Những phản ứng khác nhau
nơi các tín đồ tôn giáo khác
đối với vụ án phong Chân Phước
cho Mẹ Têrêsa

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Những phản ứng khác nhau nơi các tín đồ tôn giáo khác đối với vụ án phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa.

Tin CALCUTTA, Ấn Ðộ (UCAN 13/09/99 -- Tín đồ các tôn giáo khác tại Ấn Ðộ cho biết họ ủng hộ việc phong Thánh cho Mẹ Têrêsa, nhưng quan niệm về Thánh Nhân của họ lại không giống nhau.

Nhiều Phật Tử, tín đồ Ấn Giáo, đạo Jaina và tín đồ Hồi Giáo nhất trí rằng Mẹ Têrêsa đã là một vị Thánh theo các chuẩn mực của tôn giáo của họ, vốn là những tôn giáo không có tiến trình điều tra phong Thánh.

Syed Manal Alquadri, 56 tuổi, dạy môn văn hóa Hồi Giáo tại phân khoa Ả Rập và Ba Tư của Ðại Học Calcutta nói: "Chúng tôi cảm thấy Mẹ Têrêsa đã làm công việc mà đa số các lãnh đạo Hồi Giáo của chúng tôi lẽ ra đã phải làm, nhưng họ đã không làm." Tín đồ Hồi Giáo xem Mẹ Têrêsa là biểu tượng của lòng nhân ái. Ông Alquadri nói thêm: "Phục vụ nhân loại là một trong các nội dung giáo lý quan trọng nhất của Hồi Giáo." Tuy nhiên, Alquadri nói rằng Hồi Giáo không có tiến trình "phong Thánh" và việc được nâng lên hàng các Thánh là do "Ðức Allah cao cả ban cho." Ông nói: "Nếu một người là trung tín, chân thật, vị tha và đã phục vụ con người, thì có thể coi người ấy như một người Thánh."

Milan Chowdhury, chủ bút của tờ nguyệt san "Tấm gương Phật Giáo", nói rằng Phật Tử sẽ "rất vui thích", nếu Mẹ Têrêsa được ban ơn làm Thánh, vì mẹ "là người phụ nữ lý tưởng dưới con mắt của Phật Tử." Ông nói rằng tôn giáo của ông không có tiến trình đặc biệt để phong Thánh cho một người, nhưng tôn kính các "a la hán", tức là những người sống cuộc sống vô tư nhưng giúp tiêu diệt nỗi khổ của tha nhân. Ông cho biết thêm người ta nhận biết được những người này nhờ quan sát.

Swami Sibhamayananda, một tu sĩ cao niên của Hội Hindu Rama Krishna, nói rằng "những gì mà Mẹ Têrêsa đã làm là một cách khác để thành thân." Ngài nói: "Chúng tôi tin rằng mọi tôn giáo đều là con đường hợp lý để tới với Ðấng Tuyệt đối." Ngài cho biết Ấn Giáo không có tiến trình phong Thánh chính thức, nhưng đã công nhận nhiều người đã "thành thân" và noi theo gương của họ.

Lata Bothra, chủ bút tờ "Tirtha", một nhật báo của đạo Jaina bằng tiếng Hindi, cho rằng Mẹ Têrêsa là "một con người vĩ đại" xét về mặt nhân đạo, nhưng "chúng tôi không đồng ý với mục tiêu của mẹ là cải đạo người ta theo Kitô Giáo."

Maya Boyd, hiệu trưởng Trường Nữ Jain tại Calcutta, nói rằng tôn giáo của bà "không có quan niệm làm Thánh sau khi chết. Người ta trở thành Thánh khi còn sống." Bà cho biết một người được quan sát rất kỹ xem có tuân giữ năm điều luật của đạo Jaina hay không, đó là không giết người, không nói dối, không trộm cắp, không dính bén sự đời và kiêng dục tính. Bà nói: "Nếu một người đã chu toàn các điều này, người ấy được tuyên bố là Thánh Nhân."

Adi Rabadi, 67 tuổi, một người quản trị Ðền Lửa Zoroastrian của người Parsi tại Calcutta, nghi ngờ liệu Mẹ Têrêsa có thể được coi là Thánh hay không, vì "mẹ liên quan đến nhiều vụ tranh luận." Ngài nói: "Mẹ đã chống nạn phá thai. Hiện nay, trong một đất nước bùng nổ dân số như nước chúng tôi, thì dứt khoát cần phải giảm dân số." Rabadi nói thêm, đạo Zoroastrian không có Thánh Nhân, vì "chúng tôi tin vào một Thượng Ðế và một tiên tri là Zoroaster."

Ðức Tổng Giám Mục Henry D'Souza, tổng giáo phận Calcutta, đã khởi đầu tiến trình điều tra cho vụ án phong Thánh của Mẹ Têrêsa từ ngày 26-07-99. Một nhóm điều tra đã phỏng vấn sơ khởi một số người làm chứng biết rõ về Mẹ Têrêsa.


Back to Radio Veritas Asia Home Page