ÐTC tiếp chung các Giám Mục Lituani
đến Roma "Ad Limina"

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp chung các Giám Mục Lituani đến Roma "Ad Limina".

Castelgandolfo - 17.09.99 - Chuyến viếng thăm "Tòa Thánh" của các Giám Mục Cộng Hòa Lituani kết thúc sáng thứ Sáu 17.09.99 tại Castelgandolfo bằng thánh lễ đồng tế với ÐTC và bằng buổi tiếp kiến chung.

Trong diễn văn dài, ÐTC đề cập đến nhiều vấn đề của Giáo Hội Công Giáo tại Lituani, một giáo hội bị bách hại dữ dội dưới chế độ cộng sản vô thần và cũng là một Giáo Hội có rất nhiều liên lạc thiêng liêng với Ba Lan, một Giáo Hội can đảm minh chứng đức tin trong thời kỳ bách hại và một Giáo hội đang tiến trên đường tái thiết thiêng liêng sau thời kỳ bão táp.

ÐTC nhắc lại chuyến viếng thăm mục vụ của ngài đã thực hiện tháng 9 năm 1993, sau khi Lituani lấy lại tự do, độc lập. ÐTC nói: Buổi gặp gỡ hôm nay đây làm cho tôi nhớ lại cuộc đón tiếp rất nồng hậu dành cho tôi tại các nơi viếng thăm: Vilnius, Kausas, Siuliai, Siluva. Làm sao quên được những xúc động sâu xa và niềm hân hoan tràn trề của những ngày đó? Chúng ta chỉ có thể lặp lại lời thánh vịnh: "Lúc đó miệng tôi mở ra với một nụ cười, luỡi tôi hát lên bài ca hân hoan" (Tv 126, 1-2). Sau đó, ÐTC nhắc lại "Con Ðường Thánh Giá" của dân tộc Lituani: con đường quá dài. Biết bao con cái của miền đất này đã được gọi làm chứng cho Chúa Kitô giữa những thiếu thốn, những giới hạn đủ loại, đến độ hy sinh cả mạng sống. Giờ đây lấy lại tự do, Lituani như đang sống Một Mùa Xuân mới, mùa xuân chiếu dọi lại những truyền thống tôn giáo mà Lituani Công Giáo đã nhìn ngắm và hy vọng trong những giờ phút tối tăm của cuộc bách hại; ánh sáng Mùa Xuân chiếu dọi từ Ðền Thánh Ðức Bà "Cửa rạng đông" cho đến Ðồi Thánh Giá, nơi đã được ÐTC kính viếng trong chuyến viếng thăm Lituani, vào năm 1993. Ngài nói: "Nơi đây biết bao thánh giá của dân tộc các Ðức Cha biết bao lần đã hòa với Thánh Giá của Chúa Kitô".

ÐTC nhắc lại lời thánh vịnh: "Chúa thu lượm nước mắt tôi trong bình (Tv 56). Không một giọt nước mắt nào mất đi trước nhan Thiên Chúa. Không những Chúa thưởng công những ai tuyên xưng Người trước mặt Chúa Cha, nhưng nước mắt này còn đem lại sự phồn thịnh cho Giáo Hội, như Tertuliano đã nói: "Máu các vị tử đạo làm phát sinh nhiều tín hữu Kitô". Vì thế, ÐTC căn dặn phải nhớ đến cách riêng các chứng nhân đức tin này, bởi vì việc nhớ này giúp cho việc hướng dẫn những mệt nhọc hằng ngày và nâng đỡ hy vọng của ngày mai. Nói đến các thách đố hiện nay của Giáo Hội tại Lituani, ÐTC khuyên các vị chủ chăn canh phòng, dấn thân quảng đại và đưa ra những sáng kiến mới. Ngày nay, sau những khó khăn của quá khứ, đức tin lại bị bao vây bởi những cám dỗ của thời đại bị tục hóa và hưởng lạc thú, lan tràn cách riêng tại các nước giầu thịnh về kinh tế, lôi kéo các thế hệ trẻ. Các giá trị luân lý bị coi thường, nhiều gia đình bị khủng hoảng, sự sống không được tôn trọng. Ðức tin bị thử thách bởi việc lan tràn các giáo phái. ÐTC nói: "Như tôi đã nói với các Ðức Cha cách đây 5 năm trong chuyến viếng thăm trước đây: Việc tái rao giảng Tin Mừng là việc phải làm trước tiên và là một khẩn cấp không thể trì hoãn của mục vụ tại Lituani.

Về việc tái rao giảng Tin Mừng, ÐTC nhấn mạnh đến việc giảng dạy giáo lý và việc thành lập "phong trào học giáo lý". Việc giảng dạy giáo lý không phải chỉ thông truyền chân lý, nhưng nhất là làm cho các tín hữu tiến đến một đời sống đức tin cách ý thức, đầy đủ, nghĩa là tiến đến một đức tin trưởng thành. ÐTC nhắc đến Cuốn sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo là dụng cụ tuyệt hảo cho việc giảng dạy giáo lý. Ngài cũng nhắc đến phương pháp giảng dạy giáo lý và việc huấn luyện chu đáo các giáo lý viên và những đòi hỏi của việc giảng dạy giáo lý liên tục trong đời sống người tín hữu. Các phong trào, các hội đoàn, các tổ chức mới do Chúa Thánh Thần gợi lên trong Giáo Hội sau Công Ðồng, hoạt động hòa hợp với các Vị Chủ Chăn, cần phải được nâng đỡ, vì các tổ chức này góp phần quan trọng vào việc canh tân đời sống Kitô và vào việc tái rao giảng Tin Mừng. ÐTC nhấn mạnh: Ðể việc tái rao giảng Tin Mừng được hiệu nghiệm, phần lớn tùy thuộc vào sự thánh thiện của các linh mục: "những người cộng tác trực tiếp của giám mục".

