Các nhà lãnh đạo tôn giáo vùng Balkan cam kết rao giảng hòa bình.
(Reuters 28/11/99) - Jordan (Amman) - Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo, Kitô Giáo và Do Thái Giáo từ các nước thuộc cựu cộng hòa Yugoslavi, Albanie và Kosovo, đã gặp nhau lần đầu tiên tại vương quốc Jordan, và cam kết sẽ xây dựng lại những chiếc cầu của khoan nhượng, sự sống chung hòa hợp và hòa bình, đã bị làm gãy đổ bởi các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc quá khích. Ngoài ra các vị cũng kêu gọi chính phủ của họ hãy cắt giảm quân đội đồng thời mưu tìm giải quyết những tranh chấp, không phải bằng xung đột, nhưng qua thương thuyết.
Cuộc gặp gỡ trên đây diễn ra nhân dịp Hội Nghị Thế Giới lần thứ bảy về hòa bình, được tổ chức tại thủ đô Amman của Vương Quốc Jordan. Trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật (28/11/1999), Ðức Hồng Y Vinko Puljic, Tổng Giám Mục Sarajevo đã bày tỏ cảm nghĩ về cuộc gặp gỡ này như sau: "Chúng tôi đã mở ra một cuộc hành trình của đối thoại. Chúng tôi đồng ý về những nguyên tắc cần thiết, và giờ đây, chúng tôi cần trở về và mang những nguyên tắc này ra áp dụng". Về phần mình, Ðức Thượng Phụ Anastasios, Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Tirana, cho rằng, ước mơ của các nhà lãnh đạo tôn giáo tham dự cuộc họp mặt là trở nên những người xây dựng hòa bình; trong khi lãnh tụ Hồi Giáo Bosnia, Sheik Mustafa Ceric ghi nhận là cuộc gặp gỡ này cũng nhắm mục đích làm mềm lòng các chính trị gia của các quốc gia trong vùng Ðông Nam Âu Châu.
Một thông cáo công bố sau cuộc gặp gỡ xác định, tôn giáo không phải là nguyên nhân cội rễ của cuộc đổ máu trong vùng Balkan, nhưng tôn giáo đã bị các chính trị gia lạm dụng để theo đuổi mục đích riêng của họ. Ðể thay đổi tình trạng này, các tôn giáo phải đóng một vai trò tích cực, cổ võ sự hòa giải và tiến trình tái xây dựng vùng Balkan. Thông cáo có đoạn ghi như sau: "Chúng tôi cam kết cầu nguyện và thăng tiến cho sự khoan nhượng, chung sống hòa hợp và hòa bình giữa riêng cộng đoàn của chúng tôi và giữa các anh chị em thuộc các cộng đoàn khác nhau. Chúng tôi cũng cam kết thăng tiến một bầu khí hòa bình, nhấn mạnh tới việc rao giảng đức tin trong sự tôn trọng và tránh tấn công lẫn nhau". Thông cáo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng nên phán xét toàn thể cộng đồng các nước vùng Balkan vì sự sai lầm của riêng một vài cá nhân, bởi lẽ nguyên tắc của công lý dựa trên truyền thống các dân tộc vùng Balkan đòi hỏi xét xử kẻ có trách nhiệm dựa trên các luật lệ quốc tế. Việc trừng phạt tất cả dân chúng của một quốc gia chỉ làm tăng thêm sự bất công và đau khổ của những người vô tội mà thôi.