Người Kitô Ấn Ðộ đồng ý việc chính phủ nước này từ chối một chuyến viếng thăm của đặc sứ Mỹ về tôn giáo.
(AFP 13/09/99) - Ấn Ðộ (New Delhi) - Thứ Hai 13/09/99, lãnh tụ các cộng đoàn Kitô ở Ấn Ðộ đã bày tỏ sự đồng ý trước việc chính phủ nước này từ chối để cho một đặc sứ của Hoa Kỳ về quyền tự do tôn giáo đến viếng thăm Ấn Ðộ, tuy nhiên các lãnh tụ Kitô cũng chỉ trích chính phủ là đã thất bại trong trách nhiệm bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo thiểu số.
Trong bản báo cáo thường niên về nạn vi phạm quyền tự do tôn giáo trên thế giới, vừa được công bố hồi tuần trước, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ trích chính phủ Ấn Giáo đương cầm quyền ở Ấn Ðộ và các tổ chức Ấn Giáo đồng minh, về sự kỳ thị nhắm vào các tín hữu không theo đạo Ấn. Bản báo cáo cho rằng các giá trị thế tục truyền thống của Ấn Ðộ đang bị đe dọa bởi chính sách kỳ thị này của các nhóm Ấn Giáo. Báo chí đã trích thuật lời của ông Robert Seiple, đặc sứ lưu động của Hoa Kỳ về quyền tự do giáo trên thế giới, nói rằng ông quan tâm về tình hình tự do tôn giáo ở Ấn Ðộ, và ông muốn viếng thăm New Delhi để thảo luận với chính phủ Ấn Ðộ về vấn đề này. Bộ ngoại giao Ấn Ðộ đã đáp ứng bằng cách bác bỏ điều mà Ấn Ðộ cho là một sự can dự vào chuyện nội bộ của Ấn Ðộ, và nói rõ là chính phủ Ấn Ðộ sẽ không mời đại sứ Robert Seiple đến nước này.
Phê bình về sự kiện trên đây, Linh Mục Dominic Emmanuel, thuộc Diễn Ðàn Kitô Hiệp Nhất cho Nhân Quyền của Ấn Ðộ đã phát biểu như sau: "Chúng tôi hài lòng khi Hoa Kỳ hay bất cứ chính phủ nào lưu ý tới vấn đề tôn giáo tại Ấn Ðộ, tuy nhiên giáo hội Ấn Ðộ nghĩ rằng một chuyến viếng thăm theo ý hướng trên là không đúng. Ðức Cha Caram Masih, thuộc giáo hội miền Bắc Ấn, thì nói thẳng như sau: "Tôi đồng ý với quan điểm là không nên có một áp lực ngoại bang nào lên Ấn Ðộ, liên quan tới các vấn đề tôn giáo". Trong khi đó, ông John Dayal, phát ngôn viên của tổ chức Liên Hiệp Tất Cả Người Công Giáo Ấn Ðộ, bày tỏ sự đồng tình với những lời như sau: "Là những công dân Ấn Ðộ, lập trường của chúng tôi là các quốc gia chủ quyền không nên can thiệp vào chuyện của những quốc gia chủ quyền khác. Tuy chúng tôi thông báo tin tức cho giáo hội và các tổ chức nhân quyền nước ngoài, nhưng chúng tôi không yêu cầu hành động nào khác hơn là áp lực luân lý từ cộng đồng quốc tế".
Tuy bày tỏ sự đồng tình với lập trường của chính phủ, nhưng các nhà lãnh đạo Kitô cũng lập luận rằng, sự thất bại của chính phủ trong việc bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo thiểu số chính là nguyên nhân tạo nên sự can thiệp từ bên ngoài. Về điểm này, Linh Mục Emmanuel ghi nhận như sau: "Ðiều chắc chắn là chính phủ Ấn Ðộ cần phải nỗ lực thêm nữa trong công tác bảo vệ các tín hữu thiểu số. Các cộng đồng thiểu số ở Ấn Ðộ đang bị kỳ thị, và cái chết mới đây của một linh mục Công Giáo tại bang Orissa cho thấy, bạo động chống người thiểu số vẫn tiếp diễn".