Tường thuật
chuyến viếng thăm một ngày của ÐTC
tại Cộng Hòa Sloveni
Chúa Nhật 19 tháng 9/1999

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật chuyến viếng thăm một ngày của ÐTC tại Cộng Hòa Sloveni, Chúa Nhật 19 tháng 9/1999.

Chúa Nhật 19 tháng 9/1999, ÐTC Gioan Phaolô II đã thực hiện tốt đẹp chuyến viếng thăm mục vụ thứ 88 ngoài Italia, tại MARIBOR, thủ đô kinh tế và văn hóa của Cộng Hòa Sloveni, để tôn phong Chân Phước cho Ðức Cha Antôn Martin Slomsek (1800-1862), người được dân chúng Sloveni nhìn nhận như là "một trong những nguời cha của dân tộc Slovêni". Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi kéo dài trong khoảng 10 tiếng đồng hồ nầy, ÐTC Gioan Phaolô II đã lên tiếng kêu gọi sự cộng tác giữa các dân tộc, vượt qua những chủ nghĩa quốc gia quá khích và mù quáng.

Từ Roma, ÐTC đã đến Thủ đô Maribor lúc 10 giờ sáng. Maribor nằm ở miền đông bắc của Cộng Hòa Slovêni, gần biên giới Áo. Maribor là thành phố lớn thứ hai của Cộng Hòa Slovêni, với tổng số dân toàn quốc là 2 triệu người. Ðến nơi, ÐTC tiến về khoảng đất rộng ở ngoại ô thành phố, dưới chân triền núi Alpes hùng vĩ, nơi có khoảng 140 ngàn người đón tiếp Ngài. Con số người nầy tương đương với số dân của thành phố Maribor.

Trong thánh lễ phong Chân Phước cho Ðức Cha Anton Martin Slomsek, có tất cả 8 Giám Mục Slovêni, và khoảng 50 Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, đến từ nước ngoài, cùng đồng tế với ÐTC. Người dân Sloveni nổi tiếng yêu thích các bài ca. Truyền thống dân tộc nầy được thể hiện qua Ca Ðoàn gồm hàng trăm Ca Viên và những bài hát thật hay trong thánh lễ. Giảng trong thánh lễ, ÐTC đã nêu gương vị Tân Chân Phước, như là "kiểu mẫu cho lòng yêu nước đích thật". Tân Chân Phước Giám Mục Antôn Martin Slomsek đã không bao giờ chiều theo chủ nghĩa quốc gia mù quáng, hoặc có thái độ chống đối đầy ích kỷ đối với những khát vọng của các dân tộc xung quanh. Những sáng kiến của vị tân Chân Phước trong việc cổ võ phát triển ngôn ngữ riêng cho người Sloveni và phát triển văn hóa của dân tộc, đã có ảnh hưởng tồn tại mãi trên tuông lai của dân tộc Sloveni, và đã góp phần mang đến sự độc lập cho đất nước. Nhân dịp, ÐTC Gioan Phaolô II cũng đã không quên nhắc đến những chiến tranh, những bạo lực, những thanh luyện chủng tộc đẩm máu, những xung đột giữa các dân tộc và các nền văn hóa, đang ghi dấu tang thương trên miền đất Balkan nầy trong những năm vừa qua. Trước những điều tiêu cực vừa nói, ÐTC muốn "nêu chỉ cho tất cả chứng tá của vị tân Chân Phước. Ngài đã cho chúng ta thấy là con người có thể trở thành những kẻ yêu nước chân thành, với lòng thành thật, vừa sống chung và cộng tác với những kẻ khác thuộc quốc gia chủng tộc khác, văn hóa khác, tôn giáo khác. ÐTC Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ nói lên mong ước nhìn thấy tình liên đối và hòa bình được phát sinh nơi người dân Balkan, nhờ qua mẫu gương của tân Chân Phước Giám Mục Anton Martin Slomsek. Ngỏ lời với những anh chị em tín hữu người Croat bên cạnh kéo đến tham dự thánh lễ, ÐTC nhấn mạnh đến sự cần thiết sống liên đối và hòa bình giữa các dân tộc, vừa nhắc đến những nạn nhân vô tội của những cuộc chiến và của nhũng chế độ độc tài, và nhất là những nạn nhân bị chôn trong những nấm mồ tập thể vừa được khám phá mới đây, nơi vùng gần thành phố Maribor đang được ÐTC viếng thăm. Theo những giải thích của chính quyền Slovêni, thì đây là những nấm mồ tập thể của những nạn nhân của chế độ cộng sản sau thời thế chiến thứ hai.

Mở rộng tầm nhìn đến toàn thể Âu Châu, ÐTC đã kêu gọi tất cả mọi tín hữu hiện diện, những người Slovêni, Croat, Áo, Hungari, Ý - hãy trở thành những kẻ xây dựng hòa bình bên trong Âu Châu. Tiến trình thống nhất mà Ðại Lục Âu Châu đang trải qua và dấn thân vào, không thể nào chỉ được căn cứ trên những lợi lộc kinh tế mà thôi. Cần phải được hướng dẫn bởi những gía trị Kitô, là những giá trị đã nhào nắn giai đoạn khai mở Âu Châu, ngõ hầu Âu Châu biết thật sự chú trọng đến con người và tôn trọng những quyền lợi của con người.

