ÐTC lên đường
viếng thăm Ấn Ðộ

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC lên đường viếng thăm Ấn Ðộ.

Theo chương trình đã được công bố: Từ mồng 5 đến mồng 9 tháng 11/1999, ÐTC viếng thăm Ấn Ðộ và Georgia. Ðây là chuyến viếng thăm quốc tế thứ 89 trong hơn 20 năm Triều Giáo Hoàng và là chuyến viếng thăm thứ 5 trong năm 1999. Nhưng không phải là chuyến viếng thăm sau cùng của năm này. Chuyến viếng thăm Irak cũng được nói đến nhiều, tuy chưa được công bố chính thức, vì những phức tạp của chính trị, quân sự, như Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, tuyên bố: "Cần phải suy tư thêm". Suy tư thêm, không có nghĩa là hủy bỏ. Tòa Thánh vẫn xúc tiến các cuộc vận động ngoại giao với các phe liên hệ, để chuyến viếng thăm Irak của ÐTC có thể thực hiện, hy vọng, trong năm 1999 này.

Chuyến viếng thăm New Delhi được diễn ra trong lúc có nhiều căng thẳng. Tại Ấn Ðộ, ÐTC đến vào lúc nhiều nhóm Ấn Giáo quá khích vừa kết thúc cuộc biểu tình chống đối chuyến viếng thăm và nhất là chống đối Giáo Hội Công Giáo chiêu mộ các tín đồ của Ấn Giáo. ÐTC đến Ấn Ðộ để công bố Tông Huấn Hậu-Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, đã được triệu tập tại Vatican vào Mùa Xuân năm ngoái (1998) . Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) gồm tóm những đề nghị đã được thảo luận và bỏ phiếu trong Khóa Họp vừa qua và sau đó được đệ lên ÐTC cứu xét và chấp thuận. Tông huấn trình bày những chỉ dẫn căn bản cho công việc rao giảng Tin Mừng trong Ngàn Năm thứ ba tại Lục Ðịa mênh mông và đông dân cư nhất trên thế giới: khoảng 3 tỉ rưỡi, trong số này chỉ có 105 triệu người Công Giáo. Thật là Pusillus grex: một đàn chiên quá nhỏ bé. Hội Ðồng thế giới Ấn Giáo tố cáo Giáo Hội Công Giáo về những vụ trở lại "cưỡng ép" và về những vụ nhiều người dân Ấn chuyển từ Ấn Giáo sang Kitô Giáo trong một số miền tại Ấn Ðộ. Hội Ðồng yêu cầu Ðức Gioan Phaolô II chính thức xin lỗi về những vụ tàn bạo đã phạm cách đây 4 thế kỷ tại miền nam Ấn Ðộ, do Tòa Án "Ðiều Tra" (Inquisitio). Hội Ðồng mời gọi ÐTC đừng giảng "Kitô Giáo như con đường duy nhất của việc cứu rỗi". Về những tố cáo và yêu cầu trên đây, Ðức Cha Alan Basil Lastic, Tổng Giám Mục giáo phận New Delhi, trả lời như sau: "Một số tín đồ Ấn Giáo lợi dụng cơ hội này để tung ra chiến dịch lường gạt và có hệ thống, một chiến dịch được tung ra bằng những "nửa sự thật", bằng nói dối và bằng xuyên tạc tin tức. Ðức Tổng Giám Mục bác bỏ những tố cáo chiêu mộ tín đồ và những vụ trở lại "cưỡng ép". Ngài quả quyết rằng: Ủy Ban Nhân Quyền, trong khi điều tra về những vụ tố cáo này, đã không tìm ra một trường hợp nào của vụ trở lại cưỡng ép. Về việc mời gọi Ðức Gioan Phaolô II đừng rao giảng Kitô Giáo như con đường duy nhất của việc cứu rỗi, Ðức Cha Lastic trả lời: "Lời mời gọi này vi phạm tự do tôn giáo. ÐTC đề nghị cái mà ngài tin; ngài không áp đặt. Cả Chính Phủ của Thủ Tướng Atal Behari Vajpayee, tín đồ Ấn Giáo, lãnh tụ Ðảng Liên Hiệp Dân Chủ Quốc Gia" (chiếm đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử cách đây một tháng) không đồng ý với chiến dịch chống lại chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II và Giáo Hội Công Giáo. Bộ Trưởng Nội Vụ, ông Lah Krishna Advani, tuyên bố: "Ðây là một chiến dịch không hợp nơi, không hợp thời. Ðức Gioan Phaolô II đã được Chính Phủ mời viếng thăm Ấn Ðộ và ngài là Thượng Khách của Nhà Nước". Lý do chống đối của các nhóm Ấn Giáo quá khích gia tăng trong thời gian qua tại Ấn Ðộ, nơi có tới gần một tỉ dân cư, trong đó chỉ có hơn 17 triệu tín hữu Công Giáo. Ðiều đáng lo ngại hơn cả là những vụ bạo hành chống lại các tín hữu Công Giáo, cách riêng các nhà truyền giáo, các linh mục, các tu sĩ nam nữ tại một số Bang. Trong những ngày vừa qua, có hai linh mục bị bắt giữ tại Bang Gujarat và bị cáo về tội "cưỡng ép mấy người nông dân Ấn Ðộ trở lại Kitô Giáo". Cũng trong Bang này, một linh mục khác bị tấn công vì đã cử hành Thánh Lễ trong một xã. Theo báo cáo của Bộ Trưởng Nội Vụ đọc trước Quốc Hội, thì từ tháng Giêng năm 1998 đến tháng 2 năm 1999, đã có hơn một trăm vụ bạo hành (kể cả mấy vụ sát hại nữa) chống lại thiểu số tín hữu Kitô.