ÐTC nói: "Các Ðức Cha là những người rao giảng Ðức Tin và là những vị thầy dạy chân lý; nhưng chỉ có hoạt động lan rộng của các linh mục mới có thể bảo đảm rằng: mỗi cộng đồng Kitô được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được nâng dỡ bằng ơn thánh của các bí tích". ÐTC vui mừng vì hiện nay tại Lituani con số linh mục gia tăng; nhưng ngài khuyên đẩy mạnh mục vụ ơn kêu gọi, vì theo các giám mục, con số linh mục vẫn chưa đủ cho các nhu cầu của giáo dân.

Về việc huấn luyện tại chủng viện, ÐTC nhấn mạnh cách riêng đến phẩm chất. Các tài liệu về huấn luyện không thiếu, do các Công Ðồng Chung, nhất là Công Ðồng Vatican II và do Quyền Giáo Huấn của Hội Thánh. ÐTC cũng nhắc đến việc cổ võ ơn gọi Thầy Sáu. Ngài nói: Công Ðồng tái lập thừa tác vụ này không phải là một việc ngoài lề, một việc thay thế vì khan hiếm linh mục; nhưng vì giá trị bên trong của việc phục vụ này của cộng đồng Dân Chúa "trong Phụng Vụ, trong Lời Chúa và trong thi hành đức ái" (LG 29).

Nhắc đến đời sống tận hiến, ÐTC nhấn mạnh rằng: Công việc phục hưng thiêng liêng của Lituani sẽ rút kéo được một lợi ích mỗi ngày mổi lớn lao hơn do bởi việc thăng tiến đời sống tu dòng, miễn là mỗi Hội Dòng phải trung thành với đặc sủng riêng của mình và sẵn sàng cộng tác, hiệp thông mục vụ với Giáo Hội địa phương (Vita consecrata, 81).

Về giáo dân, ÐTC nói đến việc huấn luyện và con đường Tu Ðức riêng của người giáo dân, để cộng đồng các người đã lãnh bí tích rửa tội trở thành "cộng đồng rao giảng Tin Mừng". Trong một quốc gia dân chủ như Lituani hiện nay, người giáo dân phải tham dự vào đời sống chính trị, để đem các giá trị Phúc Âm vào các môi trường xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, theo giáo huấn xã hội của Hội Thánh. ÐTC không quên nhắc lại cho các Giám Mục việc thiết lập các cơ quan tham dự vào việc quản trị Giáo Phận, giáo xứ... do Công Ðồng cổ võ, trên cấp bậc giáo phận, giáo xứ và đã được ghi tromg Bộ Giáo Luật (khoản 511; 536-537); trong các cơ quan này có Hội Nghị giáo phận (khoản 461, 5), để tất cả cộng đồng giáo phận tham dự, dĩ nhiên giám mục vẫn là người lập luật duy nhất.

Trong phần kết thúc diễn văn, ÐTC nhắc đến Ðại Toàn Xá. Ðây là giai đoạn mới, đây là cơ hội Chúa Quan Phòng ban cho, để thúc đẩy một đà tiến mới cho dấn thân mục vụ của các Ðức Cha. Cần phải gieo vãi dồi dào và với tâm hồn chứa chan hy vọng. Chúng ta nhớ lại dụ ngôn Phúc Âm: hạt giống Nước Chúa mọc lên một cách mầu nhiệm, do sức hoạt động của của Chúa Thánh Thần, đến độ người gieo giống hết sức ngạc nhiên. Nếu chúng ta không được thấy hoa trái của công việc mình làm, lúc đó chúng ta hãy nhớ mình chỉ là "những đầy tớ vô dụng" và luôn luôn sẵn sàng là dụng cụ của Thiên Chúa mà thôi, như Thánh Phaolô nói: "Không phải người gieo, hay người tưới, mà chính Thiên Chúa làm cho mọc lên" (1 Cor 3, 7).

Castelgandolfo - 17.09.99 - Sau buổi tiếp kiến chung dành cho các Giám Mục Lituani, cũng tại Castelgandolfo, ÐTC tiếp 5 Giám Mục của Cộng Hòa Lettoni, do Ðức Cha Jani Pujats, Tổng Giám Mục giáo phận Riga (thủ đô) hướng dẫn.

Cộng Hoà Lettoni, một quốc gia nhỏ bé, thuộc miền Baltique, rộng 64,610 cây số vuông, với gần 3 triệu dân cư. Cho tới năm 1989, Lettoni bị Liên Xô chiếm đóng, đặt dưới chế độ cộng sản. Ða số người dân Lettoni theo Giáo Hội Tin Lành Luther; người Công Giáo khoảng 500 ngàn (nửa triệu) chia thành một Giáo Tỉnh: Tổng Giáo Phận Riga (thủ đô) với 4 giáo phận phụ thuộc. ÐTC Gioan Phaolô II đã viếng thăm Lettoni tháng 9 năm 1993 cùng với Lituani và Estoni.


Back to Radio Veritas Asia Home Page