Ðiểm báo ngày 8/11/1999
về chuyến viếng thăm của
ÐTC Gioan Phaolô II tại Ấn Ðộ

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðiểm báo ngày 8/11/1999 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ấn Ðộ.

Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ấn Ðộ để công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu kết thúc sáng thứ Hai (08.11.99). Từ New Delhi, ÐTC lên đường viếng thăm Cộng Hòa Georgia do lời mời của Ðức Giáo Chủ Chính Thống và của Tổng Thống Edward Shevardnadze. Cộng Hòa Georgia một quốc gia nhỏ bé: diện tích: 69,493 cây số vuông; dân cư gần 5 triệu rưởi, hầu hết thuộc Giáo Hội Chính Thống; người Công Giáo khoảng 100 ngàn. Georgia trước đây thuộc khối Liên Xô, và được độc lập vào năm 1991. Báo chí ra ngày Thứ Hai 08.11.99 đề cao cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và các lãnh tụ tôn giáo tại Ấn Ðộ hôm chiều Chúa Nhật (07.11.99) tại Vigyan Bhawan (đọc: Vighian), có nghĩa là Tòa Nhà Khoa Học. Ðây là trung tâm lớn nhất dành cho các hội nghị, diễn thuyết... tại thủ đô New Delhi.

Tờ "Người Ðưa Tin Chiều" (Corriere della sera), nhật báo lớn nhất tại Ý, xuất bản tại Milano (miền bắc) viết với tựa lớn nơi trang 13, là trang dành cho các biến cố quốc tế, như sau: "ÐTC nói với các người Ấn Giáo về sự khoan dung". Phía bên trên tựa nằy, có thêm câu phụ đề như sau: Kết thúc chuyến viếng thăm tại Tiểu Lục Ðịa, chuyến viếng thăm được đánh dấu bằng những chống đối của nhóm Ấn Giáo quá khích, chống lại các vụ trở lại Kitô Giáo mà họ tố cáo là "cưỡng ép". Phía dưới có thêm lời phụ thứ hai: Trong buổi cầu nguyện Liên Tôn tại New Delhi, lời kêu gọi về tự do lương tâm. Bài báo có đăng hai hình: hình lãnh tụ Ấn Giáo nắm tay ÐTC giơ lên như một người thắng giải vô địch. Và bức hình thứ hai: ÐTC cầm thánh giá trong thánh lễ, kế bên hình Mẹ Têrêsa. Ðặc phái viên của nhật báo từ New Delhi thuật lại những lời cương quyết của Ðức Gioan Phaolô II nói lên trong buổi gặp gỡ các lãnh tụ tôn giáo. Ngài nói: "Tự do tôn giáo tạo nên điểm trung tâm của các quyền con người. Tự do này, không thể bị vi phạm, đến độ đòi rằng: tự do, thậm chí cả tự do thay đổi tôn giáo, nếu lương tâm đòi hỏi, cũng phải được công nhận cho mỗi một và mọi con người... Nói đến những giới hạn của tự do tôn giáo, Ðức Gioan Phaolô II còn rõ ràng hơn nữa rằng: "Không một Nhà Nước nào có quyền kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp các xác tín tôn giáo của người dân, cũng không được chiếm cho mình quyền áp đặt hay ngăn cản việc tuyên xưng công khai tín ngưỡng và việc thực hành tôn giáo". Bài bào nhắc lại lời ÐTC: "Gây chiến tranh nhân danh tôn giáo là một tương phản rõ ràng", rồi giải thích thêm như sau: Với lời này ÐTC có ý nhắc đến biết bao vụ bạo hành giữa các tôn giáo và nhất là những vụ bạo hành chống lại các tín hữu Kitô, hiện đang xẩy ra tại Indonesia, Ấn Ðộ, Pakistan. ÐTC kết thúc diễn văn với lời kêu gọi đối thoại và hòa bình giữa các tín ngưỡng khác nhau. ÐTC nói: "Lựa chọn khoan dung như con đường cho tương lai, nghĩa là bảo vệ những gì là quí báu hơn cả trong gia tài lớn lao của tôn giáo của tất cả nhân loại". Sau đó, đại diện Ấn Giáo nắm chặt tay Ðức Gioan Phaolô II và nói với ngài: "Ngài là vị thánh, vị thánh, vị thánh, ngài là vị "Papa" (Người Cha Cả) đến từ Roma. Rồi một vị lãnh đạo một tôn giáo khác cũng tại Ấn Ðộ đề nghị thành lập "một Cơ Quan Quốc tế Các Tôn Giáo", giống như thể "Liên Hiệp Quốc", có nhiệm vụ đề phòng và giải quyết các xung đột, bất khoan dung, cuồng tín giữa các tôn giáo. Tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo đồng thanh ca ngợi những hoạt động của Ðức Gioan Phaolô II cho hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc trên thế giới. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Tòa Nhà Khoa Học, trong bầu khí bình thản, thân mật, cởi mở. Các nhóm quá khích không được tham dự.

