Về Hộïi nghị thế giới
các Giáo Hội và các Tôn Giáo
trong Nội Thành Vatican

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Về Hộïi nghị thế giới các Giáo Hội và các Tôn Giáo trong Nội Thành Vatican.

Hộïi nghị thế giới của các Giáo Hội và các Tôn Giáo thế giới, do Hội Ðồng Tòa Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn tổ chức, để chuẩn bị cho Ngàn Năm thứ ba, đã được khai mạc sáng thứ Hai 25.10.99 tại Phòng Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, với bài diễn văn của Ðức Hồng Y Francis Arinze, Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn và diễn văn chào mừng của Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, trong tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Ðại Toàn Xá của Năm 2000.

Tham dự Hội Nghị lần này có 230 nhân vật quan trọng đại diện của các tôn giáo lớn và Giáo Hội khác nhau trên thế giới, trong số này có 72 đại biểu Công Giáo, 27 đại biểu của các Giáo Hội Kitô khác, 42 đại biểu của Hồi Giáo, 23 đại biểu của Phật Giáo, 9 đại biểu của Ấn Giáo và 14 đại biểu Do Thái Giáo. Ðó là chúng ta chỉ kể những nhóm khá đông mà thôi.

Mục đích của Ðại hội là cầu nguyện, suy tư về đề tài: "Trước thềm của Ngàn Năm thứ ba, sự cộng tác giữa các tôn giáo khác nhau". Cuộc gặp gỡ này làm cho mọi người liên tưởng đến cuộc gặp gỡ lịch sử tại Assisi, vào ngày 27 tháng 10 năm 1986, do Ðức Gioan Phaolô II chủ tọa. Lần này các đại biểu không tụ họp tại Assisi, nhưng tại Roma, biểu hiệu của trung tâm Kitô Giáo. Thứ Tư 27 tháng 10/1999, tất cả các đại biểu sẽ hành hương Assisi, để nhớ lại cuộïc gặp gỡ lịch sử đã diễn ra cách đây 13 năm, tại quê hương Thánh Phanxicô, Vị Thánh của Hòa Bình, của Tình Huynh Ðệ, Vị Thánh được biết đến và tôn kính trên thế giới cả nơi các tôn giáo khác.

Sau cuộc hành hương Assisi, các đại biểu trở về Roma, tiếp tục công việc. Và sau một ngày cầu nguyệïn, chay tịnh, mỗi tôn giáo theo thể thức riêng của mình, các đại biểu sẽ tham dự lễ nghi kết thúc do Ðức Gioan Phaolô II chủ tọa tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào chiều thứ Năm 28/10/1999.

Chúa Nhật 24.10.99 vừa qua, Ban Tổ Chức lo đón tiếp các đại biểu của các Giáo Hội và của các tôn giáo, đến từ các địa điểm khác nhau trên thế giới. Tham dự Ðại Hội lần này không những có các vị lãnh đạo các Giáo Hội và các tôn giáo lớn thế giới, nhưng còn có một số giáo sư và sinh viên cũng được mời, để cùng nhau thảo luận về "vai trò của các tôn giáo trên thế giới ngày mai".

Ý nghĩa của Hội Nghị thế giới lần này đã được Ðức Giám Mục Michael Fitzegerald, Tổng Thư Ký Hội Ðồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn giải thích trong bài phỏng vấn dành cho Ðài Vatican mới đây. Ðức Giám Mục nói: "Chúng ta thuộc về gia đình nhân loại duy nhất, dù chúng ta có những truyền thống và tôn giáo khác nhau. Chúng ta hết thảy cùng đồng hành: đây là sứ điệp ÐTC đã đưa ra năm 1986 tại Assisi. Chúng ta phải cùng nhau đồng hành, cùng nhau tiến bước, bởi vì nếu chúng ta chia rẽ nhau, tức là gây nên sự đổ vỡ của nhân loại. Chúng ta muốn củng cố chính tinh thần của hòa hợp và của cộng tác cho Ngàn Năm tới đây".

Ðối với Giáo Hội Công Giáo, cuộc gặp gỡ các tôn giáo không có nghĩa nhắm đến "tôn giáo đại đồng" và cũng không có nghĩa là bỏ qua tính cách đặc thù của sứ điệp riêng mình. Ðức Cha Fitzegerald giải thích: "Ðối thoại cũng là một việc ý thức về vai trò của Chúa Kitô: vai trò nền tảng cho tất cả nhân loại và không những cho các tín hữu Kitô mà thôi. Không có một nhân vật nào khác thay thế cho Chúa Kitô. Với đức tin này nơi Chúa Cứu Thế của mọi người, chúng ta có thể đến gặp các người không tin hay chưa tin Chúa Kitô, nhưng trong một cách mầu nhiệm nào đó họ đã liên kết với Người. Chúng ta có thể thấy hành động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn của những nguời ước muốn cộng tác và chúng ta thấy sự tốt lành nơi các truyền thống tôn giáo khác".

Cuộc gặp gỡ Roma lần này cũng là cơ hội để nhìn lại con đường đã thực hiện trong chiều hướng đối thoại và cộng tác. Chính Ðức Cha Tổng Thư Ký Hội Ðồng Tòa Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn đã nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn khác dành cho nhật báo Công Giáo Pháp La Croix. Ngài nói: "Sau cuộc gặp gỡ Assisi, chúng ta đã ghi nhận được một dấn thân mạnh mẽ hơn, không những về phía các tín hữu Kitô, nhưng cả về phía các tôn giáo khác nữa. Các cuộc gặp gỡ được tổ chức mỗi ngày mỗi nhiều hơn dưới những hình thức khác nhau. Theo tôi nghĩ, điều này có thể làm cho việc cộng tác được dễ dàng hơn, để đáp lại những nhu cầu của thế giới hiện nay".

Dĩ nhiên Ðức Cha Fitzgerald công nhận vẫn còn nhiều khó khăn. Ngài nói: "Còn có những tranh chấp dưới chiêu đề tôn giáo, như mọi người thấy rõ. Rồi người ta có thể đặt câu hỏi: Ðối thoại liên tôn giúp ích gì không? Tôi nghĩ rằng: việc đối thoại trước hết cần cho việc đề phòng những tình hình tranh chấp như vậy. Rồi cũng có những vụ can thiệp đã có thể làm được. Thí dụ Hội Ðồng thế giới các tôn giáo về hòa bình đã đưa ra một số sáng kiến tại Ethiopia và Eritrea (hai nước đang tranh chấp), tại Sierra Leone, tại Bosnia... bằng việc hội họp các vị lãnh đạo tôn giáo để cổ võ một tiến trình hòa giải.

Theo chương trình, sáng thứ Hai 25/10/1999, sau các diễn văn chào mừng và khai mạc, tại Phòng Thượng Hội Ðồng Giám Mục, tiếp đến bài Thuyết Trình dẫn nhập của Bà Têrêsa Ee-Chooi, người Malaysia, ký giả, chủ tịch Liên Hiệp Báo Chí quốc tế Công Giáo, đã tham dự Khóa Họp khoáng đại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Sau đó, những học hỏi, nghiên cứu sẽ diễn ra trong các nhóm và trong các phiên họp chung. Các đại biểu tự do phát biểu ý kiến về lập trường của mình và các cuộc thảo luận và góp ý kiến sẽ được đúc kết bằng một bản tuyên ngôn chung.

Trong bài nói chuyện kỳ tới, chúng tôi sẽ lược thuật bài diễn văn khai mạc của Ðức Hồng Y Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn và về bài thuyết trình của Bà Têrêsa Ee-Chooi.


Back to Radio Veritas Asia Home Page