Ðất nước và Giáo hội tại Ðông Timor

 

Ðất nước và Giáo hội tại Ðông Timor.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Dili (RVA News 10-09-2024) - Sau Vatican, Ðông Timor là nước có tỷ lệ Công giáo cao thế giới: 98% trên tổng số khoảng một triệu 400 ngàn dân cư, sống trên lãnh thổ rộng 14,800 cây số vuông, hơn kém bằng tỉnh Sơn La của Việt Nam.

Người Bồ Ðào Nha khám phá đảo Timor hồi đầu thế kỷ XVI và biến lãnh thổ này thành thuộc địa của mình từ năm 1520. Năm 1859, Bồ Ðào Nha nhường phần phía tây của đảo cho người Hòa Lan. Trong thời Thế chiến thứ II, từ 1942 đến 1945, Nhật Bản chiếm Timor thuộc Bồ Ðào Nha, nhưng sau khi Nhật thất trận, Bồ Ðào Nha phục hồi và cai trị lãnh thổ này cho đến ngày 28 tháng Mười Một năm 1975 thì trả lại nền độc lập cho dân Ðông Timor. Nhưng chỉ chín ngày sau đó, quân đội Indonesia tiến chiếm trọn phần đất này và năm sau đó biến thành tỉnh thứ 27 của mình.

Trong hai thập niên sau đó diễn ra cuộc tranh đấu giành độc lập của dân Ðông Timor, trong đó theo một số sử gia, có từ 100,000 đến 250,000 người thiệt mạng. Trong cuộc trưng cầu dân ý, do Liên Hiệp Quốc giám sát, hồi năm 1999, đại đa số dân Ðông Timor đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập khỏi Indonesia. Tuy nhiên, cũng có những lực lượng dân quân Timor chống độc lập do Indonesia tổ chức và hỗ trợ quân sự, khiến cho khoảng 1,400 người Ðông Timor bị giết hoặc bị mất tích, gần nửa triệu người phải di tản. Hầu hết các cơ cấu hạ tầng của Ðông Timor bị phá hủy trong đó có các gia cư, hệ thống dẫn thủy nhập điền, hệ thống cung cấp nước, trường học, và điện lực. Quân đội bảo hòa do Australia hướng dẫn được bố trí tại nhiều nơi và sau cùng chấm dứt được bạo lực. Năm 2002, Ðông Timor được quốc tế nhìn nhận như một quốc gia độc lập.

Năm 2006, Australia và Liên Hiệp Quốc lại dấn thân giúp bình định Ðông Timor, nhờ đó các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội được tiến hành năm sau đó, trong an bình. Liên Hiệp Quốc tiếp tục trợ giúp phát triển kinh tế và củng cố các cơ cấu chính trị. Hiện nay, Ðông Timor là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với nguồn kinh tế phần lớn dựa vào nguồn năng lượng dầu hỏa ở vùng biển Timor.

Cuộc viếng thăm của Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II

Ngày 12 tháng Mười năm 1989, khi Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Giáo phận Dili, thủ phủ của Ðông Timor, đất nước này còn ở trong tình trạng bị Indonesia chiếm đóng và loạn lạc, vì các lực lượng ủng hộ độc lập và chống độc lập xung đột nhau.

Trong cuộc viếng thăm ấy, khi Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II cử hành thánh lễ, có một nhóm sinh viên hô những khẩu hiệu chống Indonesia chiếm đóng Ðông Timor. Họ ném các ghế khiến cảnh sát Indonesia đã dùng gậy để đàn áp. Nhưng trầm trọng hơn, đó là biến cố hồi năm 1991, hơn 250 thường dân Ðông Timor bị lực lượng an ninh Indonesia sát hại, trong một đám tang tại nghĩa trang Santa Cruz, ở Dili. Cả sau cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập, đã xảy ra các cuộc đàn áp những người chống độc lập trong vòng vài tuần lễ khiến có 1.400 người bị thiệt mạng, kể cả các linh mục và nữ tu.

Giáo hội tăng trưởng

Trong thời nội chiến, chỉ có 20% dân chúng tại Ðông Timor là người Công giáo. Nhưng chẳng bao lâu Giáo hội trở thành một điểm tham chiếu với uy tín gia tăng mạnh trong dân chúng, vì Giáo hội mang lại sự giúp đỡ, nâng đỡ tinh thần, và hàng giáo sĩ Công giáo không do dự tố giác những vi phạm các quyền con người, và trong một số trường hợp còn giúp đỡ các chiến binh giành độc lập.

Số tín hữu Công giáo tại đây đã tăng từ 30% dân số hồi thập niên 1970 lên 98%, trên tổng số khoảng 1.4 triệu dân hiện nay. Ngoài Giáo phận Dili nguyên thủy, năm 1996, Tòa Thánh thiết lập thêm Giáo phận Baucau, ở miền đông và năm 2010, lập thêm Giáo phận Maliana, ở miền tây Dili.

Ngày 14 tháng Tám năm 2015, Cộng hòa Dân chủ Ðông Timor và Tòa Thánh đã ký hiệp định về quy chế pháp lý của Giáo hội Công giáo. Sau đó, năm 2019, Ðức Thánh cha Phanxicô thiết lập Giáo tỉnh Dili và nâng Dili thành Tổng giáo phận với hai giáo phận thuộc hạt. Hồi năm 2023, Ðại học Công giáo đầu tiên ở Ðông Timor mang tên Thánh Gioan Phaolô II đã được thiết lập để ghi nhớ cuộc viếng thăm lịch sử của ngài hồi năm 1989, được coi là biến cố đã giúp đẩy mạnh của tranh đấu giành độc lập của quốc gia này. Ngày 27 tháng Chín năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã bổ nhiệm vị hồng y đầu tiên tại nước này, là Virgilio do Carmo, Dòng Don Bosco, Tổng giám mục Giáo phận thủ đô Ðông Timor.

Mặc dù có nhiều khó khăn về kinh tế, Ðông Timor vẫn duy trì một niềm tin vững chắc. Trong khi tại nhiều nước khác, các chủng viện bị đóng cửa vì thiếu ơn gọi, thì Giáo hội tại Ðông Timor có hàng trăm ứng sinh chủng sinh muốn vào chủng viện, nhưng bị từ chối vì thiếu chỗ và thiếu cơ cấu tổ chức.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page