Ðức Thánh cha tấn phong

hai mươi mốt Hồng y mới

 

Ðức Thánh cha tấn phong hai mươi mốt Hồng y mới.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 09-12-2024) - Lúc 16 giờ, ngày 07 tháng Mười Hai năm 2024, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự Công nghị tại Ðền thờ thánh Phêrô để tấn phong hai mươi mốt Hồng y mới, và trong bài giảng nhân dịp này, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các tân Hồng y hãy đi con đường của Chúa, đừng tìm những địa vị danh dự như các môn đệ cùng đi với Chúa, xin được ngồi bên tả bên hữu Ngài trong vinh quang, giữa lúc Chúa vất vả đi lên Jerusalem để chịu khổ giá.

Lễ nghi phong Hồng y mới là một buổi phụng vụ Lời Chúa, trước sự tham dự của 80 Hồng y, 72 Giám mục, hàng Giáo sĩ và thân nhân, giáo hữu của các tiến chức.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ sau khi công bố Tin mừng theo thánh Marco (10,32-45), kể lại hành trình của Chúa Giêsu với các môn đệ lên Jerusalem, nơi Chúa sẽ chịu khổ nạn thập giá. Nhưng hai môn đệ Giacôbê và Gioan tiến lên để xin Chúa hai chỗ danh dự. Ðức Thánh cha nói:

"Chúng ta đừng lấy làm gương mù vì điều đó, nhưng hãy khiêm tốn ý thức rằng: "Tâm hồn con người có những xáo trộn như thế" (Manzoni, I promessi spoci, cap. 10). Ðiều đó cũng có thể xảy ra cho chúng ta: con tim của chúng ta lạc đường, để cho mình bị chói mắt vì sức thu hút của uy tín, vì cám dỗ của quyền lực, vì một sự hăng say quá phàm tục đối với Chúa. Vì thế, điều quan trọng là nhìn vào nội tâm, khiêm tốn đặt mình trước Chúa và tự hỏi: con tim tôi đang đi về đâu?... Trở về với lòng mình để tái đặt mình trên con đường của Chúa Giêsu, đó là điều chúng ta đang cần. Và ngày hôm nay, tôi muốn nói với các anh em nhận tước vị Hồng y: Anh em hãy chú tâm đi theo con đường của Chúa Giêsu".

Và Ðức Thánh cha lần lượt nêu rõ ý nghĩa của điều này:

"Ði con đường của Chúa Giêsu trước tiên có nghĩa là trở về cùng Chúa và đặt Chúa ở trung tâm mọi sự. Trong đời sống thiêng liêng cũng như trong đời sống mục vụ, nhiều khi chúng ta tập trung vào những gì ngoài rìa mà quên điều thiết yếu. Quá nhiều khi những điều phụ thuộc chiếm chỗ của điều cần thiết, những vẻ bề ngoài được coi trọng... Trái lại, chúng ta cần trở lại trung tâm, phục hồi điều cơ bản, cởi bỏ những gì là thừa thãi để mặc lấy Chúa Kitô (Xc Rm 13,14). Cả từ "Cardine", nghĩa là bản lề, từ đó ra từ Cardinale, Hồng y, nhắc nhở chúng ta về điều này, cái bản lề của cánh cửa là một điểm tựa chắc chắn. Anh em thân mến, Chúa Giêsu là điểm tựa cơ bản, là trọng tâm việc phục vụ, là "bản lề" hướng dẫn toàn thể đời sống chúng ta".

Tiếp đến, "Ði con đường của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là vun trồng lòng say mê gặp gỡ. Chúa Giêsu không bao giờ đi đường một mình; sự liên kết của Ngài với Chúa Cha không cô lập Ngài với những biến cố và đau khổ của thế giới. Trái lại, chính vì để chữa lành các vết thương của con người và làm dịu bớt những gánh nặng trong tâm hồn, để gỡ bỏ những tảng đá tội lỗi và phá tan xích xiềng của nô lệ mà Chúa xuống trần thế. Và dọc đường, Ngài gặp gỡ những khuôn mặt đau khổ, trở nên gần gũi những người đã mất niềm hy vọng, nâng đỡ những người bị ngã và chữa lành người bệnh tật... Cuộc phiêu lưu trên đường, niềm vui được gặp gỡ tha nhân, chăm sóc những người yếu thế nhất: điều này phải linh hoạt việc phục vụ của anh em trong tư cách là Hồng y".

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Ði con đường của Chúa Giêsu có nghĩa là trở thành những người xây dựng tình hiệp thông và hiệp nhất. Trong khi giữa nhóm các môn đệ, sự cạnh tranh phá hủy hiệp nhất, thì con đường mà Chúa Giêsu đi dẫn Ngài đến đồi Canvê. Và trên thập giá, Chúa hoàn tất sứ mạng được ủy thác cho Ngài: không ai bị hư mất (Xc Ga 6,39), sau cùng bức tường thù hận bị phá đổ (Xc Ep 2,14) và tất cả có thể khám phá mình là con cùng Cha và là anh chị em với nhau".

Nghi thức phong Hồng y

Sau bài huấn dụ, Ðức Thánh cha đọc danh sách các Hồng y mới và đẳng linh mục hoặc phó tế được dành cho mỗi vị.

Tiếp đến, các Hồng y mới tuyên xưng đức tin, mỗi vị tuyên thệ vâng phục Ðức Thánh cha và các đấng kế vị, rồi tiến lên quỳ trước ngài để lãnh nhận mũ đỏ và nhẫn Hồng y. Rồi Ðức Thánh cha chỉ định tên nhà thờ hiệu tòa ở Roma cho mỗi tân chức, qua đó, các tân Hồng y trở nên thành phần của hàng Giáo sĩ của Giáo phận Roma.

Buổi lễ được tiếp nối với nghi thức trao ban bình an với các Hồng y khác, và sau cùng kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

Ban chiều cùng ngày, các tân Hồng y được phân chia các địa điểm khác nhau ở Vatican để tiếp đón những người đến chúc mừng.

(Tổng hợp 7-12-2024)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page