Bosnia-Herzegovina
cảm thấy bị Tây Phương bỏ rơi

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bosnia-Herzegovina cảm thấy bị Tây Phương bỏ rơi.

(Zenit 25/09/99) - Bosnia - Herzegovina - 5 năm sau khi cuộc chiến tại Bosnia-Herzegovina kết thúc, cuộc sống của người dân tại đây không có gì thay đổi và họ cảm thấy mình đang bị Tây Phương bỏ rơi.

Trên đây là cảm nghĩ của cha Kresimir Puljic, chủ tịch Caristas tại Mostar. Trong cuộc phỏng vấn với tờ "Tương Lai" của Ý, cha Puljic cho biết tình trạng của dân chúng tại miền lãnh thổ này thật thê thảm. Họ không có việc làm, và gần như đã đánh mất phẩm giá của mình. Ðiều duy nhứt mà họ nghĩ tới là làm thế nào để tồn tại, chứ không phải để xây dựng một cuộc sống dựa trên căn bản của cộng đoàn dân sự. Ðây là chưa kể tới những vấn đề xã hội đang ảnh hưởng tới mọi người. Bosnia-Herzegovina hiện có khoảng 2,000 quả phụ và 4,000 cô nhi. Các bãi mìn cá nhân nằm rải rác ở khắp mọi nơi. Cách đây hai tuần, có hai trẻ em 5 và 7 tuổi đã chết vì đạp phải mìn. Vị chủ tịch Caritas Mostar nói thêm như sau: "Nền kinh tế của Bosnia-Herzegovina vẫn tiếp tục ở trong tình trạng bị phá hủy hoàn toàn. Mọi sự vẫn còn như lúc chiến tranh vừa kết thúc. Chúng tôi hy vọng có sự trợ giúp cụ thể từ các nước Tây Phương, với một chương trình rõ ràng. Nhưng mọi sự vẫn dậm chân tại chỗ. Trong lúc này, không một ai muốn đứng ra tổ chức hay làm bất cứ sự gì".

Theo nhận định của cha Puljic thì thỏa hiệp Dayton không đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng chính trị của người dân tại vùng lãnh thổ này, đây là lý do tại sao lực lượng đa quốc vẫn tiếp tục ở lại để duy trì hòa bình. Thỏa hiệp Dayton cho người gốc Serbi quyền thành lập một cộng hòa riêng của họ, trong khi người Công Giáo Croat và Hồi Giáo phải sống chung trong một liên bang. Cha Puljic đặt câu hỏi là tại sao người Hồi Giáo và Công Giáo Croat không được quyền lập một quốc gia riêng như người Serbi, đây là vấn đề mà không sớm thì muộn, sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh mới. Người Công Giáo trong khắp miền Bosnia-Herzegovina chỉ là một thiểu số, chiếm khoảng 8% trong dân, trong khi số người Hồi Giáo trong liên bang cao gấp sáu lần. Trong lúc này, giáo hội Công Giáo tại Bosnia đang dấn thân trong các nỗ lực đối thoại và đại kết. Giáo hội Công Giáo muốn trở thành men tốt trong vùng Balkan. Tuy nhiên, đây là một công tác hết sức khó khăn. Người Công Giáo muốn hợp tác với các tín hữu chính thống Serbi, nhưng thiện chí này không được phía chính thống đáp trả. Trong khi đối với phe người Hồi Giáo, thì chỉ có con đường duy nhất là đối thoại mà thôi. Nhưng người Hồi Giáo chỉ lợi dùng thế đứng của họ là nạn nhân của chiến tranh, để tính đến chuyện thiết lập một nước Hồi Giáo riêng tại trung tâm của Âu Châu.


Back to Radio Veritas Asia Home Page