Vài điểm nội dung đáng chú ý
trong Tông Huấn
Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu
vừa được ÐTC công bố

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài điểm nội dung đáng chú ý trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu vừa được ÐTC công bố.

Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu về "Giáo hội tại Á Châu" đã được ÐTC Gioan Phaolô II ký vào chiều mùng 6/11/1999, và sau đó công bố vào sáng Chúa Nhật mùng 7 tháng 11/1999 tại New Delhi, thủ đô Ấn Ðộ, trước sự hiện diện của 150 Vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, đến từ các nước Á Châu, trong số này một nửa là các Giám mục Ấn Ðộ.

Trong tông huấn, có phần nói lên lời yêu cầu thành lập những tổ chức để giúp các Giáo Hội bị bách hại và đau khổ, như Giáo Hội tại Trung Quốc, tại Bắc Hàn, tại Giêrusalem, tại Indonesia ... Hiện nay, tại đại lục Á Châu mênh mông này còn có nhiều vụ đàn áp về chính trị, nhiều cảnh cùng cực về kinh tế. Chẳng hạn như, từ nhiều năm qua, Irak bị lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, gây nên chết chóc và nghèo khổ cho người dân vô tội, cách riêng các trẻ em, vì thiếu thực phẩm và thuốc men.

Việc nhắc đến sự kiện này trong Tông Huấn mang ý nghĩa quan trọng, vì Irak đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II, tuy chương trình và giờ của chuyến viếng thăm chưa được ấn định chính xác.

Trong diễn văn đọc khi gặp gỡ các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn tại New Delhi, chính ÐTC đã nhắc đến những vụ bách hại Giáo Hội Công Giáo. Ngài nói: "Trong nhiều trường hợp, các tín hữu Kitô Á Châu sống trong những miền đất bị xâu xé bởi những cuộc tranh chấp, nhiều lúc các vụ tranh chấp này được trình bày như hậu quả của tôn giáo. Anh chị em hãy hoạt động để tự do phụng tự, tự do tôn giáo được tôn trọng tại khắp nơi trên Lục Ðịa này". ÐTC nói thêm như sau: "Thực ra, nếu các quyền căn bản này bị khước từ, thì lúc đó tất cả tòa nhà của tự do và của phẩm giá con người bị lung lay và bị sụp đổ. Tại nhiều nơi trong lục địa Á Châu việc tuyên xưng đức tin và tự do tôn giáo bị cấm, hoặc bị từ chối hay bị giới hạn. Trong những hoàn cảnh như vậy Giáo Hội Công Giáo trở nên chứng nhân, kể cả bằng việc tử đạo". ÐTC đã lên tiếng nhấn mạnh rằng: "Không một người nào phải sợ hãi Giáo Hội. Mục đích duy nhất của Giáo Hội là tiếp tục sứ vụ phục vụ và yêu thương của Chúa Kitô, để ánh sáng của Người chiếu dọi thêm mãi và để sự sống do Người ban cho, được mọi người lãnh nhận và hưởng nhờ", theo như chủ đề của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu: "Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế và sứ vụ Yêu Thương và Phục Vụ của Người tại Á Châu: Ta đến để họ được sự sống và được sống dồi dào" (Ga 10.10 ).

Văn kiện dày khoảng 130 trang khổ nhỏ, thu lượm tất cả công việc của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, được khai diễn tại Vatican vào Mùa Xuân năm 1998, từ ngày 19 tháng Tư 1998 đến 14 tháng Năm 1998. Văn kiện mời gọi các cộng đồng Tu Sĩ hãy mở ra những cánh đồng truyền giáo tại Á Châu, để đáp lại những đòi hỏi thiêng liêng của con người; đồng thời cũng kêu gọi các nhà truyền giáo nam, nữ đừng giới hạn công việc rao giảng Tin Mừng vào các hoạt động xã hội mà thôi. Các hoạt động này là phương thế, không phải mục đích và không thể thay thế cho việc cầu nguyện, suy tư và sống hiệp nhất với Ðấng là "nguồn mạch sự thánh thiện". Chỉ có sự thánh thiện đời sống của các nhà truyền giáo và của các tín hữu Kitô, mới là động lực chính thúc đẩy việc trở lại Ðạo mà thôi. Chứng tá đời sống gương mẫu mới có sức thuyết phục và thu hút người khác trở về với Thiên Chúa.

Trọng tâm của Tông Huấn được tập trung vào việc phân tích thần học về việc hôïi nhập đức tin Công Giáo vào nền văn hóa Á Châu. Hình ảnh về Lục Ðịa Á Châu được ÐTC phác họa, là hình ảnh về một Á Châu, có nhiều vấn đề quá phức tạp, trong đó Giáo Hội chỉ chiếm phần thiểu số và là thiểu số thật nhỏ bé.

Trong Tông Huấn, việc bênh vực các quyền con người và dấn thân để hoàn thiện thêm mãi điều kiện sinh sống của từng triệu người dân Á Châu, (việc làm đó) được coi như là một thách đố "không thể khước từ và cũng thể tránh được" đối với Giáo Hội. Văn kiện yêu cầu các người giáo dân hãy dấn thân trong đời sống công cộng, để tìm ra những quy luật luân lý và pháp luật cho một chính sách "toàn cầu hóa" về kinh tế, mà không đi đến việc loại trừ các người nghèo khổ hoặc làm cho họ trở nên nghèo khổ hơn.

Tại Á Châu cũng như tại các lục địa khác trên thế giới, nguyên tắc được ÐTC nêu lên, luôn luôn có giá trị; đó là: việc rao giảng Tin Mừng được tập trung vào gia đình và khởi sự từ gia đình, vì gia đình là cột trụ của xã hội và của Giáo Hội, vừa đồng thời được tập trung vào các phương tiện truyền thông xã hội, những dụng cụ hữu hiệu của công việc rao giảng Tin Mừng , cách riêng cho những nơi khan hiếm nhân sự truyền giáo. Dó đó việc thiết lập và ủng hộ các đài truyền hình, đài phát thanh, nâng đỡ báo chí công giáo là một việc tông đồ và truyền giáo cần được hàng giáo sĩ và giáo dân quan tâm cách riêng.


Back to Radio Veritas Asia Home Page