Kính thưa Ðức Thánh Cha, trong Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha gửi Ngày Giới Trẻ Thế Giới 1999, Ðức Thánh Cha đã kêu gọi chúng con, cùng với toàn thể Giáo Hội, "hãy hướng về Thiên Chúa là Cha và, bằng một tấm lòng tri ân cảm mến, các con hãy lắng nghe lời mạc khải lạ lùng của Chúa Giêsu: 'Chúa Cha yêu thương các con' (x.Jn.16:27)". Và Ðức Thánh Cha còn bảo đảm với chúng con rằng: "Tình yêu của Ngài không bao giờ bỏ rơi các con, giao ước an bình của Ngài không bao giờ xa lìa các con!". Chúng con tin chắc như thế. Tuy nhiên, có những lúc chúng con thấy khó hiểu cách Chúa Cha yêu thương chúng con, khi chúng con phải đối diện với khổ đau và cái chết của thành phần trẻ như chúng con, khi những thiên tai xẩy đến cho thành phần vô tội, thậm chí khi con người trải qua những khiếp đảm của chiến tranh. Thật vậy, chúng ta đang kết thúc một thế kỷ từng được đánh dấu bằng các cuộc chiến tranh và lòng thù ghét giữa các dân tộc. Ngay cả cho đến ngày hôm nay đây, nhất là trong những giờ phút này, chiến tranh và lòng thù ghét vẫn tiếp tục diễn tiến nơi những miền rất gần với chúng ta đây là Yugoslavia trước kia. Kính thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha có thể giúp chúng con hiểu được làm sao Chúa Cha không bao giờ thôi yêu thương chúng con, cả khi chúng con thấy khổ đau nơi thành phần công chính và vô tội, khi nhiều đồng bạn của chúng con bị chế ngự bởi các hiện tượng hủy hoại như nghiện hút, cũng như khi con người sát hại sự sống mình vì lòng hận ghét và chiến tranh?
Giới Trẻ thân mến,
Cha chào mừng các con tới điện
Vatican, đến Thính Ðường
Phaolô VI. Cha chào mừng các con hiện
diện trong tòa nhà này cũng như
các con đang ở ngoài trời
mưa, dù không nặng hột cho lắm.
Dù sao các con cũng mạnh hơn cả
mưa gió.
Giới Trẻ thân mến,
1- Vấn nạn thứ nhất các
con đặt ra cho Cha được cắm
rễ sâu trong chính cõi lòng của
con người. Nơi vấn nạn mà
thành phần đại diện của các
con hỏi Cha, Cha nghe như là một âm vang
của cuộc chống đối mạnh mẽ
chúng ta đã đọc thấy trong
"Câu Truyện về một Ðại Kiểm
Sát Viên" của Dostoevsky: "Chúng
tôi làm thế nào tin tưởng
nơi Thiên Chúa được khi Ngài
để cho đứa trẻ vô tội
phải chết?". Chúng ta kinh nghiệm thấy,
và hầu hết chính mắt trông
thấy, vấn đề sự dữ
trong cuộc sống hằng ngày của chúng
ta. Những cuộc bàn giải về vấn
đề này hình như không có
tác hiệu ngay lập tức, nhất là
khi chính bản thân chúng ta nếm mùi
bệnh hoạn hay khổ đau, hoặc khi chúng
ta bị rung động bởi cái chết
của một người gần gũi thân
thương của mình.
Thế nhưng, Cha sẽ không muốn tránh né cái thách đố chất chứa trong vấn nạn này. Tuy nhiên, trước hết, Cha cũng muốn hỏi các con một câu gợi ý thế này: các con hỏi Cha phải hiểu thế nào về tình yêu của Chúa Cha khi chúng ta thấy mình đối diện với hận ghét, với chia rẽ, với những cách thức khác nhau trong việc hủy hoại phẩm gía bản vị, và với chiến tranh. Ðúng vậy, ít lâu trước đây các con cũng đã đề cập đến tình trạng tương khắc, đó là tình trạng Yugoslavia đang đổ máu và mối quan tâm rất nhiều đến các nạn nhân cũng như đến các hậu qủa từ đấy mà ra đối với Âu Châu cũng như đối với cả thế giới. Cha thành thực hy vọng rằng vũ khí sẽ được xếp lại sớm bao nhiêu có thể và việc đối thoại cũng như điều đình sẽ được thực hiện, để nhờ việc đóng góp của mọi người, toàn miền Balkan sẽ được hưởng một nền hoà bình bền bỉ và chính đáng.
Phần Cha muốn hỏi các con thế này: tại sao các con chỉ đặt vấn đề tình yêu Thiên Chúa ở đâu mà lại không nhấn mạnh đến các trách nhiệm phát xuất từ tội lỗi của con người? Tóm lại, tại sao chúng ta đổ lỗi cho Thiên Chúa trong khi chính con người phải chịu trách nhiệm về những quyết định tự do của mình?
Tội lỗi không phải là một thứ lý thuyết trừu tượng; trái lại, các hậu quả của nó có thể được chứng thực. Sự dữ mà các con xin Cha cắt nghĩa có một gốc rễ tội lỗi và là một việc chối từ sống theo giáo huấn của Thiên Chúa. Nó làm tổn thương đến việc hiện hữu của con người và dẫn họ tới việc phủ nhận những gì là tốt lành. Như thế thì chính chúng ta cũng gắn liền với tị hiềm, ghen tương và vị kỷ, mà không nhận ra rằng thái độ như vậy sẽ dẫn chúng ta đến một tình trạng lẻ loi cô độc và làm mất đi ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Bất chấp tất cả những điều ấy, các con vẫn có thể tin chắc rằng tình yêu Thiên Chúa không bao giờ vắng bóng, vì chính Thiên Chúa đã muốn chia sẻ cuộc đau thương và cái chết của Người với chúng ta. Ðó chính là những gì chúng ta phải nhớ trong giai đoạn Mùa Chay và trong Tuần Thánh này. Và những gì Người đã trải qua cũng là những gì đã được cứu vớt và cứu chuộc. Sự dữ đã bị quyền lực tình yêu khống chế, như Thánh Tông Ðồ Phaolô hoàn toàn xác tín khi nhấn mạnh rằng: "Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Gian nan, khốn khó, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy hay gươm giáo ư? Không, nhờ Ðấng yêu thương mình, chúng ta thắng được tất cả những điều này" (Rm.8:35-37). Bởi thế, cách thế để chiến thắng sự dữ là hãy lớn lên trong tình yêu của Chúa Cha, Ðấng đã mạc khải mình cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô.