Vài nhận định về Ðức Cha Carlos Filipe Ximenes Belo, Giám Quản Tông Tòa giáo phận Dili (miền đông Timor): một vị chủ chăn đầy can đảm.
"Người dân miền Ðông Timor phải có quyền quyết định về việc thuộc về Indonesia hay không. Họ có quyền tự do lựa chọn". Từ 15 năm nay, Ðức Cha Carlos Filipe Ximenes Belo, người đã lãnh giải thưởng Nobel về Hòa Bình năm 1996, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Dili, thủ đô miền đông Timor, vẫn trung thành đưa ra tư tưởng này trong tất cả các cuộc gặp gở với Nhà Cầm Quyền Indonesia, Liên Hiệp Quốc, Tòa Thánh và giới báo chí. Ngài không ngừng chạy khắp nơi gõ cửa tranh đấu cho phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của người dân miền đông Timor.
Năm 1983, Ðức Cha Martinho da Costa Lopes (người Bồ Ðào Nha) bị coi là người chống chính phủ Jakarta, được mời nhường chức vụ Giám Quản Tông Tòa giáo phận Dili, cho một vị giáo sĩ trẻ, thuộc Dòng Don Bosco, vừa học xong tại Bồ Ðào Nha. Hàng giáo sĩ Timor coi việc bổ nhiệm Cha Belo làm Giám Quản Tông Tòa thay thế Ðức Cha Lopes như là một cuộc thất bại, đến độ nhiều vị tiếp tục chơi bài, trong lúc Ðức Tân Giám Mục nhậïn chức Chủ Chăn giáo phận trong nhà thờ chính tòa Dili. Với việc bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Dili, Ðức Cha Belo lúc đó mới 40 tuổi, như người trở lại quê hương, vì ngài sinh ra tại Baucau (một giáo phận mới được thành lập về phía nam miền đông Timor, do Ðức Cha Do Nascimento làm Giám Quản Tông Tòa). Tuy trẻ trung, nhưng là một người biết rõ tình hình của xứ sở, nhất là hoàn cảnh cùng cực của người dân từ lúc bị Indonesia chiếm đóng năm 1975.
Ðức Cha Belo nói: "Tháng 8 năm 1975, lúc tôi đang ở Dili, xẩy ra vụ đảo chính. Tôi cùng với nhiều người khác trốn sang miền Tây Timor (thuộc Indonesia).
Cha Belo sinh tại Baucau (lúc đó thuộc giáo phận Dili) ngày 3.02.1948, thụ phong linh mục 26.07.1980; được bổ nhiệm làm giám mục ngày 21.03.1988; tấn phong ngày 19.06 cũng năm 1988. Cha học Triết tại Macao; thần học tại Lisboa và Roma. Cha trở về Timor trong lúc tình hình sôi bỏng. Indonesia coi thường cộng đồng quốc tế, chiếm miền đông Timor và xây cất các cơ sở như tỉnh thứ 27 của Liên Bang Indonesia. Người dân Timor không còn được tự do đi lại và nói lên ý kiến, bị coi như là những người ngoại quốc trên chính quê hương của mình. Người Indonesia đến làm chủ trong mọi lãnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Tổ chức Ân Xá quốc tế cảnh cáo: đây là một cuộc diệt chủng thực sự. Ðức Cha Belo xác nhận lời cảnh cáo này và ngài nói đến chính sách "Hồi Giáo hóa đảo Timor", bằng việc gửi các giáo viên, giáo sư Hồi Giáo đến các trường nơi có các học sinh hoàn toàn Công Giáo và tiếp tục cuộc diệt chủng. Cấp lãnh đạo chính trị miền đông Timor, hầu hết được huấn luyện trước đây tại các chủng viện Công Giáo, như ông Xanana Gusman, lãnh tụ phe kháng chiến chống Indonesia, đã chọn con đường chiến đấu bằng vũ khí.
Một năm sau khi được bổ nhiệm, tức vào năm 1989, Ðức Cha Belo đã gủi một bức thư cho Liên Hiệp Quốc, trong đó ngài viết: "Tôi yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý cho người dân Timor. Vấn đề Timor không phải là vấn đề quân sự, nhưng là vấn đề chính trị và Liên Hiệp Quốc phải tìm một giải pháp. Tôi đau khổ nhiều, vì lúc đó tôi bị chỉ trích về đề nghị này."
