Ðức Hồng y Pizzaballa chủ sự thánh lễ tạ ơn
mừng mười một thánh tử đạo ở Damasco
Ðức Hồng y Pizzaballa chủ sự thánh lễ tạ ơn mừng mười một thánh tử đạo ở Damasco.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Damasco (RVA News 22-10-2024) - Sáng thứ Hai, ngày 21 tháng Mười năm 2024, Ðức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Dòng Phanxicô, Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem, đã chủ sự thánh lễ tạ ơn sau lễ tôn phong mười một thánh tử đạo, năm 1860, tại tu viện Phanxicô ở Damasco, thủ đô Syria, và mới được Ðức Thánh cha tôn phong sáng Chúa nhật, ngày 20 tháng Mười năm 2024.
Trong số mười một thánh tử đạo, có tám vị thuộc Dòng Phanxicô và ba giáo dân Công giáo Maronite. Ba giáo dân đã từ chối theo Hồi giáo nên đã bị sát hại.
Thánh lễ được cử hành tại Vương cung thánh đường thánh Anton Padova ở Roma. Trong số các vị đồng tế, cũng có cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa và một phái đoàn đông đảo các tu sĩ cùng dòng.
Trong bài giảng, Ðức Hồng y Pizzaballa nhấn mạnh đến ý nghĩa tử đạo: tử đạo không phải là ước muốn cái chết, nhưng là một chọn lựa biểu lộ tình yêu sâu xa và lòng trung thành tột đỉnh với điều mà các vị quan tâm nhất. Vì thế, tử đạo là chứng tá cao cả nhất về đức tin. Các vị tử đạo tỏ cho chúng ta, qua cuộc sống của các vị, sức mạnh của sự trung thành với Thiên Chúa, lòng trung thành không lay chuyển, cả khi đứng trước cái chết". Nhưng tử đạo cũng là một lời ngôn sứ, vì "tỏ cho thấy một cách thức mới mẻ và khác biệt khi ở giữa bạo lực và sự ác: cách thức Kitô hữu đương đầu với quyền lực sự ác của thế giới là đón nhận thánh giá. Ở cùng Chúa Kitô trên thánh giá, có nghĩa là không sợ chết, nhưng giữ cho sinh động ước muốn hiến thân, yêu thương nhưng không và tha thứ".
Ðức Hồng y Pizzaballa cũng nhắc lại thái độ của một trong những anh em Phanxicô ở Damasco, trước khi bị giết, đã tìm cách cứu Mình Thánh Chúa trong Nhà tạm và ngài nói thêm rằng: "Tử đạo cũng có thể được hiểu như một cử chỉ Thánh Thể. Nếu Thánh Thể là cử hành giới răn yêu thương, là lễ tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, thì tử đạo chứng tỏ sự viên mãn của những biến cố ấy trong thực tại thế giới. Những người đã hiến mạng sống vì Tin mừng, thì giúp giữ cho sự đặc sắc của Kitô giáo được luôn sinh động. Ðứng trước những lôgíc của trần thế, lôgíc sức mạnh, cảm thức ưu việt, chiến thắng, giàu sang và quyền lực, vị tử đạo đáp lại bằng sự hiến thân, ước muốn làm điều thiện, can đảm tha thứ, trung thành với sự thật và công lý, tình yêu nhưng không".
(Vatican News 21-10-2024)