đã nặng lời với mẹ. Còn nhỏ bạn tôi thì khóc sướt mướt vì những người bạn khác đã van xin nó đừng nhớ đến người chẳng ra gì mà nó đã lỡ yêu. Nhỏ bạn thừa nhận với tôi rằng nó không hạnh phúc tí nào khi quan hệ với anh ấy, nhưng nếu bỏ thì lấy gì mà bám để sống ?

Một trong những lời cuối cùng của Chúa Giê-su tâm sự với Chúa Cha trong vườn Ghết-sê-ma-ni đã được Thánh Gio-an ghi lại: "Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con. Con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ và không một ai trong họ phải hư mất" ( Ga 17, 6, 12 ).

Những lời này nẩy lên những vấn nạn: Có đúng tôi là người được Chúa Cha chọn để ban cho Chúa Giê-su không ? Có thật Chúa Giê-su đã gìn giữ tôi không, sao mà cuộc đời tôi nát bét thế này ?

Nếu bạn có thể gọi Ðức Giê-su là Chúa ( ngay cả khi bạn chưa là người Công giáo ), thì chắc chắn bạn đã được Thiên Chúa tuyển chọn bạn để bạn trở nên món quà vô giá trong tay Người trao cho Chúa Giê-su.

Vậy dẫu đôi khi bạn chỉ thấy nơi mình là xấu xa, tội lỗi hay cả đời bạn chỉ nhận những lời nguyền rủa theo lối "đồ thối thay mục rửa" thì bạn hãy còn có Một Người quý trọng bạn, muốn bạn trở nên một phương tiện vô giá để Người diễn tả tình yêu vĩ đại của Người với Người Con yêu dấu. Người ấy là Thiên Chúa đã dựng nên bạn, cho bạn sự sống và đang hết lòng yêu thương bạn. Nếu sự thật là như vậy và đúng là như vậy, thì bạn và tôi đã cố tình bước chân ra khỏi miền yêu thương, nên những ngày sống của chúng ta chỉ toàn là khổ đau và hụt hẫng.

Nếu thật vậy, trở về với Chúa đối với tôi không phải là cuộc khước từ chính mình xét từ bản chất, nhưng chỉ bỏ đi những gì không phải là tôi, mà bấy lâu nay tôi nhầm tưởng; là bỏ đi những chiếc phao thủng mà một lúc nào đó giữa sóng đời lênh đênh tôi đã bám víu như một vật cứu sinh an toàn. Ðối với tôi, trở về với Chúa là trở về với cái nhìn yêu thương, mong đợi, trở về với giòng máu nóng yêu thương đang được con tim nao nức đợi chờ; trở về với chính Con Người yêu thương tôi đến nỗi làm cho tôi được hiện hữu trong Người.

Tôi hạnh phúc vì vừa nhận ra mình là chiếc cầu nối để Cha tỏ bày tình yêu với Con và Con đón nhận tình Cha.

Chúa Giê-su yêu Cha bao nhiêu thì người cũng dành cho món quà của Cha ban tặng một tình cảm trong sáng Chắc hẳn bạn có kinh nghiệm này khi nhận được món quà của người mình yêu Cho nên không một phút giây nào trong cuộc đời hiện tại của bạn mà vắng bóng Chúa Giê-su. Người nói: "Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy" ( Kh 3, 20 ).

Nếu bạn đón nhận và cho người một cơ hội thì Người sẽ cho bạn ngay một kinh nghiệm an toàn. Sở dĩ trong đời sống, bạn thường lo sợ, hoang mang là vì bạn đã vội nghe theo những tiếng nói không phải của Chúa. Nó là những lời đồn, những tin không đặt trên chân lý, những lời hù dọa, những viễn tưởng an toàn giả tạo của thế lực sự dữ.

Có lẽ bạn đã quên một điều rất quan trọng, đó là Chúa Giê-su của chúng ta, Người chiến thắng buồn phiền bằng cách phó thác vào Chúa Cha ( x Lc 22, 42 ); chiến thắng nghèo đói nhờ lời Chúa ( x Mt 4, 4 ); chiến thắng nỗi kinh hoàng nhất của con người là cái chết bằng sự phục sinh ( x Lc 24, 34 ).

Như vậy, bạn và tôi có thể được Chúa Giê-su gìn giữ không để hư mất một ai nhờ không ngừng nghe lời Người và mau mắn "mở cửa" đón Người vào "nhà".

Tôi thấy mình được an toàn hơn lúc nào hết. Chúa Giê-su gìn giữ tôi không chỉ vì tôi mà vì tình yêu Người dành cho Cha. Như vậy bạn có muốn trở về với yêu thương không ?

5.3.2001 AN THANH

 

 

Khi có thắc mắc về mạng và tin học nói chung, quý vị có thể hỏi ở địa chỉ: nhipcau_tinhoc@yahoo.com để được giải đáp. Bài tham gia cộng tác xin gởi về: abba_chaoi@yahoo.com. Khi bạn có nhu cầu tham khảo các số ABBA đã phát hành,

xin vào hộp thư mở của chúng tôi: abba_suutap@yahoo.com với passwords: abba