Người dân Timor phải đợi 15 năm mới được biểu lộ những ước vọng chính đáng của mình bằng lá phiếu hoàn toàn tự do. Trong thời gian chờ đợi nguời dân Timor phải chịu biết bao đe đọa và bạo hành về phía quân đội chiếm đóng. Phải chờ đợi 15 năm để có thế tiến đến hy vọng; nhưng niềm hy vọng này bị bóp chết trong máu lửa: Cảnh tượng tàn phá, sát hại này, thế giới thấy rõ ngay sau cuộc trưng cầu dân ý. Trong 15 năm qua, Vị Giám Mục trẻ trung, nhưng đầy can đảm, với ý chí sắt đá và được sự nâng đỡ tinh thần của Ðức Gioan Phaolô II (lúc ngài viếng thăm miền Ðông Timor năm 1989) đã trở nên tiếng nói hùng mạnh của người dân.
Ðức Cha Belo không ưa thích những thể thức ngoại giao. Ngài viết thư thẳng cho Liên Hiệp Quốc, không qua vị sứ thần Tòa Thánh tại Jarkarta. Vì thế, vị ngoại giao này tuyên bố: Ðức Giám Mục đã hành động với tư cách riêng của mình. Trong những giờ phút khó khăn, ngài đích thân đến Vatican để tường trình lên ÐTC mọi việc xẩy ra. Ngài ý thức rõ ràng cuộc chiến đấu của ngài là cuộc chiến đấu của toàn dân miền đông Timor.
Tháng Chín năm 1994 Ðức Cha Belo thành lập Ủy Ban giáo phận về bênh vực nhân quyền, gồm 25 thành viên. Các thành viên này có nhiệm vụ liên lạc với tất cả các giáo xứ miền Ðông Timor để thu lượm các tin tức về các vụ vi phạm nhân quyền và cả về những vụ chiếm đoạt bất hợp pháp đất đai của người dân về phía những người thực dân Indonesia. Năm sau, Ðức Giám Mục được mời đến Schlaining, bên Áo Quốc, để diễn thuyết trong một đại hội do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Trong dịp này ngài làm bản tường trinh gồm 16 điểm. Ngài nói: "Về tương lai cũa miền đông Timor, lập trường của Giáo Hội địa phương là chấp nhận những ước vọng chính đáng của người dân Timor. Giáo Hội tin chắc rằng: để đoàn kết và làm cho nguời dân tham dự vào công ích, cần phải nại đến luơng tâm của họ. Nếu nhà cầm quyền dựa hoàn toàn vào những đe dọa, chính sách khủng bố, nạn tham nhũng, thì đó là ngăn trở việc thực hiện công ích. Người dân Timor phải cảm thấy mình có quyền tự quyết định về việc sáp nhập vào Indonesia hay không; Tất cả phải được làm trong sự tôn trọng và theo thể thức dân chủ, văn minh.
Vì có công tranh đấu, đã từ lâu Ðức Cha Belo được ghi vào danh sách các người được giải thưởng Nobel về Hòa bình. Giải thưởng thực sự đã được cấp cho ngài năm 1996 cùng với ông Carlos Ramos Horta, phát ngôn viên của Mặt Trận tranh đấu của miền đông Timor, bị lưu đầy tại Jakarta. Từ lúc đó, Ðức Cha Belo, có uy tín hơn trước dư luận thế giới, với chủ trương thực hiện công bình và nhân quyền, cùng với công việc hòa giải. Ngài nói: "Nhóm những người muốn hòa đồng với Bồ Ðào Nha và nhóm muốn độc lập phải ngồi lại với nhau và thảo luận về tương lai Timor. Ngài sợ những giải pháp quá vội vã. Trong những tháng vừa qua, ngài thường lên tiếng yêu cầu: nền độc lập phải được chuẩn bị bằng một thời gian lâu dài của việc chuyển tiếp và được cộng đồng quốc tế bảo đảm. Nhưng tiếng nói của ngài không được nghe theo.
Ngày mồng 4 tháng 9/1999, tuyên bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Việc kêu gọi khoan dung, tha thứ trở nên vô ích. Ngày mồng 6 tháng 9/1999, tòa giám mục bị đốt cháy. Ðức Cha Belo được đưa ra sân bay Dili, có quân đội Indonesia bảo vệ, để đi Australia. Và từ đây lên đường đi Bồ Ðào Nha. Tại Lisboa, trong khi chờ đợi đi Roma, Ðức Giám Mục tuyên bố: Thì giờ kêu gọi nay đã chấm dứt. Ðây là lúc hành động, để bênh vực người dân bị đàn áp, bị sát hại... Công việc hòa giải từ lâu theo đuổi, nay xem ra trở thành một ảo tưởng. Nhưng Ðức Cha Belo không thất vọng. Tại Roma ngài tuyên bố: Tôi sẽ trở về với đàn chiên tán tác.