Hội nghị thế giới các Giáo Hội và các Tôn Giáo tại Vatican.
Hội nghị thế giới các Giáo Hội và các Tôn Giáo trong Nội Thành Vatican được khai mạc sáng thứ Hai 25/10/1999 bằng diễn văn chào mừng của Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Ủy Ban trung ương Năm Thánh 2000, của Ðức Hồng Y Francis Arinze, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn, trách nhiệm về tổ chức Hội Nghị và sau đó bằng bài thuyết trình của Bà Têrêsa Ee-Chooi, người Malaysia, chủ tịch Liên Hiệp Báo Chí Công Giáo quốc tế.
Trong bài thời sự trước, chúng tôi đã nhắc đến vài điểm nội dung trong bài diễn văn của Ðức Hồng Y Roger Etchegaray. Hôm nay, xin được nói đến hai bài còn lại: một của Ðức Hồng Y Arinze, và một của bà Têrêsa Ee-Chooi.
Trước hết trong bài diễn văn trước 230 đại biểu tham dự, Ðức Hồng Y Arinze nói đại ý như sau: Ngàn năm 2000 nay đã gần cửa. Trước hết đây là một việc cử hành của Kitô giáo; nhưng cũng là một thời điểm của lịch sử nhân loại: việc kết thúc một thế kỷ, một ngàn năm và việc khởi sự một thế kỷ mới và một ngàn năm mới. Các tôn giáo thế giới không thể không nghĩ đến điều cần phải làm, và nếu được cùng nhau làm, thì còn tốt hơn nữa. Do đó, đây là lý do của Ðại Hội Nghị này: đó là đem đến cho các đại biểu cấp cao của các tôn giáo khác nhau trên thế giới cơ hội thuận tiện để suy tư, và đồng thời cũng để kiểm điểm lương tâm và rồi cùng nhau nhìn về tương lai trước những thách đố chung, trước những vấn đề khẩn cấp của thế giới đang chờ đợi. Các tôn giáo làm cách nào để đáp lại cách tốt hơn cả các đòi hỏi của thế giới ngày nay? Công lý, hòa bình, vấn đề áp bức, thống trị, sự thiếu vắng tình liên đới và chia sẻ, chiến tranh, nạn nghèo đói của các dân tộc, thuyết tương đối luân lý, việc hoàn cầu hóa kinh tế, nợ nần quốc tế của các quốc gia nghèo nàn, việc sản xuất và buôn bán vũ khí...
Ðức Hồng Y cho biết thêm: Thứ Tư 27.10.1999, các đại biểu tham dự, đều đi hành hương Aissi, để kỷ niệm sáng kiến lịch sử, khi Ðức Gioan Phaolô II tổ chức cuộc gặp gỡ liên tôn cách đây đúng 13 năm, giữa các Giáo Hội và Tôn Giáo thế giới, để cùng cầu nguyện cho hòa bình. Thứ năm, ngày cuối cùng, các tôn giáo cầu nguyện riêng, mỗi tôn giáo theo nghi thức của mình, tại các địa điểm chung quanh Ðền Thờ Thánh Phêrô. Ban chiều, các đại biểu sẽ tham dự buổi họp chung kết, do Ðức Gioan Phaolô II chủ tọa và đọc diễn văn.
Ðức Hồng Y Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn hy vọng Hội Nghị sẽ cho công bố một bản tuyên ngôn chung trong ngày bế mạc.
