Sứ điệp chung kết của Hội Nghị thế giới các Giáo Hội và các Tôn Giáo.
Hội Nghị thế giới các Giáo Hội và các Tôn Giáo, diễn ra trong Nội Thành Vatican từ thứ Hai 25.10.99, đã kết thúc chiều thứ Năm 28.10.99, bằng cuộc gặp gỡ chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô, với sự hiện diện của Ðức Gioan Phaolô II, của Giáo Triều Roma và với sự tham dự đông đảo của dân chúng. Một cuộc gặp gỡ chưa hề thấy tại Trung Tâm Giáo Hội Công Giáo, một cuộc gặp gỡ có thề đánh dấu một bước quặt lịch sử về mối quan hệ giữa các tôn giáo lớn trên thế giới trong thế kỷ 21 và trong ngàn năm thứ ba của lịch sử nhân loại. Cuộc gặp gỡ tại Assisi 27.10.1986, cách đây 13 năm , do sáng kiến của Ðức GP II, là cuộc gặp gỡ lịch sử, mở đầu cho các bước tiến dẫn đến cuộc gặp gỡ từ ngày 25.10.1999 đến ngày 28.10.1999. Nhưng cuộc gặp gỡ lúc đó chỉ là cuộc gặp gỡ cầu nguyện và chay tịnh cho nền hòa bình thế giới, mà không có thông cáo chung bày tỏ lập trường và sự cộng tác trong tương lai giữa các Tôn Giáo, như Hội Nghị lần này tại Vatican.
Sứ điệp của Hội nghị Vatican đã được đọc lên trong buồi lễ bế mạc chiều thứ Năm 28.10.99 trước sự hiện diện của ÐTC Gioan Phaolô II và của 230 đại biểu các Giáo Hội và các Tôn Giáo và với niềm hân hoan, phấn khởi của dân chúng. sau đây là vài điểm nội dung chính của sứ điệp.
Mở đầu, các vị tham dự Hội nghị đã viết như sau: "Sự cộng tác giữa các tôn giáo khác nhau phải được dựa trên việc khước từ tuyệt đối chủ nghĩa quá khích, cực đoan và thù dịch chống cự nhau... Ðây là những con đường gây nên bạo hành". Rồi các ngài quả quyết: "Chúng tôi xác tín về sự có thể cùng nhau hoạt động để đề phòng những vụ tranh chấp cũng như để vượt qua những cơn khủng hoảng hiện đang diễn ra tại nhiều miền trên thế giới".
Sứ diệp nêu lên những vấn đề có thể cùng nhau giải quyết. Ðó là: "cảnh nghèo khổ, thuyết kỳ thị chủng tộc, nạn ô nhiễm môi sinh, chủ nghĩa duy vật, chiến tranh và việc sản xuất, buôn bán vũ khí, việc hoàn cầu hóa, chứng bệnh AIDS, việc thiếu chăm sóc về y tế, cơn khủng hoảng gia đình, việc loại trừ người phụ nữ và trẻ em". Sau đó, văn kiện nhấn mạnh rằng: "Không một người nào có thể giải quyết một mình các vấn đề lớn lao như vậy được. Vì thế việc khẩn cấp hiện nay là cổ võ sự cộng tác giữa các tôn giáo".
Các đại biểu đồng thanh nhận xét rằng: "Sự cộng tác này không bao gồm việc khước từ căn cước tôn giáo riêng của mình, nhưng đây là lộ trình của việc khám phá mới. Vì thế, chúng ta hãy học biết sự tôn trọng nhau như những thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất. Chúng ta cũng hãy học biết đánh giá các khác biệt và các giá trị chung liên kết chúng ta với nhau".
Sứ điệp nhắc đến sự quan trọng của giáo dục "để nâng đỡ gia đình như cột trụ nền tảng của xã hội, để giúp đỡ giới trẻ biết nâng tâm hồn lên và biết trau dồi những giá trị chung luân lý và thiêng liêng". Và sau đó các vị đại biểu đưa ra hai lời kêu gọi sau đây:
Lời kêu gọi thứ nhất: Yêu cầu tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo lên án việc dùng tôn giáo như phương tiện kích động việc thù ghét và bạo hành và để biện minh những kỳ thị, và cùng nhau hoạt động để loại trừ tận nguồn gốc cảnh nghèo khổ, bằng việc chiến đấu cùng một lúc cho công bình kinh tế.
Lời kêu gọi thứ hai: Yêu cầu các vị lãnh đạo tôn giáo để các ngài cỗ võ "tinh thần đối thoại trong chính nội bộ các cộng đồng của các ngài và yêu cầu chính các ngài luôn luôn sẵn sàng dấn thân trong việc đối thoại với xã hội trên mọi cấp bậc.
Trong phần kết thúc sứ điệp, các vị tham dự Hội nghị tuyên bố như sau: "Trong tinh thần Ðại Toàn Xá, chúng tôi long trọng đón nhận quyết tâm xin tha thứ về những lầm lỗi của quá khứ, cổ võ việc hòa giải, cam đoan vượt qua hố sâu giữa người nghèo và người giầu và cùng nhau hoạt động để xây dựng một thế giới hòa bình thực sự và bền bỉ".
Trên đây là những diểm cốt yếu của Sứ điệp chung kết của Hội nghị thế giới các Giáo Hội và các Tôn Giáo, được gửi đi từ Vatican, một sứ điệp văn tắt, nhưng rất ý nghĩa và đầy hứa hẹn trong tương lai, nếu được thực hiện, như các vị đại biểu đã viết lên trong phần kết thúc: "cùng nhau hoạt động để xây dựng hòa bình thực sự và bền bỉ".
Nhìn vào con số tín hữu của các tôn giáo lớn:
Kitô Giáo: một tỉ
995 triệu (bao gồm Công Giáo, Chính
Thống, Tin Lành) -- trong số này có
một tỉ 5 triệu Công Giáo).
Hồi Giáo: một tỉ 88 triệu.
Ấn Giáo ( Induisti): 801 triệu.
Phật Giáo: 396 triệu.
Sikh Giáo: 22 triệu.
Do Thái Giáo: 21 triệu.
Các tôn giáo truyền thống địa
phương: 95 triệu.
các tôn giáo mới: 154 triệu
...
Chúng ta thấy: đây là một lực lượng rất hùng hậu và rất có thể biến đổi bộ mặt thế giới hiện nay, một thế giới mỗi ngày đi xa khỏi các giá trị về nhân bản, đạo đức, luân lý, tình huynh đệ và tình liên đới. Một thế giới không tin vào Ðấng Tối Cao và các giá trị cao quí của con người, là một thế giới sẽ tự đi đến hủy diệt. Các tôn giáo và các giá trị thiêng liêng có khả năng phục hưng một thế giới như thế giới hiện nay. Bất cứ quyền bính trần tục nào trên thế giới muốn hủy diệt tôn giáo, sẽ không thành công và chính họ sẽ đưa quốc gia họ và thế giới đến chỗ diệt vong. Lịch sử chứng minh sự kiện này.