Một đề tài khác nữa được ÐTC Gioan Phaolô II đề cập đến trong bài giảng của Ngài là Thượng Hội Ðồng các Giám Mục Âu Châu sắp được khai diễn tại Vatican, từ ngày 1 đến 23 tháng 10 năm nay 1999. ÐTC nói như sau: "Ðây là dịp quan trọng để đào sâu sứ mạng riêng biệt của các dân tộc Âu Châu trong khung cảnh những tương quan thế giới."

ÐTC kết thúc bài giảng của Ngài với lời trích dẫn tân Chân Phước Giám Mục Antôn Martin Slomsek như sau: "Người ta nói rằng thế giới đã trở nên già cổi, nhân loại đang bị suy vong, và Âu Châu đang tiến gần đến lúc tàn lụn. Phải, đúng vậy, nếu chúng ta bỏ mặc cho nhân loại đi theo con đường tự nhiên của nó, theo định hướng nguy hiểm của nó. Nhưng sẽ không đúng như vậy, nếu sức mạnh đến từ trên cao, sức mạnh còn được tích chứa trong đạo giáo của Chúa Giêsu, trong Giáo Hội, được đổ tràn xuống một lần nữa trên tất cả mọi chủng tộc của nhân loại và mang lại cho họ sức sống mới," Chúng ta hãy học bài học quan trọng nầy từ Tân Chân Phước Slomsek. Ngài là người tôi tớ can đảm của Chúa Kitô. Xin ngài hãy giúp chúng ta trở thành những ngành cây có sự sống đời đời, để loan truyền khắp nơi Phúc Âm của niềm hy vọng và tình thương. Amen".

Sau giờ cơm trưa và nghỉ ngơi trong giây lát tại Tòa Giám Mục Maribor, ÐTC đến nhà thờ chính tòa để gặp gỡ với khoảng 300 đại diện tham đự Công Nghị Toàn Quốc của Giáo Hội Công Giáo Slovêni. Công nghị nầy đã được khai mạc tháng 5 năm 1997. Sau khi đã quỳ cầu nguyện bên cạnh mộ của vị tân Chân Phước, tại một trong những nhà nguyện nhỏ bên trong nhà thờ chính tòa, ÐTC Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với các đại diện tham dự Công Nghị và gọi Công nghị nầy như là một dịp lịch sử cho Giáo Hội Công Giáo tại Slovêni, để giúp Giáo Hội soạn ra một dự án mục vụ đáp lại những đòi hỏi của hoàn cảnh xã hội mới của đất nước. ÐTC nhấn mạnh đến sự bình đẳng trong phẩm giá của tất cả mọi thành phần Dân Chúa tại Sloveni, vừa vẫn duy trì sự khác biệt trong tác vụ của từng nguời Kitô.

Ngỏ lời đặc biệt với anh chị em giáo dân, ÐTC Gioan Phaolô II nhắc đến những dự án của Hiệp Ước đang được soạn thảo để giải quyết những vấn đề giửa Giáo Hội và Nhà Nước Slovêni. Theo hiệp ước nầy, thì Giáo Hội Công Giáo Slovêni sẽ được nhìn nhận như một chủ thể pháp lý. Có hai vấn đề nằm ở trung tâm của những thảo luận hiện nay: vấn đề giảng dạy giáo lý trong các trường công, và vấn đề trả lại cho Giáo Hội Công Giáo những tài sản đã bị chế độ cộng sản trước đây tịch thu.

Về vấn đề nầy, Ðức Tổng Giám Mục Franc Rodé, Tổng Giám Mục Ljubjiana, và là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Sloveni, đã nhân dịp chuyến viếng thăm của ÐTC mà nói lên nhận xét của ngài với báo "Người Quan Sát Roma". Ðức Tổng Giám Mục cho biết hiện nay có 82% các công chức của nhà Nước là thành viên của Ðảng Cộng Sản ngày trước. Vì thế, những kẻ nắm quyền hiện nay vẫn là những con người củ như trước. Những công chức Nhà Nước đã thay đổi từ ngữ mà thôi, trước đây thì được gọi là người cộng sản, nay thì được gọi là nhà tư bản. Những phương tiện truyền thông xã hội còn nằm trong tay của những cơ cấu chính trị củ; Những tấn công vào Giáo Hội Công Giáo trên Truyền Hình, Phát Thanh, Báo Chí, đã gia tăng mức độ còn nhiều hơn là vào thời kỳ cuối cùng của chế độ cộng sản tại Slôveni.

Trước khi rời Sloveni, ÐTC Gioan Phaolô II đã có cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Cộng Hòa Slovêni Ong Milan Kucan, tại Phi Trường, kết thúc chuyến viếng thăm Sloveni. ÐTC Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho vị thứ 932, kể từ khi ÐTC lên kế vị thánh Phêrô tại Roma, cho đến nay.


Back to Radio Veritas Asia Home Page