Về những tấn công
chống lại người Công Giáo
tại miền đông Timor

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Về những tấn công chống lại người Công Giáo tại miền đông Timor.

Qua báo chí, đài phát thanh và nhất là truyền hình, thế giới đã và đang chứng kiến cảnh bi đát của các người Công Giáo tại miền đông Timor (chiếm 85% dân số trong Ðảo) bị sát hại, bị di tản sang miền Tây Timor, hoặc bị ném xuống biển, với lý do để tránh khỏi những vụ rối loạn xẩy ra, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 30 tháng 8/1999 vừa qua. Ðây chỉ là lý do che đậy âm mưu thâm độc, nhằm tiêu diệt các người Công Giáo tại miền đông Timor trong lúc này và tại nhiều quốc gia đa số dân cư theo Hồi Giáo và cầm quyền.

Timor là một trong số 17 ngàn đảo trong quần đảo Indonesia, trước đây là thuộc địa của hai quốc gia: Hòa Lan tới năm 1948 và sau đó Bồ Ðào Nha, tới năm 1974. Miền Tây Timor được sáp nhập ngay vào Indonesia, sau khi người Hòa Lan ra đi; trái lại miền đông Timor, bị quân đội Indonesia xâm chiếm năm 1975, sau khi Bồ Ðào Nha rút lui. Miền Ðông Timor từ đó bị coi là một tỉnh của Liên Bang. Liên Hiệp Quốc không công nhận sự có mặt của Indonesia tại phần đất này. Liên Hiệp Quốc vẫn giữ một phái bộ quan sát của mình tại miền Ðông Timor và mới đây đứng ra tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Chính phủ Indonesia của Tổng Thống Habbie cũng đồng ý chấp nhận cuộïc trưng cầu dân ý. Nhưng ngày 4 tháng 9/1999, sau khi tuyên bố kết quả cuộc bỏ phiếu, dân quân thiên Indonesia chống nền độc lập của miền Ðông Timor, được sự thúc đẩy và hậu thuẫn của quân đội chính qui Indonesia, gây nên những vụ tàn sát và lưu đầy, phân tán người dân và tàn phá miền đông Timor, không chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, dù có 78,5% số phiếu ủng hộ nền độc lập. Theo nhiều chứng nhân thế giá sống tại chỗ, thì chính quân đội là người thủ mưu, là người "ném đá, giấu tay" trong vụ này.

Từ thời Tổng Thống Suharto (tổng thống đầu tiên của Indonesia độc lập) và sau đó, Tổng Thống Sukarno (ra đi năm ngoái, vì những vụ biểu tình liên tiếp của sinh viên) và Tổng Thống Habibie hiện nay, quyền hành vẫn nằm trong tay quân đội và quân đội không thể chấp nhận miền đông Timor độc lập và Công Giáo. Hiến pháp Indonnesia theo chính sách gọi là "Pancasila" dựa trên việc công nhận 5 tôn giáo (trong đó Công Giáo và Tin Lành, bị coi là 2 tôn giáo riêng biệt). Trong thời gian rất lâu, hơn 40 năm, cuộc chung sống giữa các tôn giáo, các chủng tộc và các nền văn hóa khác nhau tại Indonesia có thể được coi là "hòa bình". Nhưng trong thời gian vừa qua, có những vụ bùng nổ giữa các tín hữu Kitô (Công Giáo, Tin Lành một bên, và Hồi Giáo bên kia) cách riêng tại các đảo thuộc quần đảo Moluques. Năm vừa qua, một cựu Bộ Trưởng Indonesia than phiền rằng: "Họ chủ ý phái quân đội được tuyển mộ đến Macassar (đa số theo Hồi Giáo) để dẹp các tín hữu Tin Lành tại Iran-Java. Họ không làm việc gì khác là gây nên hố chia rẽ giữa các sắc tộc và các tôn giáo. Vấn đề của chúng tôi không phải là việc khác nhau về văn hóa, trái lại là việc không công nhận sự khác biệt này".

Theo thống kê năm 1998 vừa qua, thì dân cư Indonesia lên tới 202 triệu, trong đó có 87% theo Hồi Giáo (một quốc gia Hồi Giáo lớn nhất trên thế giới tính theo con số tín hữu) - 6% theo Tin Lành - 3% thuộc Giáo Hội Công Giáo - 2% theo Ấn Ðộ Giáo - 1% theo Phật Giáo và 1% theo các đạo tuyền thống địa phương, hoặc không theo tôn giáo nào cả. Nhà Nước công nhận 5 tôn giáo chính và giáo lý của các tôn giáo này. Chính Sách Pancasila dựa trên 5 cột trụ: Thiên Chúa duy nhất, nền nhân bản, chủ nghĩa quốc gia, tâm tình nhân ái và công bình xã hội. Căn cứ vào 5 điểm trên đây, Nhà Nước áp đặt việc thống nhất Quốc Gia Indonesia. Tổng Thống Suharto (vị tổng thống đầu tiên) thường nói với người dân Indonesia rằng: Quốc Gia gồm 300 tiếng nói khác nhau và 7 ngàn đảo; dân cư sẽ tan rã, nếu động chạm đến các cột trụ này. Trong hơn 30 năm không bao giờ nhà cầm quyền cho phép tranh luận về "5 cột trụ nền tảng cho nền thống nhất quốc gia". Nhưng ý thức hệ của Nhà Nuớc (5 cột trụ) đã không giúp các cộng đồng Kitô thoát khỏi các vụ bách hại, đàn áp, kỳ thị, cách riêng trong những năm này. Tạp chí Indonesia "Beginkah" tiết lộ con số quá lớn về bạo hành chống lại các nhà thờ.

