Giáo Hội tiếp tục chiến dịch chống lại dự luật Ly Dị.
Tin MANILA (UCAN 21/09/99) -- Các tổ chức của Giáo Hội vẫn tiếp tục chống lại một dự luật hợp pháp hóa ly dị, trong khi dự luật chờ được thảo luận tại Quốc Hội. Nữ tu dòng Chúa Chiên Lành Pilar Verzosa, chủ tịch hội "Philippin ủng hộ sự sống", đã mở một chiến dịch lấy chữ ký chống lại Dự luật 6993 của Hạ Viện, nói với UCA News hồi đầu tháng 9 rằng đã có thêm 60,000 chữ ký, ngoài số 100,000 chữ ký mà hội đã đệ trình cho một ban tư vấn của quốc hội hồi tháng 5/1999. Philippin, quốc gia Á Châu duy nhất với đa số dân là Công Giáo, không cho phép vợ chồng ly dị được tái hôn, mặc dù cho phép họ phân chia tài sản của vợ chồng và dàn xếp việc nuôi dạy con cái. Luật Gia Ðình của Philippin cũng cho phép tiêu hôn trong trường hợp một người phối ngẫu bị bất bất lực về mặt tâm lý.
Dự luật 6993 do dân biểu Manuel Ortega đề nghị vào tháng 3/1999, sẽ tu chính luật gia đình nhằm cho phép vợ chồng ly dị cũng như cho phép các cặp ly thân được tái hôn. Khi giới thiệu dự luật, Ortega nói ông hy vọng việc ly dị sẽ cho phép người phối ngẫu bị người kia đánh đập được "được tự do tái hôn và có thể đạt được một cuộc sống gia đình ổn định và trọn vẹn." Ông nói hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra từ các quan hệ nam nữ bất hợp pháp đã không được luật pháp bảo vệ. Ông nói thêm, nhiều con cái hợp pháp của các cuộc hôn nhân bị thất bại đang bị bỏ rơi do thiếu các quy định pháp lý như tiền cấp dưỡng và hỗ trợ con cái, tức là những biện pháp buộc cha mẹ phải chịu trách nhiệm về phúc lợi của con cái. Vị dân biểu này cũng nhận định rằng những người có điều kiện ra nước ngoài có thể tái hôn, còn người phối ngẫu ở nhà lại bị ràng buộc bởi cuộc hôn nhân thất bại.
Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, tổng giáo phận Lingayen - Dagupan nói với các phóng viên ngày 5-09-99 rằng các nhà lập pháp nên chú ý hơn tớùi các đề nghị nhằm củng cố hôn nhân và ngăn ngừa hôn nhân bị thất bại hơn là tìm cách chữa trị "những cuộc hôn nhân đã bị đổ vỡ." Vị chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippin (CBCP) nêu câu hỏi tại sao các nhà lập pháp không đưa ra những đề nghị giúp đỡ các cặp vợ chồng duy trì một đời sống gia đình ổn định. Những đề nghị này có thể bao gồm những quy định pháp lý về tham vấn và kinh tế để giúp các gia đình có được lương bổng và nhà ở xứng hợp. Ðức Tổng Giám Mục Cruz cũng là phó chánh án tòa án kháng cáo hôn phối thuộc Hội Ðồng Giám Mục Philippin, nói rằng các đôi lứa cần xem xét các yếu tố như khả năng sinh sống và sức khỏe thể lý và tâm lý trước khi tiến tới hôn nhân.
Hội "Philippin ủng hộ sự sống", một hiệp hội toàn quốc của Giáo Hội, đã đệ trình cho dân biểu Carlos Cojuangco, chủ tịch Ủy Ban Sửa Ðổi Luật Pháp (CRL) 100,000 chữ ký đầu tiên mà hội đã thu thập được để chống lại dự luật ly dị. Mười đại biểu của các đoàn thể khác của Giáo Hội cũng tham dự cuộc hội nghị tư vấn ngày 9-05-99 về dự luật do Ủy Ban Sửa Ðổi Luật Pháp tổ chức, vì đây là cơ quan của quốc hội sẽ quyết định liệu một dự luật sẽ được trình cho quốc hội thảo luận hay không. Một tài liệu bày tỏ lập trường của Văn Phòng Pháp Lý Phụ Nữ, một tổ chức phi chính phủ và là một trong hai nhóm ủng hộ dự luật ly dị tại hội nghị tư vấn, khẳng định rằng "không có luật ly dị thì cũng không hàn gắn được các đôi lứa trong trường hợp hôn nhân của họ bị thất bại."
Thư ký của Ủy Ban Sửa Ðổi Luật Pháp là David Cosalan nói rằng sẽ phải có một buổi điều trần nữa của Ủy Ban về dự luật, bởi vì ủy ban còn đang phải xem xét "nhiều dự luật khẩn cấp khác." Ông ghi nhận rằng nếu dự luật không được ủy ban thông qua vào cuối nhiệm kỳ Quốc Hội hiện nay, tức vào tháng 7-2000, dự luật sẽ hết hiệu lực mặc dù có thể được giới thiệu lại.
Dự luật ly dị là một trong bốn dự luật mà Hội Ðồng Giám Mục Philippin cho là trái với giáo lý Công Giáo. Hội Ðồng Giám Mục cũng chống lại các dự luật nhằm hợp thức hóa việc phá thai trong một số trường hợp đặc biệt, tăng cường Ủy Ban Dân Số nhằm đạt những mục tiêu về dân số do chính phủ đề ra và dành quyền bình đẳng cho những người đồng tính luyến ái, kể cả quyền "được sống chung với nhau." Theo nữ tu Verzosa, hội của bà đã thu thập được 100,000 chữ ký nhằm chống lại từng dự luật trong số ba dự luật nói trên thông qua các diễn đàn mà hội đã tổ chức tại nhiều trường học, giáo xứ và các nơi khác.