Hội nhập văn hóa
và truyền giáo tại Ðài Loan
là điều khó khăn

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Hội nhập văn hóa và truyền giáo tại Ðài Loan là điều khó khăn.

 (UCAN TA4413.1057 7/12/99) - Ðài Loan (Ðài Bắc) - Các nhà lãnh đạo giáo hội Ðài Loan ủng hộ tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, tuy nhiên các ngài cho rằng có những khó khăn trong việc áp dụng những lời kêu gọi trong tông huấn, đặc biệt trong lãnh vực hội nhập văn hóa và truyền giáo.

 Theo ghi nhận của Ðức Hồng Y Phaolô Ðan Quốc Tỷ, Giám Mục Cao Hùng, thì hội nhập văn hóa, truyền giáo, đối thoại liên tôn và các dịch vụ nhân bản, đều nằm trong những vấn đề quan trọng được tông huấn "Giáo Hội tại Á Châu" đề cập tới và những đề tài này đều có ý nghĩa cụ thể đối với Ðài Loan. Trưng dẫn lời kêu gọi trong tông huấn là hãy khôi phục dung mạo của Chúa Giêsu qua những cách mà người Á Châu có thể hiểu và chấp nhận được, Ðức Hồng Y Ðan Quốc Tỷ đã bày tỏ quan điểm của ngài với hãng thông tấn UCAN như sau: "Cũng giống như các nước Á Châu khác, Ðài Loan có một truyền thống văn hóa lâu đời. Kitô Giáo đã được Tây Phương hóa từ 2000 năm qua kể từ khi Chúa Giêsu ra đời, và được nhiều người Á Châu trong số này có cả người Trung Hoa, coi như là một tôn giáo của Tây Phương. Vậy, miễn là nền văn hóa và truyền thống của địa phương không đi ngược lại với đức tin của chúng ta, thì chúng ta phải cố gắng hết sức mình để áp dụng những văn hóa và truyền thống này trong thần học và phụng vụ".

 Tuy nhiên bà Maria Chao Rung-Chu, một quan sát viên giáo dân tại khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu và cũng là giám đốc trung tâm mục vụ Ðài Loan, đã đặt câu hỏi là liệu người Á Châu, đặc biệt những người sống trong vùng Ðông Á, có đồng ý với quan điểm trên đây hay không? Bà Maria Chu nói như sau: "Có điều gì đó mà mỗi người chúng nên suy tư, như có phải, giáo hội của chúng ta bị Tây Phương hóa nhiều quá không? chúng ta có cảm nhận Chúa Giêsu là một người Á Châu không? và giáo hội của chúng ta có phải là một giáo hội Á Châu không? Theo Ðức Hồng Y Ðan Quốc Tỷ, trong khi giáo hội tại Ðài Loan đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đạt và thích nghi văn hóa địa phương vào trong phụng vụ, nhưng thực sự đây chưa thể gọi là hội nhập văn hóa. Bà Maria thì nghĩ rằng, ngôn ngữ của giáo hội xem ra có vẻ lạ đối với những người không theo Công Giáo bởi vì ngôn ngữ này không thích hợp với bối cảnh địa phương. Tại Ðài Loan, rao giảng Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất quả là một điều khó khăn. Tuy tông huấn "Giáo Hội tại Á Châu" là một tài liệu phong phú và soi sáng, bà Maria Chu cũng bày tỏ sự hoài nghi về vấn đề quảng bá tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu trong hàng giáo dân, bởi vì bà cho rằng họ không thể thấu hiểu rõ ràng bối cảnh của tông huấn này.

 Ðức Hồng Y Ðan Quốc Tỷ thì cho rằng, vì Ðài Loan là một xã hội đa tôn giáo nên các tín hữu công giáo địa phương cần phải đối thoại với anh chị em tín hữu thuộc các tôn giáo khác, dẫu rằng họ có thể không mấy thích thú trong việc đối thoại. Liên quan tới vấn đề truyền giáo, vị Giám Mục Cao Hùng ghi nhận là ÐTC Gioan Phaolô II đặt nhiều trông đợi tại Á Châu, với hy vọng là trong thiên niên kỷ thứ ba tới đây, sẽ có thêm nhiều người Á Châu tiếp nhận được Tin Mừng của Chúa Giêsu. Trong quá khứ, giáo hội lệ thuộc rất nhiều nơi các giáo sĩ và tu sĩ, giờ đây giáo hội nên đào tạo hàng giáo dân để chia xẻ công tác truyền giáo này. Ðức Hồng Y Ðan Quốc Tỷ cũng thừa nhận rằng công chúng Ðài Loan không biết nhiều về giáo hội bởi vì từ trước này, giáo hội nghĩ là không cần phải quảng cáo nhiều về những dịch vụ của xã hội. Bây giờ, thì giáo hội Công Giáo Ðài Loan sẽ cố gắng làm cho giáo hội được công chúng biết đến nhiều để họ có thể thấy rõ tình yêu của Chúa Giêsu qua giáo hội.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page