Ðiểm báo ngày 5/11/1999 về chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại New Delhi.
ÐTC Gioan Phaolô II đã đến thủ đô New Delhi, Ấn Ðộ, vào lúc 8 giờ tối giờ địa phương, ngày thứ Sáu mùng 5 tháng 11/1999. Cao điểm của chuyến viếng thăm nầy là Thánh Lễ tại Sân Vận Ðộng Nehru, vào sáng Chúa Nhật mùng 7 tháng 11/1999, để công bố Tông Huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Trong ngày viếng thăm đầu tiên của lần nầy, tức thứ Bảy mùng 6 tháng 11/1999, có hai biến cố đáng chú ý nhất; đó là cuộc viếng thăm xã giao Tổng Thống Ấn Ðộ, và Lễ Nghi Ðặc Biệt với sự hiện diện của các Giám Mục Á Châu, tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Tâm ở Thủ Ðô New Delhi, để long trọng Bế Mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Chúng tôi lần lượt thuật lại những biến cố nầy trong các chương trình tường thuật. Trong bài nầy, chúng ta hãy rảo qua các báo chí.
Tất cả các báo lớn tại Ấn Ðộ đều dành nơi trang nhất một hoặc hai bài về chuyến viếng thăm của ÐTC; nhưng đây là những bài thời sự, hơn là bình luận hoặc xã thuyết. Ðiểm chính được nêu lên vẫn là đề tài: ủng hộï hay phản đối chuyến viếng thăm. Nói đúng ra: cuộc biểu tình từ Goa (thành phố mạn Nam Ấn Ðộ, thuộc Bồ Ðào Nha trong nhiều thế kỷ trước đây) đến thủ đô New Delhi, kết thúc trước ngày ÐTC tới, thực sự chỉ có khoảng ba trăm người tham dự (sánh với hơn 900 triệu dân Ấn Ðộ, thật không đáng kể); nhưng báo chí thiên tả thường "thổi phồng" những cái mà họ ưa thích, ít chú trọng đến sự thật và tính cách khách quan của biến cố, của sự việc xẩy ra.
Các báo chí cũng đề cao cuộc họp báo của Ðức Cha De Lastic, Tổng Giám Mục New Delhi, cách riêng về sự đánh giá cao việc tổ chức và tiếp đón ÐTC, với những biện pháp an ninh chu đáo về phía Chính Phủ.
Nhật báo The Indian Express, nơi trang nhất để hình nhỏ Ðức Gioan Phaolô II, bên phía trái của trang, viết với lời tựa như sau: Chính phủ đặt những chống đối chuyến viếng thăm dưới tấm thảm. Trong bài báo này người thấy rõ chuyến viếng thăm của ÐTC là một cuộc thử nghiệm đối với đường lối chính trị và một cuộc thử sức về khả năng ngoại giao của Chính Phủ mới. Nói đến lập trường của Giáo Hội, bài bào đề cao việc cảm ơn của Ðức Tổng Giám Mục De Lastic đối với Nhà Cầm Quyền quốc gia về tổ chức, về đón tiếp, về vấn đề an ninh và về công việc diễn tiến tốt đẹp.
Tờ báo The Times of India, nơi trang dành cho những tin tức của Thủ Ðô, dành một bài với tựa đề: Hôm nay (05.11.99), Ðức Gioan Phaolô II đến thành phố New Delhi. Bài báo nhắc lại chuyến viếng thăm năm 1986 và cuộc đón tiếp dành cho ngài hồi đó. Lần này, Ðức Gioan Phaolô II chỉ đến New Delhi mà thôi. Bài báo cũng nhắc đến những tranh luận, và việc yêu cầu xin lỗi. Việc xin lỗi này, Ðức Tổng Giám Mục De Lastic trả lời rằng: đây là việc của Bồ Ðào Nha, không phải việc của ÐTC. Bài báo cũng loan tin: một trong bốn vị lãnh đạo cao nhất của Ấn Giáo, sẽ tham dự buổi gặp gỡ Liên Tôn vào chiều Chúa Nhật 7/11/1999, do ÐTC chủ tọa. Các vị khác tỏ thái độ đè dặt về vấn đề của các vụ trở lại Kitô Giáo, hiện đang tranh luận trong dịp này.
Tờ The Times of India cũng nhắc đến cuộc biểu tình từ Goa đến New Delhi, đồng thời nêu lên con số người tham dự "chỉ có khoảng 300 người mà thôi".
Nhật báo cũng nhắc lại câu trả lời của Ðức Tổng Giám Mục De Lastic trong cuộc họp báo hôm 04.11.99 vừa qua, về vấn đề xin lỗi. Ngài nói: Việc này phải nói với Bồ Ðào Nha.
Tờ báo The Statesman, xuất bản tại Calcutta, nhưng có tính cách toàn quốc, dành một bài nơi trang nhất với tựa đề: Chương trình nghiêm nhặt về an ninh đối với chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II. Báo này cũng đề cao lời cảm ơn của Ðức Tổng Giám Mục De Lastic đối với Chính Phủ về việc tổ chức, về chương trình và về những biện pháp an ninh rất chu đáo.