Tiếp lời sau Ðức Hồng Y chủ tịch, trong bài thuyết trình trước Ðại Hội, trước hết Bà Têrêsa Ee-Chooi khuyên các tôn giáo hãy nhìn vào nạn tham nhũng hiện thống trị, gây nên bởi tham tiền, tham quyền, bởi ích kỷ và bởi bạo hành... những tai họa này đang hủy diệt đời sống của người dân trên thế giới. Bà đặt câu hỏi: "Vậy chúng ta có thể làm được cái gì hay không, để sửa lại những tương phản, sự sa đọa và cảnh bi thảm của nhân loại, hậu quả tự nhiên của việc mất đi một phần lớn tính cách nhạy cảm luân lý? - Phải chăng đây là bổn phận của các tôn giáo: trở nên tiếng nói của những người bị tước lột khỏi quyền của họ về tư hữu, về giáo dục, về biểu lộ nền văn hóa và tư tưởng riêng, về quyền tự do tôn giáo? Dĩ nhiên đây là những câu hỏi đòi một lời đáp lại tích cực. Nhưng để đi từ lời nói đến việc làm, Bà Ee-Chooi đã can đảm đề nghị việc phải làm trước hết: kiểm điểm lương tâm. Bà nói: "Có nhiều lời chỉ trich mảnh mẽ đối với vai trò của tôn giáo trong xã hội, bằng việc nhìn vào các tín đồ của các tôn giáo khác nhau bị liên lụy, trong những thời gian mới đây, vào những tàn bạo xấu xa hơn cả. Tín hữu Kitô nầy chống lại tín hữu Kitô khác tại Bắc Ái Nhĩ Lan; tín đồ Ấn Giáo chống lại tín đồ Hối Giáo và tín hữu Kitô tại Ấn Ðộ; tín đồ Do Thái Giáo chống lại tín đồ Hồi Giáo tại Palestine; tín đồ Hồi Giáo chống lại tín hữu Kitô tại Indonesia... Ðó là tôi chỉ kể lại một số trường hợp nổi bật hơn mà thôi. Vì thế cần phải loại trừ các tương phản này". Vị Chủ tịch Liên Hiệp Báo Chí quốc tế nói tiếp như sau: "Không một tôn giáo nào có thể tự cho mình quyền sát hại các người vô tội, đốt phá nhà thờ Công Giáo, đền thờ Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Giáo... Ðây là lúc phải vạch ra biên giới rõ ràng giữa cái chúng ta tin và cái mà một số người lạc đường có thể làm, nhân danh các tôn giáo. Con người có thể có những điều khác biệt nhau; nhưng không nên dành chổ cho tinh thần quá khích, cuồng tín, gây nên thù ghét và bạo động. Trái lại, chúng ta cần phải cùng nhau chiến đấu chống lại những sự dữ đã đầu độc thế kỷ 20 này". Bà kết thúc: "Cần phải rao giảng rằng: tôn giáo đích thực dạy chúng ta yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương chúng ta".
Tiện đây chúng tôi ghi lại ít con số của các tôn giáo lớn tham dự Hộïi Nghị tại Vatican, do Hãng Thông Tấn quốc tế Fides nêu lên và được nhật báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire), số ra ngày 24.10.99, đăng lại.
Tôn Giáo đông hơn cả là Kitô Giáo (gồm Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành). Trên cả thế giới khoảng một tỉ 995 triệu (gần hai tỉ); trong số này, người Công Giáo chiếm đa số: khoảng một tỉ 5 triệu.
Tôn giáo đông thứ hai là Hồi Giáo: khoảng một tỉ 88 triệu (đông hơn Công Giáo).
Ðứng hàng thứ ba là Ấn Giáo: khoảng 801 triệu (hầu hết tại Ấn Ðộ).
Phật Giáo khoảng 396 triệu.
Ðạo Sikh: khoảng 22 triệu rưởi.
Do Thái Giáo: khoảng 21 triệu rưởi.
Các tôn giáo truyền thống của các bộ lạc (hầu hết tại Châu Phi): khoảng 95 triệu rưởi.
Các tôn giáo mới: 154 triệu rưởi.
Các tôn giáo lớn đều cử đại biểu tham dự Hội Nghị Vatican. Nhìn vào các con số trên đây, chúng ta thấy rằng lực lượng tôn giáo rất hùng mạnh; nếu đoàn kết và cộng tác với nhau, các tôn giáo có thể thay đổi hẳn bộ mặt của xã hội và thế giới hiện nay.