Tuần báo Famiglia Cristiana của Ý (số ra ngày 7.11.99) giải thích lý do của những chống đối Kitô giáo như sau: Xem ra việc khước từ Kitô Giáo, tuy đối với nhiều người Á Châu là tôn giáo ngoại quốc (xét về phương diện văn hóa và phụng vụ) và trong quá khứ vẫn bị coi là liên kết với Chế Ðộ Thực Dân Tây Phương, không là lý do chính. Việc giải thích đúng hơn phải tìm ở căn cớ khác. Cấp lãnh đạo bảo thủ của Ấn Giáo chống đối các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo vì Giáo Hội đi sát người nghèo, người bị loại ngoài lề xã hội và các nhóm sắc tộc thiểu số tại Ấn Ðộ (có tới 250 sắc tộc khác nhau). Các lớp người này chiếm đại đa số tại Ấn Ðộ. Họ nhận thấy rằng: Kitô Giáo đem đến phẩm giá con người, bênh vực các quyền của người nghèo khổ, và săn sóc đến những người bị loại ngoài lề xã hội. Công việc xã hội, bác ái của Mẹ Têrêsa đều được biết đến, nói đến, tại Ấn Ðộ. Tuần báo Famiglia Cristiana viết tiếp: Những vấn đề tương tự như vậy cũng xẩy ra tại Pakistan, nơi đây người Công Giáo thuộc thiểu số và luôn luôn bị phe cực đoan Hồi Giáo đe dọa. Tuần báo Famiglia Cristiana kết luận: Ðoàn chiên nhỏ bé của các người Công Giáo Á Châu (105 triệu trong sồ 3 tỉ rưỡi tổng số dân của Châu Á) xem ra chỉ được "chăn nuôi" tại những cánh đồng khô cằn. Từ New Delhi, ÐTC sẽ tìm suởi ấm tâm hồn họ và chỉ vẽ cho họ những con đường hiệu nghiệm hơn cho việc minh chứng Tin Mừng. Trong sứ điệp gởi dân chúa, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã chỉ vẽ cách riêng con đường này: con đường đối thoại. Ðối thoại với các nền văn hóa của Á Châu, đối thoại với các tôn giáo Á Châu và đối thoại với các dân tộc Á Châu, nhất là với các người nghèo khổ. Sứ điệp nói rõ: Trong bối cảnh của một xã hội nhiều chủng tộc, nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa, việc đối thoại liên tôn rõ ràng là một sự cần thiết. Cuộc đối thoại phải là cuộc gặp gỡ tôn trọng nhau và thành thực, trong đó các người tham dự ước mong muốn hiểu biết nhau, học hỏi lẫn nhau, phong phú hóa cho nhau và yêu thương nhau.


Back to Radio Veritas Asia Home Page