Những cảm tưởng
của Ðức Hồng Y Angelo Sodano
Quốc Vụ Khanh
và bài suy tư của Cha Pasquale Borgomeo
Tổng Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Vatican

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trong bài nầy, chúng tôi xin thuật lại những cảm tưởng của Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, nhân vật số hai, sau ÐTC trong công việc quản trị Giáo Hội, và bài suy tư của Cha Pasquale Borgomeo, Tổng Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Vatican, thuộc Ðoàn Tùy Tùng của ÐTC trong chuyến viếng thăm Ấn Ðộ. Cả hai bài do đặc phái viên của Ðài Vatican từ New Delhi gửi về Roma chiều Chúa Nhật 07.11.99.

1- Ðức Hồng Y Sodano nói: Ðây là ngày hy vọng cho Giáo Hội tại Á Châu. Tin Mừng như hạt giống được gieo xuống và ăn rễ dần dần trong đất và tại đây giữa các nền văn hóa từ ngàn năm - văn hóa Ấn Giáo tại Ấn Ðộ, và tại các nước khác - văn hóa Phật Giáo, Hồi Giáo, và Thần Giáo tại Nhật . Ðây là một sự xâm nhập chậm chạp, qua việc thu nhận những cái tốt của mỗi một tôn giáo và đạt đến sự thành toàn tôn giáo cùng với Tin Mừng của Chúa Kitô, ánh sáng các dân tộc: Vì thế đây là lý do của hy vọng, là con đường chậm chậm, con đường của việc phổ biến Tin Mừng. Hạt giống phát triển dần dần. Cái cốt yếu là phải có sự tín nhiệm nơi sức mạnh bên trong của Ơn Thánh Chúa, sự tín nhiệm nơi con người hiện đang hoạt động cho việc mở rộng Nước Chúa. ÐTC đã đem đến lời hy vọng này. Vì thế đây là ngày của hân hoan.

Ðược hỏi về việc ÐTC nhấn mạnh đến tự do tôn giáo, Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh trả lời rằng: Dĩ nhiên, đây là điều kiện cốt yếu. Không có khí trời, con người không thể sống được và khí trời đây đối với mỗi một tín hữu Kitô là mức tối thiểu về tự do tôn giáo, để không phải tìm sống trú ẩn trong các hang toại đạo. Lúc này đây, trong lương tâm của thời đại, có quan niệm về tự do cá nhân và lá cờ tự do này chúng ta phải phất cao lên. Các dân tộc Á Châu đã viết trong hiến pháp của mình, đã ký kết các thỏa ước quốc tế, nhưng tự do này phải đi vào nền văn hóa của dân tộc. Vì thế chúng ta phải hoạt động cho tự do tôn giáo này.

2 - Những suy tư của Cha Pasquale Borgomeo, Tổng Giám Ðốc Ðài Vatican, hiện đang theo chuyến viếng thăm quốc tế thứ 89 của ÐTC tại Ấn Ðộ:

