Giáo Hội Công Giáo tại Ðài Loan
nỗ lực cứu trợ
các nạn nhân vụ động đất

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo Hội Công Giáo tại Ðài Loan nỗ lực cứu trợ các nạn nhân vụ động đất.

"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm để giảm bớt những đau khổ của người dân trong lúc này. Tất cả các cơ sở của Giáo Hội đang sẵn sàng đón tiếp các nạn nhân của vụ động đất kinh khủng xẩy ra trong những ngày qua".

Ðây là lời tuyên bố của Cha Gioan B. Wu, thư ký của Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan với Nhật Báo Công Giáo Ý "Tương Lai", số ra hôm thứ Tư vừa qua, ngày 22.09.99. Qua lời tuyên bố của Cha Wu, chúng ta thấy rằng Giáo Hội Công Giáo tại Ðài Loan không phải không được chuẩn bị, để đương đầu với biến cố bi đát này.

Ngay sau ít giờ xẩy ra vụ động đất kinh khủng, Ðức Hồng Y Paul Shan, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan, Giám Mục giáo phận Kaohsiung (Cao Hùng) (miền nam Ðài Loan) đã giải thích với Hãng Thông Tấn quốc tế Fides về những dự tính của ngài trong lúc này; đó là: mở cửa các nhà thờ, các trường học cho các nạn nhân có nhà cửa bị phá hủy, thu góp các đồ dâng tặng và huy động các tự nguyện viên đến trợ giúp.

Cha Gioan B. Wu giải thiùch cho nhật báo Tương Lai chi tiết của chương trình cứu trợ các nạn nhân của vụ động đất. Cha nói: tại Ðài Loan số người Công Giáo khoảng 300 ngàn trong số 21 triệu dân cư. Nhưng Giáo Hội đã có một truyền thống về giúp đỡ những giới nghèo nàn, hèn yếu hơn và công việc của Giáo Hội đã được chính phủ đánh giá cao.

Như Ðức Hồng Y nói trên đây, Cha Wu cho biết: "Chúng tôi đã mở cửa các nhà thờ, các trường học, các Tu Viện để dón nhận các người không còn nhà cửa. Một trăm tự nguyện viên đã được huy động, nhất là trong khu vực bị tai nạn, như khu vực Tai Chung. Ngoài ra còn có một ngày cầu nguyện, được ấn định vào Chúa Nhậït 26.09.99 nầy. Trong tất cả 446 giáo xứ trên toàn quốc, trong thánh lễ, tất cả sẽ nhớ cầu nguyện cho các người đã qua đi, cho các người sống sót và cho công việc tái thiết. Các số tiền dâng cúng thu được trong ngày Chúa Nhật 26.09.99 tới đây sẽ dành để giúp các nạn nhân của vụ động đất".

Hội Ðồng Giám Mục cũng dành ra một số tiền cho Hội Từ Thiện Caritas để góp phần vào việc cứu trợ các nạn nhân. Hội Caritas Ðài Loan do Ðức Cha Joseph Ti-Kang, Tổng Giám Mục giáo phận Ðài Bắc, điều hành. Caritas có phận sự huy động, thu nhận, phối hợp và phân phát các đồ cứu trợ cho mọi nguời, Công Giáo và không Công Giáo. Ðồng thời các Giám Mục Ðài Loan còn kêu gọi giảm bớt những chi phí vô ích trong dịp Lễ Trung Thu năm nay, được mừng long trọng vào ngày 24 tháng 9/1999 này. Cha WU tuyên bố: "Chúng tôi đã xin mọi người thiện chí dành số tiền chi phí trong dịp lễ Trung Thu để giúp đỡ các người đau khổ. Chúng tôi cũng kêu gọi cả các nhà chính trị nữa".

