Vài nét về Khóa Họp Khoáng Ðại của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế tại Vatican.
(Zenit 28 November 99) - Trong vòng 6 ngày, từ thứ Hai 29 tháng 11 cho đến thứ bảy mùng 4 tháng 12, Khóa Họp Khoáng Ðại của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế diễn ra tại Vatican, dưới sự chủ tọa của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, và qua sự điều hành của Linh Mục Georges Cottier, tổng thư ký của Ủy Ban và cũng là Thần Học Gia của Phủ Giáo Hoàng. Khóa Họp Khoáng Ðại được hướng về hai chủ đề chính; đó là việc Giáo Hội Công Giáo Lên Tiếng Xin Lỗi vì những lỗi lầm trong lịch sử quá khứ, và về ý nghĩa của chức phó tế trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử giáo hội, nhất là về vai trò của những nữ phó tế trong giáo hội sơ khai.
Ðề tài thứ nhất, -- về việc Giáo Hội công giáo lên tiếng xin lỗi - đã được chính ÐTC Gioan Phaolô II gợi ra, nơi số 33, của tông thư Ngàn Năm Thứ Ba (Tertio Millennio Adveniente). Một tiểu ban do thần học gia người Italia, linh mục Bruno Forte, đứng đầu, đã soạn ra một bản văn sơ khởi có tựa đề là: "Giáo Hội và những Lỗi Lầm của Quá Khứ: Nhớ lại để Hòa Giải với nhau". Linh Mục Georges Cottier đã giải thích thêm về vấn đề nầy như sau: "Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến nhu cầu phải xin tha thứ, bởi vì trong lịch sử của Giáo Hội, có những giây phút đen tối. Nhưng Ðức Gioan Phaolô II phân biệt rõ ràng rằng Giáo Hội là thánh thiện vì Giáo Hội lãnh nhận và thông truyền sự thánh thiện của Chúa Kitô cho nhân loại, mặc dù những người Kitô là những kẻ tội lỗi, và tất cả chúng ta đều không trung thành với ân sũng của Chúa Kitô". Cũng theo linh mục Cottier, có hai lý do thôi thúc Giáo Hội nhìn về quá khứ của mình. "Lý do thứ nhất, là bởi vì sự hiệp thông các thánh (sự thông công trong giáo hội) là điều có thật; nhờ sự hiệp thông các thánh nầy mà toàn thể giáo hội Công Giáo qua các thế kỷ là một, và có một cộng đoàn trong giáo hội sống thực thi bác ái và cầu nguyện cho những tội lỗi đã phạm. Lý do thứ hai, là việc cần lưu ý rằng đây không phải là một việc phê phán những cá nhân, vì chỉ có một mình Thiên Chúa là Ðấng phán đoán mà thôi; tuy nhiên, trong việc nhớ lại quá khứ của Giáo Hội, chúng ta hiểu được rằng đã có những hành động tiêu cực gây trở ngại cho công cuộc rao giảng Phúc Âm. Vì thế cần phải trải qua sự thanh luyện quá khứ vì những lỗi lầm nầy, nghĩa là cần phán đoán cách công bằng và quân bình. Chúng tôi không phân tích hay nói đến những biến cố cụ thể đã xảy ra, nhưng nói đến những nguyên tắc của việc xin lỗi và tha thứ."
Theo Cha Cottier, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế sẽ không nói đến những việc cụ thể trong quá khứ, như Tòa Án Ðiều Tra và Những Cuộc Thánh Chiến; Ủy ban chỉ nhằm giải thích lý do căn bản tại sao Giáo Hội phải lên tiếng xin lỗi.
Liên quan đến chức phó tế, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế nghĩ là phải làm sáng tỏ hai điểm sau đây. Ðiểm thứ nhất liên quan đến Công Ðồng Vatican II; Công Ðồng nầy đã thiết lập lại chức phó tế vĩnh viễn trong giáo hội theo nghi thức latinh; và chức phó tế thường được hiểu như là một giai đoạn chuyển tiếp để tiến lên chức linh mục. Hơn nữa Công Ðồng Vatican II, giải thích rằng chỉ có một bí tích truyền chức thánh mà thôi, nhưng có ba bậc khác nhau. Vậy chức Phó Tế như một bậc trong giai đoạn để tiến lên chức linh mục, là như thế nào so với chức phó tế vĩnh viễn không tiến lên chức linh mục và chức phó tế vỉnh viễn nầy hiện đang trổ sinh nhiều hoa trái trong những cộng đoàn giáo hội khắp nơi.
Hơn nữa , về chức phó tế, còn có một khía cạnh khác nữa mà Ủy ban Thần Học Quốc Tế sẽ phải đương đầu. Ðó là trong lịch sử của Giáo Hội, có nhắc đến những nữ phó tế. Vậy vấn đề được đặt ra và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế phải giải quyết, là vấn đề những nữ phó tế nầy đã cống hiến cho Giáo Hội việc phục vụ như thế nào? Theo Cha Cottier, câu hỏi được đặt ra là: Những nữ phó tế có vai trò như thế nào trong truyền thống của Giáo Hội? Một bản thảo dày 18 trang bàn về đề tài nầy, đã được trình bày cho các tham dự viên, để các ngài khảo sát và trao đổi ý kiến với nhau. Kết quả của Khóa Họp Khoáng Ðại Ủy Ban Thần Học Quốc Tế như thế nào? Chúng tôi hy vọng sẽ còn có dịp trở lại đề tài nầy trong tương lai.