Ðức Thánh cha:
Bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề đức tin
Ðức Thánh cha: Bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề đức tin.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 04-07-2025) - Ðức Thánh cha Lêô XIV nhắc nhở các tín hữu trong Giáo hội rằng bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề liên quan đến đức tin, khi nói: "Nạn phá rừng, làm ô nhiễm, làm mất sự khác biệt về sinh học" là những tội mà dân nghèo phải trả giá nhiều nhất.
Ðức Thánh cha khẳng định như trên, trong sứ điệp công bố hôm mùng 02 tháng Bảy năm 2025, để chuẩn bị cho Ngày Cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên Lần thứ 10, sẽ được cử hành vào thứ Hai, ngày 01 tháng Chín năm 2025.
Chính Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập Ngày Cầu nguyện này và đã chọn đề tài cho ngày năm 2025, là "Những hạt giống hòa bình và hy vọng". Sáng kiến này đã được Ðức Thánh cha đương kim khẳng định sự cấp thiết và tiếp tục tiến hành.
Ðức Thánh cha Lêô XIV nhắc nhở rằng "Trong một thế giới nơi mà những người mong manh yếu đuối nhất là những người đầu tiên phải chịu những hậu quả tàn phá của sự thay đổi khí hậu, việc chăm sóc công trình tạo dựng (của Thiên Chúa) trở thành một vấn đề đức tin và nhân đạo". Ðây là một sự cấp thiết, không những đòi một sự bảo vệ thông thường đối với môi trường, nhưng còn có chiều kích công bằng xã hội, kinh tế và nhân loại học. Ðối với các tín hữu, đây cũng là một đòi hỏi về thần học.
Dường như ngày nay người ta chưa ý thức rằng tàn phá thiên nhiên không phải là điều gây hại cho tất cả mọi người theo cùng một thể thức: chà đạp công lý và hòa bình có nghĩa là gây hại nhiều hơn cả cho những người nghèo nhất, người bị gạt ra ngoài lề và những người bị loại trừ. Trong bối cảnh này, tình trạng đau khổ của các cộng đoàn thổ dân bản địa thật là một biểu tượng".
Sau khi nhắc đến những vết thương con người gây ra cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Ðức Thánh cha Lêô XIV nhận xét rằng chắc chắn Thiên Chúa không nghĩ đến những vết thương khác nhau do tội lỗi, khi phó thác trái đất cho con người, được tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài, với nhiệm vụ "giữ gìn và vun trồng". Vì thế, giờ đây, một cái nhìn trong tinh thần đức tin về công trình tạo dựng đang đòi hỏi lời nói đi đôi với việc làm. Sống ơn gọi làm người gìn giữ công trình của Thiên Chúa, đó là phần chính yếu trong một cuộc sống nhân đức, không phải là một cái gì tùy ý, muốn làm hay không cũng được. Nó cũng chẳng phải là một khía cạnh phụ thuộc trong kinh nghiệm Kitô. Khi làm việc trong tinh thần tận tụy và dịu dàng, ta có thể làm nảy mầm nhiều hạt giống công lý, góp phần cho hòa bình và hy vọng".
(Asia News 2-7-2025)