Tờ báo The Hindu xuất bản tại New Delhi - dành một bài nơi cuối trang nhất với tít đề: Ðám đông tuốn đến chung quanh "Xe Di Chuyển Ðức Giáo Hoàng" (Papamobil), nhưng hơi có giọng châm biếm rằng: từng ngàn người như bị thôi miên bởi chiếc xe lạ lùng này, tuốn ra các ngả đường để được thấy Ðức Gioan Phaolô II. (dân tuốn ra để thấy ÐTC không phải bị thôi miên bởi chiềc xe "Paplamobil").
Tờ The Hindu cũng loan báo: chuyến viếng thăm sẽ được các mass-media chú trọng cách riêng. Rồi bài báo nhấn mạnh sự kiện này là trong những ngày này đột nhiên xuất hiện những nhóm không ai biết đến (chống đối và ủng hộ chuyến viếng thăm). Họ cho phổ biến thông cáo, tuyên bố rùm beng với mục đích gây tiếng vang cho công việc họ làm. Báo này cũng đề cao: nhiều tổ chức không thuộc Kitô Giáo, như "Indian National Social Forum" chẳng hạn... chống đối mọi hình thức của chủ nghĩa quá khích của nhóm Ấn Giáo cực đoan.
Tờ báo The Hindoustan Time - Bài nơi cuối trang nhất, viết với tựa đề: Hôm nay (05.11.99 ) Ðức Gioan Phaolô II tới Ấn Ðộ. Báo này cũng đề cao các biện pháp an ninh, đồng thời cũng thuật lại những lời tuyên bố của Ðức Tổng Giám Mục De Lastic trong cuộc họp báo. Ngài nói: Người dân bộ lạc đã bị cản trở và kiểm soát bởi các dân tộc Ariane, mà không một người nào nêu lên vấn đề "xin lỗi, xin tha thứ".
Ðặc phái viên của Ðài Vatican từ New Delhi gửi về những nhận xét sau đây về vụ yêu cầu xin lỗi về những bạo hành do những người thuộc địa Bồ Ðào Nha phạm ở thế kỷ XV và việc lên án chung những "vụ trở lại cưỡng ép"; xét cho đến cùng, mọi người đều thấy rằng: hoạt động xã hội của Giáo Hội Công Giáo gây tức giận những người theo phe Ấn Giáo cuồng tín. Ðặc phái viên thuật lại lời của một cô người Pháp hiện dấn thân cách riêng trong việc giúp đỡ các người nghèo khổ tại vùng ngoại ô thành phố New Delhi. Cô nói: "Các tín hữu Kitô gây phiền rầy, bởi vì việc bênh vực phẩm giá con người cáo giác trật tự xã hội". Rồi đặc phái viên giải thích: Các giai cấp, trên nguyên tắc, đã được bãi bỏ tại Ấn Ðộ, nhưng giai cấp vẫn luôn luôn tạo nên nền tảng của xã hội. Về điểm này, những tương phản không thiếu, bởi vì, nếu Ấn Ðộ, như phần lớn các nước láng giềng, vừa bị những phản ảnh về kinh tế và xã hội của cơn khủng hoảng Á Châu, thì các nhà xã hội học đều đồng ý rằng phải có giai cấp trung lưu. Chính giai cấp trung lưu này là vựa chứa các lá phiếu của Ðảng Cầm Quyền hiện nay. Ðặc phái viên viết thêm: Không thiếu các gia đình ghi tên con cái vào các trường Công Giáo, nơi bảo đảm một nền giáo dục lành mạnh, như thời của sự hiện diện người Anh. Hành động như vậy, gián tiếp họ không chấp thuận hình thức bạo hành của nhóm Ấn Giáo cực đoan.
Ðặc phái viên khác của Ðài Vatican bình luận về nhóm quá khích Ấn Giáo như sau: Ðây là nhóm thiểu số cực đoan, nhưng đã gây nên nhiều vụ bạo hành chống lại các tín hữu Kitô. Một phong trào có lẽ có tính cách chính trị hơn tôn giáo; phong trào này coi Kitô Giáo là thù địch; họ tổ chức cuộc diễu hành chống lại chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II. Họ đốt hình ngài. Năm người trong số các người biểu tình bị bắt giữ, nhưng Giáo Hội Công Giáo đã xin trả tự do cho họ. Người Công Giáo tha thứ và sống hòa hợp với mọi người. Ðặc phái viên này viết thêm như sau: Nhưng các vị lãnh đạo chủ chốt của các tôn giáo khác nhau và đại đa số dân chúng đón tiếp ÐTC với niềm hân hoan: ngài đến để lên tiếng nhân danh người nghèo khổ, để rao giảng hòa bình, để đối thoại, để đề cao việc tôn trọng nhân quyền. Ngài đến gặp gỡ dân tộc Á Châu và như các lần khác ngài đã làm tại các quốc gia này, có thể ngài sẽ nói bằng những lời không bao động của Mahatma Gandhi, lời cảm thương của Buddha, lời khiêm tốn của Lão Tử (Lao Tze) , lời hòa hợp của Khổng Tử (Confucio); nhưng ngài sẽ rao giảng với sức mạnh và với sự đơn sơ Tìn Mừng Tình Yêu của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, chết và sống lại để đem lại sự sống cho mọi người, cả những người bị lãng quên hơn cả trong nhân loại tại Lục địa Á Châu mênh mông này.