Năm 1955-1965, chỉ có hai vụ tấn công trong 10 năm. Từ 1965 đến 1974, có 46 vụ tấn công, phá hủy; 89 vụ từ năm 1975 đến 1984; 132 vụ từ năm 1985 đến 1994; trung bình mỗi năm hơn 13 vụ. Trong những năm cuối cùng này, từ 1994 đến nay, trung bình mỗi năm là 52 vụ. Các vụ tấn công thường xẩy ra tại các đảo Ambon, Seram và Sanana... thuộc quần đảo Moluques; tại miền này, con số tín hữu Hồi Giáo và Kitô Giáo gần ngang nhau, sống lẫn lộn giữa nhau; nhưng vì những vụ xung đột, nay mỗi cộng đồng tụ họp lại trong những khu vực riêng của mình. Có những nhóm Hồi Giáo quá khích chủ trương "thánh chiến", dùng thanh sắt, dao búa... tấn công các cộng đồng Kitô và đốt phá các nơi phụng tự. Một nhà truyền giáo người Pháp đến Indonesia từ năm 1976, tuyên bố: "Không ai nghi ngờ chính sách Hồi Giáo hóa toàn đảo Indonesia". Tổng Thống đầu tiên Suharto, người đảo Java và tín hữu Hồi Giáo, thi hành "một Hồi Giáo khoan dung", theo Hiến Pháp Indonesia "tin một Thiên Chúa duy nhất", cột trụ của Quốc Gia. Nhưng từ cuối thập niên 60, có một sự gia tăng Hồi Giáo đáng lo sợ. Việc gia tăng này do Hoa Kỳ thúc đẩy, bằng việc mở nhiều trường Hồi Giáo trong toàn quốc, để lập thành mặt trận chống lại sự bành trướng của chế độ cộng sản tại vùng Ðông Nam Á. Luật Pháp Nhà Nước vẫn theo khuynh hướng một quốc gia không tôn giáo, nhưng việc gia nhập một tôn giáo lại có tính cách bắt buộc. Hơn nữa các vị lãnh đạo Hồi Giáo đòi Chính Phủ phái áp dụng luật "Charia" như luật căn bản cho mọi công dân. Một công dân Indonesia, không theo Hồi Giáo, không bao có thể trở thành vị lãnh đạo quốc gia. Nhà truyền giáo Pháp kết luận: Chính Hồi Giáo đang xúc tiến "chính sách Hồi Giáo hóa miền đông Timor". Vẫn theo nhà truyền giáo trên đây, Giáo Hội Công Giáo, trên phương diện pháp lý , không có vấn đề sống còn. Nhưng theo các diễn văn và trong các hành động của nhà cầm quyền, vẫn có một sự kỳ thị chống lại các tín hữu Kitô. Tại Indonesia không có tự do tôn giáo trong toàn quốc; tại một số miền, việc rửa tội một người Hồi Giáo trở lại Công Giáo là một sự kiện không bao giờ có thể nghĩ tới. Nhà truyền giáo này quả quyết: Nói đến những vụ đụng độ Hồi Giáo-Kitô Giáo là không đúng. Việc gây nên các vụ bạo hành luôn luôn do phía người Hồi Giáo trước. Tại những nơi người Công Giáo cảm thấy mình mạnh đủ, như tại Quần Ðảo Moluques, mới chống lại và có những hành động báo thù; nhưng tại các nơi khác, họ luôn luôn là nạn nhân, như tại miền đông Timor hiện nay. Trong lúc xẩy ra những bạo hành tại miền đông Timor, một số người quyền hành Hồi Giáo chủ trương: giết hết các linh mục và các Nữ Tu. Thực sự, nhiều linh mục và nữ tu đã bị sát hại trong những ngày này tại miền đông Timor. Tòa Giám Mục Dili bị phóng hỏa; Ðức Cha Belo, Giám Quản Tông Tòa giáo phận Dili, phải ra khỏi nước; Ðức Cha Do Nascimento, giám quản Tông Tòa giáo phận Baucau, bị thương nơi cánh tay. Thứ Bẩy vừa qua (25.09.99), hai Nữ Tu, mấy vị giáo sĩ , chủng sinh và một số giáo dân tự nguyện, thuộc giáo phận Baucau, chở đồ cứu trợ cho người dân di tản, bị sát hại trong một cuộc phục kích. Ðức Cha Do Nascimento tố cáo: Những kẻ sát nhân này thuộc quân đội chính qui Indonesia. Trước những vụ tiêu diệt này, người ta tự đặït câu hỏi: Khi nào cuộc bách hại các tín hữu Kitô tại miền đông Timor trong những ngày này và trên thế giới từ hai ngàn năm nay mới chấm dứt?


Back to Radio Veritas Asia Home Page