Nhật báo "Người Ðưa Tin" (Il Messaggero), tờ báo lớn xuất bản tại Roma, cũng dành một bài dài về thánh lễ và cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo nơi trang về các tin tức thế giới. Báo này viết với tựa lớn như sau: "Ấn Ðộ, cuộc đình chiến đối với ÐTC". Bên dưới tựa đề, có thêm lời phụ: "Một đại diện Ấn Giáo chào ÐTC như người chiếm giải vô địch trong cuộc thi đua, như nguời chiến thắng trong trận đấu quyền". Bài báo nhấn mạnh rằng: Trong cuôïc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo, Ðức Gioan Phaolô II yêu cầu "việc toàn cầu hóa tình liên đới". Tờ báo nhắc lại việc tưởng niệm Mẹ Têrêsa vào cuối thánh lễ. Ðây là cử chỉ ý nghĩa. ÐTC nói: "Tôi xin tất cả Giáo Hội đừng bao giờ quên chứng tá về tình yêu Phúc Âm của Mẹ, nhất là tình yêu đối vối các người nghèo khổ. Mẹ Têrêsa đã yêu mến Ấn Ðộ và sẽ sống mãi mãi với dân tộc này". Bài báo cũng nhắc đến sự vắng mặt của các giám mục: Trung Quốc, Cam Bốt, Lào, Macao và miền Ðông Timor. Rồi thuật lại rằng: Tiến Sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên Tòa Thánh tháp tùng chuyến viếng thăm của ÐTC, tuyên bố: Mối quan hệ giữa Vatican-Việt Nam đang tiến đến chỗ bình thường. Về chuyến viếng thăm Irak, phát ngôn viên cho biết: Còn trong vòng chuẩn bị. Hiện chưa có lời mời chính thức. Chuyến viếng thăm này, nếu được thực hiện trong Mùa Ðông này, sẽ không thể thêm chặng Sinai được. Ðức Gioan Phaolô II mơ ước được cầu nguyện với tất cả các vị Giáo Chủ Chính Thống vào cuối năm 2000. Chuyến viếng thăm tại Georgia trong hai ngày thứ Hai mùng 8 và thứ Ba mùng 9 tháng 11/1999 nầy là một chặng thêm nữa của việc lại gần nhau giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tại Cộng Hòa Georgia, cho dù Vị Giáo Chủ Chính Thống Nga, tại Mosocwa, Ðức Alexis đệ nhị, còn có thái độ đứng cách xa.

Tờ "Roma Thời Báo" (Il Tempo di Roma) viết với tựa lớn 5 cột, nơi trang dành cho các biến cố thế giới, như sau: "Con người tự do lựa chọn tôn giáo của mình". Phía dưới lời tựa, là câu nhận định: Mỗi một người phải được tôn trọng về đức tin của họ, cả Nhà Nước cũng phải tôn trọng. Báo này nhận xét: Ðức Gioan Phaolô II hài lòng, vì báo chí Ấn Ðộ, ít ra một phần, hiểu rằng: chuyến viếng thăm này không phải để giải quyết các vụ tố cáo trở lại cưỡng ép, và vấn đề của các mối quan hệ giữa các tôn giáo, nhưng là vấn đề của việc tôn trọng quyền nền tảng của con người về tự do lựa chọn tôn giáo mà họ tin. Hầu hết các vị lãnh đạo tôn giáo, trừ đại diện Hồi Giáo, hiện diện trong buổi gặp gỡ, đồng ý công nhận rằng: tự do tôn giáo tạo nên điểm trung tâm của các quyền con người. Trong bài khác, tờ báo viết như sau: Ðạo Công Giáo gây nên sự sợ hãi, bởi vì rao giảng quyền bình đẳng. Mẹ Têrêsa rao giảng "bình đẳng, huynh đệ - huynh đệ , bình đẳng". Trái lại Ấn Giáo sợ bình đẳng và tình huynh đệ, vì tôn giáo này chủ trương bất bình đẳng, chủ trương giai cấp xã hội. Vì thế, cần phải tranh luận xem Ấn Giáo có phải là một tôn giáo của bất bạo hành không? Bài báo cũng nói đến lịch sử đạo Công Giáo tại Ấn Ðộ: được rao giảng từ thời các Thánh Tông Ðồ. Vì theo truyền thống, Thánh Tôma đã đến rao giảng Tin Mừng tại đây. Với hai ngàn năm lịch sử, với những tổ chức và cơ sở vững chắc, với các hoạt động rất được tín nhiệm, cả nơi các tín hữu của Ấn Giáo, trong lãnh vực giáo dục, y tế và xã hội bác ái. Ðạo Công Giáo không phải là một cái gì mới lạ, cái gì "ngoại quốc" tại Ấn Ðộ. Ấn Giáo xem ra lo sợ sự phát triển càng ngày càng mạnh của Giáo Hội Công Giáo.