Cha giải thích tại sao kêu gọi các nhà chính trị. Vì trong lúc này bắt đầu cuộc tuyên truyền tuyển cử tổng thống, được ấn dịnh vào tháng Ba năm tới (2000). Thực sự cuộc tuyên truyền chưa chính thức khởi sự, nhưng nhiều ứng cử viên và các người cộng tác đang tung ra những số tiền khổng lồ cho việc tuyên truyền. Cả các vị này, Giáo Hội Công Giáo cũng lên tiếng xin giảm bớt các phí tổn, nhiều lúc vô ích, để có thể góp phần vào việc giúp đỡ các người bị nạn động đất và các người nghèo khổ. Các nhà chính trị có lắng nghe hay không? Cha Wu hy vọng rằng: rất có thể lời kêu gọi được đón nhận. Ðón nhận hay không, tùy nơi các vị này. Cha nói: "Là Giáo Hội, chúng tôi có bổn phận kêu gọi toàn dân tỏ tình liên đới với các anh chị em không được may mắn". Trong dịp này, Vị Thư Ký Hội Ðồng Giám Mục cũng cho biết: Các cơ sở của Giáo Hội tại Ðài Bắc không bị hư hại gì cả. Công việc cứu trợ được huy động và tổ chức rất nhanh chóng về phía chính phủ cũng như về phía các tổ chức không chính phủ.

Các nước ngoài, hiện mới có Nhật Bản và Hoa Kỳ, hai quốc gia có những liên hệ mật thiết riêng với Ðài Loan, đến cấp cứu ngay từ lúc đầu. Liên Hiệp Quốc cũng tỏ thiện chí giúp đỡ Ðài Loan; nhưng vì Ðài Loan không phải là một quốc gia Hội Viên, nên phải chờ sự ưng thuận của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc tỏ thiện chí muốn gửi viện trợ qua trung gian Hồng Thập Tự Trung Quốc đến Hồng Thập Tự Ðài Loan, đợt đầu là 100 ngàn Mỹ kim (tiền mặt) và khoảng 60 ngàn Mỹ kim bằng các đồ cứu trợ.

Cách đây 10 ngày, Bắc Kinh loan báo đã có những vụ tập dượt quân đội với nhiều tầu chiến bên cạnh ven biển Ðài Loan. Ðây là một cảnh cáo rõ ràng, nếu Ðài Loan tiếp tục tuyên bố độc lập tách khỏi Lục Ðịa. Tháng 7/1999 vừa qua, Tổng Thống Ðài Loan, ông Lee Teng-hui, bác bỏ đường lối chính trị: một nước Trung Hoa duy nhất, và chủ trương liên hệ giữa Ðài Loan và Trung Quốc, như là liên hệ của một quốc gia với một quốc gia, nghĩa là Ðài Loan và Trung Quốc trở thành hai quốc gia khác nhau. Bắc Kinh rất thịnh nộ về thái độ của chính phủ Ðài Bắc. Nhưng đứng trước tai nạn khủng khiếp trong những này này, Bắc kinh xem ra có thái độ mền dẻo hơn. Chủ tịch Trung Quốc, ông Jiang Zenin, tuyên bố: Tai nạn khủng khiếp và cơn hấp hối của các người đồng hương chúng ta tại Ðài Loan gây xúc động tâm hồn tất các người Trung Quốc. Qua Hãng thông tấn Xinhua , ông gửi sứ điệp chia buồn, trong đó ông viết: Các người đồng hương ở hai bên bờ biển "đoàn kết mạnh mẽ với nhau như thịt và máu. Vì lý do này, Trung Quốc muốn cung cấp tất cả sự giúp đỡ có thể để giảm bớt những thiệt hại gây nên bởi tai nạn này."

Tuy nhiên, tại Ðài Loan, người ta đặt câu hỏi ngay như sau: Ðây có phải là tình liên đới thực không? Tại Ðài Bắc, ít người tin vào sự thành thực của Bắc Kinh. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ các người đồng hương nạn nhân của vụ động đất khủng khiếp này, nhưng lại không muốn Liên Hiệp Quốc giúp đỡ, trong lúc Ðài Bắc yêu cầu các nước giúp đỡ. Người ta kết luận rằng: "Ðường lối ngoại giao về động đất, đã thành công giữa Hy Lạp và Thỗ Nhĩ Kỳ (hai quốc gia thù địch nhau, đã giúp đỡ nhau trong vụ động đất xẩy ra mới đây tại hai nước); Nhưng đối Trung Quốc và Ðài Loan, phương pháp ngoại giao trên sẽ không thành công. Tại Ðài Bắc, người ta cho rằng: Việc tình nguyện giúp đỡ trong lúc này của Bắc Kinh chỉ là cơ hội xâm lăng bằng các phương tiện khác, hơn là một cơ hội thuận tiện để đối thoại và hòa giải. Vì thế Ðài Bắc cám ơn và và trong lúc này khước từ đề nghị của Bắc Kinh.


Back to Home Page