Cha nói: Ðể công bố Tông huấn "Ecclesia in Asia" (Giáo hội tại Á Châu), và nếu thực hiện được ước mong của ngài, thì ÐTC sẽ đi Trung Quốc hay một nước nào khác, nơi Giáo Hội Công Giáo đang phải chịu những giới hạn về tự do của mình. Rồi nếu muốn được đón tiếp bởi từng triệu tín hữu hân hoan, thì ngài sẽ đi đến Philippines, quốc gia đa số Công Giáo. Nhưng trao cho các Giáo Hội Á Châu văn kiện, thành quả của Thượng Hội Ðồng, tại nhà thờ chính tòa dâng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu ở New Delhi, việc nầy tức khắc mang lấy chiều kích thách đố lớn lao: thách đố dối vối Giáo Hội Chúa Kitô là việc rao giảng Tin Mừng cho lục địa đông dân cư nhất trong các lục địa. Cha Tổng Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Vatican nói tiếp rằng: Thủ đô Ấn Ðộ là nơi xứng hợp để nói lên rằng: Giáo Hội biết mình là đàn chiên nhỏ bé tại Á Châu. Nhưng cùng nhau, Giáo Hội minh chứng rằng, nếu còn cần đến Giáo Hội, Giáo hội không lo lắng đến số phận của mình tại Á Châu, cho bằng lo lắng về số phận con người Á Châu, con người mà Giáo Hội không muốn chinh phục, cai trị, nhưng muốn phục vụ, như Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu đã xác nhận lại một lần nữa. Ý thức về con số nhỏ bé của mình, nhưng Giáo Hội không ngừng nhắc lại các tín hữu Kitô về trách nhiệm của họ, về mệnh lệnh của việc tìm lại sự hiệp nhất để làm cho chứng tá về Tin Mừng mà họ muốn rao giảng được đáng tin hơn. Trong việc suy tư của mình, Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu đã không thể không vấn lương tâm về Mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể tại Ðất Á Châu và Người lại bị coi là ngoại quốc bởi phần lớn các dân tộc Á Châu. Cha Borgomeo nói thêm: Toàn Giáo Hội, tuy hãnh diện về Các Vị Thánh và Các Vị Tử Ðạo của mình trong lịch sử của Lục Ðịa Á Châu, tự đặt câu hỏi tại sao, tại lục địa này, men mà Giáo Hội được gọi trở nên, tương đối bốc lên ít ỏi như vậy nơi dân chúng. Như vậy cái nhìn của Giáo Hội hướng về các vị truyền giáo tiên phong của Tin Mừng, lúc đó không biết đến danh từ "hội nhập văn hóa", với việc rao giảng của các ngài và với đời sống của các ngài, đã tìm cách làm cho cây Tin Mừng mọc lên trong một miền đất; và với sự hăng say và hiến thân hoàn toàn, các ngài đã học nhận biết và đánh giá các giá trị của miền đất này. Cha Giám Ðốc nhấn mạnh: Với sự khiêm tốn, với lòng yêu mến thành thực, Giáo Hội muốn, cả ngày nữa và còn hơn xưa kia, (Giáo Hội muốn) công nhận và đánh giá các ơn ban chứa đựng trong gia tài thiêng liêng của lục địa Á Châu như những hạt giống của Ngôi Lời gieo vãi. Giáo Hội muốn đối thoại, xây dựng và phục vụ vì tình yêu mến Thiên Chúa và vì tình yêu thương nhân loại. Nhưng nhân danh các tình yêu này, -- và thực ra chỉ là một tình yêu mà thôi --, (nhân danh các tình yêu nầy) Giáo Hội không thể từ chối việc trở nên men trong xã hội, không thể không mang đến trong con người và trong xã hội sức bốc của men, một thứ men chất vấn tâm hồn con người và canh tân mặt đất này. Men này, qua dòng các thế kỷ, đã nhiều lần bị coi là "phản động, cách mạng" bởi các thể chế, bởi quyền bính, khép kín mình trong những cơ cấu và truyền thống từ lâu đời, nhưng không chắc là bạn hữu của con người, cũng không tôn trọng phẩm giá của con người. Như vậy, men Tin Mừng thực sự đảo lộn, gây lo lắng, canh tân; và chỉ có những vị Thánh đã nhập thể men này với chứng tá thuyết phục của các ngài, với sự hành động êm dịu mà tình yêu thương biết ảnh hưởng trên các tâm hồn con nguời, như Mẹ Têrêsa, một con người yếu ớt và đồng thời bất khuất , mà Ấn Ðộ đều biết đến và cảm phục. Cha kết thúc bài suy tư như sau: Tương lai của Lục Ðịa Á Châu mênh mông và hấp dẫn này được phú thác cho các Vị Thánh và các linh hồn vĩ đại của các tôn giáo Á Châu, như Mahatma Gandhi, hơn là cho các kỹ thuật gia, các chính trị gia và các triết gia.


Back to Radio Veritas Asia Home Page