Tại Ấn Ðộ, ngày thứ Hai mùng 8 tháng 11/1999, còn là Ngày Mừng Lễ DIWALI, lễ Ánh Sáng, mặc dù đúng ngày là Chúa Nhật mùng 7 tháng 11/1999. Lễ nầy đối với truyền thống dân tộc Ấn Ðộ là như ngày lễ Tết Nguyên Ðán, của các dân tộc Trung Quốc, Việt Nam, nên hầu hết các báo tại Ấn Ðộ nghỉ lễ, trừ tờ "Kẻ Công Quyền" (The Statesman) xuất bản tại thủ đô New Delhi. Nơi trang nhất, báo này đăng hình thật to ÐTC đang cho rước lễ và kế bên bàn thờ có hình Mẹ Têrêsa. Tựa đề của bài báo là: Thánh lễ do ÐTC chủ sự với những yếu tố của hội nhập văn hóa: nghi lễ có tính cách Ấn Ðộ và lễ Diwali, hay đúng hơn vài nghi thức của lễ Ánh Sáng DIWALI, cũng đã được xen vào trong việc cử hành thánh lễ Công Giáo trong những lúc khác nhau. Nhật báo nhắn mạnh một vài đoạn bài giảng của ÐTC: "Ngàn năm tới đây sẽ phải là ngàn năm của cộng tác, của đối thoại và của tình liên đới giữa các tôn giáo". ÐTC mời gọi các tín hữu Kitô biến đổi xã hội, bằng việc nhập thể Chúa Kitô vào trong tất cả các khía cạnh của đời sống - ÐTC nhắc đến vấn đề hòa bình, việc tôn trọng nhau và tình yêu thương: đây là sự lựa chọn duy nhất có thể, để cổ võ sự đoàn kết gia đình nhân loại. Tờ "Kẻ Công Quyền" dành hai đoạn để tả lại những yếu tố khác nhau của việc hội nhập văn hóa trong thánh lễ Chúa Nhật 7/11/1999 tại sân vận động Nehru. Bào này nhấn mạnh đến việc ÐTC cho 30 người rước lễ, trong số này có mấy người tàn tật và đau yếu. Rồi nhắc đến lời chào cuối lễ của ÐTC bằng tiếng Ấn, chúc lành cho cả Ấn Ðộ, cầu chúc hòa bình và xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi người. Ngoài ra, nhật báo còn đăng nhiều hình đẹp về thánh lễ, được gọi là: Ðại hội của Ðức tin.

TIN SAU CÙNG - Trên máy bay từ New Delhi đến Tbilisi (thủ đô Cộng Hòa Georgia), qua hệ thống âm thanh của máy bay Air India A 310, ÐTC chào thăm các phóng viên báo chí và truyền thanh, truyền hình trên máy bay. Ngài nói: "Kết thúc chuyến viếng thăm tại Á Châu, tôi muốn tận tình cảm ơn tất cả anh chị em đã theo tôi trong chuyến viếng thăm này. Một lời cảm ơn riêng về sự đóng góp để Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu được kết thúc tốt đẹp. Tôi cảm ơn các phóng viên báo chí và các đại diện khác của các phương tiện truyền thông. Giờ đây chúng ta tới thăm một quốc gia khác trong Lục địa Châu Âu và tôi vui mừng vì việc đến thăm Cộng Hòa Georgia xẩy ra trong một ngày đầy ý nghĩa, tức là ngày kỷ niệm 10 năm việc sụp đổ "Bức Tường Berlin". Việc kỷ niêm này khuyến khích chúng ta bắc những chiếc cầu giữa các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hóa". ÐTC kết thúc lời chào thăm như sau: "Một lời chào thân tình gửi tới tất cả và tôi xin chào thăm với tâm tình biết ơn các vị trách nhiệm, các nhân viên của Hãng Hàng Không Ấn Ðộ. Tôi xin gửi phép lành cho tất cả mọi người."


Back to Radio Veritas Asia Home Page